Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG - COC

Biển Đông: Trung Quốc kêu gọi ASEAN sớm kết thúc đàm phán COC

Việt Nam tổ chức thượng đỉnh ASEAN mở rộng qua video hội nghị. Chính quyền Bắc Kinh nhân cơ hội này hối thúc các nước Đông Nam Á kết thúc đàm phán về Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC).

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham gia Thượng Đỉnh ASEAN-Trung Quốc ngày 12/11/2020, trong khuôn khổ Hội Nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội. Trưởng đoàn Trung Quốc là thủ tướng Lý Khắc Cường.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham gia Thượng Đỉnh ASEAN-Trung Quốc ngày 12/11/2020, trong khuôn khổ Hội Nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội. Trưởng đoàn Trung Quốc là thủ tướng Lý Khắc Cường. via REUTERS - VNA
Quảng cáo

Theo báo Hồng Kông South China Morning Post, trong cuộc họp qua mạng với lãnh đạo 10 nước Đông Nam Á, ngày 12/11/2020, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang) kêu gọi « nhanh chóng đúc kết » Bộ Quy Tắc COC. Lời kêu gọi được ra vào lúc cuộc đàm phán dậm chân tại chỗ, từ tháng Giêng năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát và quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng.

Lãnh đạo Trung Quốc không nhắc đến hạn chót 2021, như Bắc Kinh đã đề xuất trước đây là đàm phán 3 năm, nhưng nhấn mạnh là các nước « cần chấp nhận một tiếp cận mềm dẻo và thực tế hơn để tăng tốc đàm phán », nhằm chứng minh với cộng đồng quốc tế là Trung Quốc và ASEAN « sáng suốt và có khả năng quản lý tốt Biển Đông, duy trì hòa bình và ổn định tại vùng biển này ». Thủ tướng Trung Quốc đề xuất tổ chức các cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa các bên « sớm nhất có thể ».

Đàm phán về Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc, nhằm tạo cơ sở để giải quyết hòa bình các bất đồng và tranh chấp, tránh căng thẳng leo thang thành xung đột, khởi sự từ năm 2013. Tuy nhiên, rất ít tiến bộ đạt được. Việc Philippines thắng kiện tại Tòa Trọng Tài Thường Trực ở La Haye, chống lại các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên gần toàn bộ vùng biển này, hồi năm 2016, đã góp phần thúc đẩy đàm phán. Năm 2018, ASEAN và Trung Quốc đạt thỏa thuận về Văn Bản Dự Thảo Đàm Phán Duy Nhất (Single Draft COC Negotiating Text).

Theo nhiều nhà quan sát tại khu vực, rất ít có khả năng các bên đạt được thỏa thuận về COC trong năm 2021, do thiếu các tiếp xúc trực tiếp vì đại dịch, nhưng còn có một lý do khác không kém phần quan trọng là ASEAN tỏ ra thận trọng, dè chừng trước thế đối đầu gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bắc Kinh muốn ép ASEAN chấp nhận các điều khoản có lợi cho TQ

Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, khi đề nghị tăng tốc đàm phán, Bắc Kinh muốn thúc ép ASEAN chấp nhận các điều khoản có lợi cho Trung Quốc, không chấp nhận để Hoa Kỳ can thiệp vào Biển Đông.

Nhà nghiên cứu Trung Quốc Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun), Viện Nghiên Cứu Nam Hải (tức Biển Đông), cảnh báo « mọi can thiệp của các thế lực bên ngoài » vào khu vực sẽ cản trở Bộ Quy Tắc COC đóng vai trò duy trì ổn định tình hình tại đây.

Tháng 7/2020, chính quyền Mỹ ra tuyên bố lên án mạnh mẽ các hoạt động quân sự hóa và các tham vọng chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Mỹ khẳng định đứng về phía các quốc gia ven biển, là nạn nhân của Trung Quốc. Từ đó đến nay, Hoa Kỳ cùng các đồng minh, đối tác tổ chức nhiều cuộc tập trận tại Biển Đông.

Trung Quốc khoe thử nghiệm thành công tên lửa diệt tầu sân bay

Vẫn liên quan đến Biển Đông, báo South China Morning Post hôm nay, 14/12/2020, dẫn lại nguồn tin từ một cựu sĩ quan Quân Đội Trung Quốc. Lần đầu tiên phía Trung Quốc cho biết chi tiết về vụ tập trận tên lửa diệt tàu sân bay ở Biển Đông hồi tháng 8.

Theo nguồn tin này, các tên lửa DF-26B et DF-21D đã bắn trúng mục tiêu đang chuyển động gần quần đảo Hoàng Sa. Người cung cấp thông tin cho biết đây là « một tín hiệu để cảnh báo Hoa Kỳ không có các hành động phiêu lưu quân sự ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.