Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - HOA KỲ

Trung Quốc lấy mô hình tàu sân bay Mỹ làm mục tiêu tập trận tên lửa

Quân đội Trung Quốc đã xây dựng mô hình một tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ và nhiều tàu chiến Mỹ trên sa mạc Taklamakan ở vùng Tân Cương. Hình ảnh vệ tinh của Maxar, công bố hôm Chủ Nhật 08/11/2021, cho biết như trên. Theo Viện Hải Quân Mỹ, các mô hình này có thể đã được Trung Quốc dùng làm mục tiêu thực hành diễn tập phóng tên lửa.

Ảnh minh họa : Tiêm kích J15 trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc, đang tập trận, ngày 24/04/2018.
Ảnh minh họa : Tiêm kích J15 trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc, đang tập trận, ngày 24/04/2018. © AFP
Quảng cáo

Theo hãng tin Anh Reuters, những mô hình này phản ánh nỗ lực của Trung Quốc trong việc nâng cao năng lực chống tàu sân bay, đặc biệt là chống lại Hải quân Hoa Kỳ, trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh với Washington vẫn nghiêm trọng trong các hồ sơ Đài Loan và Biển Đông.

Các hình ảnh vệ tinh của Maxar cho thấy mô hình có đường nét của 1 tàu sân bay Hoa Kỳ và ít nhất 2 tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke đã được dựng trên sa mạc Taklamakan. Các hình ảnh cũng cho thấy một hệ thống đường ray rộng 6 mét, gắn trên đó là một mô hình có kích cỡ bằng một con tàu. Các chuyên gia cho rằng mô hình phức hợp này có thể được sử dụng để mô phỏng một con tàu đang chuyển động.

Viện Hải quân Hoa Kỳ trích dẫn công ty phân tích thông tin tình báo không gian địa lý All Source Analysis, theo đó mô hình phức hợp này đã được quân đội Trung Quốc sử dụng làm mục tiêu để thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Các chương trình tên lửa chống hạm của Trung Quốc do Lực Lượng Tên Lửa Quân Giải Phóng Nhân Dân (PLARF) giám sát. Bộ Quốc Phòng Trung Quốc hiện chưa hồi đáp yêu cầu bình luận về thông tin nói trên.

Theo báo cáo quân sự thường niên mới nhất của Lầu Năm Góc, lần bắn đạn thật đầu tiên tại Biển Đông của Lực Lượng Tên Lửa Quân Giải Phóng Nhân Dân của Trung Quốc đã được tiến hành vào tháng 07/2020. 6 tên lửa đạn đạo chống hạm (DF-21) được phóng ra vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với Đài Loan và 4 nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Chuyên gia Collin Koh, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định các cuộc thử nghiệm trên biển có thể đã cho thấy Trung Quốc « vẫn còn xa mới chế tạo ra được một tên lửa ASBM chính xác ». Ông không cho là các mô hình tàu Mỹ mà Trung Quốc dựng ở sa mạc là phục vụ thử nghiệm ở giai đoạn cuối, tức là Trung Quốc còn cần thêm các bước cải tiến, bởi một vụ thử tên lửa đạn đạo chống hạm được tiến hành trên sa mạc sẽ không phản ánh các điều kiện thực tế của môi trường biển, nhưng sẽ cho phép Trung Quốc hướng đến các cuộc thử nghiệm thành công hơn.

Thế nhưng, chuyên gia Collin Kohcũng lưu ý đối với Bắc Kinh, cách tốt nhất để tránh thu hút sự chú ý của quân đội và tình báo Mỹ là thử nghiệm trên đất liền. Đó là chưa kể các nước láng giềng của Trung Quốc, vốn lo ngại về tên lửa của Bắc Kinh, có thể sẽ phản đối các vụ thử nghiệm trên biển. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi tháng 07/2021 tuyên bố là Mỹ sẽ bảo vệ Philippines, nếu nước này bị Trung Quốc tấn công ở biển Đông và cảnh báo Bắc Kinh nên ngưng « hành vi khiêu khích ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.