Vào nội dung chính
HOA KỲ - NHẬT BẢN

Thủ tướng Nhật Bản công du Hoa Kỳ để củng cố liên minh quân sự giữa hai bên

Ông Yoshihiko Noda vào hôm nay 30/04/2012 sẽ là thủ tướng Nhật Bản đầu tiên công du Hoa Kỳ từ khi đảng Dân chủ cánh trung tả lên cầm quyền tại Tokyo từ năm 2009 đến nay. Đỉnh cao chuyến thăm là cuộc hội đàm tại Nhà Trắng với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Hai bên sẽ thảo luận về các phương thức mới để thúc đẩy hợp tác quốc phòng vào lúc Tokyo ngày càng cảm nhận các mối đe dọa đến từ Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đến Hoa Kỳ ngày 29/04/2012.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đến Hoa Kỳ ngày 29/04/2012. Reuters
Quảng cáo

Theo hãng tin Pháp AFP, phát biểu với báo chí tại Tokyo trước lúc lên đường qua Mỹ, ông Noda xác nhận : “Tôi muốn trao đổi thẳng thắn (với Hoa Kỳ) về triển vọng liên minh Mỹ-Nhật trong tương lai. Tôi muốn rằng các cuộc họp đơm hoa kết trái để công chúng có thể nhìn thấy rõ ràng kết quả”.

Hôm thứ sáu 27/04 vừa qua, hai đồng minh đã loan báo thỏa thuận dời 9.000 lính thủy quân lục chiến Mỹ từ đảo Okinawa của Nhật Bản đến đảo Guam và một số nơi khác, giải tỏa một phần bất đồng giữa hai nước.

Tuy nhiên, trong thỏa thuận đó, có một phần rất quan trọng đối với Nhật Bản nhưng ít được nêu bật. Đó là xem xét việc thiết lập những căn cứ huấn luyện thường trực hỗn hợp đầu tiên cho quân đội hai bên trên đảo Guam, một vùng lãnh thổ của Mỹ, hay trên quần đảo Bắc Mariana gần đấy.

Việc thiết lập các cơ sở huấn luyện này mang một ý nghĩa biểu tượng rất lớn đối với Nhật Bản, vì tạo điều kiện chính thức cho quân đội Nhật tỏa ra khu vực, điều cho đến nay vẫn bị hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản có từ sau Đệ nhị Thế chiến hạn chế.

Ông Kurt Campbell, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á – Thái Bình Dương đã không ngần ngại đánh giá rằng đề nghị về căn cứ huấn luyện kế trên là “một bước rất quan trọng chưa bao giờ đạt được từ trước đến nay”.

Tuy nhiên, hồ sơ di dời căn cứ không quân Futenma ra khỏi khu vực đông dân tại Okinawa đến một vùng duyên hải vắng vẻ hơn vẫn chưa giải quyết được, do việc nhiều nhóm áp lực tại Nhật Bản vẫn đòi là Mỹ phải chuyển căn cứ này ra khỏi Okinawa, thậm chí ra khỏi Nhật Bản.

Quan hệ Quốc phòng Mỹ Nhật dẫu sao cần được củng cố thêm vào lúc Tokyo phải đối phó với hai mối đe dọa đến từ Bình Nhưỡng và Bắc Kinh. Mới đây, Bắc Triều Tiên đã lại cho thử nghiệm tên lửa tầm xa có khả năng bắn tới Nhật Bản – dù đã thất bại - và có dấu hiệu là đang chuẩn bị thử nghiệm nguyên tử lần thứ ba.

Quan hệ với Trung Quốc có vẻ yên ắng, nhưng Bắc Kinh vẫn không từ bỏ đòi hỏi chủ quyền trên một số hòn đảo ở vùng biển Hoa Đông như quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản đang kiểm soát.

Mới đây, vào tuần trước, phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo Tokyo phải cẩn thận khi đụng chạm đến vấn đề "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc, một nhóm từ thường được Bắc Kinh dùng để chỉ Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan, và gần đây là Biển Đông. Đó là những vấn đề mà Trung Quốc được cho là sẵn sàng khởi chiến để bảo vệ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.