Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - QUỐC PHÒNG

Nhật Bản : Trung Quốc là "thách thức chiến lược chưa từng có"

Chính phủ Nhật Bản hôm nay, 16/12/2022, thông qua học thuyết quốc phòng mới nhằm đối phó với những mối đe dọa ngày càng lớn, chủ yếu đến từ ba nước Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên. Đặc biệt, học thuyết quốc phòng đổi mới năm nay còn khẳng định : « Trung Quốc là một thách thức chiến lược chưa từng có đối với hòa bình và ổn định của Nhật Bản ». 

Thủ tướng Fumio Kishida họp báo ngày 16/12/2022 tại Tokyo sau khi Nhật Bản thông qua chiến lược quốc phòng mới.
Thủ tướng Fumio Kishida họp báo ngày 16/12/2022 tại Tokyo sau khi Nhật Bản thông qua chiến lược quốc phòng mới. AP - David Mareuil
Quảng cáo

Theo AFP, như vậy là lần đầu tiên trong gần một thập niên qua, Nhật Bản xem xét lại chiến lược quốc phòng đưa ra hồi năm 2013. Trong khuôn khổ chiến lược mới này, Tokyo dự trù tăng gấp đôi ngân sách  quốc phòng hàng năm lên đến tỷ lệ 2% GDP từ đây đến năm 2027.  

Chính phủ Nhật Bản biện minh cho sự thay đổi học thuyết quốc phòng này là phải tăng cường năng lực để đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc, hiện đang gia tăng áp lực lên Đài Loan. 

Chiến lược an ninh mới của Nhật còn nhắc đến những bất ổn ở bán đảo Triều Tiên sau loạt bắn thử tên lửa của Bình Nhưỡng, xem đây là một « mối đe dọa nghiêm trọng và có nhiều nguy cơ xảy ra cho Nhật Bản ».  

Liên quan đến Nga, tài liệu mới khẳng định « quyết tâm sử dụng vũ lực của Nga nhằm đạt được các mục tiêu an ninh như những gì diễn ra ở Ukraina là quá hiển nhiên ». Chiến lược mới của Nhật Bản xem các hoạt động quân sự của Nga tại vùng châu Á - Thái Bình cũng như mối quan hệ hợp tác chiến lược của Nga với Trung Quốc là « một mối quan tâm mạnh mẽ » cho an ninh quốc gia. 

Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles giải thích thêm : 

« Kể từ khi Nga tiến hành cuộc chiến xâm lược Ukraina, Nhật Bản lo ngại cho môi trường an ninh quốc gia. Những căng thẳng gia tăng với Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên đã thúc đẩy Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng lên 11 ngàn tỷ yên (tức khoảng 76,40 tỷ euro).  

Việc tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng này cho thấy Nhật Bản có cam kết gần bằng với các nước trong khối NATO, có mức chi tiêu quân sự chiếm 2% của GDP. 

Để đạt được kế hoạch này, từ năm 2024, thủ tướng Fumio Kishida sẽ tăng thuế doanh nghiệp, thuế thuốc lá và những khoản được phân bổ cho đến nay cho việc tái thiết các vùng bị trận sóng thần lớn tàn phá vào tháng 3/2011.  

Nhưng cũng không chắc là Nhật Bản sẽ tăng được gấp đôi các loại trang thiết bị mới đắt tiền, dù rằng Tokyo dự định mua 500 tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ, và phát triển chương trình chế tạo chiến đấu cơ với Anh và Ý. 

Liên quan đến việc xem xét lại học thuyết quốc phòng, văn bản này sẽ còn bao gồm cả việc trang bị một "khả năng phản công" thậm chí để đánh phủ đầu cả những điểm bố trí tên lửa của các nước láng giềng có thể đe dọa quần đảo. Điều này rõ ràng đi ngược lại với Hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.