Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - ASEAN

Khủng hoảng Miến Điện : Naypidaw lên án quyết định « đơn phương » của ASEAN

Ngày 06/09/2023, chỉ một ngày sau khi ASEAN lên án tình trạng bạo lực và các vụ tấn công dân thường ở Miến Điện và nêu đích danh tập đoàn quân sự, chính quyền ở Naypidaw đã « bác bỏ » văn kiện của ASEAN với những quyết định « thiên vị » và « đơn phương ».

Ghế dành cho đại diện Miến Điện vẫn để trống tại hội nghị thượng đỉnh  ASEAN - Nhật Bản trong khuôn khổ Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 43, Jakarta, Indonesia, ngày 06/09/2023.
Ghế dành cho đại diện Miến Điện vẫn để trống tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Nhật Bản trong khuôn khổ Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 43, Jakarta, Indonesia, ngày 06/09/2023. VIA REUTERS - POOL
Quảng cáo

Trong thông cáo được đăng trên nhật báo chính thức Global New Light of Myanmar, bộ Ngoại Giao Miến Điện kêu gọi ASEAN tôn trọng « những nguyên tắc cơ bản của Hiến Chương ASEAN, trong đó có nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên ». Trước đó, theo AFP, tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Jarkarta, lãnh đạo các nước thành viên đã kêu gọi các bên liên quan ở Miến Điện « giảm tình trạng bạo lực và chấm dứt các cuộc tấn công có chủ đích nhắm vào thường dân ».

Ngoại trưởng của Indonesia, nước chủ tịch luân phiên ASEAN, thừa nhận kế hoạch hòa bình cho Miến Điện đạt được năm 2021 đã không mang lại bất kỳ tiến bộ đáng kể nào. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo vẫn nhất trí duy trì văn kiện này làm nguyên tắc tham khảo, đồng thời « tái khẳng định cam kết giúp đỡ Miến Điện tìm được một giải pháp ôn hòa và bền vững cho cuộc khủng hoảng hiện nay ».

Miến Điện có thể tổ chức bầu cử đầu năm 2025

Lần đầu tiên từ sau cuộc đảo chính năm 2021, tập đoàn quân sự Miến Điện « có thể » sẽ tổ chức bầu cử vào « đầu năm 2025 » nhằm giúp đảng ủng hộ chính quyền Liên minh Đoàn kết và Phát triển - USDP thắng cử để có « danh chính ngôn thuận ». Tướng Min Aung Hlaing đã yêu cầu hoàn tất các bước « chuẩn bị cần thiết » trước đợt thống kê dân số năm 2024.

Ngày 05/09, ủy ban bầu cử nằm dưới sự quản lý của tập đoàn quân sự đã thông báo 36 chính đảng (7 đảng cấp quốc gia, 29 cấp vùng) được phép tham gia vào cuộc tuyển cử, nhưng không nêu rõ ngày. Luật bầu cử mới bỏ hệ thống bầu một vòng duy nhất từng giúp đảng LND của bà Aung San Suu Kyi, hiện bị giải thể, giành thắng lợi áp đảo. Hệ thống bầu cử theo tỷ lệ đại diện sẽ được áp dụng trên toàn lãnh thổ.

Hoa Kỳ cho rằng mọi cuộc bầu cử dưới chế độ quân sự chỉ là « trá hình ». Còn Nga, đồng minh và là nhà cung cấp vũ khí lớn của tập đoàn quân sự Miến Điện, tuyên bố ủng hộ cuộc bầu cử.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.