Vào nội dung chính
ASEAN - TRUNG QUỐC - BIỂN ĐÔNG

Malaysia và Philippines chấp thuận đàm phán song phương với Trung Quốc về các tranh chấp ở Biển Đông

Trong chuyến công du Trung Quốc hồi tháng 01/2023 của tổng thống Philippines Marcos Jr, hai nước đồng ý duy trì tinh thần thỏa thuận hợp tác thăm dò dầu khí ký năm 2018 và sẽ sớm mở lại đàm phán về hồ sơ này. Theo hãng tin Bernama, trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 04/2023, khi đề cập đến các dự án dầu khí tại những nơi có tranh chấp ở Biển Đông, thủ tướng Anwar Ibrahim đã nói với phía Trung Quốc là Malaysia sẵn sàng đàm phán để có thể thực hiện các dự án này.

Ảnh tư liệu: Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (G) tham dự, qua vidéo hội nghị, thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc, Bandar Seri Begawan, Brunei, ngày 26/10/2021.
Ảnh tư liệu: Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (G) tham dự, qua vidéo hội nghị, thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc, Bandar Seri Begawan, Brunei, ngày 26/10/2021. via REUTERS - ASEAN SUMMIT 2021 HOST PHOTO
Quảng cáo

Như vậy, có thể nói, trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, sau nhiều năm kiên trì gây sức ép, Trung Quốc đã áp đặt được phương thức « đàm phán song phương » với một số nước liên quan trong ASEAN. Ngày 05/04/2023, giáo sư Carl Thayer, học viện Quốc Phòng Úc, đưa ra một số nhận định về hồ sơ này.

Phải chăng Trung Quốc đã thành công trong cách tiếp cận đàm phán song phương ? Phải chăng đây là một xu hướng nguy hiểm ?

Giáo sư Carl Thayer : Tập Cận Bình đã tranh thủ các chuyến công du chính thức cấp cao của tổng thống Philippines Marcos Jr hồi tháng Giêng và của thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim hồi tháng Tư để gây áp lực về những đòi hỏi của Trung Quốc tại Biển Đông cũng như về phương thức đàm phán song phương.

Philippines đã chấp nhận mở lại các cuộc đàm phán kỹ thuật về các nội dung tham chiếu cho khả năng hợp tác song phương, vốn được khởi động từ hồi tháng 11 năm 2018 và bị tổng thống Duterte đình chỉ. Các cuộc đàm phán có thể bắt đầu trong sáu tuần nữa.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã nói với Tập Cận Bình rằng tập đoàn Petronas hoạt động trong vùng biển của Malaysia và sẽ tiếp làm việc này. Ông cũng tuyên bố rằng Malaysia sẵn sàng tiến hành đàm phán với Trung Quốc và đó là điều mà Trung Quốc muốn.

Từ 15 năm nay, Trung Quốc luôn luôn nhấn mạnh đến đàm phán song phương. Phương thức này « nguy hiểm » trong bối cảnh Trung Quốc có thể sử dụng sức nặng kinh tế của mình nhằm áp dụng chính sách « chia để trị »

Tuy nhiên, cách tiếp cận song phương của Trung Quốc không phải không có rủi ro. Tòa án Tối cao Philippines đã tuyên bố Thỏa thuận cùng tiến hành thăm dò địa chấn ba bên Trung Quốc-Philippines-Việt Nam là không hợp hiến. Hiến pháp Philippines hạn chế các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào việc thăm dò các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Philippines. Điều này có thể gây ra sự xung đột giữa chủ quyền của Philippines và sự quyết đoán chủ quyền của Trung Quốc.  

Rủi ro thứ hai đối với Trung Quốc là việc bắt đầu đàm phán song phương có thể làm dấy lên tinh thần dân tộc chủ nghĩa tại hai nước đòi Trung Quốc tôn trọng các vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và Malaysia.

Lập trường của các nước khác trong ASEAN như Indonesia và Việt Nam ra sao ?

Giáo sư Carl Thayer : Từ lâu nay, Indonesia duy trì chính sách không thảo luận với Trung Quốc về những tranh chấp trên biển, với lý do đường biên giới trên biển của nước này phù hợp với luật pháp quốc tế.

Hồi tháng 11 năm 2022, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã gặp đồng nhiệm Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Hai bên đã ra tuyên bố chung trong đó có một phần bao gồm 4 điểm liên quan đến Biển Đông.

Trong điểm 1, các ông Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng đồng ý với nhau rằng « kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông vô cùng quan trọng; nhất trí xử lý ổn thỏa vấn đề trên biển, đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh lâu dài ở khu vực ».

Trong điểm 2, hai lãnh đạo nhất trí « sử dụng hiệu quả cơ chế đàm phán biên giới cấp Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc, kiên trì thông qua hiệp thương, đàm phán, bàn bạc về các biện pháp giải quyết mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường, chủ trương của mỗi bên; tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được ».

Trong điểm 3, các ông Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng nhất trí « thúc đẩy bàn bạc về hợp tác phát triển trên biển và bàn bạc về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, thúc đẩy hai việc trên sớm đạt tiến triển thực chất ». Hai bên sẵn sàng tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển; trao đổi về mở rộng hợp tác trên biển tại Vịnh Bắc Bộ trên cơ sở đáp ứng lợi ích thiết thực của cả hai bên.

Trong điểm 4, hai lãnh đạo Đảng đồng ý thực hiện « Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông » (DOC), đạt được « Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông » (COC) có hiệu quả và « kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và thúc đẩy hợp tác trên biển ».

Tóm lại, ba nước chính, có tranh chấp ở Biển Đông – Việt Nam, Philippines và Malaysia – mỗi nước đã thỏa thuận riêng rẽ với Trung Quốc về việc tiếp tục đối thoại và thảo luận các bất đồng trên biển ở Biển Đông.  

Điểm đáng chú ý : Các nước ASEAN có tranh chấp trên biển với Trung Quốc đã từ bỏ việc tập hợp lại với nhau để có lập trường chung trước khi thảo luận các bất đồng với Trung Quốc. Hồi tháng 11 năm 2002, các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Phải mất 25 tháng thì các quan chức cao cấp ASEAN và Trung Quốc mới đạt được đồng thuận về các điều khoản tham chiếu thành lập Nhóm công tác chung ASEAN-Trung Quốc (JWG) thực thi DOC.

Trong cuộc họp đầu tiên của JWG, tháng 08/2005, ASEAN đã đưa ra dự thảo hướng dẫn thực thi DOC. Điểm thứ hai trong dự thảo của ASEAN kêu gọi các nước trong khối tham khảo ý kiến nhau trước khi gặp Trung Quốc ; điểm này đã gây bế tắc đến mức phải mất 6 năm thảo luận không liên tục và trao đổi liên tiếp 21 dự thảo thì mới đạt được một thỏa thuận cuối cùng. Vào lúc đó, Trung Quốc đã nhấn mạnh, cũng giống như hiện nay, là các xung đột về chủ quyền và quyền tài phán chỉ có thể được giải quyết trong khuôn khổ song phương giữa các bên liên quan.

Tháng 07/2011, Quy tắc hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông đã được thông qua sau khi ASEAN từ bỏ yêu cầu tham khảo ý kiến nhau trước khi gặp Trung Quốc. ASEAN đã sửa đổi điểm 2 như sau : « thúc đẩy đối thoại và trao đổi ý kiến giữa các bên ». Một điểm mới được thêm vào bản dự thảo gốc của ASEAN quy định rằng các hoạt động và các dự án được thực hiện trong khuôn khổ DOC sẽ được báo cáo lênHội nghị bộ trưởng Ngoại Giao ASEAN-Trung Quốc. Về các khía cạnh khác, bản quy tắc hướng dẫn thực thi được thông qua giống hệt từng chữ so với văn bản ban đầu mà ASEAN đưa ra năm 2005.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.