Vào nội dung chính
IRAK - DAECH - LIÊN QUÂN

Liên quân quốc tế chống Daech ở Irak có dấu hiệu rạn nứt

Trong khi tổng thống Donald Trump nói rõ là Hoa Kỳ không hề có ý định rút quân khỏi Irak, một số nước đồng minh phương Tây của Mỹ đã thông báo triệt thoái một phần lực lượng, gây lo ngại là căng thẳng hiện nay giữa Teheran và Washington sẽ gây tác hại cho cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Lực lượng an ninh Irak tại căn cứu không quân Ain Al-Asad, tỉnh Anbar, Irak, nơi có quân Mỹ đồn trú, ngày 29/12/2019. Ảnh minh họa.
Lực lượng an ninh Irak tại căn cứu không quân Ain Al-Asad, tỉnh Anbar, Irak, nơi có quân Mỹ đồn trú, ngày 29/12/2019. Ảnh minh họa. REUTERS / Thaier Al-Sudani
Quảng cáo

Liên quân quốc tế chống Daech chủ yếu bao gồm lực lượng Mỹ với 5.200 quân, còn lại là lực lượng Canada (500 quân), Anh (400 quân), Pháp (200 quân), Đức (120 quân).

Ngày 07/01/20120, tổng thống Trump và các bộ trưởng Mỹ đã cố cải chính thông tin về quyết định của Washington rút quân khỏi Irak như nội dung một bức thư được lan truyền trên mạng xã hội hôm 06/01. Đó là bức thư mà chính quyền Trump gởi nhầm cho chính phủ Bagdad thông báo các bước chuẩn bị cho việc triệt thoái quân Mỹ khỏi Irak. Bức thư có nhắc đến nghị quyết của Quốc Hội Irak yêu cầu chính phủ Bagdad « trục xuất » các lực lượng nước ngoài khỏi Irak sau vụ sát hại tướng Iran Soleimani.

Để giải tỏa cảm tưởng là « mạnh ai nấy chạy », chủ nhân Nhà Trắng hôm 07/01 tuyên bố rút quân Mỹ khỏi Irak « sẽ là điều tệ hại nhất đối với Irak, do mối đe dọa của nước láng giềng Iran ». Ông Trump nói thêm : « Đến một thời điểm nào đó, chúng tôi sẽ rời đi, nhưng thời điểm đó chưa đến ». Gần như cùng lúc với tổng thống Trump, bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper nhấn mạnh trong một cuộc họp báo là chính sách của Mỹ không thay đổi : « Chúng tôi sẽ không rời khỏi Irak ».

Nhưng trong khi đó, liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt. Sau khi Quốc Hội Irak thông qua nghị quyết yêu cầu chính phủ « chấm dứt sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài », nhiều quốc gia đã xét lại sự tham gia của họ ở Irak.

Trước mắt, Pháp cho biết sẽ ở lại Irak, nhưng Canada và Đức hôm 07/01 đã thông báo tái bố trí một phần lực lượng của họ sang Jordani và Koweit.

Riêng về nước Đức, ủy viên của Quốc Hội đặc trách các lực lượng vũ trang Hans-Peter Bartels tuyên bố trên tờ Les Echos : « Chúng tôi rất muốn trợ giúp chính phủ Irak, nhưng chúng tôi không thể chấp nhận những rủi ro quá lớn cho lực lượng của chúng tôi chừng nào mà tình hình chưa được làm sáng tỏ ».

Khối NATO cũng đã quyết định tạm thời rút một phần nhân viên khỏi Irak, vì nhận thấy tình hình an ninh ở nước này ngày càng xấu đi, với nguy cơ xảy ra ngày càng nhiều vụ tấn công khủng bố do Iran điều khiển từ xa nhắm vào các mục tiêu của Mỹ ở Irak, và các công dân phương Tây sẽ bị vạ lây.

Những hành động nói trên là một vố đau mới đối với liên minh quốc tế chống Daech ở Irak, vào lúc mà các chuyên gia liên tục cảnh báo về nguy cơ phe thánh chiến Hồi Giáo trỗi dậy trở lại. Cho dù lãnh thổ « califat » của họ trên đất Irak - Syria đã bị xóa sổ, nhưng Daech vẫn còn rất nhiều chiến binh hoạt động bí mật.

Trên thực tế, theo Les Echos, lực lượng Mỹ kể từ nay quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ các vị trí của họ và gần như đã bỏ rơi cuộc chiến chống Daech. Pháp, một thành viên rất tích cực của liên quân quốc tế, còn duy trì 200 quân ở Bagdad, nhưng lực lượng này hiện chỉ lo việc huấn luyện binh lính Irak.

Ngay cả Hoa Kỳ cũng đã có sẵn kế hoạch triệt thoái khỏi Irak, vô tình bị tiết lộ qua bức thư gởi nhầm cho chính phủ Bagdad hôm 06/01. Một quan chức quân sự cao cấp của Mỹ đã trình bày chi tiết kế hoạch này cho hãng tin AFP : Các máy bay vận tải sẽ chở các thiết bị quân sự, còn binh lính sẽ rút bằng đường bộ về phía nam và sang nước Koweit láng giềng. Theo lời quan chức này, cuộc triệt thoái sẽ kéo dài nhiều tuần, nhưng nếu tình hình trở nên cấp thiết, có thể được hoàn tất trong nhiều ngày.

Nếu quân Mỹ rút đi, lực lượng của các nước khác trong liên quân chống Daech chắc chắn không thể trụ lại được. Ủy viên Quốc hội Đức Hans-Peter Bartels đã cảnh báo : « Nếu lực lượng quốc tế rút đi, Irak sẽ một mình đối đầu với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ». Trong trường hợp đó, không loại trừ khả năng là tình hình sẽ trở lại giống như năm 2014, khi phe thánh chiến Hồi Giáo chiếm đến một phần ba lãnh thổ Irak và nhiều vùng đất ở Syria.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.