Vào nội dung chính
QUỐC TẾ

Châu Á : Obama vắng mặt, cơ may cho Trung Quốc

Tổng thống Obama cuối cùng đã quyết định hủy dự Thượng đỉnh Apec và chuyến công du tại hai quốc gia Đông Nam Á là Malaysia và Philippines, do cuộc khủng hoảng ngân sách. Nhà Trắng cho biết vô cùng khó khăn khi đưa ra quyết định trên, bởi vì chuyến công du châu Á lần này mang tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược « xoay trục » sang châu Á-Thái Bình Dương của ông Obama.

Hủy chuyến đi châu Á, tổng thống Mỹ cử Ngoại trưởng John Kerry tham dự Thượng đỉnh APEC 2013 tại Bali, Indonesia, ngày 5/10/2013.
Hủy chuyến đi châu Á, tổng thống Mỹ cử Ngoại trưởng John Kerry tham dự Thượng đỉnh APEC 2013 tại Bali, Indonesia, ngày 5/10/2013. REUTERS/Beawiharta
Quảng cáo

Báo Le Figaro dành một bài viết trong mục kinh tế phân tích về sự kiện này đề tựa : « Châu Á-Thái Bình Dương : Obama vắng mặt, cơ may cho Trung Quốc ». Bài viết này tập trung bàn luận nhiều hơn về khía cạnh kinh tế, những thiệt hại của Hoa Kỳ khi hủy tham dự Thượng đỉnh Apec. 21 thành viên của Hội nghị Thượng đỉnh Apec sẽ họp từ ngày mai tại Bali (Indonesia). Đây là cơ hội trời cho mà Trung Quốc sẽ tận dụng để tiến những con chốt trên bàn cờ khu vực.

Trên phương diện kinh tế, sự cố này của Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng đến các nỗ lực của Washington trong việc tạo ra một khu vực tự do mậu dịch rộng lớn với 12 quốc gia trong khu vực, trừ Trung Quốc. Đó là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Hoa Kỳ muốn thiết lập từ nay đến cuối năm. Hiệp định TPP tập hợp các quốc gia như Nhật Bản, Úc, Brunei, Canada, Chilê, Malaysia, Mehico, New-Zeeland, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam, tức chiếm 40% GDP cả thế giới.

Hiệp định này không bao gồm Trung Quốc, mặc dù gần đây, Bắc Kinh vừa mới thể hiện sự quan tâm đến dự án này. Thượng đỉnh Apec sẽ là dịp để thăm dò ý đồ của Trung Quốc về hồ sơ quan trọng này. Vào lúc mà tổng thống Obama đang yếu thế, Bắc Kinh sẽ cố gắng tăng cường ảnh hưởng và lợi thế của mình trong khu vực qua hội nghị Apec và Asean lần này.

Apec đã đặt ra mục tiêu đạt đến Hiệp định tự do mậu dịch vào năm 2020. Thế nhưng, trở ngại cũng vô cùng nhiều, trong bối cảnh tăng trưởng đang giảm sút. Tuần trước, Ngân hàng phát triển Á châu (BAD) đã hạ mức dự báo tăng trưởng cho các quốc gia Á châu mới trỗi dậy là 6% vào năm nay. Ngoài ra, Apec thừa nhận : « sự dao động nguồn vốn và hạn chế tín dụng » đè nặng lên tương lai của khu vực. Apec còn quan sát thấy hiện tượng một số nhà đầu tư ào ạt rút vốn khỏi các thị trường mới trỗi dậy, đặc biệt là ở Ấn Độ và Indonesia trước khả năng ngân hàng trung ương Mỹ có thể cắt giảm quy mô chương trình kích thích tiền tệ.

Chính phủ Mỹ tê liệt ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới

Báo Le Monde, trong mục kinh tế, quan tâm đến việc ngưng hoạt động của chính phủ Mỹ có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế thế giới. Thứ 6 vừa qua (4/10/2013), Bộ trưởng Tài chính Nhật Taro Aso đã bày tỏ quan ngại vì việc chính phủ Mỹ tê liệt có khả năng gây tác hại lên nền kinh tế Á châu, đặc biệt là thông qua thị trường ngoại hối. Ông lo ngại các nhà đầu tư lo lắng, sẽ tìm cách bán đồng đô la để mua đồng yên. Do đó, đồng yên sẽ lên giá và nguy hại đến sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản vì Nhật đưa ra chính sách hạ giá đồng yên để thúc đẩy xuất khẩu.

Thị trường chứng khoán cũng bắt đầu chao đảo. Thứ 5 (3/09), ngoại trừ chứng khoán của Luân Đôn và Athènes, hầu hết giá cổ phiếu của châu Âu và kể cả Nhật cũng hạ. Một số các chỉ số nổi tiếng trên thị trường chứng khoán như Nasdaq, Wall Street cũng hạ. Sáng ngày 4/10, đồng đô la giảm ở mức thấp nhất từ 8 tháng nay. Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ cảnh báo nếu sự cố này vẫn không được giải quyết thì Mỹ có nguy cơ rơi vào tình trạng vỡ nợ và hậu quả còn nghiêm trọng hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng năm 2008. Cơ quan này lưu ý rằng, « thị trường tín dụng có thể bị đóng băng, giá trị đồng đô la giảm, lãi suất Mỹ sẽ còn tăng vọt, dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính và một sự suy thoái có thể còn tệ hơn cả vào năm 2008 ».

Theo thăm dò dư luận của Viện Gallup, niềm tin của dân Mỹ vào nền kinh tế nước này luôn ở mức thấp. Ngày càng có nhiều người thể hiện sự « chán ngán » trước việc các dân biểu luôn không tìm được sự đồng thuận để cộng tác với nhau. Từ vài ngày nay, một số đã kêu gọi không đóng thuế và cả trên mạng internet.

Nước mắt và sự phẫn nộ ở Lampedusa

Vụ đắm tàu chở người tị nạn tại đảo Lampedusa là tâm điểm của các báo Pháp ra ngày hôm nay. Báo Le Monde chạy tựa trên trang nhất : « Lampedusa : sự thờ ơ tội lỗi của châu Âu » : 130 người chết, 200 người mất tích, vụ đắm tàu chở người di cư Phi châu ngoài khơi đảo Lampedusa cho thấy sự bất lực của Liên Hiệp châu Âu trong việc giải quyết các thách thức về vấn đề nhập cư.

Báo Libération dành nhiều trang cho hồ sơ này và nhận định : « những thảm kịch khác như Lampedusa sẽ còn lập lại và châu Âu sẽ còn phải cam chịu nhiều vụ như vậy ». Bên cạnh đó, báo Le Figaro thốt lên : « Ý khóc thương cho những nạn nhân Lampadusa ».

Nhật báo Le Parisien cũng chú ý đến thảm kịch này qua bài viết : « Khóc và giận tại Lampedusa ». Tờ báo nhận định, tại nạn đắm tàu này gây sốc cho cả nước Ý và khiến châu Âu phải đối mặt với những trách nhiệm của mình. Rafaele Colapinto, một nhân viên cứu hộ, thuật lại đã thấy một « đại dương đầy người ». « Người ta đã nghe tiếng kêu la và vội vã chạy tới để xem chuyện gì xảy ra thì thật sự là một cơn ác mộng », theo lời một tiểu thương tại đó nghẹo ngào thuật lại.

Theo lệnh của bà Thị trưởng Giusi Nicolini, mọi cửa hàng trên đảo phải đóng cửa. Bà phát biểu : « Mọi việc không thể tiếp diễn như thế này được, chúng tôi hy vọng mọi chuyện sẽ thay đổi, tương lai của Lampedusa có liên quan trực tiếp đến chính sách tị nạn và nhập cư ». Để đối mặt với tình trạng cấp bách này, chính quyền địa phương đảo Sicilia cho người vượt biên trú ngụ tại các nghĩa địa. Theo Cơ quan di trú quốc tế, có 25 000 người tị nạn đã chết trên biển Địa Trung Hải trong vòng 20 năm nay, 2000 người chết vào năm 2011 và 1700 vào năm ngoái.

Những kiểu hành hình bí hiểm tại Madagascar

Liên quan đến châu Phi, báo Le Figaro có bài viết mang tựa : «Những kiểu hành hình bí hiểm tại Madagascar ». Bài viết cho biết, bị buộc tội là đã giết một trẻ em 9 tuổi, hai du khách, một người Pháp và một người Madagascar đã bị đám đông tại Nosy Be, phía Bắc Madagascar sát hại dã man.

Lệnh giới nghiêm được ban hành sau khi vụ việc xảy ra. Cảnh sát đã bắt giữ 14 người nghi ngờ tham gia vào vụ hành hình này trên hòn đảo du lịch. Theo tờ báo, nguyên nhân gây ra vụ án mạng này là do dân chúng tại Nosy Be vô cùng tức giận sau vụ một bé trai 9 tuổi bị mất tích và sau đó, người ta tìm thấy thi thể bé bị cắt làm nhiều phần. Các du khách bị sát hại nói trên bị dân chúng vùng này nghi có liên quan đến đường dây buôn bán nội tạng.

Theo một « nguồn tin ngoại giao » và theo một nhân chứng là một thợ kim hoàn Pháp tại Nosy Be, báo Le Parisien xác định sáng nay, một trong những nạn nhân của vụ hành hình man rợ này là Sébastien Judalet, nhân viên lái xe bus của ngành giao thông công cộng Paris (RATP).

Le Figaro cho biết, theo các chuyên gia thì khả năng của việc buôn bán nội tạng con người là không chắc, mặc dù, trường hợp như vậy đã từng xảy ra trên đảo. Các chuyên gia cho rằng thi thể của bé trai bị cắt xén có thể dùng để làm các trò ma thuật hay phù thủy.

Người già trên 65 tuổi có sự lựa chọn ít hợp lý hơn

Mục khoa học của báo Le Figaro có bài viết khá hấp dẫn về công trình nghiên cứu được đăng trong báo cáo của Viện hàn lâm khoa học Mỹ (PNAS). Theo đó, cho dù khỏe mạnh, trí óc minh mẫn, người già trên 65 tuổi có một quyết định vừa ít hợp lý hơn, vừa bấp bênh hơn.

Trong cuộc sống, không phải lúc nào cũng dễ dàng đưa ra lựa chọn hợp lý và chặt chẽ. Điều đó còn khó hơn đối với người già trên 65 tuổi. Agnieszka Tymula vừa chứng minh công trình của mình trong bản báo cáo của PNAS. Cô đã tiến hành thử nghiệm trên 135 cá nhân từ 12-90 tuổi. Một giáo sư đại học tại Angers (Pháp) nhận thấy có một « sự biến đối lớn » trong sự lựa chọn của người cao tuổi.

Agnieszka Tymula trả lời báo Le Figaro như sau : « Người già dễ bị dao động từ lựa chọn này sang lựa chọn khác. Họ cũng rất dễ bị ảnh hưởng ». Cô còn cho biết, « điều này gây nhiều lo ngại, bởi vì công trình này tiến hành trên những người có sức khỏe tốt, trí thức, với chỉ số thông minh IQ cao hơn mức trung bình trong khi nếu tiến hành nghiên cứu trên tầng lớp bình dân thì kết quả có thể còn đáng ngại hơn ». Ngoài ra, người già cũng là thành phần dễ bị lừa đảo nhất, dưới mọi hình thức.

Người Trung Quốc thích đến Ikea…để ngủ

Trong mục câu chuyện hằng ngày, báo Le Figaro quan tâm đến các khách hàng Trung Quốc thích đến các cửa hàng bán đồ nội thất Ikea, không phải để mua sắm nhưng để…ngủ. Tờ báo đăng ảnh hai thanh niên nằm ngủ trên ghế salon trưng bày của hãng Ikea tại một cửa hàng Ikea ở Thượng Hải. Các thượng đế này cứ xem như ở nhà, không ngại cởi giầy nằm lên các tấm phản làm một giấc và mang theo cả đồ ăn thức uống.

Các tấm ra trải giường trưng bày trong của hàng cũng phải thay hàng ngày. Xa xa là một số đôi trẻ đang âu yếm nhau như chốn công viên. Do đó, việc quản lý khách hàng Trung Quốc hiện nay đang là một thách thức hàng ngày cho nhân viên tập đoàn Ikea. Khách hàng loại này thường ra về tay không nhưng Ikea vẫn nhẫn nại, cố gắng đón tiếp chu đáo khách hàng vì xem đây sẽ là nguồn tiêu thụ trong tương lai. Thế nhưng, về lâu về dài, chiến lược này của Ikea có lẽ phải trả giá.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.