Vào nội dung chính
PAKISTAN - TRUNG QUỐC - CHÂU Á - ĐIỂM BÁO

Trung Quốc lôi kéo Pakistan làm đồng minh chiến lược

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kết thúc chuyến công du Pakistan sau khi mang đến quốc gia láng giềng Tây Á này các hợp đồng đầu tư khổng lồ trị giá 46 tỷ euro. Mục tiêu của Bắc Kinh là kéo Islamabad trở thành trụ cột của chiến lược ảnh hưởng trong vùng sườn phía tây. Nhân sự kiện này nhật báo kinh tế Les Echos (22/04/2015) ghi nhận Trung Quốc không tiếc tiền đổ vào Pakistan để kéo nước này thành đồng minh chiến lược.

Pakistan trải thảm đỏ đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 20/04/2015.
Pakistan trải thảm đỏ đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 20/04/2015. Reuters
Quảng cáo

Theo Les Echos, chuyến thăm Pakistan của ông Tập Cận Bình đã cho thấy lợi ích chiến lược mà hai nước cần đến nhau. Sự đón tiếp long trọng ông Tập cũng xứng tầm với sự hào phóng của Trung Quốc dành cho Pakistan. Les Echos cho biết, tại Pakistan, Trung Quốc có được cái nhìn thiện cảm hiếm có tại Châu Á. Theo một nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu Mỹ Pew thì 78% dân Pakistan có cái nhìn tích cực đối với người hàng xóm lớn này. Trong khi đó Hoa Kỳ cũng được xem như là đối tác chiến lược của Pakistan nhưng chỉ có được hình ảnh tích cực ở 14% dân nước này.

Trong thời gian diễn ra chuyến đi, tờ báo đảng của Trung Quốc, Nhân dân Nhật báo đã không tiếc lời ca ngợi tình hữu nghị hai nước « cao hơn đỉnh Himalaya, sâu hơn biển Ả Rập và ngọt hơn mật ». Đi vào thực chất hơn, trang thông tin trên mạng Trung Quốc Phénix Finance nhấn mạnh đến những tương đồng lợi ích giữa hai nước đó là đang cùng chia sẻ mối dè chừng với Ấn Độ. Trang mạng này cũng ghi nhận là về mặt địa lý, Pakistan là cánh cửa có tầm chiến lược của Bắc Kinh để mở ra biển Ả Rập, giúp Trung Quốc tiếp cận nguồn năng lượng ở Trung Đông đỡ phải đi vòng qua tuyến đường Đông Nam Á.

Hơn nữa thắt chặt quan hệ với Pakistan và Afghanistan còn nằm trong chiến lược bình định phong trào ly khai của người Duy Ngô Nhĩ trong vùng Hồi giáo Tân Cương ở cực tây Trung Quốc.

Châu Âu và trách nhiệm với làn sóng thuyền nhân Địa Trung Hải

Chuyển qua thời sự Châu Âu. Thảm nạn thuyền nhân Châu Phi trên Địa Trung Hải tiếp tục chiếm sự chú ý của báo Pháp. Trang nhất Libération chạy tựa lớn « Địa Trung Hải : Tại sao cần phải hợp pháp hóa vấn đề nhập cư ». Mục sự kiện của Libération dành hẳn 5 trang báo cho chủ đề này. Các bài viết cố gắng đưa ra một vài giải pháp cho Châu Âu về cuộc khủng hoảng người nhập cư hiện đang trở nên cấp bách.

Xã luận của tờ báo viết : Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, chưa bao giờ làn sóng người tỵ nạn chạy trốn chiến tranh và đói nghèo lại lớn như bây giờ và làn sóng này sẽ còn tiếp tục. Do tình hình hỗn loạn ở Libya, Trung Cận Đông và một số nước Châu Phi khác, những con người khốn khổ đó chấp nhận mọi rủi ro để hy vọng cứu mạng sống của mình. « Chẳng lẽ chúng ta vẫn cứ tiếp tục đứng im nhìn họ bị chết chìm hay sao ? », Libération đặt câu hỏi và trả lời, bây giờ là lúc cần có giải pháp cụ thể. Đã đến lúc Châu Âu phải nhớ lại rằng lục địa này là vùng đất nhập cư.

Trong khi đó báo Le Monde cho biết trong cuộc họp khẩn hôm qua (21/04/2015) ở cấp Bộ trưởng về vấn đề thuyền nhân Địa Trung Hải, các nước trong Liên Hiệp Châu Âu đã nhất trí tăng cường trợ giúp những quốc gia có thuyền nhân trung chuyển qua và dự trù sẽ chia nhau đón nhận 5000 người tỵ nạn. Le Monde ghi nhận đây là « Bước tiến nhỏ của EU trước thảm kịch di cư ».

Mỹ : Tranh luận về án tử hình lại nổi lên sau những án oan sai

Liên quan đến khu vực Châu Mỹ, tờ Le Figaro có bài viết đề cập đến mối quan tâm của nước Mỹ xung quanh án tử hình. Tờ báo ghi nhận, trong khi còn hơn 3000 người đang chờ đợi trong hành lang tử thần, thì những vụ việc bộc lộ khiếm khuyết trong hệ thống tư pháp Mỹ dẫn đến những oan sai nghiêm trọng một lần nữa đang bị dư luận soi xét kỹ.

Theo tờ báo, với vụ việc tử tù người da đen Anthony Ray Hilton hồi đầu tháng Tư này vừa được trả tự do sau 30 năm nhận án tử hình, chờ ngày hành quyết, một lần nữa hệ thống tư pháp Mỹ, và vấn đề án tử hình lại trở thành tâm điểm tranh luận. Số liệu của một hiệp hội Mỹ đưa ra, thì Hilton là tử tù thứ 152 được minh oan kể từ năm 1976 tới nay. Một con số quả thực làm lạnh gáy và thể hiện rõ ràng những vết nứt vỡ lớn trong hệ thống tư pháp nước này.

Tuy nhiên, Le Figaro nhận thấy án tử hình vẫn được đa số người dân Mỹ ủng hộ. Theo một thăm dò dư luận gần đây thì có 56% dân Mỹ cho rằng phải duy trì hình phạt này, mặc dù có thêm nhiều tiểu bang đang dần dần muốn bỏ án tử hình. Hàng loạt các vấn đề nảy sinh xung quanh việc thi hành án tử hình như tình trạng thiếu phương tiện thi hành án, rồi mới đây là vụ bê bối sai phạm kỹ thuật của Cục điều tra Liên bang nổi tiếng FBI đã dẫn đến án oan sai cho hơn sáu chục người, trong đó có 3 người đã bị hành quyết. Thực tế này đang khiến người Mỹ phải suy nghĩ khác về án tử hình.

Dân Cuba sẵn sàng đón khách Mỹ

Báo Le Monde có bài viết về Cuba ghi nhận việc người dân hòn đảo đang háo hức đón chờ quan hệ với Hoa Kỳ trở lại bình thường thực sự.

Le Monde nhận thấy khắp nơi ở Cuba bây giờ, ngày càng đông người dân lấy nhà mình mở phòng trọ để chờ đón làn sóng khách du lịch Mỹ có thể đổ tới hòn đảo trong nay mai, một khi quan hệ giữa hai được bình thường hóa thực sự. Ở khắp nơi trên hòn đảo lúc này, người dân Cuba, với khả năng cho phép của mình đang cố gắng đầu tư sửa sang, cơi nới ngôi nhà của mình làm phòng trọ rẻ tiền chuẩn bị đón khách du lịch. Tác giả bài viết có một nhận xét khá thú vị : « năm mươi lăm năm chế độ xã hội chủ nghĩa và dưới cấm vận của Mỹ đã biến người Cuba thành những vị vua xoay sở ».

Ecuador : Cách quảng bá du lịch có một không hai

Vẫn trong khu vực Trung Mỹ và cũng là đề tài du lịch. Nhật báo Công giáo La Croix kể lại một câu chuyện khôi hài có thật về cách thúc đẩy du lịch của Ecuador.

Ecuado muốn ngành du lịch của mình phải năng động hơn, theo gương Costa Rica, đất nước nằm giữa vùng biển Caribe chỉ có 4,7 triệu dân nhưng năm ngoái đã đón 2,5 triệu du khách. Chính quyền nước này đã nảy ra một ý tưởng độc đáo là tổ chức chuyến du lịch giả đến Costa Rica. Khoảng bốn chục du khách trong nước được mời miễn phí đến Golfito, điểm du lịch của Costa Rica.

Các du khách lấy vé bay của một hãng hàng không Ecuador. Máy bay cũng giả làm một hành trình bay dài trước khi hạ cánh xuống Tena, một điểm ở giữa rừng Amazone của Ecuador. Du khách xuống máy bay và khám phá một địa danh mà tất cả đều được trang trí như là đất của Costa Rica. Ngay cả sân bay cũng được tạm thời đặt tên lại với cửa khẩu hải quan, đóng dấu nhập cảnh visa, tất cả đều là giả sao cho du khách tin rằng đó là đất Costa Rica.

Sau một ngày nghỉ đáng nhớ được tổ chức sao cho khách thực sự hài lòng, sự thật mới được tiết lộ. Chính quyền Ecuador muốn chứng minh rằng không phải cứ ra khỏi ngoài Ecuador mới tìm được những miền đất kỳ thú. Các du khách cũng cảm thấy thích thú khi biết sự thật. Có điều rất nhanh sau đó chuyện đến tai chính quyền Costa Rica, và họ đã lên án trò chơi của Ecuador là « thiếu tôn trọng ».

Chẩn đoán ung thư nhanh nhờ smartphone

Thông tin trên trang Khoa học &Y học của báo Le Monde cho hay, 80% trường hợp ung thư tử cung, căn bệnh phổ biến đứng hàng thứ 3 thế giới, tập trung ở các nước đang phát triển. Để có thể xác định nhanh với chi phí rẻ những dấu vết tổn thương tiền ung thư hay ung thư cổ tử cung, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Boston, Hoa Kỳ hôm 13/4 vừa giới thiệu một hệ thống chẩn đoán bệnh có thể sử dụng trên công cụ đang ngày càng phổ biến trên thế giới hiện nay là chiếc điện thoại thông minh smartphone.

Tóm tắt của quy trình này là : mẫu xét nghiệm được đặt trước mắt kinh thu hình của điện thoại, hình ảnh sau đó được gửi đến một máy chủ và được phân tích, đánh dấu các tế bào ác tính và những tổn thương tiền ung thư. Quy trình xét nghiệm chỉ diễn ra trong vòng 45 phút với giá thành chỉ khoảng 2 đô la, thậm chí giá này còn giảm nữa khi hệ thống chẩn doán được triển khai hoàn thiện. Độ tin cậy của phương pháp tương đương với cách làm trước đây. Các nhà sáng chế ra phương pháp này dự tính có thể áp dụng chẩn đoán phát hiện nhiều loại bệnh khác.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.