Vào nội dung chính
IRAN - BẮC TRIỀU TIÊN - QUỐC TẾ - CHÂU Á

Thỏa thuận Iran : tác động chưa thể có lên hồ sơ Bắc Triều Tiên

Lục cường và Iran vừa đúc kết một thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân của Iran. Thế nhưng, thỏa thuận đó dường như sẽ không có tác động mạnh đối với tình trạng đàm phán bế tắc do chính Bắc Triều Tiên gây ra trong hồ sơ nguyên tử của nước này, bởi vì Bình Nhưỡng dường như không tỏ ra mặn mà nối lại các cuộc thương lượng. Trên đây là phân tích của các chuyên gia Mỹ đưa ra hôm thứ Ba 14/07/2014 và được hãng tin Hàn Quốc Yonhap dẫn thuật lại.

Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un theo dõi việc xây dựng Trung tâm Chỉ huy và Kiểm soát  Phát triển Chương trình Không gian Quốc gia.
Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un theo dõi việc xây dựng Trung tâm Chỉ huy và Kiểm soát Phát triển Chương trình Không gian Quốc gia. REUTERS/KCNA
Quảng cáo

Thỏa thuận này, với tên gọi « Kế hoạch hành động chung toàn diện », kêu gọi hạn chế một cách đáng kể chương trình hạt nhân Iran, để đổi lấy việc Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và Liên Hiệp Quốc bãi bỏ cấm vận kinh tế đang đè nặng lên Iran.

Tổng thống Mỹ Barack Obama hoan nghênh kết cục này. Ông nói: “Ngày nay, do Hoa Kỳ đã thương lượng cứng rắn và bằng những nguyên tắc, chúng ta đã ngăn chặn được sự phát triển vũ khí hạt nhân trong khu vực. Nhờ vào thỏa thuận, cộng đồng quốc tế có thể sẽ kiểm chứng được liệu nước Cộng hòa Hồi giáo Iran có phát triển vũ khí hạt nhân nữa hay không. Thỏa thuận này mang đến cơ hội để đi theo một hướng mới. Chúng ta phải nắm bắt lấy”.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao, John Kirby, cho biết thêm là thỏa thuận với Iran minh chứng thiện chí của Hoa Kỳ cũng mở rộng vòng tay với những quốc gia « có những bất đồng trong một thời gian dài » và đàm phán với Bắc Triều Tiên nếu như Bình Nhưỡng chấp nhận giải trừ hạt nhân.

Vẫn theo ông Kirby, Hoa Kỳ « sẵn sàng tiến hành các cuộc thương lượng nếu như đó là những cuộc đàm phán thành thật và khả tín, liên quan dến toàn bộ chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên và các cuộc thương lượng này có thể đưa ra những biện pháp cụ thể, không thể đảo ngược được đối với tiến trình phi hạt nhân hóa ». Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh : « Không thể chấp nhận được các ý định của Bình Nhưỡng muốn tiến hành đối thoại nhưng đồng thời lại che dấu những yếu tố quan trọng trong chương trình hạt nhân của họ ».

Theo các nhà phân tích, Bắc Triều Tiên không phải là ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ và chính quyền Obama cũng không thấy lợi ích gì để tái khởi động đàm phán với Bình Nhưỡng do tầm quan trọng của hồ sơ Iran. Việc đúc kết được thỏa thuận với Teheran rất có thể làm gia tăng hy vọng là giờ đây Washington sẽ quan tâm hơn đến vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên. Thế nhưng, các chuyên gia Hoa Kỳ đánh giá là khả năng này rất hạn chế, chừng nào Bắc Triều Tiên vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.

Ông Joel Wit, biên tập viên trang mạng vĩ tuyến 38 Bắc, thuộc Học viện về Triều Tiên Johns Hopkins do Hoa Kỳ tài trợ, cho rằng thỏa thuận mới « chắc sẽ lôi kéo chính quyền Obama vào một cuộc tranh luận trên chính trường Hoa Kỳ về các điều kiện và cách thực thi ».

Theo chuyên gia này, « do có chính quyền Obama phải đối mặt với quá nhiều vấn đề, nên ít có cơ may là Hoa Kỳ sẽ nỗ lực để lại bắt đầu các cuộc thương lượng về hạt nhân. Nói thực tâm, tôi không nghĩ là Bắc Triều Tiên mong muốn các cuộc thương lượng như vậy, do bởi các chính sách hiện nay của họ đã góp phần xây dựng thành công kho vũ khí hạt nhân đồng thời vẫn tiến hành được các cải thiện kinh tế ».

Ông Ken Gause, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên tại Viện nghiên cứu Mỹ-Triều Tiên (CAN Corp) cũng có đánh giá tương tự: « Cho dù thỏa thuận (với Iran) sẽ giúp Hoa Kỳ có thêm nhiều thời gian hơn để tập trung vào Bắc Triều Tiên, nhưng tôi không nghĩ là thỏa thuận này sẽ tạo một cú hích trong đàm phán sáu bên. Thỏa thuận về hạt nhân Iran sẽ không tác động đến các tính toán của Bắc Triều Tiên ».

Đối với Jonathan Pollack, nhà nghiên cứu thuộc Viện Brookings, hai hồ sơ về mặt cơ bản là khác nhau. Bình Nhưỡng đang thực hiện một chương trình vũ khí hạt nhân và đã rút khỏi Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (TNP). Iran thì chấp nhận lùi bước trước một số đòi hỏi quan trọng.

Ông Pollack giải thích: “Tôi không dự đoán sẽ có hệ lụy quan trọng đối với chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên. Sẽ không thể giải quyết được bế tắc một sớm một chiều, do không thấy có những thay đổi sâu sắc trong tư duy và chiến lược của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Hơn nữa, tôi cũng không thấy được là sẽ có những thay đổi quan trọng trong các chính sách của Hoa Kỳ đối với Bắc Triều Tiên”.

Về phần mình, ông Douglas Paal, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc chương trình Châu Á của Viện Carnegie Endowment for International Peace, cũng ghi nhận là đối với Iran, chương trình hạt nhân chỉ là « một lựa chọn, chứ không phải là một yếu tố cần thiết bảo đảm sự sống còn của chế độ », trong khi đó, Bình Nhưỡng lại cho rằng vũ khí hạt nhân là cần thiết cho sự tồn vong của chế độ. Chuyên gia này kết luận: « Hai trạng huống này không giống nhau ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.