Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG - THIÊN AN MÔN

Hồi ức về Thiên An Môn: Giáo hội Công giáo Hồng Kông, ‘‘thành trì cuối cùng’’

Kể từ khi chính quyền Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông, việc tổ chức tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn 1989 bị ngăn cấm tại đặc khu. Tuy nhiên, người dân Hồng Kông vẫn có nhiều sáng kiến cá nhân để tổ chức tưởng niệm.

Nhà thờ Thánh Gioan ở Hồng Kông. Ảnh chụp ngày 21/09/2020.
Nhà thờ Thánh Gioan ở Hồng Kông. Ảnh chụp ngày 21/09/2020. AFP - ISAAC LAWRENCE
Quảng cáo

Riêng về phía các tổ chức, chỉ còn Giáo hội Công giáo vẫn tiến hành tưởng niệm. RFI giới thiệu tóm lược bài viết của nhà báo Florence de Changy trên Le Monde, ngày 03/06/2021.

Nguyên tắc tự do tôn giáo

Cho đến nay, cộng đồng Công giáo nhỏ bé ở Hồng Kông, với khoảng 500.000 người trên tổng số 7,5 triệu cư dân, không bị luật này đe dọa, như đối với đa số người dân Hồng Kông, do quyền tự do tôn giáo vẫn còn được bảo vệ ở đây. Quyền tự do tôn giáo được một điều khoản đặc biệt trong Luật Cơ bản (tức Hiến pháp Hồng Kông) bảo vệ : « Các cư dân Hồng Kông có quyền tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do truyền bá đức tin và tham gia vào các hoạt động tôn giáo nơi công cộng ». Một bộ phận giới tinh hoa lãnh đạo Hồng Kông hiện nay trưởng thành từ các trường học Công giáo. Người đứng đầu đặc khu Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), thừa nhận là một tín đồ Công giáo sùng đạo.

Bảy xứ đạo Công giáo Hồng Kông chính thức tổ chức dịp tưởng niệm vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn (ngày mùng 4 tháng 6 năm 1989), vào lúc 20 giờ tối ngày hôm nay 04/06/2021. Ba trong số bảy thánh lễ tại các xứ đạo được truyền trực tiếp trên mạng Facebook. 20 giờ tối ngày 04/06 là thời điểm hàng năm, mà suốt 30 năm qua, năm nào cũng vậy người Hồng Kông tập hợp đông đảo để tưởng niệm vụ thảm sát tại Công viên Victoria, trên hòn đảo chính của Hồng Kông.  Việc tập hợp bị cấm, sau khi Trung Quốc áp đặt Luật An ninh Quốc gia kể từ ngày 30/06/2021. Mọi hành động được coi là chống Trung Quốc sẽ bị trừng phạt nặng nề.

Bảy xứ đạo tổ chức tưởng niệm

Việc bảy xứ đạo Công giáo – rải rác trên khắp lãnh thổ đặc khu – vẫn tiếp tục tổ chức lễ tưởng niệm thảm sát Thiên An Môn quả là cái gai trước mắt Bắc Kinh. Nhà báo Florence de Changy nhấn mạnh : các xứ đạo Công giáo, trên thực tế, đã trở thành « những thành trì cuối cùng » chống lại chính sách cấm đoán của Bắc Kinh, nhằm xóa bỏ mọi ký ức về Thiên An Môn trong xã hội Trung Quốc.

Bắc Kinh không để yên. Trong đêm ngày 2 qua ngày 3 tháng 6, trước cửa nhiều nhà thờ Công giáo tại Hồng Kông, hàng loạt cuộc tập hợp phản đối đã được tổ chức. Người biểu tình mang theo các khẩu hiệu to với các dòng chữ Hán màu đỏ hoặc vàng, trên nền đen. Khẩu hiệu mang những dòng chữ như : « Các giáo phái đang xâm nhập tôn giáo. Kẻ chống lại Đức Chúa Trời và các tiên tri giả đang xuất hiện. Dưới vỏ bọc tôn vinh Thiên Chúa, họ đang khuyến khích sự hỗn loạn, gây chia rẽ tôn giáo, với bàn tay vấy máu ».

« Quần chúng » biểu tình, nội gián

Đối tượng của khẩu hiệu nói trên không ai khác hơn là nguyên giám mục Hồng Kông, hồng y Giuse Trần Nhật Quân (Zen Ze-kiun), 89 tuổi, người từ lâu nay khẳng định thái độ không khoan nhượng với Bắc Kinh. Một khẩu hiệu nói thẳng : « Hỡi các tín đồ Công giáo, quý vị hãy coi chừng đừng để bị đẩy đến chỗ vi phạm luật an ninh quốc gia ». Hồng y Trần Nhật Quân trực tiếp chủ trì thánh lễ tưởng niệm hôm nay tại xứ đạo mang tên thánh Anrê thuộc khu Tseung Kwan O (Tướng Quân Áo), nơi có hai thanh niên thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản kháng dữ dội chống dự luật dẫn độ hồi 2019.

Theo nhà báo Florence de Changy, các cuộc tập hợp phản đối được tổ chức trước cửa nhiều nhà thờ ở Hồng Kông, cho dùng không có ai đứng ra nhận trách nhiệm tổ chức, nhưng có vẻ rất giống với các hoạt động của Mặt Trận Thống Nhất, một tổ chức ngoại vi của đảng Cộng Sản Trung Quốc bao gồm nhiều đoàn thể thân chế độ. Tại Hồng Kông, tay chân của Mặt Trận Thống Nhất thường tổ chức nhiều hoạt động khuyếch trương thanh thế của chế độ Bắc Kinh, cũng như ngăn cản nhiều hoạt động của phong trào đòi dân chủ.

Nghị sĩ Hồng Kông thân Bắc Kinh có quan điểm nổi tiếng cứng rắn Hà Quân Nghiêu (Junius Ho) công khai khuyến khích những người ủng hộ theo dõi chặt chẽ các buổi lễ tôn giáo, tổ chức tại các nhà thờ Công giáo tối hôm nay, 04/06, và sẵn sàng báo tin cho cảnh sát, « nếu có một nghi ngờ, dù là nhỏ nhất ». Một cha xứ, xin ẩn danh, cho phóng viên biết : « Chúng tôi sẽ theo dõi rất nghiêm ngặt việc tuân thủ quy định phòng dịch, chỉ cho phép số người tham dự lễ không được quá 30% số chỗ thông thường, bởi chúng tôi biết là sẽ có những phần tử nội gián trà trộn trong các buổi lễ này ».

Giáo hội Công giáo Hồng Kông là đối thủ hàng đầu của Bắc Kinh trong lĩnh vực tư tưởng. Cùng với việc áp đặt Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông, kể từ đầu năm 2020, Bắc Kinh đã bổ nhiệm hai quan chức mới tại Văn phòng Liên lạc với Hoa lục ở Hồng Kông và Macao, trên thực tế là các cơ quan truyền đạt chỉ thị của chính quyền trung ương. Hai quan chức mới (các ông Lạc Huệ Trữ - Luo Huining và Hạ Bảo Long - Xia Baolong) đều là những người thân cận với lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình, và đều « nổi tiếng do các thành tích chống Giáo hội Công giáo và các nhóm tôn giáo thiểu số » tại Hoa lục.

Xướng tên 187 nạn nhân

Trước các đe dọa từ Trung Quốc, Giáo hội Công giáo Hồng Kông chọn thái độ không lùi bước, nhưng mềm dẻo. Một vị cha xứ thuộc một trong bảy xứ đạo tổ chức cầu nguyện cho những người bị giết hại trong vụ thảm sát Thiên An Môn, cho biết Giáo hội quyết định bỏ tất cả những từ có liên quan đến ngày 04/06 (« Lok Sei », tức « Lục Tứ » trong tiếng Quảng Đông), mà chỉ nói đến « lễ cầu siêu » cho những người quá cố. Nghi thức rước nến vào cuối buổi lễ, như lệ thường, cũng sẽ không diễn ra.

Ngược lại, tên họ của tất cả 187 nạn nhân của vụ đàn áp, đã được xác nhận, sẽ được xướng lên long trọng vào thời điểm khởi đầu thánh lễ. Số lượng nạn nhân trên thực tế có thể lớn hơn rất nhiều. Những người chủ trì thánh lễ cũng nhắc lại rõ ràng là cuộc tưởng niệm nhằm tưởng nhớ đến « các anh chị em đã hy sinh thân mình trong cuộc truy cầu sự thật, cách nay 32 năm ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.