Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - NHÂN QUYỀN

Hội đồng Nhân quyền đề nghị đưa Bắc Triều Tiên ra HĐBA

Theo Reuters, hôm qua 28/3/2014, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu Hội Đồng Bảo An xem xét xử lý những nhân vật của Bắc Triều Tiên được cho là thủ phạm gây ra những tội ác chống lại nhân loại tại nước này.

Michael Kirby, Chủ tịch Ủy ban điều tra về nhân quyền ở Bắc Triều Tiên trưng bản sao báo cáo tại trụ sở Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneve ngày 17/02/2014.
Michael Kirby, Chủ tịch Ủy ban điều tra về nhân quyền ở Bắc Triều Tiên trưng bản sao báo cáo tại trụ sở Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneve ngày 17/02/2014. REUTERS/Denis Balibouse
Quảng cáo

Với 30 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 11 nước không bỏ phiếu, Hội đồng Nhân quyền, trụ sở tại Genève, đã thông qua nghị quyết do Nhật Bản và Liên Hiệp Châu Âu soạn thảo, theo đó yêu cầu Hội Đồng Bảo An truy cứu trách nhiệm của những quan chức Bắc Triều Tiên chịu trách nhiệm chính trong các vụ việc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở nước này.

Trung Quốc và Nga, hai trong sáu thành viên có quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An, đã phản đối việc thông qua nghị quyết nói trên. Trước đó trong các cuộc thảo luận, đại sứ Bắc Triều Tiên tại Hội đồng Nhân quyền đã bác bỏ thẳng thừng nghị quyết, coi đây là hành động can thiệp vào nội bộ của Bắc Triều Tiên.

Hồi cuối tháng Hai vừa qua, Bắc Triều Tiên cũng đã bác bỏ các kết luận một bản báo cáo điều tra của Liên Hiệp Quốc lên án Bình Nhưỡng phạm tội ác chống nhân loại đồng thời so sánh những vi phạm nhân quyền tại Bắc Triều Tiên không khác gì dưới thời Đức Quốc xã.

Trong bản báo cáo, các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc cho rằng các lãnh đạo cơ quan an ninh và lãnh tụ của họ là Kim Jong un phải được đưa ra xét xử trước Toà án hình sự Quốc tế CPI vì đã ra lệnh tra tấn, sát hại nhiều người dân chống đối chế độ.

Qua thẩm vấn những nhân chứng là người Bắc Triều Tiên đào thoát khỏi đất nước hiện đang tỵ nạn ở nhiều nơi trên thế giới, Ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc xác định : « Hàng trăm nghìn tù chính trị đã bị thiệt mạng trong các trại cải tạo trong vòng 50 năm qua » và hiện tại vẫn còn khoảng từ « 80 nghìn đến 100 nghìn tù chính trị hiện đang bị giam giữ trong 4 trại cải tạo ». Ngoài ra báo cáo cũng nêu con số hơn 200 nghìn người gồm cả trẻ em bị mất tích.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.