Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - KINH TẾ

Thị trường các nước mới nổi dưới hai gọng kềm "Trung Quốc và FED"

Ngân hàng trung ương Mỹ FED duy trì mức lãi suất chỉ đạo 0% gây quan ngại cho các nhà đầu tư. Ấn Độ mơ ước thành con rồng Trung Quốc. Pháp cho rằng « Đánh Daesh tại Syria không có nghĩa là tạo lợi thế cho Bachar ». Trên đây là những chủ đề chính trong mục điểm báo ngày 19/08/2015.

Giá dầu và nguyên nhiên liệu thế giới sụt giảm làm cho nền kinh tế của Nga bị điêu đứng.
Giá dầu và nguyên nhiên liệu thế giới sụt giảm làm cho nền kinh tế của Nga bị điêu đứng. REUTERS/Ilya Naymushin
Quảng cáo

Sau hai ngày họp của Ủy ban chính sách tiền tệ, ngày thứ Năm 17/09/2015, Ngân hàng Trung ương Mỹ ra thông báo không thay đổi lãi suất chỉ đạo. Như vậy là « Cục dự trữ Liên bang thích giữ nguyên hiện trạng », như nhận định của tờ Le Monde (19/08/2015) trên phụ trương kinh tế.  Động thái này của FED đã làm chấn động các sàn chứng khoán. Chỉ số chứng khoán Paris, CAC40 bị sụt mất 2,56%. Frankfurt mất 3,06% và Luân Đôn là 1,34%. Rõ ràng là « FED đang làm cho các nhà đầu tư lo ngại », phụ san kinh tế của Le Figaro nhận xét.

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, đâu là tác động của cuộc khủng hoảng này lên các nước đã phát triển, vào lúc Ngoại tệ và Cổ phiếu sụt giá thê thảm. Nhưng theo quan sát của Le Figaro, chính « Thị trường các nước mới trỗi dậy là đang bị Trung Quốc và FED giam hãm ». Tuy là các thị trường mới nổi lên này cảm thấy thở phào nhẹ nhõm trước quyết định giữ nguyên hiện trạng của FED, nhưng điều đó cũng không đem lại cho họ một chút tia hy vọng nào.

Các nhà đầu tư biết rất rõ là Hoa Kỳ rồi cũng sẽ tăng lãi suất chỉ đạo. Và điều này sẽ làm nảy sinh ra thêm nhiều vấn đề cho các nước này, trong khi đang chịu tác động mạnh do sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc. Tại các nước xuất khẩu dầu khí và nguyên nhiên liệu, như Nga và Brazil chẳng hạn, giá bán trên thế giới sụt giảm đã nhấn chìm hai nền kinh tế lớn mới trỗi dậy vào tình trạng suy thoái. Còn tại các nước nhập khẩu dầu, đương nhiên giá dầu giảm là điều có lợi, nhưng việc Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ đã đặt đồng nội tệ của những nước này dưới một áp lực lớn, đồng thời làm dấy lên nỗi sợ tăng trưởng Trung Quốc trì trệ.

Trước toàn cảnh nền kinh tế đen tối, không chỉ có IMF là cảm thấy lo lắng. Trong một nghiên cứu gần đây, ngân hàng Goldman Sachs còn lo ngại rằng các nền kinh tế mới trỗi dậy có nguy cơ làm gia tăng hơn nữa tác động của việc kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn lên các nền kinh tế đã phát triển.

Do vì ít giàu hơn, nên những quốc gia đó được trang bị kém hơn để bảo vệ đồng nội tệ và hỗ trợ cho tăng trưởng đang trong thế dao động. Hơn nữa, vì bị lệ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc, nên việc tiếp cận những yếu kém của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới này sẽ có những tác động lên các quốc gia này nhiều hơn là vào Châu Âu hay Hoa Kỳ. Nhưng đối với nhiều chuyên gia, đây cũng có thể sẽ là một thách thức lớn cho các thị trường trái phiếu Châu Âu và Hoa Kỳ trong trường hợp đồng nội tệ của các nền kinh tế mới trỗi dậy bị tấn công.

« Để bảo vệ đồng nội tệ, ngân hàng trung ương các nước sẽ phải vét sạch nguồn dự trữ ngoại tệ bằng cách bán ra những trái phiếu của chính phủ Hoa Kỳ và Châu Âu mà những ngân hàng này đang nắm giữ với rủi ro đẩy mạnh bất ngờ các lãi suất », như nhận định của một chuyên gia về các nước mới trỗi dậy. Rõ ràng là trong trường hợp này, các nền kinh tế mới nổi lên hiện như đang trong thế « trên đe dưới búa ».

Hồng Kông và Singapore : nạn nhân đầu tiên của Trung Quốc ?

Câu hỏi đặt ra trong trường hợp nền kinh tế Trung Quốc bị « hạ cánh » bất ngờ, ai sẽ bị tác động nhiều nhất. Cũng theo Le Figaro, « Hồng Kông và Singapore sẽ là những nạn nhân đầu tiên của Trung Quốc ».

Theo nhận định của tờ báo, do bởi tính chất gần về mặt địa lý và hội nhập kinh tế quá nhiều với Trung Quốc nên các thị trường Châu Á sẽ là những nạn nhân đầu tiên giả như nền kinh tế Trung Quốc bất ngờ « hạ cánh ». Nhật báo đưa ra một con số đáng kinh ngạc để minh chứng. Kể từ năm 2000, Trung Quốc đóng góp đến 72% cho sự tăng trưởng chung tại các nước Châu Á mới trỗi dậy.

Thông qua ba kênh giao dịch chính – thương mại, giá nguyên nhiên liệu và tài chính – Coface ( nhà bảo hiểm tín dụng) đã phác họa cho thấy những nước dễ bị tác động nhất.Trong đó, hai trung tâm tài chính lớn và thương mại quan trọng của khu vực là Hồng Kông và Singapore đặc biệt có lẽ sẽ bị ảnh hưởng nặng.

Dựa vào nhu cầu ít hay nhiều của Trung Quốc đối với nguyên nhiên liệu, cả khu vực Châu Á sẽ có những mức độ ảnh hưởng khác nhau tùy theo từng quốc gia. Chẳng hạn như tại Indonesia và Mông Cổ, cả hai nước này « dường như sẽ là những nước nhạy cảm nhất, gánh cùng lúc hai tác động về mặt khối lượng và giá cả », theo như quan sát của bà Marie Albert, phụ trách về những nước có rủi ro tại Coface.

Ấn Độ muốn hóa thành rồng như Trung Quốc

Trong khi kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu chựng lại, thì tại nước láng giềng Nam Á, nền kinh tế Ấn Độ hiện đang vận hành với một tốc độ nhanh hơn. Điều này đủ để cho Ấn Độ nuôi hy vọng trở thành « nhà xưởng mới của thế giới ».

« Voi Ấn Độ mơ hóa thành rồng Trung Quốc », Le Monde nhận xét. Trong khi toàn cảnh nền kinh tế thế giới không mấy sáng sủa thì Ấn Độ dự đoán mức tăng tưởng cho năm 2015 này là 7,2%. Hiệu quả còn cao hơn cả nước đối thủ láng giềng Trung Quốc, chỉ có được 6,7%.

Theo Le Monde, Ấn Độ là một trong số hiếm hoi các nước không bị ảnh hưởng từ nền kinh tế Trung Quốc. Không như các nước mới trỗi dậy khác như Brazil hay Indonesia, Ấn Độ tuy cũng là nước nhập khẩu, nhưng lại hưởng lợi rất nhiều từ hiện tượng giá nguyên nhiên liệu thế giới giảm.

Hơn nữa, New Dehli không lệ thuộc vào Trung Quốc về xuất khẩu, dù là bị thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Do đó, việc đồng nhân dân tệ bị phá giá cũng không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Ấn, vốn dĩ không chịu một áp lực cạnh tranh nào với đối thủ Trung Quốc trên thị trường xuất khẩu. Đối với một số chuyên gia Ấn Độ, đất nước dường như có cơ hội « tiếp sức cho đầu tàu tăng trưởng thế giới », do có giá nhân công rẻ và một thị trường rộng lớn không kém gì so với Trung Quốc.

Nhưng Le Monde nhận thấy là giấc mơ hóa rồng của « voi Ấn Độ » là cả một hành trình dài. Đầu tư nước ngoài vào Ấn Độ vẫn rất hạn chế, do bởi còn nhiều cản trở : khó khăn về mặt thủ tục hành chính, nhân công dồi dào nhưng thiếu tay nghề, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém.

Theo nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nếu đầu tư sản xuất để xuất khẩu, họ thích đầu tư vào Trung Quốc hơn. Đầu tư tại Ấn Độ chỉ để tìm kiếm « lợi nhuận từ mức tăng nhu cầu nội địa trong các lãnh vực như sản phẩm tiêu dùng hay trang thiết bị ». Hơn nữa, trong tham vọng trở thành công xưởng thế giới, Ấn Độ có thể sẽ không tận dụng được cùng bối cảnh như là Trung Quốc có được. Nhu cầu thế giới hiện bị giảm mạnh từ những năm 2000.

Cuối cùng Le Monde kết luận, con đường hướng tới « Make in India » như những gì ông Modi hiện đang đi quảng bá tại nhiều nước trước tiên cần phải thông qua ngả « Make for India ».

Nga : quân cờ chính trong bàn cờ Syria

Đến vùng Trung Cận Đông, những ngày gần đây báo chí Pháp nói nhiều về việc Nga triển khai quân tại Syria. Nếu như Hoa Kỳ quan sát sít sao từng cử động của Nga tại đây, luôn miệng cảnh giác Matxcơva mọi hành động ủng hộ Bachar el-Assad, nhà lãnh đạo độc tài Syria, thì có nhiều chuyên gia lên tiếng đánh giá vai trò chủ chốt của Nga trong hồ sơ này.

Tuần san Express số ra từ ngày 16/9 cho rằng « Không có Nga, không có giải pháp cho Syria ». Tờ báo nhấn mạnh rằng do thiếu sự đồng thuận giữa Nga và Phương Tây về chiến lược chung chống Daesh, cuộc xung đột tại Syria có nguy cơ kéo dài vô thời hạn. Và nạn nhân chính của cuộc xung đột đó đương nhiên là người dân Syria, những người không còn giải pháp nào khác là phải bỏ chạy sang Châu Âu. Một nạn nhân khác cũng bị làm vật hy sinh đó là phe đối lập Syria, hoàn toàn bị đè bẹp giữa sự bạo tàn của Daesh và cuộc chiến toàn diện do chính quyền Damas tiến hành.

Pháp : Chống Daesh tại Syria không đồng nghĩa ủng hộ Bachar

Cũng trên hồ sơ Syria, Le Monde đăng bài phỏng vấn Bộ trưởng Quốc phòng Jean Yves Le Drian giải thích về chính sách « phòng thủ chính đáng của Pháp tại Syria ». Khi được hỏi vì sao nước Pháp đột ngột thay đổi chiến lược tại Syria, ông Le Drian trước tiên khẳng định có một sự đổi hướng, nhưng không phải là thay đổi học thuyết, vì ba lý do.

Thứ nhất, quân thánh chiến khủng bố Daesh đã tiến nhiều về hướng tây và vào lãnh thổ Syria, đến mức đang trong thế đe dọa vùng Alep và sự tồn tại của các nhóm đối lập, mang tên là Quân đội Syria tự do.Sự tiến triển mạnh này đang đe dọa đến trục Damas-Homs, một phần hiện do quân đội chính quyền Damas trấn giữ. Nếu như mặt trận này đánh bại, chính Libang sẽ bị đe dọa.

Thứ hai, các nguồn tin tình báo cho biết Daesh mở rất nhiều trại huấn luyện binh sĩ không chỉ để phục vụ chiến đấu tại chỗ mà còn nhằm mục đích tấn công vào Châu Âu, và đặc biệt là Pháp. Cuối cùng, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp cho rằng phạm vi hành động của quân đội Damas đã bị thu hẹp. Do đó, việc đánh Daesh cũng không đồng nghĩa là mang lại lợi thế cho Bachar el-Assad.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.