Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Kinh tế ảm đạm, tương lai mịt mù cho giới trẻ Trung Quốc

Phóng sự của Les Echos hôm nay 19/09/2023 nói về những người trẻ có bằng đại học nhưng không tìm nổi việc làm đang đầy dẫy tại Trung Quốc. Tỉ lệ thất nghiệp cao chưa từng thấy khiến một bộ phận giới trẻ không còn hy vọng gì vào tương lai.

Các ứng viên xin việc, trong đó có nhiều sinh viên đã tốt nghiệp đại học, tại một hội chợ việc làm ở Nghi Tân (Yibin) thuộc tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan) Trung Quốc ngày 14/06/2023.
Các ứng viên xin việc, trong đó có nhiều sinh viên đã tốt nghiệp đại học, tại một hội chợ việc làm ở Nghi Tân (Yibin) thuộc tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan) Trung Quốc ngày 14/06/2023. AFP - -
Quảng cáo

Liên lạc với 5.000 công ty vẫn chưa tìm được việc

Bài viết đưa ra trường hợp của anh thanh niên 23 tuổi họ Thôi, vừa nhận bằng cử nhân kinh tế ở Thượng Hải hồi tháng Bảy. Anh đã liên lạc với hơn 5.000 công ty, gởi đi trên 700 bản lý lịch, được chưa đầy 40 nơi trả lời và vẫn chưa xin được việc. Ban đầu anh định tìm việc trong lãnh vực internet hay quảng cáo, nhưng nay sẵn sàng làm bất kỳ việc kỳ, kể cả sáu ngày một tuần và phải làm ngoài giờ.

Cứ năm người trẻ từ 16 đến 24 tuổi thì có một người thất nghiệp (21,3 %), tức 6,23 triệu thanh niên, gấp đôi so với trước Covid và con số thực sự có lẽ cao hơn rất nhiều vì chính quyền quyết định không công bố nữa, chưa kể 11 triệu sinh viên sắp ra trường. Thôi cho biết các công ty đòi hỏi kinh nghiệm, nhưng trong suốt ba năm « zéro Covid » sinh viên phải học tại nhà, hoặc bị nhốt trong khuôn viên trường, không cho đi thực tập.

Bối cảnh kinh tế khó khăn khiến doanh nghiệp không dám tuyển dụng. Ngành địa ốc, công nghệ, tài chánh không còn mở rộng cửa đón các tân cử nhân. Các tập đoàn kỹ thuật số và 100.000 công ty địa ốc bị siết lại, những trường dạy tư bị Bắc Kinh ra lệnh đóng cửa…Người phụ trách nhân sự một tập đoàn Pháp ở Hoa lục cho biết nhận được số đơn xin việc gấp đôi, ứng viên sẵn sàng nhận lương thấp hơn.

Gần phân nửa thanh niên Trung Quốc thất nghiệp ?

Lihan, 24 tuổi, thạc sĩ xã hội học từ một trường đại học danh giá Hồng Kông, chấp nhận hy sinh những thú vui giải trí, nhưng nay chạy bàn bán thời gian trong một quán cà phê ở Thượng Hải, lương không đủ trả tiền mướn nhà.Trong một cuộc phỏng vấn của Nielsen, cùng ứng tuyển với cô có một người tốt nghiệp London School of Economics nhưng không tìm được việc từ sáu tháng qua. Một bạn học là sinh viên xuất sắc nhất khóa hiện nay phải đi bán bảo hiểm ! Lihan còn một ít tiền tiết kiệm mới cố bám trụ được ở Thượng Hải, còn Kong Kong, 22 tuổi, cử nhân thương mại phải rời thủ đô kinh tế Trung Quốc để về miền núi sống vì vật giá rẻ hơn.

Cũng như cô, nhiều thanh niên đã tuyệt vọng hay kiệt sức quyết định tự rút lui khỏi thị trường lao động, theo phong trào « thản bình » (tangping) – nằm dài chờ thời không làm gì cả. Nạn thất nghiệp tạo ra vô số « con cái toàn thời gian », từ ngữ đang mốt, để chỉ những người trẻ không việc làm, quanh quẩn ở nhà làm nội trợ, chăm sóc người già, để có nơi ăn chốn ở và một ít « tiền lương » của cha mẹ cho. Có bao nhiêu thanh niên đang trong tình cảnh không phải là sinh viên, không theo khóa huấn luyện nào, cũng không tích cực đi xin việc ?

Trong một bài viết gây tác động lớn mùa hè vừa qua, Trương Đan Đan (Zhang Dandan), giáo sư kinh tế đại học Bắc Kinh ước lượng số này là 16 triệu người, và nếu tính cả họ vào thống kê, thì tỉ lệ thất nghiệp của giới trẻ Hoa lục lên đến 46 % chứ không phải chỉ khoảng 20 % như con số chính thức. Nhiều tân cử nhân quay sang lãnh vực nhà nước để ổn định hơn. Có đến 1,5 triệu người thi vào làm công chức, nhưng chỉ có 37.000 chỗ làm trong năm 2023. Chính quyền đổ lỗi cho các trí thức trẻ đã quá kỳ vọng. Theo Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, họ nên « cởi bỏ bộ áo vét, xắn tay áo lên đi về nông thôn ».

Phản công : Tiến chậm mà chắc, Ukraina cầm chân quân Nga ở Bakhmut

Về chiến tranh ở Ukraina, Les Echos nhận định « Kiev khẳng định đột phá ở phía nam Bakhmut, trận ‘Verdun’ của Ukraina ». Tiến chậm nhưng chắc, Ukraina tiếp tục chiến dịch « bào mòn » quân Nga.Hôm qua, lực lượng Ukraina đã chiếm được Andriivka, ba ngày sau khi giải phóng Klichtchiivka, cách Bakhmut hơn một chục cây số.

Việc tái chiếm hai ngôi làng có diện tích tổng cộng 7 kilomet vuông dường như không đáng kể, nhưng thực ra đã giúp quân đội Ukraina tiến gần việc bao vây Bakhmut. Tư lệnh lục quân, tướng Oleksandr Syrsky còn cho rằng đã xuyên thủng được phòng tuyến phía nam của địch. Việc tái chiếm Bakhmut mang tính biểu tượng sẽ là thảm họa cho Matxcơva, vì quân Nga mất đến 10 tháng để chiếm lấy, với cái giá hơn chục ngàn lính bị loại khỏi vòng chiến. Đây là trận đánh kéo dài nhất kể từ 1944 đến nay.

Gặm nhấm dần những mảnh đất là chiến lược rộng lớn của Kiev, nhằm cầm chân lực lượng thiện chiến của Nga, chủ yếu là phân nửa lữ đoàn nhảy dù, để ngăn không thể tiếp viện cho Zaporijia, nơi quân đội Ukraina vào giữa tháng Tám đã mở được đường vào Robotyne. Các chiến binh Ukraina tiến được 20 đến 30 kilomet về hướng thành phố Tokmak hay Melitopol sẽ giúp Kiev oanh kích các đường tiếp tế dọc theo duyên hải biển Azov, bóp nghẹt quân Nga ở Crimée. Ukraina nay thường xuyên pháo kích vào bán đảo, như vụ bắn hỏa tiễn Scalp tuần rồi làm hư hại một tàu đổ bộ và một tàu ngầm của Nga ở Sébastopol. Đây là thiệt hại đáng kể vì Matxcơva chỉ có năm tàu ngầm ở Hắc Hải. Nếu được Mỹ chuyển giao các hỏa tiễn ATACMS tầm xa 300 kilomet, cuộc phản công của Kiev sẽ có nhiều hy vọng.

Trẻ em Ukraina bị đưa sang Nga : Kiev đang mất dần dấu vết !

Cũng liên quan đến Ukraina, phóng sự của Le Monde cho biết « Kiev mất dần dấu vết của các trẻ em Ukraina bị bắt đưa sang Nga ». Từ khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ra lệnh truy nã Vladimir Putin, Matxcơva tăng tốc cấp hộ chiếu Nga và ngăn cản việc đưa các em bé Ukraina hồi hương. Hiệp hội Save Ukraine chuẩn bị kiện lên Liên Hiệp Quốc.

Trong số 386 trẻ em Ukraina được đưa trở về nước, có 176 em là nhờ Save Ukraine, nhưng số này chỉ như muối bỏ biển. Kiev nhận diện được 19.546 trẻ, trong khi Matxcơva nói rằng đã « đón tiếp » 744.000 em. Mykola Kuleba, người lãnh đạo hiệp hội cho biết nếu tính cả những em sống tại các lãnh thổ Ukraina bị Nga chiếm đóng từ 2014, lên đến 1,5 triệu trẻ em « là nạn nhân của chính sách Nga hóa, bị thay đổi danh tính, hộ chiếu, dạy thù ghét Ukraina ». Ông chuẩn bị lên đường đến New York lần thứ hai trong vòng một tháng để đánh động Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về tình trạng này, tuy không mấy hy vọng được lắng nghe.

Trao đổi với phóng viên, nhà hoạt động nhân quyền phẫn nộ : « Nói gì với thế giới đây ? Tôi sẽ nói : Thật đáng xấu hổ cho quý vị ! Và sẽ hỏi tại sao Liên Hiệp Quốc và mọi người chẳng làm gì cả, tại sao họ bỏ rơi trẻ em Ukraina ». Nữ luật sư Larysa Denysenko cũng bày tỏ lòng căm phẫn khi Serguei Kirienko, phó văn phòng tổng thống Nga hôm 20/08 thản nhiên tuyên bố nhân dịp khai trương một trung tâm đào tạo ở Piatigorsk, miền nam nước Nga : « Nếu muốn chiến thắng kẻ thù, thì hãy giáo dục con cái của họ ! ». Bà Denysenko nhấn mạnh : « Nga ‘cải tạo’ những em bé bị bắt cóc sang, dạy các em về ‘Ukraina phát-xít’ và về ‘sự vĩ đại’ của nước Nga ».

Tài phiệt và cuộc chiến chống tham nhũng của Zelensky

Le Figaro nói đến « Ihor Kolomoisky, vinh quang và cay đắng của nhà tài phiệt đã thúc đẩy sự nghiệp của Volodymyr Zelensky ». Nhà tỉ phú này đã bị tạm giam do nghi ngờ « gian lận » và « rửa tiền », trong khuôn khổ chiến dịch chống tham nhũng. Tòa án Kiev cáo buộc Kolomoisky từ 2013 đến 2020 đã « rửa trên nửa tỉ hrivnas » (13 triệu euro) bằng cách rút từ nước ngoài về, đưa vào mạng lưới tài chánh chằng chịt do ông ta kiểm soát. Nhà tài phiệt về sản phẩm hóa dầu, luyện kim và ngân hàng còn bị truy tố trong hai vụ nữa, với những thủ đoạn tương tự. Trong bối cảnh rất cần sự ủng hộ của phương Tây để đối phó với quân xâm lược đồng thời hướng đến việc gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU), tổng thống Zelensky chứng tỏ quyết tâm chống tham nhũng.

Tuy nhiên cái tên Kolomoisky gây ngạc nhiên, vì khác với nhiều tài phiệt khác, ông ta ít thỏa hiệp với Nga. Theo một nhà cựu ngoại giao châu Âu, đó là vì Ihor Kolomoisky bị FBI điều tra từ 2019 và bị trừng phạt năm 2021. Bất ngờ còn do mối quan hệ sâu sắc trước đây với Volodymyr Zelensky lúc còn là diễn viên. Chính trên kênh truyền hình TV 1+1 của nhà tỉ phú mà Zelensky trở nên nổi tiếng với bộ phim nhiều tập « Người đầy tớ nhân dân » tự sản xuất, và sau này trở thành tổng thống như trong bộ phim hư cấu.

Nhà chính trị học Mikhail Minakov của Viện Kennan giải thích, « Người ta đã sai khi nói rằng Kolomoisky làm nên tên tuổi Zelensky. Cũng như tất cả các nghệ sĩ trên truyền hình cần tiền của tài phiệt để tổ chức sô diễn, Zelensky và Kolomoisky có mối quan hệ làm ăn, mỗi người có lợi ích và tham vọng riêng ». Kolomoisky có mối thù bất cộng đái thiên với Porochenko, người làm giàu từ sô-cô-la và khi trở thành tổng thống đã quốc hữu hóa ngân hàng Privat của ông. Cũng theo Minakov, sau khi đắc cử, Volodymyr Zelensky đã cố gắng chấm dứt việc thao túng chính trị của Kolomoisky, Akhmetov, Firtach và các tài phiệt khác, nhưng họ dùng truyền thông chống lại, rồi đến đại dịch Covid buộc đôi bên phải tạm đình chiến vào đầu năm 2020.

Chuyến đi Việt Nam thành công, nhưng tuổi tác của tổng thống Biden gây lo ngại

Nhìn sang nước Mỹ, trang Ý kiến của Le Figaro có bài viết phân tích « Sự nguy hiểm của việc kéo dài nhiệm kỳ Joe Biden », cho rằng các đồng minh Âu lẫn Á bắt đầu lo ngại về tuổi tác của ông. Tác giả Renaud Girard nêu ví dụ, trong cuộc họp báo tại Hà Nội hôm 10/09, tổng thống Biden bỗng trở nên lạc đề khiến phát ngôn viên Nhà Trắng phải cho ngưng cuộc họp.

Tình trạng của người lãnh đạo đại cường quân sự và kinh tế số một thế giới có thể gây quan ngại cho phía Việt Nam. Quên đi cuộc chiến tranh 1964-1975, từ hai mươi năm qua Việt Nam đã xích gần lại với Mỹ, không còn coi là đế quốc mà là thế lực cần thiết tại Ấn Độ-Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc. Chỉ còn là cộng sản trên giấy tờ, người Việt mong muốn gia tăng tối đa quan hệ thương mại và quân sự với Hoa Kỳ, đồng thời tránh làm mất lòng láng giềng Trung Quốc.

Thật đáng lo cho tương lai đảng Dân Chủ Mỹ vì không tìm được ai thuyết phục Joe Biden không ra tái ứng cử. Một tổng thống 82 tuổi trong nhiệm kỳ 4 năm đòi hỏi làm việc cật lực với vô số quyết định phải đưa ra hàng ngày ! Tại Pháp, Hiến Pháp cho phép một nguyên thủ lớn tuổi ấn định những đường hướng chính, và để cho chính phủ quyết định chính sách. Nhưng ở Hoa Kỳ, tất cả đều đè nặng lên vai tổng thống. Quốc Hội Pháp có thể kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ, nhưng tại Mỹ thì bất khả.

Một thành tích nên trao lại cho thế hệ trẻ

Những chỉ trích về tuổi tác của ông Joe Biden khiến các cố vấn Nhà Trắng bất bình. Họ nhấn mạnh những thành công của ông trong 32 tháng cầm quyền, cho rằng thật bất công nếu chỉ chăm chú vào cuộc họp báo cuối cùng trong chuyến công du châu Á xa xôi. Trong chưa đầy một tuần lễ, Joe Biden đã đạt được việc tăng viện trợ cho Ukraina, thêm tài trợ quốc tế cho các nước nghèo, gắn kết chặt chẽ với Việt Nam để chống lại Trung Quốc. Ngoài việc không chặn được di dân từ châu Mỹ la-tinh, Joe Biden rõ ràng là một tổng thống thành công.

Nhờ sai lầm chiến lược của Putin khi xâm lăng Ukraina, Biden thống trị được châu Âu hơn bao giờ hết, NATO hồi sinh và lại có thêm hai thành viên Bắc Âu. Vũ khí Mỹ bán cho đồng minh tăng vọt, châu Âu mua khí đá phiến của Mỹ với giá gấp ba lần khí đốt Nga. Chỉ còn có Pháp muốn « châu Âu độc lập chiến lược », Đức hoàn toàn đứng về phía Washington. Nước Mỹ lại là thủ lãnh không thể tranh cãi của phương Tây.

Biden đã kết thúc sự ngây thơ của người Mỹ trước Trung Quốc, đưa những ngành kỹ nghệ chiến lược trở lại đất Mỹ, cảnh cáo Bắc Kinh rằng sẽ không dung thứ nếu xâm lược Đài Loan. Với thành tích đáng phục như thế, tại sao không trao lại vào tay thế hệ trẻ ? Việc ông muốn ở lại Nhà Trắng chỉ mang lại lợi ích cho phe Donald Trump. Charles de Gaulle từng nói, tuổi già là một sự « sụp đổ ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.