Vào nội dung chính
THÁI LAN - MIẾN ĐIỆN

Thủ tướng Thái: Trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi sẽ giảm được áp lực quốc tế

Ngày mai 13/11 lệnh quản thúc tại gia đối với bà Aung San Suu Kyi sẽ hết hiệu lực. Cả thế giới đang mong chờ quyết định của chính quyền trả tự do cho nhà dân chủ Miến Điện. Theo AFP, hôm nay Thủ tướng Thái Lan Abhisit nhận định rằng việc trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi sẽ là cách để giảm bớt áp lực của quốc tế đối với tập đoàn quân sự cầm quyền.

Một chốt kiểm tra an ninh ở gần nhà giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi, hiện đang bị quản thúc tại gia. Ảnh chụp ngày 12/11/2010.
Một chốt kiểm tra an ninh ở gần nhà giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi, hiện đang bị quản thúc tại gia. Ảnh chụp ngày 12/11/2010. Reuters
Quảng cáo

Ông Abhisit tuyên bố: « Cộng đồng quốc tế muốn Aung San Suu Kyi được tự do. Nếu bà được trả tự do áp lực sẽ chùng bớt ». Tuy nhiên Thủ tướng Thái Lan cũng cho biết là ông chưa có khẳng định nào từ phía chính quyền Miến Điện về quyết định trả tự do cho giải Nobel Hòa bình đang chịu án quản thúc tại gia kéo dài thêm 18 tháng kể từ ngày 14/5/2009.

Lệnh quản thúc này sẽ hết hiệu lực vào ngày mai (13/3) nhưng dư luận vẫn hồ nghi không biết chính quyền có muốn trả tự do thực sự cho Aung San Suu Kyi hay không.

Hôm nay, một nhóm 4 chuyên gia gồm các báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, tự do ngôn luận đã lên tiếng kêu gọi chế độ quân sự Miến Điện trả tự do cho nhà đối lập Aung San Suu Kyi và 2200 tù chính trị khác.
Cũng trong ngày hôm nay (12/11), một số quan chức Miến Điện đã bảo đảm chắc chắn giải Nobel Hòa bình sẽ được thả trong những ngày tới đây.

Theo AFP, ngày hôm nay tình hình an ninh tại Rangoon đã được thắt chặt. Nhiều đoàn xe cảnh sát đi tuần liên tục trong thành phố. Hàng trăm người ủng hộ nhà ly khai đã tập trung trước trụ sở của Liên đoàn Quốc gia Vì Dân chủ LND (đảng đã bị giải tán trước cuộc bầu cử vừa rồi) giương cao biểu ngữ « Đã đến lúc trả tự do cho Aung San Suu Kyi ».

Phần lớn thời gian trong hơn hai thập kỷ qua, nhà đối lập Aung San Suu Kyi bị chính quyền giam giữ quản thúc, khi thì trong tù, lúc thì tại gia. Tập đoàn quân sự vẫn coi bà là mối đe dọa chủ yếu, đã tìm cách loại bà ra khỏi các hoạt động chính trị của đất nước, đặc biệt là trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử vừa rồi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.