Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - LIÊN HIỆP QUỐC

Cáo buộc diệt chủng: Cao Ủy Nhân Quyền LHQ đến Tân Cương tháng 5/2022

Phủ Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đạt thỏa thuận với Bắc Kinh: Vào tháng 05/2022, cao ủy Michelle Bachelet sẽ đi thị sát về nhân quyền tại vùng Tân Cương, Trung Quốc.

Bà Michelle Bachelet, cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền trong một phiên họp tại trụ sở ở Genève, Thụy Sĩ, ngày 04/03/2022.
Bà Michelle Bachelet, cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền trong một phiên họp tại trụ sở ở Genève, Thụy Sĩ, ngày 04/03/2022. REUTERS - DENIS BALIBOUSE
Quảng cáo

Cao ủy Nhân Quyền Michelle Bachelet đã thông báo tin trên trong một cuộc họp của Hội Đồng Nhân Quyền, tại Genève hôm qua, 08/03/2022. Theo hãng tin AFP, phát ngôn viên của cao ủy Nhân Quyền, Elizabeth Throssell, cho biết nhóm tiền trạm chuẩn bị lên đường đến Tân Cương và một số địa điểm khác tại Trung Quốc. Phát ngôn viên Elizabeth Throssell cũng thông báo đã đạt thỏa thuận với chính quyền Trung Quốc về « các thông số, bảo đảm tôn trọng phương pháp (điều tra) ». Trong chuyến đi này, các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc sẽ có thể « tiếp xúc tự do với đông đảo tác nhân, bao gồm xã hội dân sự ».  

Ngay sau khi phủ Cao Ủy Nhân Quyền thông báo tin trên, gần 200 hiệp hội bảo vệ nhân quyền trên thế giới, công bố một bức thư ngỏ, một mặt hoan nghênh diễn biến mới này, mặt khác yêu cầu phủ Cao Ủy Nhân Quyền công bố « không chậm trễ » báo cáo của cao ủy Nhân Quyền Bachelet về Tân Cương, vốn đã được phủ Cao Ủy nhiều lần hứa công bố.  

Về phía Pháp, ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian đánh giá chuyến đi này là một diễn biến tích cực. Lãnh đạo ngoại giao Pháp yêu cầu chính quyền Trung Quốc « không gây trở ngại » cho chuyến đi của cao ủy Nhân Quyền tại Tân Cương. Đại diện Pháp tại Genève cũng hối thúc phủ Cao Ủy Nhân Quyền sớm công bố báo cáo về Tân Cương. Đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc Simon Manley hoan nghênh « mọi nỗ lực soi sáng về các xâm phạm nhân quyền trầm trọng tại Tân Cương ».  

Nhiều quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ, Pháp và Anh, đã liên tục lên án « tội ác diệt chủng » chống lại người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Theo điều tra của nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền, ít nhất một triệu dân, bao gồm người Duy Ngô Nhĩ và một số cộng đồng thiểu số nói tiếng Thổ, theo đạo Hồi, đang hoặc đã bị giam cầm trong hàng loạt trại tập trung tại Tân Cương.

Ngày 21/10/2021, một nhóm 43 nước tại một cuộc họp của Liên Hiệp Quốc, đã ra một tuyên bố chung nhấn mạnh đến các hành động tra tấn, cách đối xử độc ác, phi nhân tính và hạ nhục con người, cưỡng bức triệt sản, bạo lực tình dục và kỳ thị giới tính, cũng như tách trẻ em khỏi gia đình, nhắm vào cộng đồng Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng sắc tộc thiểu số khác.  

AFP nhấn mạnh là, cho đến nay, Bắc Kinh bác bỏ mọi ý tưởng về một cuộc điều tra về nhân quyền tại Tân Cương, và đòi hỏi mọi chuyến đi của chuyên gia Liên Hiệp Quốc đến khu vực này đều phải mang « tính hữu nghị ».  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.