Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP QUỐC - MIẾN ĐIỆN

Nhóm điều tra LHQ về Miến Điện: Có bằng chứng về tội ác của tập đoàn quân sự

Người đứng đầu cơ quan điều tra Liên Hiệp Quốc về các tội ác nghiêm trọng nhất tại Miến Điện ngày 05/11/2021 khẳng định: Các bằng chứng sơ bộ thu thập được kể từ khi quân đội đảo chánh để lên nắm quyền vào ngày 1 tháng 2 cho thấy cả một cuộc tấn công trên diện rộng và có hệ thống nhằm vào thường dân có thể bị “quy kết thành tội ác chống nhân loại”.

Ảnh minh họa: Cảnh sát giương súng tiến vào Đại Học Công Nghệ Mandalay, Miến Điện, ngày 07/03/2021.
Ảnh minh họa: Cảnh sát giương súng tiến vào Đại Học Công Nghệ Mandalay, Miến Điện, ngày 07/03/2021. via REUTERS - OBTAINED BY REUTERS
Quảng cáo

Theo hãng tin Mỹ AP, phát biểu với báo chí tại Liên Hiệp Quốc, ông Nicholas Koumjian xác nhận rằng Cơ Chế Điều Tra Độc Lập về Miến Điện do ông đứng đầu, đã nhận được hơn 200.000 thông tin kể từ ngày quân đội Miến Điện tiến hành đảo chính, và đã thu thập được hơn 1,5 triệu bằng chứng. Các dữ liệu này đang được phân tích “để một ngày nào đó những người chịu trách nhiệm nặng nhất về các tội ác quốc tế nghiêm trọng ở Miến Điện sẽ phải giải trình”.

Theo ông Koumjian, để đi đến nhận xét là các tội ác đối với thường dân được thực hiện trên diện rộng và mang tính hệ thống, các nhà điều tra đã xuất phát từ việc trong thời gian khoảng sáu tuần ngay sau cuộc dảo chánh, các vụ đàn áp đã gia tăng đáng kể nhắm vào những người biểu tình, với những biện pháp dữ dội hơn. Đàn áp xảy ra đồng thời ở những nơi khác nhau cho thấy đó là việc thực hiện một chính sách chung.

Ông Koumjian nói tiếp: “Và chúng tôi cũng thấy rằng một số nhóm cụ thể đã trở thành mục tiêu đàn áp, cụ thể là bị bắt giữ và giam cầm mà không tuân theo bất kỳ thủ tục pháp lý nào”. Trong số các đối tượng này, có nhà báo, nhân viên y tế và các đối thủ chính trị” của tập đoàn quân sự.

Cơ Quan Điều Tra của Liên Hiệp Quốc được Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, trụ sở tại Genève thành lập vào tháng 9 năm 2018 với nhiệm vụ thu thập, củng cố, lưu trữ và phân tích bằng chứng về các tội ác quốc tế nghiêm trọng nhất và những vụ vi phạm luật pháp quốc tế xảy ra ở Miến Điện kể từ ngày 01/01/2011.

Theo ghi nhận của AP, cuộc đảo chánh ngày 01/02/2021 diễn ra sau cuộc bầu cử tháng 11 năm 2020, với sự kiện đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo, điều đã bị quân đội bác bỏ là gian lận.

Kể từ cuộc đảo chánh, Miến Điện đã chìm trong bất ổn, với các cuộc biểu tình thoạt đầu ôn hòa chống lại các tướng lĩnh cầm quyền, sau đó biến thành những vụ bạo loạn nhỏ ở nhiều khu vực thành thị sau khi lực lượng an ninh sử dụng vũ lực tàn khốc.

Gần đây hơn đã xuất hiện những cuộc giao tranh nghiêm trọng ở các vùng nông thôn, đặc biệt là ở khu vực biên giới. với sự tham gia của lực lượng dân quân các dân tộc thiểu số chống lại quân đội chính phủ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.