Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Vũ khí hạt nhân : Vladimir Putin « bổn cũ soạn lại » ?

Vladimir Putin lại đem vũ khí hạt nhân ra dọa thế giới trong thông điệp Liên bang. Bầu cử lập pháp Iran, cánh bảo thủ đã « khóa chặt » mọi cánh cửa chính trị, đẩy hẳn phe cải tổ « ra ngoài cuộc chơi ». Tiếp tục dư âm Pháp trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa quyền phá thai vào bản Hiến Pháp. Đó là ba chủ đề phủ kín các trang báo Paris ngày 01/03/2024.

Tổng thống Nga, V.Putin đọc thông điệp Liên Bang 2024 tại Matxcơva. Ảnh ngày 29/02/2024.
Tổng thống Nga, V.Putin đọc thông điệp Liên Bang 2024 tại Matxcơva. Ảnh ngày 29/02/2024. AP - Mikhail Klimentyev
Quảng cáo

Vũ khí hạt nhân : Vladimir Putin « bổn cũ soạn lại » ?

Liên quan đến Việt Nam, Le Monde dành một khung báo nhỏ dành cho nhà văn gốc Việt Nguyễn Phan Quế Mai với tác phẩm vừa được dịch ra tiếng Pháp Là où fleurissent les cendres –Nơi tro tàn trổ hoa, RFI sẽ trở lại với tác phẩm này trong phần cuối mục điểm báo hôm nay.

Dọa phương Tây, hô hào tinh thần dân tộc

Hầu hết các tờ báo lớn trong ngày đều tập trung vào thông điệp Liên bang của tổng thống Nga hôm 29/02/2024. Báo kinh tế Les Echos và tờ Libération thiên tả có chung nhận định « Vladimir Putin bổn cũ soạn lại ».

Đáp trả ý tưởng của tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi phương Tây điều quân sang Ukraina yểm trợ Kiev, lãnh đạo Matxcơva nhắc lại bài học quá khứ « đội quân của hoàng đế Napoléon thế kỷ 19 đã thất bại ê chề ». Can thiệp quân sự trong thời kỳ hiện đại ngày nay sẽ « dẫn đến những hệ quả thê thảm gấp bội » và phương Tây cần hiểu rằng Nga « cũng có vũ khí ». Tờ Libération bình luận : Vladimir Putin chỉ có một giọng điệu, mà cứ « chơi đi chơi lại một bản nhạc cũ, đặt mình trong thế vừa đánh trống vừa thổi kèn » thì e rằng, sử dụng mãi một đòn, đến vũ khí hạt nhân của của Nga cũng « hết thiêng ».

Le Figaro ghi nhận, « Giọng điệu đằng đằng sát khí nhắm vào phương Tây ». Về hình thức, thông tín viên của tờ báo tại Matxcơva, Alain Berluet lưu ý : 15 phút đầu trong bài diễn văn, chủ nhân điện Kremlin nhắm vào nước Pháp như thể Putin « vẫn cay cú » với tuyên bố dù rất chung chung của tổng thống Macron về ý tưởng phương Tây đưa quân sang Ukraina.

Hai tuần trước bầu cử tổng thống mà Putin là diễn viên duy nhất và đã cầm chắc phần thắng, phát biểu của ông không chỉ được phát trực tiếp trên các kênh truyền hình mà còn « được chiếu miễn phí tại các rạp xi nê tại 20 thành phố trên toàn quốc » cho dù khán giả đi xem « bộ phim đặc biệt » đó không nhiều

Về nội dung, Vladimir Putin khẳng định « tuyệt đối đa số dân Nga ủng hộ chiến dịch quân sự đặc biệt » tại Ukraina, những người « lính Nga trên chiến trường sẽ không lùi bước, không thất bại và không phản bội tổ quốc ». Cứ như thế Vladimir Putin « phác họa ra một chân trời mới cho nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của ông cho đến 2030 » và báo La Croix đưa ra một danh sách khá dài những chủ đề đã được đề cập đến trong thông điệp Liên bang : hứa hẹn nâng cao tuổi thọ cho người dân, cam kết cải thiện hệ thống điện nước, lời hứa là AI công nghệ thông minh nhân tạo của Nga đủ khả năng đọ sức với những quốc gia đang dẫn đầu thế giới.

Lên gân để che giấu những nhược điểm của nước Nga ?

Giới quan sát Tây phương đánh giá thế nào về thông điệp liên bang 2024 của tổng thống Nga ? Cũng trên Les Echos, các chuyên gia nêu bật « nhiều mục đích » của ông Putin.  

Matxcơva đã hù dòa công luận phương Tây khi nhắc nhở là Nga cũng có vũ khí hủy diệt hàng loạt, rằng xung đột ở Ukraina có thể là vết dầu loang. Nhưng đấy trước hết là một thông điệp mang « tính chính trị nội bộ » để biện minh cho việc Matxcơva cần « duy trì cỗ máy chiến tranh cần động viên binh sĩ », theo quan điểm của Héloise Fayet, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp. Theo chuyên gia này, nguy cơ Nga sử dụng vũ khí nguyên tử không lớn hơn sau những phát biểu của Vladimir Putin hôm qua. Tổng thống Nga chỉ nhắc lại một nguyên tắc cơ bản : Vũ khí hạt nhân của Nga, tựa như của Anh hay Pháp vẫn là một « phương tiện răn đe ».

Chuyên gia Philippe Gros, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược đã nhắc lại hai nguyên nhân thôi thúc Matxcơva tiến hành chiến tranh Ukraina : Chiếm đoạt Ukraina và phá vỡ hệ thống an ninh giữa hai bờ Đại Tây Dương. Mục tiêu thứ nhất thì khỏi bàn, nhưng về mục tiêu thứ nhì, theo nhà nghiên cứu này, Nga muốn « kiến tạo lại bản đồ an ninh tại châu Âu theo ý Matxcơva » (cho dù là cũng vì chiến tranh Ukraina mà Phần Lan và Thụy Điển đã gia nhập liên minh quân sự NATO) và có lẽ Vladimir Putin quan niệm « chiến tranh Ukraina là một giải pháp đề phòng xung đột » có nguy cơ lan gần hơn đến bờ cõi của Nga.

Màn đánh phủ đầu diệt trừ hậu họa ?

Vậy nói cách khác Nga đánh chiếm Ukraina đề phòng hiểm hoạ chiến tranh đến gần và cũng là để che giấu những điểm yếu của mình ? Philippe Gros đánh giá sau hai năm chiến tranh, những lời lẽ đanh thép của Putin nhằm che dấu một số sự thật phũ phàng : đành rằng Matxcơva đã làm sống lại phần nào nền công nghiệp quốc phòng vốn có, nhưng do thiếu người, thiếu máy móc, điện Kremlin muốn có được 5,5 triệu đạn pháo, trong lúc mà các nhà máy trên toàn quốc chỉ có thể cung cấp 2, triệu mà thôi. Cả Nga lẫn Ukraina cùng « không có khả năng sản xuất để phục vụ cho một cuộc chiến ở cường độ cao » và vẫn theo chuyên gia người Pháp này « chỉ riêng tại Avdiivka Nga đã mất nhiều chiến xa hơn tất cả các loại thiết giáp mà họ đã có thể sản xuất trong một năm ».

Tatiana Kastouéva Jean, giám đốc trung tâm nghiên cứu Châu Âu-Nga thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp quan sát thấy Nga đang « tích tụ nhiều điểm yếu » khi phải vừa tiếp tục tài trợ chiến tranh, vừa phải đài thọ các chương trình về xã hội, vừa phải tái thiết các vùng mới chiếm được của Ukraina.

Nhìn từ phía các doanh nghiệp : « các hãng xưởng phải xoay xở tìm kiếm các chuỗi cung ứng và đang lo lại phải đối mặt với một đợt trừng phạt nữa, trong lúc mà một số các ngân hàng của Trung Quốc hay các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất bắt đầu từ chối thanh toán » cho các nhà sản xuất của Nga.

Một chút tình người với các chiến sĩ hy sinh

Vào lúc tại điện Kremlin, tổng thống Vladimir Putin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước hy sinh to lớn của những người lính Nga trên chiến trường, những người đã hy sinh vì tổ quốc, thì tại Ukraina có những tình nguyện viên người Ukraina đi tìm xác các chiến sĩ của cả hai bên tham chiến để « trả lại cho gia đình ».

Phóng sự trên báo Les Echos tả lại cảnh ngày Chủ Nhật 25/02/2024 gió lớn trên một ngọn đồi ở miền đông Ukraina, một chiếc xe tải son màu cờ Ukraina và hàng chữ GROUZ 200 », đó là tiếng lóng để chỉ xe đi nhặt xác những người lính thời Liên Xô, đã dừng lại. Hai người đàn ông, bước ra. Họ không phải là lính, mà là những tình nguyện viên của một tổ chức mang tên Platzdarm. Trong Thế Chiến Thứ Hai, tổ chức này có nhiệm vụ đi tìm và nhận diện những người lính Liên Xô và lính Đức tử trận trong những cánh rừng gần Sloviansk (trên lãnh thổ Ukraina). Từ tháng 2/2022 các thiện nguyện viên của tổ chức này vẫn tiếp tục công việc đi tìm xác lính.

Hôm Chủ Nhật 25 tháng 2 vừa qua, phần lớn những người đã chết trên ngọn đồi ở miền đông Ukraina là lính Nga, « gần Klishiivka và cách không xa Bakmut ». Như những nhà điều tra, họ bắt đầu tìm kiếm tên tuổi, đơn vị, sinh quán của những người xấu số … cung cấp những thông tin này cho quân đội Ukraina để các giới chức liên quan tìm cách trao trả thi hài các tử sĩ này cho phía Nga … Đó là điều Vladimir Putin không làm được.

Bầu cử Iran 

Hồ sơ quốc tế lớn thứ nhì trong ngày là bầu cử Iran, một cuộc chơi mà phe cải tổ càng bị « gạt ra bên ngoài ». Le Figaro nhắc lại : hơn 60 triệu cử tri Iran bầu lại 290 dân biểu Quốc Hội và 88 thành viên trong một « Hội Đồng các Chuyên Gia ».

Thực ra Hội Đồng này bao gồm các giới chức tôn giáo và sẽ có trọng trách chỉ định giáo chủ Iran. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên từ sau phong trào phản kháng hồi mùa thu 2022 chủ yếu là phụ nữ đòi được giải phóng khỏi chiếc khăn choàng đầu…. Teheran chờ đợi « tỷ lệ cử tri không đi bầu cao kỷ lục, có thể là trên 50 % ». Libération chạy tựa lớn : « Thắng lợi về tay những cử tri vắng mặt » trong lúc nhà chính trị học Farid Vahid được tờ báo trích dẫn cho rằng « phong trào cải tổ đã biệt tăm, bị loại hẳn khỏi toàn cảnh chính trị Iran » một phần do trong suốt cuộc đấu tranh của phụ nữ Iran với khẩu hiệu Phụ Nữ, Sự Sống và Tự Do, không một chính khách nào trong hàng ngũ « cải tổ » đã dám đứng lên đòi chấm dứt việc bắt phụ nữ trùm đầu hay đòi chính quyền ngừng các vụ sát hại các nhà đấu tranh, những người đòi được quyền sống.

Thông tín viên báo La Croix ghi nhận : cử tri Iran được kêu gọi đi bầu trong lúc phe bảo thủ đoàn kết hơn bao giờ hết và hoàn toàn không có một « giải pháp thay thế nào ». Dân Iran không có ý định ồ ạt đi bỏ phiểu vì đã quá sợ các đợt đàn áp liên tiếp vả lại quan tâm của họ lúc này là những vấn đề cơm áo gạo tiền.

Nguyễn Phan Quế Mai – Chiến tranh Việt Nam

Trước khi khép lại các tờ báo Paris trong ngày xin giới thiệu qua bài viết trên Le Monde mang tựa đề « Phản ánh chiến tranh Việt Nam ». Phần trang giới thiệu sách mới của tờ báo đã dành một khung nhỏ cho tác phẩm Là où fleurissent les cendres –nơi tro tàn trổ hoa của nhà văn nữ Nguyễn Phan Quế Mai : Một cuộc chiến đã phản chiếu dưới nhiều góc độ khác nhau nơi bốn con người và trong nhiều thập niên… Là một nhà văn, một dịch giả, Nguyễn Phan Quế Mai viết tiểu thuyết bằng ngôn ngữ của Shakespeare và cuốn Nơi Tro Tàn Trổ Hoa vừa ra mắt độc giả Pháp. Tác phẩm này đang được dịch tiếp sang 6 ngôn ngữ khác. Tiểu thuyết trước đây của bà là Pour Que Chantent les Montagnes -Để Núi Vẫn Ngân Vang

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.