Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG

Nghị viện Hồng Kông bàn dự luật “bảo vệ đời tư”

Hôm nay, 21/07/2021, nghị viện Hồng Kông, mà nay không còn phe đối lập, bắt đầu thảo luận về dự luật bảo vệ đời tư, chống lại tệ nạn “doxing”, một đạo luật mà các tập đoàn Internet sợ là sẽ gây cản trở cho hoạt động của họ ở đặc khu này. 

Ảnh tư liệu: Các dân biểu ủng hộ dân chủ bị lực lượng an ninh bao vây ngăn chặn trong phiên thảo luận về dự  luật cấm phỉ báng quốc ca Trung Hoa, trụ sở nghị viện Hồng Kông (LegCo), ngày 04/06/2020.
Ảnh tư liệu: Các dân biểu ủng hộ dân chủ bị lực lượng an ninh bao vây ngăn chặn trong phiên thảo luận về dự luật cấm phỉ báng quốc ca Trung Hoa, trụ sở nghị viện Hồng Kông (LegCo), ngày 04/06/2020. AP - Kin Cheung
Quảng cáo

Theo hãng tin Reuters, các tổ chức bảo vệ nhân quyền và các tập đoàn công nghệ cho rằng các biện pháp được quy định trong dự luật bảo vệ đời tư có thể được sử dụng để bảo vệ những người cầm quyền và chống các tổ chức xã hội dân sự.

Nhưng những người ủng hộ dự luật này khẳng định đây là một văn bản được chờ đợi từ lâu nhằm chống tệ nạn “doxing”, một vấn đề ngày càng trở nên trầm trọng kể từ sau các cuộc biểu tình đòi dân chủ năm 2019 tại Hồng Kông.

Doxing” là việc phổ biến những thông tin cá nhân về một người hay một tổ chức. Cụ thể là sau các cuộc biểu tình năm 2019, nhiều chi tiết về cảnh sát và các thẩm phán Hồng Kông đã được đăng lên mạng.  

Dự luật bảo vệ đời tư chắc là sẽ được thông qua nhanh chóng, bởi vì trong nghị viện Hồng Kông nay không còn phe đối lập, sau khi các nghị viện ủng hộ dân chủ đã đồng loạt từ chức vào năm ngoái để phản đối việc một số đồng nhiệm của họ bị đình chỉ chức vụ. 

Cựu tổng biên tập Apple Daily bị bắt 

Trong khi đó, theo hãng tin AFP, một cựu tổng biên tập của nhật báo ủng hộ dân chủ Apple Daily đã bị bắt sáng nay, theo thông báo của cảnh sát Hồng Kông. Nhà báo Lam Man-chung, 51 tuổi, bị cáo buộc “cấu kết với các thế lực bên ngoài”, một trong những tội danh được quy định trong luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc áp đặt lên Hồng Kông vào năm ngoái. Đây là nhân viên thứ 9 của nhật báo Apple Daily bị bắt giữ trong khuôn khổ đạo luật này. Sau khi nhiều lãnh đạo bị bắt và tài sản bị phong tỏa, tờ báo ủng hộ dân chủ này đã phải đóng cửa vào cuối tháng 6, sau 26 năm tồn tại. 

Ngoài ra, kênh phát thanh truyền hình chính thức của Hồng Kông, RTHK, hôm nay vừa ra lệnh cho nhân viên của họ kể từ nay không được gọi lãnh đạo Đài Loan là “tổng thống”, cũng như không được gọi “chính phủ Đài Loan” hay dùng tên chính thức của Đài Loan là “Trung Hoa Dân Quốc”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.