Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - MÔI TRƯỜNG

Bắc Kinh công bố kế hoạch khắc phục hậu quả của đập Tam Hiệp

Theo Le Monde hôm nay, trong cuộc họp của chính phủ Trung Quốc, ngày 18/5 dưới sự chủ tọa của thủ tướng Ôn Gia Bảo, một kế hoạch 10 năm khắc phục các hậu quả sinh thái, địa chất và xã hội của đập Tam Hiệp đã được phê chuẩn. Nếu như, các chi tiết của kế hoạch này không được công bố, thì vẫn có thể thấy giọng điệu chính thức của nhà nước Trung Quốc về ảnh hưởng của đập Tam Hiệp đã thay đổi hoàn toàn.

Đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử (AFP)
Đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử (AFP)
Quảng cáo

Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh đến việc cần phải giải quyết một cách khẩn cấp nhiều vấn đề trong các lĩnh vực « tái định cư, bảo vệ môi trường và ngăn ngừa các thảm họa địa chất ». Bản kế hoạch này cũng thừa nhận tác động của con đập đối với « giao thông đường thủy, thủy lợi và việc cung cấp nước cho các vùng đồng bằng và trung du của sông Dương Tử ».

Thực ra, các hiểm họa kể trên đã được các nhà khoa học hay các nhà hoạt động xã hội báo động từ rất lâu. Kể từ năm 2006, khi đập Tam Hiệp hoàn thành và từ năm 2009, khi đập đi vào hoạt động, rất nhiều vấn đề đã ập đến nhanh một cách đáng kinh ngạc và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Từ năm 2009, chính quyền Trung Quốc đã phải tuyên bố sẽ chi ra 100 tỷ yuan (tương đương 11 tỷ euro) từ đó đến năm 2020, để giải quyết các vấn nạn bắt nguồn từ con đập lớn nhất thế giới này.

Trong số các vấn nạn đó, có nạn rác rưởi tích đọng lại ở phần sông phía trên con đập, hay đất lở xảy ra thường xuyên tại khu vực xung quanh hồ chứa nước lớn. Bên cạnh đó là việc 1,4 triệu cư dân bị di dời sau khi con đập hoàn thành chỉ được đền bù một cách hết sức hà tiện, và từ đó nhiều vấn đề xã hội nảy sinh. Và cuối cùng là việc nạn thiếu nước tại khu vực hạ lưu trở nên nghiêm trọng hơn vào mùa khô.

Tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn năm nay, với thời tiết khô hạn đạt đến mức kỷ lục. Tại tỉnh Hồ Bắc, nằm phía dưới con đập, hàng nghìn hồ chứa nước đã bị khô kiệt. Tỉnh Hồ Nam và Giang Tây cũng bị ảnh hưởng. Lượng nước mưa tại lưu vực sông Dương Tử trong bốn tháng đầu năm nay, chỉ còn bằng 40% so với mức trung bình năm của nửa thế kỷ qua.

Không thể nào quy tất cả mọi tội lỗi cho đập Tam Hiệp. Việc con đập này đi vào hoạt động có mặt tích cực là tăng lượng nước cho khu vực hạ lưu, tuy nhiên, bản thân nước từ thượng nguồn cung cấp cho đập cũng đã bị giảm đi rất đáng kể.

Tóm lại, theo một nhà địa chất học Trung Quốc, tác động của đập Tam Hiệp phức tạp hơn nhiều so với các hình dung ban đầu. Nhiều vấn đề cần phải tiếp tục được nghiên cứu, như tác động của đập đến các mạch nước ngầm nằm dưới hạ lưu, hay tác động của biến đổi khí hậu làm các băng hà trên cao nguyên Tây Tạng bị tan chảy, hàng chục đập thủy điện nằm ở thượng nguồn con sông Dương Tử và các sông nhánh ảnh hưởng đến lượng nước. Các vấn đề này càng nan giải hơn hơn, khi các chủ đập không muốn hợp tác với nhau.

Theo Le Monde, dẫn lời các nhà sinh thái Trung Quốc, hệ thống sinh thái của sông Dương Tử vốn hết sức mong manh và một sự tập trung cao độ các cơ sở hạ tầng tại đây càng cho thấy, rất cần phải có những công trình nghiên cứu nghiêm túc. Việc nghiên cứu tác động của đập Tam Hiệp đòi hỏi sự tham gia của các chuyên gia của nhiều ngành khoa học. Tuy nhiên, hiện tại rất ít dữ liệu được mở ra cho công chúng, nhiều dữ liệu còn được xếp loại « bí mật công nghiệp » hay « bí mật quốc gia ».

Pháp đưa trực thăng chiến đấu vào Libya

Liên quan đến Libya, hôm nay, trang nhất Le Figaro chạy tựa « Libya. Pháp đưa trực thăng quân sự tới ». Cuộc chiến tại Libya đã bước sang tháng thứ ba, lần đầu tiên Pháp đã sẵn sàng đưa trực thăng vào tham chiến. Theo các thông tin riêng của Le Figaro, 12 chiếc trực thăng vũ trang Alat có mặt trên chiếc tàu chiến mang tên Tonnerre, đã lặng lẽ rời khỏi thành phố cảng Toulon vào ngày 17/5. Tonnerre là một chiến hạm chỉ huy lớn (bâtiment de projection et de commandement – gọi tắt là BPC), có khả năng chuyên chở các trực thăng chiến đấu, xe bọc thép và binh lính.

Theo nguồn tin từ Bộ tổng tham mưu quân đội Pháp, sử dụng trực thăng giúp cho việc tấn công vào các mục tiêu trên mặt đất được chính xác hơn nhiều, và như vậy có khả năng thắng lợi sẽ đến nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng các phương tiện không vận của bộ binh này đòi hỏi sự hỗ trợ của lực lượng trên mặt đất. Kể từ đầu cuộc chiến đến nay, các lực lượng đặc biệt của Pháp đã có mặt tại Libya. Với sự hỗ trợ của các máy ngắm bằng tia laser, các lực lượng này định vị các mục tiêu và báo hiệu cho máy bay của liên quân. Cũng theo nguồn tin kể trên, lực lượng này cũng sẽ được tăng cường để làm nhiệm vụ hoa tiêu cho các trực thăng đến từ khu trục hạm Tonnerre.

Sự có mặt của các trực thăng tại chiến trường Libya cho thấy có một thay đối chiến lược quan trọng trong hoạt động của liên quân. Các thành viên liên quân cho rằng, cuộc chiến cần phải kết thúc trước cuối tháng 7, là lúc bắt đầu mùa chay Ramadan của đạo Hồi, và cũng là lúc các trận nóng kinh khủng tràn đến khiến cho các hoạt động quân sự của phe nổi dậy trở nên khó khăn hơn. Ngày 19 tháng 7 cũng là ngày mà nếu cuộc chiến tiếp tục, chính phủ Pháp phải nhận được sự phê chuẩn mới của Quốc hội. Sự tham gia của trực thăng Pháp tại Libya chính là nhằm mục đích đẩy nhanh chế độ Tripoli đến chỗ sụp đổ.

Châu Âu khai trương văn phòng đại diện tại Benghazi (Libya)

Cũng ngày hôm nay, người đứng đầu ngành ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu, bà Catherine Ashton, đã tới Benghazi, thủ phủ của phe nổi dậy. Mục tiêu của chuyến đi này là mang lại sự ủng hộ của UE đến lực lượng chống Kadhafi, với việc khai trương văn phòng của đại diện Liên Hiệp Châu Âu, tại tầng ba của khách sạn Tibesti, thành phố Bengazhi. Bà Catherine Ashton là vị khách đầu tiên của UE ở cấp này đến thăm đại bản doanh của lực lượng nổi dậy. Cần phải nói rõ là, khác với việc một số nước công nhận chính phủ lâm thời của phe nổi dậy, UE cho đến nay vẫn chỉ nhìn nhận lực lượng này như là một đối tác tại Libya.

Bầu cử Tây Ban Nha : đảng Xã hội thất bại. Thanh niên biểu tình rầm rộ với nhiều yêu sách dân chủ

Ngày hôm qua tại Tây Ban Nha, theo Le Figaro, đã diễn ra cuộc bỏ phiếu bầu cử hơn 8.000 thị trưởng và hội đồng địa phương, và quốc hội của 13 trên 17 vùng tự trị. Đảng Xã hội đã thất bại nặng trong các cuộc bầu cử địa phương. Theo kết quả sơ bộ với khoảng 80% số phiếu, đảng Xã hội (PSOE) đã chỉ nhận được 27,8% phiếu bầu, thấp hơn gần 10% so với đảng Nhân dân (PP).

Song song với các cuộc bầu cử, biểu tình của giới trẻ tiếp tục huy động sự tham gia của hàng chục nghìn thanh niên tại 160 thành phố và thị trấn trên khắp Tây Ban Nha. Các cuộc biểu tình nổ ra vào Chủ nhật tuần trước 15/5 tại khoảng 50 thành phố, thị trấn. Trong bài viết « Giới trẻ Tây Ban Nha yêu cầu làm chính trị theo một cách khác », La Croix cho biết, chủ trương của giới trẻ là yêu cầu thi hành « Démocratie réelle maintenant » (tạm dịch là Một nền dân chủ hiện thực ngay lập tức). La Croix mô tả « bộ chỉ huy » của cuộc biểu tình nằm ngay tại quảng trường mang tên La Puerta del Sol (cánh cửa mặt trời), biểu tượng cho trung tâm của thủ đô Madrid. Những người lãnh đạo cuộc biểu tình đã tổ chức tại đây một khu vực được quản lý nghiêm ngặt. Việc uống rượu mặc dù không bị cấm, nhưng rất bị phản đối, bởi những người biểu tình muốn tách hẳn hình ảnh về họ như một hoạt động vui chơi, hội hè. Theo một trong những phát ngôn viên, phong trào vận hành thông qua một hội nghị toàn thể, mở rộng và mang tính bình đẳng. Đây chính là bộ chỉ huy của phong trào. Hội nghị này có nhiệm vụ đưa ra quyết định hai lần trong một ngày.

Sự bùng nổ của phong trào phản kháng thể hiện nỗi bất bình lớn của thanh niên Tây Ban Nha, với tỷ lệ thất nghiệp 43%, ở mức cao nhất Châu Âu.

Phong trào thanh niên Tây Ban Nha đưa ra một số yêu sách cụ thể như : cải cách luật bầu cử (vốn có lợi cho các đảng chính trị lớn), tăng cường sự độc lập của tư pháp với quyền lực chính trị, các trưng cầu dân ý mỗi khi thông qua một luật mới và quyền có chỗ ở,… Tuy nhiên, dường như mục tiêu chung mà phong trào này đang hướng tới là đòi hỏi một sự thay đổi triệt để của nền chính trị, vốn bị nhiều thanh nhiên coi như là vô trách nhiệm, tham nhũng và hư hỏng.

Ngày hôm qua, hội nghị toàn thể đã biểu quyết vẫn tiếp tục phong trào, sau khi các bầu cử địa phương kết thúc.

"DSK : sau khi nếm trải nhà tù, lại bị truyền thông săn đuổi"

Trở lại với vấn đề thời sự rất được quan tâm tại Pháp liên quan đến vụ án DSK, Le Figaro hôm nay có bài « DSK : sau khi nếm trải nhà tù, lại bị truyền thông săn đuổi ». Mở đầu với nhận xét « Dominique Strauss-Kahn không thoát khỏi bất cứ tầng địa ngục nào », tờ báo cho biết, nguyên tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Strauss-Kahn tiếp tục là đối tượng hấp dẫn đối với báo giới Mỹ và khách du lịch.

Trên một chiếc xe chở khách du lịch Châu Á đi ngang qua khu phố Ground Zero, hướng dẫn viên đã giới thiệu với du khách : nơi đây là chỗ ở của người Pháp bị truy tố về tội cưỡng hiếp. Le Figaro nhận xét, trong làn thác thông tin tràn ngập về vụ án DSK, chỉ duy nhất có một điều mà báo chí Mỹ quên không nhấn mạnh : ông Dominique Strauss-Kahn chính thức tuyên bố vô tội và bác bỏ tất cả 7 tội danh bị cáo buộc, trong bức thư từ nhiệm gửi Hội đồng hành chính Quỹ tiền tệ Quốc tế.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.