Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - QUÂN ĐỘI

Liên Hiệp Quốc : Quân đội Miến Điện "có thể đã phạm tội ác chống nhân loại"

Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về nhân quyền Miến Điện, Thomas Andrew ngày 11/03/2021 không loại trừ khả năng tập đoàn quân sự đã « phạm tội ác chống nhân loại » kể từ sau cuộc đảo chính hôm 01/02/2021 qua các đợt đàn áp thẳng tay nhắm vào phong trào biểu tình.

Người dân Miến Điện đưa tang Chit Min Thu, chết trong một cuộc biểu tình chống đảo chính tại thị trấn Dagon, phía bắc Rangoon, Miến Điện, ngày 11/03/2021.
Người dân Miến Điện đưa tang Chit Min Thu, chết trong một cuộc biểu tình chống đảo chính tại thị trấn Dagon, phía bắc Rangoon, Miến Điện, ngày 11/03/2021. REUTERS - STRINGER
Quảng cáo

Theo lời ông Andrew, « càng lúc càng có nhiều bằng chứng » cho thấy là quân đội và những lãnh đạo cao cấp nhất ở Naypyidaw « có thể đã phạm tội ác chống nhân loại, kể cả tội sát nhân, thủ tiêu, truy bức và tra tấn, bắt giam trái với những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế ».

Vẫn theo đại diện của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, từ đầu cuộc đảo chính hôm 01/02/2021 tới nay, cảnh sát và quân đội nước này đã sát hại 70 người trong các cuộc đàn áp nhắm vào người biểu tình đòi quân đội trả lại quyền lực cho nhân dân.

Tuy nhiên, ông Thomas Andrew không quên nhắc lại là chỉ có tòa án quốc tế mới đủ thẩm quyền để xác định các vụ sát hại tại Miến Điện có nằm trong khuôn khổ tội ác chống nhân loại hay không.

Lời tố cáo nói trên được đưa trong bối cảnh có thêm 9 người biểu tình chống đảo chính bị sát hại trong ngày 11/03. Theo lời một nhân viên y tế được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, 6 người bị bắn vào đầu tại tỉnh Myaing, miền trung Miến Điện trong ngày 11/03, 8 người khác bị thương, trong đó có 5 người bị thương nặng.

Nạn nhân thứ bảy thiệt mạng hôm 11/03 là một thanh niên 25 tuổi, cũng đã bị bắn một viên đạn vào đầu tại khu vực phía đông thành phố Rangoon. Ở Bago, phía bắc Rangoon một người biểu tình khiếm thính 33 tuổi bị cảnh sát bắn chết và nạn nhân thứ 9 trong cùng ngày bị chết ở Mandalay.

Các vụ sát hại người biểu tình nói trên tiếp diễn bất chấp việc Liên Hiệp Quốc lên án tập đoàn quân sự Miến Điện đàn áp thô bạo phong trào chống đảo chính.

Cũng trong ngày 11/03, lãnh đạo đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ, bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc tham nhũng, nhận đến 600.000 đô la và 11 ký vàng. Đây là tội danh thứ ba quân đội Miến Điện đưa ra để giải thích về việc tiến hành đảo chính và bắt giữ bà Aung San Suu Kyi. Ngày 12/03, luật sư của giải Nobel Hòa Bình năm 1991 đã bác bỏ cáo buộc tham nhũng nói trên. 

Về phản ứng quốc tế, Hàn Quốc vừa thông báo đình chỉ mọi hợp tác quân sự với Naypyidaw.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.