Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Roland Garros 2011: Tay vợt nữ Trung Quốc Lý Na giành thắng lợi lịch sử

Đăng ngày:

Ngày hôm qua ( 5/6/2011), tại giải quần vợt Pháp mở rộng Roland Garros, tay vợt nữ Trung Quốc đã tạo ra điều kỳ diệu trong trận chung kết nữ. Lý Na đã trở thành nữ vận động viên quần vợt Trung Quốc đầu tiên và cũng là của châu Á đăng quang ngôi vô địch tại một giải Grand Chelem của quần vợt thế giới, sau khi đánh bại đương kim vô địch người Ý Francesca Schiavone bằng hai séc đấu 6-4 và 7- 6.

Tạp Chí Thể Thao
Tạp Chí Thể Thao RFI
Quảng cáo

Gió « đông » đã thổi bạt gió « tây » trong quần vợt, môn thể thao mà từ trước đến giờ vẫn được thay phiên nhau ngự trị bởi các tay vợt của châu Âu, Mỹ hay Úc. Trước đây mới chỉ duy nhất có trường hợp của Michael Chang, tay vợt nam người Mỹ gốc Trung Quốc thành công ở Gand Chelem Roland Garros 1989 trước tay vợt Thụy Điển Stefan Edberg.

Lý Na, tay vợt nữ Trung Quốc 29 tuổi đã lên đến đỉnh cao của sự nghiệp, trở thành tay vợt nữ châu Á đầu tiên đăng quang tại giải một trong bốn giải Grand Chelem hàng đầu của quần vợt thế giới.

Trên sân Philippe Chartier của Paris chiều hôm qua, không khí căng thẳng giành dật từng điểm nhau như vẫn từng thấy ở các trận chung kết đỉnh cao, chỉ trong vòng 1 giờ 48 phút thi đấu, Lý Na đã hạ ngôi của đương kim vô địch Roland Garros người Ý Franncesca Schiavon bằng hai séc thắng gọn gàng và ấn tượng, dù ở séc đấu thứ hai phải nhờ phân thắng bại bằng loạt tie-break và Lý Na đã ẵm chọn 7 điểm.

Cho dù là một thành tích lịch sử của tay vợt Trung Quốc, nhưng chiến thắng hôm qua của Lý Na không mang nhiều bất ngờ, nếu nhìn vào hành trình lần này của cô tại giải Roland Garros và cách chơi thông minh, thoải mái tự tin của cô trong trận bán kết với tay vợt Nga Sharapova, cũng như trong trận chung kết. Đầu năm nay, cô đã từng vào đến chung kết giải Úc mở rộng nhưng không thành công.

Bắt đầu sự nghiệp quần vợt từ năm 1999, nhờ chiến thắng đầu tiên tại Grand Chelem trong sự nghiệp, Lý Na đã lọt vào tốp 5 tay vợt nữ xuất sắc nhất thế giới. Trả lời báo chí sau trận đấu, nhà tân vô địch Roland Garros chỉ nói ngắn gọn : « Tôi nghĩ rằng ở Trung Quốc mọi người rất vui. Tôi có căng thẳng trong trận đấu nhưng không tỏ ra ngoài mà thôi ».

Đúng vậy, người Trung Quốc đã nhìn thấy niềm tự hào dân tộc ngay sau chiến thắng của tay vợt nữ Trung Quốc đầu tiên ở Paris. Hôm nay, báo chí tại Trung Quốc đã nhất lọat tung hô thắng lợi của Lý Na như là một chiến thắng lịch sử.

Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh, Joris Zylberman, tường trình :

"Lý Na, đó là lịch sử, tờ China Daily đã chạy tựa như vậy. Nhật báo bằng tiếng Anh của Trung Quốc nhấn mạnh đến độ chín của nữ vô địch, chính điều này đã giúp cho cô tận dụng được cơ hội vàng để đoạt được một danh hiệu lớn trong làng quần vợt thế giới.

Đây là cơ hội thứ hai của Lý Na sau lần thất bại trước tại giải quần vợt Úc mở rộng trước tay vợt người Bỉ Kim Clijsters hồi đầu năm nay.

Hầu hết báo chí Trung Quốc đều ca ngợi chiến công của Ly Na như là thành công đầu tiên của châu Á trong môn thể thao mà từ trước tới nay chỉ có châu Âu, châu Mỹ và châu Úc ngự trị. Tóm lại thì đây là một thắng lợi rất có ý nghĩa tượng trung, nhất là ở tại một đất nước đang cố gắng tìm kiếm các ngôi sao thể thao quốc tế.

Báo chí Trung Quốc giờ đây xếp Lý Na ngang hàng với các ngôi sao như Diêu Minh, vận động viên bóng rổ đang chơi cho câu lạc bộ Houston Rocket trong giải nhà nghề Mỹ NBA, và tất nhiên cô cũng được xếp cùng với Lưu Tường, nhà vô địch thế giới môn chạy 110 mét vượt rào và từng là gương mặt tiêu biểu tại Thế Vận Hội Bắc Kinh.

Có điều mà báo chí Trung Quốc không nhắc đến, đó là Lý Na không có một quá trình sự nghiệp tiêu biểu do liên đoàn quần vợt quản lý. Ở Trung Quốc, thể thao và chính trị vẫn thường đan xen nhau. Sau năm 2004, Lý Na đã tạm dừng sự nghiệp quần vợt để theo học ngành báo chí, rồi sau đó trở lại với môn thể thao này một cách mạnh mẽ. Cô là một trong số hiếm vận động viên ở Trung Quốc chọn huấn luyện viên người nước ngoài, đó là Michael Mortensen của Đan Mạch".

Chung kết nam Rafael Nadal- Roger Federer : Đã quá quen, nhưng vẫn bất ngờ

Không có sự đảo lộn trật tự nào cho dù đầu giải có vài dấu hiệu. Trận chung kết Roland Garros hôm nay lại vẫn là của cặp đấu quen thuộc Rafael Nadal, 5 lần vô địch Roland Garros. Đối thủ của ông “Hoàng” sân đất nện là Roger Federer, một lần vô địch ( 2009), từng 3 lần thất bại trước tay vợt Tây Ban Nha ở chung kết.

Dù đã quen gặp nhau ở chung kết các giải Grand Chelem, từ năm 2006 đến 2009, hai tay vợt đã gặp nhau ở 8 trận chung kết Grand Chelem, nhưng cặp chung kết nam Roland Garros 2011 vẫn là một bất ngờ. Bất ngờ bởi vì, giới quan sát đều hy vọng sẽ có trận chung kết giữa Rafael Nadal và Novak Djokovic. Nhưng chính Federer đã nhẹ nhàng loại tay vợt Serbia ở bán kết, xóa bỏ những suy đoán thiếu căn cứ của giới quan sát. Federer đến với mặt sân đất nện Paris năm nay có vẻ “ trầm lắng” hơn mọi lần. Một phần là do thành tích của tay vợt Thụy Sĩ từ đầu mùa giải năm nay tỏ ra bấp bênh, chỉ giành được một danh hiệu nhỏ duy nhất tại Doha, phần vì mặt sân đất nện không phải là điểm mạnh cho Federer.

Tất cả mọi sự chú ý đều đổ dồn về Nadal, người đang rất gần với kỷ lục của tay vợt Thụy Điển Bjorn Borg.

Không bị đè nặng của sức ép tâm lý, Federer chơi thỏai mái hơn và đến với trận cuối không mấy vất vả như Nadal. Sau khi hạ Djokovic, Federer tuyên bố “Tôi đang nóng long muốn chơi với Rafael, đối thủ thực sự của tôi từ nhiều năm qua”. Chung kết của Roland Garros 2011 chắc chắn sẽ là trận căng thẳng, bởi đó còn là cuộc chạy đua đến với những kỷ lục của hai đối thủ.

Sepp Blatter tiếp tục trụ lại giữa “dòng nước đục” của FIFA

Sự kiện thu hút sự quan tâm chú ý nhiều không phải là các trận đấu trên sân cỏ của vòng loại Euro 2012 mà là cuộc đấu trên thảm đỏ của trung tâm đầu não bóng đá thế giới FIFA.

Ngày 1 tháng 6 vừa qua, tại Zurich Thụy Sĩ, sau một hồi đấu tố đe dọa phanh phui những bế bối của nhau, cuối cùng ông Sepp Blatter, 75 tuổi, ứng viên duy nhất đã tái đắc cử chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA với 186 phiếu trên tổng số 203 phiếu của các liên đoàn bóng đá quốc gia.

Mặc dù đạt đa số phiếu trong cuộc bầu bán một chiều, nhưng việc tái đắc cử của ông Blatter vẫn bị nhiều chỉ trích của các liên đoàn bóng đá quốc gia khác, đặc biệt là của Anh quốc.

Như vậy là ông Blatter vẫn tiếp tục trụ lại giữa dòng “nước đục” của FIFA với bao nghi vấn tham nhũng trong nội bộ cấp cao của định chế quản lý bóng đá lớn nhất thế giới, cùng với đó là nguy cơ bùng nổ nhiều phát giác bê bối khác nữa đang đón chờ.

Thách thức lớn nhất của chủ tịch FIFA giờ đây là việc thông qua dự thảo thay đổi cách thức trao quyền tổ chức giải Cúp bóng đá thế giới, một mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng nảy nở và làm sao dẹp yên được các bê bối trong nội bộ Liên đoàn đang nguy cơ bùng phát.

Nhân sự kiện này, Thể thao chủ nhật có cuộc phỏng vấn anh Nguyễn Đăng Khải, tại Genève. Về cuộc bầu cử vừa qua, anh Khải cho biết.

05:56

Nguyễn Đăng Khải - Thụy Sĩ

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.