Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Trung Quốc lại gây lo ngại với đề án đập thủy điện khổng lồ ở Tây Tạng

Vào đúng lúc giới nghiên cứu khoa học từ gần 100 nước trên thế giới tề tựu về Hà Nội tham gia Hội nghị thường niên của Hội Đập Lớn Thế Giới, tham vọng xây đập của Trung Quốc lại làm dấy lên lo ngại tại các nước láng giềng cũng như giới bảo vệ môi trường.

Khu vực đập Tam Hiệp.
Khu vực đập Tam Hiệp. Nguồn: wikipedia.org
Quảng cáo

Theo tiết lộ của nhật báo Anh Quốc The Guardian vào hôm qua, thì Bắc Kinh đang có đề án xây dựng một đập thủy điện cực lớn trên sông Yarlung Tsangpo ở vùng cao nguyên Tây Tạng, trước khi con sông này chảy qua Ấn Độ và Bangladesh và mang tên là Brahmaputra. Quy mô to lớn được dự trù của đề án này đã lập tức gây lo ngại tại hai nước này về nguy cơ nguồn cung cấp nước cho họ bị cạn kiệt.

Đối với Bắc Kinh, con đập khổng lồ này sẽ mang lại lợi ích to lớn không chỉ cho Trung Quốc, mà còn cho cả hành tinh. Nền kinh tế của Trung Quốc, đang rất cần năng lượng sẽ được cung cấp thêm một nguồn điện đáng kể, trong lúc việc đẩy mạnh năng lượng tái tạo sẻ giúp trái đất giảm bớt việc thải khí CO2 là khí quyển bị hâm nóng.

Trả lời báo The Guardian, phó tổng thư ký Hội Kỹ thuật Thủy điện Trung Quốc xác nhận là một số công trình nghiên cứu về đập thủy điện trên sông Yarlung Tsangpo đã được thực hiên, cho dù kế hoạch xúc tiến chưa có. Tuy nhiên, theo ông thì con đập này có thể giúp tiết kiệm 200 triệu tấn CO2 mỗi năm, do đó không nên bỏ lỡ cơ may tiến hành đề án giảm khí thải cực lớn này. Theo ước tính của The Guardian, lượng khí carbon tiết kiệm được nhờ công trình này tương đương với một phần ba tổng số khí CO2 do Anh Quốc thải ra.

Về quy mô của con đập mà Trung Quốc muốn xây dựng, tài liệu tìm được trên trang web của một cơ quan chính phủ tại Trung Quốc cho thấy là công suất nhà máy thủy điện đó lên đến 38 gigawatt, lớn hơn gấp rưỡi đập Tam Hiệp (22,5 gigawatt) từng được xem là đập thủy điện lớn nhất thế giới hiện nay.

Một diễn đàn khoa học trên mạng nổi tiếng tai Trung Quốc còn dự kiến là con đập đó, một khi được xây dựng, sẽ có khả năng cung cấp một nguồn năng lượng tương đương với 100 triệu tấn than thô, hay là toàn bộ lượng dầu khí nằm dưới Biển Đông.

Quy mô của đề án này càng to lớn, thì mối quan ngại về tác hại của nó càng cao. Giới bảo vệ môi trường đã lên tiêng cảnh báo vế việc xây dụng một công trình như vậy tại một vùng thường xuyên bị địa chấn đe dọa, mà tín hiệu gần đây nhất là thảm họa động đất tại Tứ Xuyên.

Ngoài ra, con đập đó sẽ là một nguy cơ tiềm tàng cho các quốc gia ở hạ nguồn. Ông Peter Bosshard thuộc Hội Sông ngòi Quốc tế International Rivers lo ngại, xin trích : Ngăn chặn dòng Yarlung Tsangpo có thể tàn phá hệ sinh thái rất mong manh trên Cao nguyên Tây Tạng, đồng thời chận đứng nguồn phù sa mà con sông tải xuống bồi bổ cho các đông bằng phì nhiêu vùng Asam ở hạ nguồn, tại hai nước Ấn Độ và Bangladesh. Hơn nữa, với việc lưu lượng sông Yarlung Tsangpo/Brahmaputra bị giảm từ trên thượng nguồn, các vùng châu thổ con sông ỏ hạ nguồn dễ bị nước biển xâm lấn. Vùng đồng bầng này lại là nơi có hàng trăm triệu con người sinh sống.

Không có đất bồi, vùng châu thổ con sông sát biển sẽ không tự nâng cao lên được. Trong bối cảnh Bangladessh hay Ấn Độ thuộc diện các nước bị hiện tượng mực nước biển dâng cao đe dọa, tác động từ con đập do Trung Quốc xây trên thượng nguồn sẽ làm cho tình hình bi thảm thêm.

Đó là chưa kể đến khả năng Trung Quốc lợi dụng con đập để chuyển hướng dòng sông qua phía Trung Quốc, tưới cho các vùng đất khô cằn trên lãnh thổ của mình. Dư luận tại Ấn Độ đã nhiều lần lên tiếng tố cáo dự định này, buộc chính quyền Bắc Kinh phải liên tục cải chính.

Nhìn chung, nỗi lo ngại của hai nước Ấn Độ và Bangladesh, cũng như của các nhà bảo vệ môi trường về tác hại của dự định xây trên thượng nguồn sông Yarlung Tsangpo, cũng giống như nỗi âu lo của các nước hạ nguồn sông Mekong trước các con đập ở Vân Nam. Trong cả hai trường hợp, nước gây lo ngại nơi các láng giềng vẫn là Trung Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.