Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP QUỐC - MIẾN ĐIỆN - THUỐC PHIỆN

Liên Hiệp Quốc: Diện tích trồng cây thuốc phiện tăng vọt tại Miến Điện sau đảo chính

Nạn trồng cây thuốc phiện đã phát triển mạnh ở Miến Điện từ sau vụ đảo chính quân sự vào tháng 2 năm 2021. Trong một bản báo cáo được công bố hôm 26/01/2023, cơ quan chống ma túy của Liên Hiệp Quốc cảnh báo tình trạng đó đã xóa bỏ nhiều năm tiến bộ trong cuộc chiến chống buôn lậu ma túy.

Ảnh minh họa : Một bánh cocaine.
Ảnh minh họa : Một bánh cocaine. ©Reuters
Quảng cáo

Bản phúc trình của cơ quan Liên Hiệp Quốc phụ trách chống ma túy và tội phạm UNODC ghi nhận là tại Miến Điện, diện tích đất được dùng để trồng cây thuốc phiện (nguồn tạo ra thuốc phiện và bạch phiến) đã tăng 33% trong một năm, lên đến 40.100 ha vào năm 2022. Tổng sản lượng ước tính lên đến 790 tấn, tăng 88% so với năm trước, đặc biệt nhờ các kỹ thuật canh tác hiệu quả hơn.

Bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc, dựa trên hình ảnh vệ tinh và các nghiên cứu thực địa, cho biết đó là những con số kỷ lục kể từ năm 2013 đến nay, đánh dấu sự đổi chiều sau 6 năm giảm liên tiếp cho đến năm 2020. Đà tăng vọt trở lại này tương ứng với thời kỳ quân đội Miến Điện lên cầm quyền sau cuộc đảo chính lật đổ lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi.

Theo ông Jeremy Douglas, đại diện UNODC đặc trách khu vực Đông Nam Á, do những biến động về kinh tế, chính trị và an ninh sau cuộc đảo chính, “nông dân ở phía bắc bang Shan (miền Đông, nơi có 85% diện tích trồng cây thuốc phiện) hoặc ở các vùng biên giới không có lựa chọn nào khác ngoài việc quay lại với hoạt động trồng cây thuốc phiện”.

Mặt khác, nhiều công nhân đã phải rời khỏi các vùng đô thị để đến tìm việc tại cánh đồng trồng thuốc phiện ở nông thôn.

Theo UNODC, “ngành” trồng thuốc phiện của Miến Điện được định giá từ 660 triệu đến 2 tỷ đô la, tương đương với từ 1 đến 3% GDP, trong bối cảnh nạn sản xuất ma túy tổng hợp ngày càng mở rộng. Bản báo cáo ghi nhận rằng giá trung bình mỗi kg trả cho nông dân đã tăng 69% trong một năm, lên tới 281 đô la vào năm 2022.

Theo Ngân Hàng Thế Giới, do những bất ổn kinh tế sau cuộc đảo chính, khoảng 40% dân số Miến Điện sống dưới ngưỡng nghèo khó vào năm 2022, một con số ngày càng tăng, xóa đi gần một thập kỷ tiến bộ trong lĩnh vực này.

Benedikt Hofman, đặc trách về Miến Điện của UNODC cho biết, nông dân nước này cần được giúp đỡ để có được thu nhập từ các loại cây trồng khác ngoài cây thuốc phiện. Ông nói: “Nếu không có các giải pháp thay thế hoặc sự ổn định kinh tế, có nguy cơ là việc trồng và sản xuất thuốc phiện sẽ tiếp tục phát triển” tại quốc gia Đông Nam Á này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.