Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - QUÂN SỰ

Trung Quốc quân sự hóa tàu dân sự để nâng cao năng lực hải quân

Trung Quốc trong nhiều năm qua đã tích cực quân sự hóa các tàu dân sự - tàu cá, tàu chở hàng, tàu nghiên cứu khoa học - để nâng cao năng lực hải quân.

Các tàu của Trung Quốc tập trung tại khu vực Đá Ba Đầu, Biển Đông. Ảnh chụp ngày 27/03/2021.
Các tàu của Trung Quốc tập trung tại khu vực Đá Ba Đầu, Biển Đông. Ảnh chụp ngày 27/03/2021. via REUTERS - PHILIPPINE COAST GUARD
Quảng cáo

Ví dụ gần đây là vụ một con tàu khoa học Trung Quốc với thiết bị theo dõi, giám sát đã cập cảng Sri Lanka. Hàng trăm tàu ​​cá neo đậu trong suốt nhiều tháng trời ở khu vực các đảo đang có tranh chấp trên Biển Đông. Và những chiếc phà viễn dương, được chế tạo để có thể chở các loại xe tải trọng lớn và chuyên chở được nhiều người.

Nhìn bên ngoài, tất cả đều là tàu dân sự, nhưng giới chuyên gia và chính quyền nhiều nước trong khu vực đều lo ngại cho rằng đó là một phần của chiến lược tổng hợp dân-quân sự của Trung Quốc, vốn dĩ Bắc Kinh cũng ít che giấu, nhằm tăng cường khả năng hàng hải của nước này. Trên đây là những nhận định của cây bút thời luận David Rising của hãng tin Mỹ AP ngày 21/09/2022, đăng trên trang mạng asafrance.fr.  RFI xin giới thiệu.  

Hiện nay, nếu tính theo số lượng tàu thì Trung Quốc đã có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới. Bắc Kinh cũng đã nhanh chóng cho đóng các tàu chiến mới, đây là một phần của kế hoạch mở rộng quân sự quy mô lớn của Trung Quốc. Hồi tháng 06/2022, Trung Quốc đã cho hạ thủy tàu sân bay đầu tiên được thiết kế và chế tạo trong nước, ngoài ra còn có ít nhất 5 tàu ​​khu trục mới sẽ sớm được đưa vào hoạt động.  

Sự tăng tốc nói trên diễn ra khi Bắc Kinh cố gắng mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Bắc Kinh đang gia tăng các hoạt động quân sự xung quanh đảo Đài Loan, tìm kiếm các thỏa thuận an ninh mới với các đảo quốc ở Thái Bình Dương và xây dựng các đảo nhân tạo ở những vùng biển có tranh chấp để củng cố các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, điều mà Mỹ và các đồng minh phản đối.  

Dùng tàu dân sự để hạn chế biện pháp đáp trả của đối phương 

Điều đáng nói là Trung Quốc không chỉ đóng thêm các tàu quân sự mà còn bị nghi ngờ sử dụng các tàu dân sự để phục vụ các ý đồ do thám, quân sự. Các tàu dân sự không chỉ đơn giản làm tăng số tàu mà Trung Quốc có, mà còn thực hiện các nhiệm vụ mà các tàu quân sự khó có thể thực hiện. Chẳng hạn, ở quần đảo Trường Sa tại Biển Đông, Trung Quốc trả công cho các tàu đánh bắt cá nhiều hơn những gì các chủ tầu có thể kiếm được nếu họ chỉ đơn giản là đánh bắt cá. 

Ông Gregory Poling, giám đốc tổ chức Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải châu Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết các tàu này chỉ cần thả neo ở quần đảo Trường Sa tối thiểu 280 ngày một năm để ủng hộ yêu sách của Bắc Kinh đối với quần đảo đang có tranh chấp. Ông Gregory Poling nói : « Trung Quốc có thể sử dụng các tàu trên danh nghĩa là tàu dân sự và rõ ràng là do Nhà nước chỉ đạo, Nhà nước trả tiền để xâm phạm chủ quyền của các nước láng giềng, nhưng sau đó lại phủ nhận một cách trắng trợn rằng Nhà nước Trung Quốc phải chịu trách nhiệm ».   

Trung Quốc đã sử dụng tàu đánh bắt cá dân sự cho mục đích quân sự từ nhiều thập kỷ nay, nhưng thời gian qua đã tăng đáng kể số lượng các tàu này, thông qua việc thành lập « Hạm đội trụ cột Trường Sa » trong khuôn khổ một chương trình được chính phủ tài trợ. Chương trình này đã được khởi động từ thời Tập Cận Bình, nhằm cấp kinh phí cho nhiều hoạt động, trong đó có đóng các tàu mới.  

Nhà nghiên cứu Poling cho biết, những con tàu này « đa phần chỉ hôm trước hôm sau là đã thấy xuất hiện », sau khi Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng cảng cách nay vài năm trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã cho xây dựng ở Trường Sa. Rất có thể là cảng này cũng là nhằm thực hiện hoạt động tiếp liệu. Theo nhà nghiên cứu của tổ chức Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải châu Á, hiện có khoảng 300-400 tàu của Trung Quốc luôn luôn được triển khai ở quần đảo Trường Sa, trong khu vực đang có tranh chấp.  

Philippines, Malaysia, Việt Nam và một số nước khác cũng có đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, khu vực đánh bắt được nhiều, có tuyến vận tải hàng hải quan trọng, và được xem là có nhiều trữ lượng khí đốt tự nhiên và dầu lửa chưa được khai thác.   

Jay Batongbacal, người đứng đầu Viện Hàng hải và Luật biển của Đại học Philippines, cho biết các tàu Trung Quốc cản trở các tàu đánh cá khác hoạt động trong khu vực và dần dần đẩy họ ra khỏi nơi đó, nhưng chính phủ các nước liên quan không thể làm được gì. Ông giải thích : « Đó là bởi vì nhìn bề ngoài thì đó là tàu cá dân sự, các tàu hải quân không thể đối phó với các tàu này vì Manila sợ rằng Trung Quốc cáo buộc Philippines gây sự cố và sử dụng vũ lực chống thường dân … Họ tận dụng các « vùng xám » dưới ngưỡng cho phép kích hoạt phản ứng đáp trả tự vệ ».  

Trong một vụ việc được truyền thông nói đến nhiều, một tàu đánh cá vỏ thép của Trung Quốc hồi năm 2019 đã đâm chìm một chiếc thuyền vỏ gỗ của Philippines đang neo đậu ở phía đông bắc quần đảo Trường Sa, rồi bỏ mặc thuyền viên của tàu gỗ Philippines. Những người này sau đó được một tàu đánh cá Việt Nam cứu vớt. Bất chấp sự phản đối ngoại giao của Philippines, Trung Quốc vẫn phủ nhận vụ việc mà họ đã cố ý gây ra, gọi đó là « một vụ va chạm không may xảy ra ».  

Ngoài khoảng 800 - 1.000 tàu cá thương mại trong « hạm đội trụ cột Trường Sa », theo một nghiên cứu hồi tháng 11 mà chuyên gia Poling là đồng tác giả, dựa vào việc phân tích các báo cáo chính thức của Trung Quốc, các hình ảnh vệ tinh cũng như nhiều nguồn khác, Trung Quốc còn có khoảng 200 tàu khác thuộc lực lượng dân quân biển chuyên nghiệp. 

Ông Poling cho biết, với các thủy thủ đoàn được đào tạo và chịu sự kiểm soát trực tiếp của Nhà nước, lực lượng dân quân chuyên nghiệp của Trung Quốc được trang bị tốt hơn và được huy động cho các hoạt động hung hăng hơn, chẳng hạn quấy rối hoạt động khai thác dầu lửa và khí đốt của nước ngoài. Và trong trường hợp xảy ra xung đột, việc Trung Quốc sử dụng các tàu dân sự sẽ khiến việc giải quyết phức tạp hơn. Ông Polling nói không thể xem mọi tàu đánh cá của Trung Quốc là tàu chiến có vũ trang, nhưng trên thực tế đúng là có một số tàu như vậy.   

Tàu quân sự « đội lốt » dân sự  

Ridzwan Rahmat, nhà phân tích làm việc tại Singapore cho cơ quan tình báo của tạp chí Janes Defences, cho biết Trung Quốc cũng đang triển khai các tàu nghiên cứu dân sự cho các nhiệm vụ liên quan đến quân sự ở những khu vực mà Hải quân Trung Quốc sẽ không thể hoạt động mà không gây phản ứng đáp trả. Theo ông, « nếu họ triển khai tàu vỏ xám (tàu quân sự), thì đối thủ cũng có thể triển khai tàu vỏ xám như một biện pháp đáp trả, điều đó khiến mọi việc trở nên nguy hiểm hơn cho tất cả các bên (…) Để tránh điều đó, Trung Quốc đã triển khai các tàu vỏ trắng (tàu dân sự) để củng cố sự hiện diện của họ mà không làm mọi chuyện trở nên nghiêm trọng ».  

Ngoài ra, cũng theo chuyên gia Ridzwan Rahmat, phương Tây cũng đề ra nhiều biện pháp kiểm soát xuất khẩu, cấm xuất khẩu công nghệ nhạy cảm cho Trung Quốc vì mục đích quân sự, vì thế Bắc Kinh đang tìm cách lách lệnh cấm bằng cách cho đóng những con tàu dân sự, nhưng « trừ tên gọi, còn lại xét về mọi mặt những tàu đó đều là tàu quân sự ».   

Theo Global Times của Trung Quốc, tàu tự động Chu Hải Vân (Zhu Hai Yun) dường như là một trong những con tàu như vậy, có khả năng phóng drone, tự hành trên mặt nước và ngầm dưới nước để « thực hiện các nghiên cứu khoa học trên biển ». Còn chuyên gia Rahmat cho biết, con tàu đã hoàn tất cuộc thử nghiệm đầu tiên về khả năng tự hành trên biển hồi tháng 6, cũng có thể lập các bản đồ quân sự về đáy Biển Đông, bao gồm các tuyến đường quan trọng cho tàu ngầm xung quanh đảo Đài Loan. Ông nói : « Trung Quốc đang tăng cường các cuộc tuần tra răn đe tàu ngầm và để bảo đảm có thể làm được điều đó, họ cần lập bản đồ địa hình dưới đáy biển ».  

Các phương pháp của Trung Quốc đã khiến đối thủ trong khu vực là Ấn Độ nổi giận. Vào tháng 8/2022, khi Bắc Kinh tìm cách đưa tàu Viễn vọng 5 (Yuan Wang 5) vào cập cảng Hambantota của Sri Lanka, không xa bờ biển phía đông nam của Ấn Độ, để tiếp nhiên liệu, đúng vào thời điểm New Delhi đang chuẩn bị thử nghiệm một tên lửa mới. Về mặt chính thức, đó là tàu nghiên cứu khoa học được trang bị thiết bị cảm biến có thể được sử dụng để theo dõi vệ tinh, nhưng những thiết bị đó cũng có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu về một vụ phóng tên lửa.   

Sri Lanka, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và lệ thuộc nhiều vào viện trợ từ Ấn Độ, ban đầu đã từ chối cho phép tàu của Trung Quốc cập cảng vì lo ngại của Ấn Độ. Nhưng vì Trung Quốc khai thác cảng Hambantota, với hợp đồng thuê 99 năm - và cảng được xây dựng bằng vốn của Trung Quốc sau khi Sri Lanka vỡ nợ vào năm 2017, nên sau cuộc tham vấn cấp cao với Bắc Kinh, chính quyền Sri Lanka đã thay đổi ý kiến và cho phép tàu Viễn vọng 5 cập cảng từ ngày 16/08 đến ngày 22/08.  

Sau khi tàu Trung Quốc rời đi, đến ngày 23/08, Ấn Độ đã thử nghiệm thành công tên lửa địa đối không mới được thiết kế để bảo vệ một con tàu khỏi các mối đe dọa tầm gần từ trên không. Chuyên gia Rahmat cho rằng New Delhi đã trì hoãn vụ thử nghiệm, đợi tàu do thám của Trung Quốc đi khỏi rồi mới phóng thử tên lửa.   

Bắc Kinh chuẩn bị khả năng tấn công Đài Loan ? 

Trong khi đó, Mike Dahm, một sĩ quan tình báo Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu và đã từng viết về chủ đề cho Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc, thuộc Trường Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ, nhận định Trung Quốc đã không tìm cách che giấu việc sử dụng các tàu phà viễn dương dân sự để tiếp nhận các loại xe quân sự, chẳng hạn xe thiết tháp. Những con phà này từ năm 2016 đã phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc phòng của Trung Quốc. Nhiều video do đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc sản xuất khéo léo, công phu cũng cho thấy những đoàn tàu lửa chở các loại xe quân sự và các đội quân lên tàu và những con tàu này hướng ra biển, Trung Quốc tuyên bố công khai rằng họ đang thử nghiệm « cách sử dụng các nguồn lực vận tải dân sự để thực hiện các nhiệm vụ quân sự ». Cuộc thao dợt mới nhất kiểu này đã hoàn tất trong tháng 09/2022.   

Mike Dahm, cựu sĩ quan tình báo Hải quân Mỹ, cho rằng điều đó có thể là nhằm răn đe Đài Loan, vốn Bắc Kinh vẫn tuyên bố Đài Loan thuộc về Trung Quốc và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thống nhất, đồng thời cũng là nhằm ủng hộ thông điệp của chính phủ Trung Quốc theo đó lĩnh vực công cũng đóng góp cho an ninh quốc gia.  

Còn nhà nghiên cứu Rahmat nói nhận định Trung Quốc hiện không sở hữu đủ tàu đổ bộ chuyên chở số quân cần thiết vượt 160 dặm qua eo biển Đài Loan để có thể tiến hành một cuộc đổ bộ lên đảo Đài Loan, nên sử dụng phà có thể là một biện pháp tạm thời nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng thúc đẩy Trung Quốc quyết định xâm lược Đài Loan. Trung Quốc cũng có thể không muốn chi số tiền xây dựng và bảo trì một « chiến hạm đổ bộ khổng lồ » trong một khoảng thời gian không xác định, theo quan điểm của cựu sĩ quan tình báo hải quân Mỹ Dahm. Sĩ quan này cho biết tàu đổ bộ quân sự được xây dựng để đưa các đội quân và xe quân sự đổ bộ lên bãi biển, trong khi phà di chuyển từ cảng này sang cảng khác, có nghĩa là chúng sẽ chỉ có phát huy hiệu quả nếu Trung Quốc có thể chiếm được các cảng của Đài Loan và các cảng này phải trong tình trạng có thể sử dụng được.   

Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có thể đặt cược đầy may rủi vào việc đưa các xe lội nước lên phà hoặc lập các luồng phao dẫn đường. Cựu sĩ quan tình báo Hải quân Mỹ kết luận Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc luôn có khả năng lao vào thực hiện một chiến dịch tấn công Đài Loan bất chấp nguy cơ cao là phải hy sinh một số lượng lớn tàu dân sự. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.