Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - TIỀN TỆ

Trung Quốc tìm cách quốc tế hóa đồng nhân dân tệ

Liệu đồng nhân tệ có thể trở thành ngoại tệ dự trữ trong tương lai hay không ? Nhật báo Le Monde số đề ngày hôm nay đã đặt ra câu hỏi như trên. Cho dù đồng tiền Trung Quốc hiện ít được sử dụng bên ngoài biên giới, nhưng theo Le Monde, Bắc Kinh đang chuẩn bị cho việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.

Reuters
Quảng cáo

Tờ báo chú ý đến việc Malaysia vừa mua các trái phiếu thanh toán bằng nhân dân tệ, một sự kiện chưa từng thấy, mang tính biểu tượng rất cao. Theo Le Monde, đây là hệ quả trực tiếp từ quyết định của Trung Quốc trong tháng 8, cho phép các ngân hàng nước ngoài mua lại nợ công. Cũng trong tháng 8, McDonald ở Hồng Kông là công ty ngoại quốc ngoài lĩnh vực tài chính đầu tiên đã cho phát hành cổ phiếu bằng nhân dân tệ và theo chân sẽ là công ty nhôm Rusal của Nga.

Trên thực tế, Bắc Kinh đã tiến hành một chính sách ngoại giao nhân dân tệ từ hai năm qua. Trung Quốc đã ký một loạt các hiệp định trao đổi ngoại hối với Hồng Kông, Achentina, Belarus, Iceland, Indonesia, Malaysia, Singapore và Hàn Quốc, nhằm tạo điều kiện cho việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong hoạt động thương mại. Năm ngoái Bắc Kinh đã tiến hành thử nghiệm việc thanh toán bằng nhân dân tệ với một số nước, đặc biệt là các nước Đông Nam Á.

Theo một chuyên gia kinh tế Pháp, « Trung Quốc không thể làm khác hơn ». Quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới vừa qua mặt Nhật Bản để trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ nhì trên toàn cầu, và cũng theo chuyên gia trên, « sự cách biệt giữa sức mạnh kinh tế và vai trò của đồng tiền Trung Quốc là quá lớn ». Mục tiêu trước tiên của Trung Quốc là tăng cường quan hệ thương mại với các nước láng giềng gần nhất, vốn là những nền kinh tế năng động đang có tỉ lệ tăng trưởng cao.

Vào đầu năm nay, Trung Quốc và sáu nước chính của ASEAN đã hủy bỏ rào cản thuế quan đối với 90% hàng hóa, và như vậy nếu sử dụng một đồng tiền chung sẽ rất tiện lợi. Các hợp đồng thanh toán bằng nhân dân tệ hiện chiếm 10% giá trị trao đổi thương mại với ASEAN, nhưng trong 5 năm tới sẽ tăng lên 30%. Việc dùng nhân dân tệ để thanh toán sẽ giảm bớt rủi ro cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc.

Theo một nhà phân tích, thì hiện nay dùng từ "khu vực hóa" thì đúng hơn là "quốc tế hóa". Tuy nhiên, về lâu về dài thì rõ ràng Bắc Kinh đang muốn thành lập một khu vực đồng nhân dân tệ.

Le Monde đặt câu hỏi: liệu trong vòng mười, hai mươi năm nữa, nhân dân tệ sẽ trở thành đồng tiền cạnh tranh ngang ngửa với đô la Mỹ hay không ? Nhưng muốn vậy đồng tiền này phải chuyển đổi được, và theo một nhà nghiên cứu Pháp, « Điều đó chưa thể thực hiện một khi hệ thống tài chính Trung Quốc vẫn chưa vững mạnh. Hiện nay hệ thống này chưa phát triển đủ để chịu đựng được các luồng vốn lớn ».

Nếu được thả nổi, đồng nhân dân tệ sẽ tăng giá nhanh chóng, nhưng như vậy sẽ rất bất lợi cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Thế nên không ai nghĩ rằng trước mắt Bắc Kinh sẽ làm một cuộc cách mạng tiền tệ, nhưng theo nhà nghiên cứu trên đây, « những bước tiến trong hướng này đang có chiều hướng gia tăng ».

Hai tập đoàn xây dựng Trung Quốc chiếm hàng đầu thế giới

Cũng liên quan đến kinh tế Trung Quốc, Le Monde đề cập đến việc hai tập đoàn xây dựng của Trung Quốc nay đã leo lên hai hạng đầu thế giới, đẩy các tập đoàn Pháp Vinci và Bouygues xuống hàng thứ ba và thứ tư.

Đó là hai tập đoàn China Railway Construction, doanh số 54 tỉ đô la và China Railway Group, doanh số 53 tỉ đô la. Bảng xếp hạng trên đây do tạp chí Mỹ Engineering News Record thực hiện, được tạp chí châu Âu Moniteur đăng lại. Hai tập đoàn Pháp Vinci và Bouygues vốn chiếm hàng đầu thế giới trong thời gian dài, nay đã bị soán ngôi. Trong số « top 10 » các tập đoàn xây dựng quốc tế, có đến 5 tập đoàn Trung Quốc, hai tập đoàn của Pháp, một của Đức, một của Mỹ và một tập đoàn Tây Ban Nha.

Sự vượt trội của các công ty Trung Quốc là do các công ty quốc doanh này được ưu tiên tại thị trường nội địa. Nhưng các tập đoàn châu Âu đang rất lo ngại trước một sự cạnh tranh bất bình đẳng : thị trường Trung Quốc đóng cửa với họ trong khi thị trường châu Âu lại rộng mở cho tất cả.

Le Monde đưa ra một số ví dụ, trong đó có việc xây dựng hai xa lộ do ngân sách châu Âu tài trợ đã được giao cho một công ty Trung Quốc. Một công ty Trung Quốc khác cũng đã trúng thầu xây dựng mặt tiền tòa tháp Carpe Diem ở khu cao ốc văn phòng La Défense của Pháp, với giá 17 triệu đô la, trong khi các công ty Pháp và Ý chào giá 24 triệu đô la. Liên đoàn Xây dựng Pháp đã khiếu nại lên Bộ Tài chính Pháp về cái giá thấp một cách bất thường trên đây.

Người « truy lùng » bằng cấp giả ở Trung Quốc

Trên lãnh vực xã hội, thông tín viên nhật báo cánh hữu Le Figaro tại Bắc Kinh viết về Phương Thị Dân, người đã lập ra một trang web chuyên tố cáo những người sử dụng bằng cấp giả tại Trung Quốc. Cho đến nay, trang web này đã đưa ra ánh sáng hàng ngàn vụ; trong đó bản thân người sáng lập đã phát hiện hàng trăm vụ sử dụng bằng giả hoặc khai khống, và suýt nữa đã phải trả giá bằng tính mạng của mình.

Tờ báo nhận xét, trong một đất nước mà bằng cấp cao là công cụ để tiến thân, đặc biệt là bằng cấp của nước ngoài, Phương Thị Dân đã dồn mọi công sức để đấu tranh chống tệ nạn này. Ông đã vạch mặt nhiều tên tuổi nổi tiếng, mà mới đây nhất là một nhà tu Lão giáo tự xưng là chữa được bệnh ung thư, được nhiều tỉ phú và ngôi sao Trung Quốc tin cậy. Ông cũng chứng minh được rằng Táng Tuấn, giám đốc Microsoft tại Trung Quốc trong một cuốn tự truyện đã nói láo khi khoe mình có bằng tiến sĩ do trường đại học nổi tiếng Caltech của Mỹ cấp.

Mới cách đây vài ngày, Phương Thị Dân suýt chết khi trở về nhà ban đêm, bị hai người tấn công bằng thuốc mê và búa. Thật kỳ lạ, một nhà báo khác cũng cùng điều tra với ông về vụ một giáo sư niệu học nổi tiếng ở Vũ Hán khai khống một giải thưởng của một hiệp hội y khoa Mỹ, cũng từng bị hành hung. Bài báo nói thêm, riêng bản thân Phương Thị Dân, 42 tuổi, thì có bằng tiến sĩ thật sự về hóa sinh của Hoa Kỳ.

Châu Âu trước thách thức của bài toán nhập cư

Nhìn sang châu Âu, bài xã luận của Le Monde mang tựa đề « Bài học của cuộc bầu cử Thụy Điển đối với toàn thể châu Âu », đã phân tích cụ thể về sự kiện lần đầu tiên phe cực hữu đã vào được Nghị viện Thụy Điển, đất nước đã thành công với mô hình dân chủ xã hội hiện đại trong suốt nửa thế kỷ qua.

Bài học thứ nhất theo Le Monde : phe cực hữu giành được thắng lợi nhờ đưa ra chiến dịch tranh cử với chủ trương chống nhập cư, đặc biệt là người Hồi giáo. Bài học thứ hai : đảng Dân chủ Xã hội đã nhận được số phiếu thấp nhất từ trước đến nay. Điều này sẽ giúp cho Thủ tướng phe bảo thủ mãn nhiệm giành được ưu thế trong việc lập chính phủ mới, và đây cũng là việc chưa từng xảy ra, vì lâu nay chưa có chính phủ bảo thủ nào của Thụy Điển đứng liên tục được hai nhiệm kỳ.

Le Monde cho rằng, nhập cư là cần thiết trong các xã hội đang bị lão hóa, nếu kiểm soát tốt. Nhưng cần có nỗ lực giúp hội nhập cao độ - một điều chưa được thực hiện và cái giá phải trả rất cao. Liệu các Nhà nước có phúc lợi xã hội cao kiểu châu Âu có sẽ sống sót, nếu giảm bớt các phúc lợi truyền thống như y tế, hưu bổng, để đầu tư vào nhiệm vụ mới là giúp những người nhập cư hội nhập hay không ?

Barack Obama : Các lý do khiến người Mỹ thất vọng

Liên quan đến Hoa Kỳ, nhật báo kinh tế Les Echos có bài phân tích các nguyên nhân vì sao Tổng thống Barack Obama đang làm cho dân Mỹ thất vọng. Chỉ trong hai năm cầm quyền, tỉ lệ được lòng dân của ông từ 68% nay giảm xuống chỉ còn có 45%.

Chỉ còn sáu tuần nữa là đến kỳ bầu cử. Cũng giống như Ronald Reagan và Bill Clinton trước đây, cuộc bầu cử diễn ra vào giữa nhiệm kỳ tổng thống luôn rất khó khăn cho các tổng thống phe Dân chủ, với nguy cơ bị mất đa số ở Hạ viện, thậm chí Thượng viện. Những điểm bị chê trách chủ yếu là tỉ lệ thất nghiệp vẫn cao, và số người nghèo tăng lên. Có đến 51% chỉ trích chính sách kinh tế của ông Obama, và 4/10 hộ gia đình cho rằng túi tiền của họ đang vơi đi nhiều.

Theo Les Echos, lý do đầu tiên là các cử tri tự do cho rằng ông Obama quá giáo điều. Một cuộc thăm dò cho biết, nay thì 55% người được hỏi ý kiến cho là ông xứng đáng được dán cho nhãn hiệu « xã hội chủ nghĩa », 61% cho rằng ông tiêu tiền hoang phí. Ngược lại với nhận xét trên, nhiều nhà kinh tế cho rằng ông Obama đã quá thận trọng khi chọn giải pháp tái thúc đẩy nền kinh tế chỉ với 787 tỉ đô la, mà hiện nay rõ ràng không đủ.

Lý do thứ hai là chiến lược thuế khóa. Tổng thống Obama từ chối giảm thuế cho người giàu, việc này giúp ngân sách tiết kiệm được 700 tỉ đô la trong 10 năm tới. Tuy nhiên ông đề nghị Quốc hội giảm thuế cho 97% hộ gia đình, như vậy sẽ thất thu đến 2 .200 tỉ đô la.

Lý do thứ ba là ông đã quay mặt lại với giới tài chính Mỹ, trong khi họ là những nhà tài trợ lớn cho chiến dịch tranh cử của ông. Lý do thứ tư : ông Obama chỉ làm việc với một ê kíp thu hẹp, thay vì mở rộng cho nhiều khuynh hướng. Và lý do cuối cùng là Tổng thống Barack Obama tỏ ra thỏa hiệp, thiếu quyết đoán.

Les Echos kết luận, nếu việc sút giảm uy tín của tổng thống Hoa Kỳ là có thật, thì cũng có nhiều chỉ trích thiếu căn cứ. Tờ báo thông tin thêm : từ năm 1852 đến nay chỉ mới có hai tổng thống Mỹ thành công trong kỳ bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ. Đó là cựu tổng thống Franklin Roosevelt, và…ông George Bush, sau tác động của các sự kiện khủng bố ngày 11 tháng 9.

 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.