Vào nội dung chính
MỸ - ĐÀI LOAN - BẦU CỬ

Mỹ sẽ gửi một phái đoàn « không chính thức » đến Đài Loan sau bầu cử

Hãng tin Mỹ AP ngày 10/01/2024 trích dẫn một quan chức trong chính quyền Joe Biden cho biết, ngay sau bầu cử tổng thống Đài Loan vào cuối tuần này, Washington sẽ gửi một phái đoàn « không chính thức », bao gồm các cựu quan chức của Hoa Kỳ, đến Đài Bắc. Trung Quốc kêu gọi Mỹ « tránh can thiệp vào bầu cử Đài Loan ».

La présidente de la Chambre des États-Unis Nancy Pelosi à côté de la présidente taïwanaise Tsai Ing-wen, le vice-président William Lai et la directrice de l'Institut américain de Taïwan Sandra Oudkirk
Ảnh tư liệu: Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi, phía sau là tổng thống Thái Anh Văn và phó tổng thống Lại Thanh Đức, trong chuyến thăm Đài Loan, ngày 03/02/2022. AFP - HANDOUT
Quảng cáo

Một quan chức cao cấp của chính quyền Biden, xin ẩn danh, khẳng định với báo giới « một cuộc trao đổi trực tiếp » sẽ là « cách hiệu quả nhất » để thiết lập quan hệ với chính quyền mới ở Đài Loan, cũng như để trình bày « đường lối của Mỹ đối với khu vực này ».

Vẫn theo quan chức nói trên, quyết định gửi một « phái đoàn không chính thức » đến Đài Bắc sau cuộc tuyển cử ngày 13/01/2024, góp phần « xây dựng hòa bình và ổn định » trong vùng eo biển Đài Loan. Chính quyền Biden « không ủng hộ bất kỳ một ứng cử viên nào » trong số 3 nhân vật tranh chức tổng thống, thay thế nữ tổng thống Thái Anh Văn của Đảng Dân Tiến.

Bắc Kinh sáng nay đã ngay lập tức có phản ứng về dự định của Mỹ gửi một phái đoàn đến Đài Bắc. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bà Mao Ninh, « nhắc nhở » là để bảo đảm cho bang giao hữu hảo Mỹ-Trung, Hoa Kỳ cần « tránh can thiệp » vào bầu cử Đài Loan và Bắc Kinh « mạnh mẽ chống đối » mọi liên hệ giữa Đài Bắc và Washington.

Cử tri Đài Loan muốn cải cách kinh tế

Trung Quốc là hồ sơ gây bất đồng sâu rộng giữa ba ứng cử viên Lại Thanh Đức, thuộc Đảng Dân Tiến, bị Bắc Kinh coi là người « có lập trường ly khai », Hầu Hữu Nghi của Quốc Dân Đảng và ít được biết đến hơn là ông Kha Văn Triết, của đảng Nhân Dân Đài Loan.

Thế nhưng, quan tâm của 24 triệu dân Đài Loan là những khó khăn về kinh tế mà hòn đảo này đang phải đối mặt, theo ghi nhận của thông tín viên RFI Adrien Simorre tại Đài Bắc :

"Tại một khu chợ ở Đài Bắc, ba thanh niên vận động cho ứng cử viên Kha Văn Triết, ứng viên của đảng thứ ba ở Đài Loan. Ông chủ trương tiến hành một loạt các biện pháp cải tổ trong nước. Một trong ba thanh niên giải thích : « Ở Đài Loan, luật pháp tạo thuận lợi cho đầu cơ vào địa ốc. Đối với giới trẻ, thuê được nhà là cả một cơn ác mộng. Tôi hy vọng tổng thống Đài Loan sắp tới sẽ giải quyết những vấn đề nội bộ cho đất nước. Có như thế Đài Loan mới vững mạnh hơn để đối phó với Trung Quốc ».

Lương thì thấp trong lúc giá nhà đất lại quá cao : Đó là quan tâm hàng đầu của người dân Đài Loan. Roy Nreng, một nhà đấu tranh và cũng là một nhà nghiên cứu tại Đài Bắc, cho biết : « Ở đây tiền lương đã bị đóng băng từ gần 30 năm nay, thế nhưng giá nhà đất thì liên tục tăng nhanh. Vì vậy nhiều người không đủ khả năng để trang trải những khoản chi tiêu cơ bản nhất. Đó cũng là lý do giải thích tỷ lệ sinh đẻ ở Đài Loan thấp đến như vậy ».

Nhiều cử trị cho rằng đảng cầm quyền đã không giữ được lời hứa. Đương nhiên, quan hệ với Hoa Lục là điều gây chia rẽ giữa nhiều người ở đây. Theo lời một sinh viên, « ngày nào mà nước láng giềng khổng lồ sát cạnh vẫn là một mối đe dọa thường trực, thì vấn đề an ninh của Đài Loan vẫn là ưu tiên hàng đầu ».

Để thu phục lá phiếu của các cử tri trẻ, các ứng cử viên đại diện cho ba đảng chính đều hứa hẹn sẽ tiến hành cải tổ về mặt xã hội. Nhưng theo giới chuyên gia, những cải tổ đó sẽ vẫn chưa đủ để giải quyết một cách lâu dài những bất bình đẳng xã hội".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.