Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - QUỐC TẾ

Trung Quốc không có ngoại trưởng mới sau kỳ họp ‘‘Lưỡng Hội’’

Kỳ họp ‘‘Lưỡng Hội’’ Trung Quốc kết thúc mà không có thay đổi lớn về nhân sự nào, và đặc biệt là không có ngoại trưởng mới thay ông Tần Cương, bị cách chức hồi mùa hè năm ngoái. Trên đây là ghi nhận của hãng tin Anh Reuters hôm nay, 13/03/2024.

Ảnh minh họa : Ông Tần Cương (P), khi còn là ngoại trưởng Trung Quốc, tiếp ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 18/06/2023.
Ảnh minh họa : Ông Tần Cương (P), khi còn là ngoại trưởng Trung Quốc, tiếp ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 18/06/2023. REUTERS - LEAH MILLIS
Quảng cáo

Trước thềm kỳ họp Lưỡng Hội, có một số đồn đoán rằng ông Lưu Kiến Siêu (Liu Jianchao), một quan chức cao cấp trong ngành ngoại giao, có thể được bổ nhiệm làm ngoại trưởng, nhưng điều này đã không xảy ra. Như vậy ông Vương Nghị (Wang Yi), Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại của đảng Cộng Sản Trung Quốc, tiếp tục kiêm nhiệm chức ngoại trưởng.

Reuters dẫn lời một số nhà quan sát, cho rằng với việc giữ nguyên nhân sự lãnh đạo bộ Ngoại Giao, chủ tịch Trung Quốc có thể ‘‘đang ưu tiên cho các vấn đề đối nội’’, trong bối cảnh kinh tế ảm đạm do mức tiêu thụ giảm sút, thị trường bất động sản trì tệ, tỉ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ, hơn là chính sách đối ngoại, được coi là sẽ tiếp tục đường lối như hiện nay.

Theo báo Nhật Nikkei Asia, thông điệp chính của lãnh đạo ngoại giao Vương Nghị trong cuộc họp báo hôm thứ Năm tuần trước, bên lề kỳ họp Lưỡng Hội, cho thấy Bắc Kinh tiếp tục chính sách thân Nga và thể hiện là Trung Quốc đang đứng đầu các nền kinh tế mới trỗi dậy ‘‘phương Nam’’. Theo ông Vương Nghị, ‘‘Trung Quốc và Nga đã thiết lập một mô hình mới trong mối quan hệ nước lớn, hoàn toàn khác với thời Chiến tranh Lạnh”. Đồng thời ông ca ngợi trao đổi kinh tế song phương mật thiết hơn giữa hai nước láng giềng, đặc biệt trong bối cảnh phương Tây gia tăng trừng phạt chống Nga kể từ khi Matxcơva xâm lược Ukraina.

Lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc chỉ trích gay gắt Hoa Kỳ, với danh sách trừng phạt mở rộng ‘‘đạt đến mức độ hoang tưởng không thể chấp nhận được’’. Dù sao, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc cũng tỏ ra thận trọng trong việc chỉ trích phương Tây nói chung. Trong quan hệ với Liên Âu, ông Vương Nghị nhấn mạnh là giữa hai bên, ‘‘không có xung đột lợi ích cơ bản và mâu thuẫn chiến lược địa-chính trị".

Lãnh đạo Trung Quốc dường như thận trọng hơn trong việc lựa chọn tân ngoại trưởng, rút ra ‘‘những bài học’’ từ trường hợp thăng tiến nhanh chóng của cựu ngoại trưởng Tần Cương. Vẫn Nikkei Asia, trong bài ‘‘Lời khuyên của Putin có khiến ông Tập thanh trừng ngoại trưởng?’’ nhận định có thể ông Tần Cương đã bị cách chức do áp lực của Nga.

Việc Bắc Kinh ‘‘thay ngựa giữa dòng’’ diễn ra vào lúc Trung Quốc được ghi nhận là có chiều hướng chuyển sang chính sách ngoại giao giữ khoảng cách với Nga về cuộc chiến tại Ukraina, với việc cử một đặc phái viên về Ukraina đi châu Âu, trước cuộc phản công mùa hè 2023 của Ukraina. Ngoại trưởng Tần Cương ắt hẳn là người chịu trách nhiệm chính về sáng kiến cử phái đoàn Trung Quốc tìm giải pháp hòa bình tới Ukraina.

Theo Nikkei Asia, ‘‘Nga đã quy cho Tần Cương tội thân Mỹ khi làm đại sứ tại Hoa Kỳ trong một thời gian ngắn, trước khi được bổ nhiệm làm ngoại trưởng’’. Việc cách chức lãnh đạo bộ Ngoại Giao cũng đã có thể được tiến hành như một biện pháp ‘‘phòng ngừa’’ trước thượng đỉnh Tập Cận Bình - Joe Biden tại Mỹ vào tháng 11/2023, theo một nguồn tin Trung Quốc gần gũi với hồ sơ này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.