Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Trung Quốc phát động « chiến tranh tổng hợp » chống Đài Loan ?

Chủ đề thời sự được nhiều báo Pháp hôm nay quan tâm là cuộc tập trận quân sự lớn nhất của Trung Quốc quanh Đài Loan, sau chuyến thăm Đài Bắc của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi, vốn bị Bắc Kinh phản đối dữ dội. Trong bài viết « Sự phô trương sức mạnh Trung Quốc quanh Đài Loan », Le Monde nhận định cuộc tập trập này là để Trung Quốc tập luyện phong tỏa hoặc xâm lược Đài Loan, cũng như các kịch bản để kiểm soát hòn đảo.

Chiến đấu cơ Mirage của Đài Loan trên đường băng tại một căn cứ không quân ở Tân Trúc, Đài Loan, ngày 05/08/2022.
Chiến đấu cơ Mirage của Đài Loan trên đường băng tại một căn cứ không quân ở Tân Trúc, Đài Loan, ngày 05/08/2022. AP - Johnson Lai
Quảng cáo

Nhìn rộng ra toàn cảnh, Le Monde nói về một « cuộc chiến tranh tổng hợp » trong đó Bắc Kinh thực hiện cùng lúc việc cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng của Đài Loan, cấm xuất khẩu cát sang hòn đảo. Đài Loan vốn dĩ rất lệ thuộc vào cát của Trung Quốc để phục vụ xây dựng. Nhiều vụ tấn công mạng cũng nhắm vào phủ tổng thống Đài Loan và các cơ quan nhà nước trong những ngày qua. Và ở nhiều siêu thị, tin tặc thậm chí đã kiểm soát được nhiều màn hình quảng cáo để đăng tải các câu chửi rủa chủ tịch Hạ Viện Mỹ Pelosi.

Mối đe dọa kinh tế đối với Đài Loan

Đối với Les Echos, các cuộc tập trận của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan không chỉ là mối đe dọa quân sự đối với Đài Loan, mà còn là mối đe dọa về kinh tế đối với hòn đảo, bởi eo biển Đài Loan là một trong những tuyến hàng hải lớn nhất thế giới.

Les Echos trích dẫn chuyên gia Pháp François Godement của Viện Montaigne, theo đó tác động nghiêm trọng nhất hiện nay từ cuộc tập trận của Trung Quốc là dù Bắc Kinh không tuyên bố, Đài Loan đang gần như bị phong tỏa, bao vây về kinh tế, trong khi Bắc Kinh cũng đã đưa ra các biện pháp trừng phạt nhắm vào nông phẩm Đài Loan.   

Theo chuyên gia Godement, Bắc Kinh hy vọng đợt tập trận như vậy sẽ khiến các chiến dịch phong tỏa kiểu này trong tương lai trở nên quen thuộc hơn, với những phản ứng yếu ớt của quốc tế và tạo thành vòng vây siết chặt nền kinh tế và các hoạt động giao thương của Đài Loan. Đương nhiên, kinh tế Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng, nhưng các biện pháp phòng  chống Covid-19 đã cho thấy Tập Cận Bình có thể đặt các mục tiêu khác lên cao hơn kinh tế. Điều này là rất nguy hiểm và Hoa Kỳ sẽ phải biết vạch ra lằn ranh đỏ, nhất là vì Bắc Kinh đã thấy Washington tránh can thiệp vào vụ phong tỏa của Nga ở biển Đen. Theo chuyên gia viện Montaigne của Pháp, Mỹ nhượng bộ tức là để cho Trung Quốc phô trương sức mạnh chính trị.

Về cán cân thương mại Mỹ - Trung, Les Echos cho biết các căng thẳng chính trị giữa Washington và Bắc Kinh không khiến người tiêu dùng Mỹ quay lưng lại với hàng hóa Trung Quốc.

Tác động đối với ngành vận tải quốc tế

Nhìn rộng ra tác động đối với quốc tế, Les Echos nhấn mạnh đến những trở ngại mà ngành vận tải biển vấp phải tại tuyến đường thương mại quan trọng bậc nhất thế giới, do cuộc tập trận quân sự mà Trung Quốc tổ chức xung quanh Đài Loan. Các tàu chở hàng phải đi đường vòng qua phía đông đảo Đài Loan, mất nhiều thời gian hơn, trong khi mùa bão hiện nay cũng làm phức tạp thêm việc đi lại của tàu bè ở phía đông hòn đảo, qua vùng biển Philippines.

Các tập trận của Trung Quốc cũng gây ra hậu quả cho ngành hàng không. Trong 2 ngày qua, hơn 400 chuyến bay đã bị hủy từ các sân bay lớn ở Phúc Kiến, tỉnh Trung Quốc, nằm gần Đài Loan nhất. Nhà chức trách Đài Loan đã cảnh báo rằng các cuộc tập trận của Trung Quốc sẽ làm gián đoạn 18 tuyến  hàng không quốc tế, trong khi các tuyến thương mại qua eo biển Đài Loan có tầm quan trọng thiết yếu đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là sự kết nối của thế giới với các nhà máy chế tạo chất bán dẫn và thiết bị điện tử ở Đông Á, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và chiến tranh Ukraina đã làm gián đoạn nhiều lĩnh vực công nghiệp. Không chỉ Đài Loan, mà cả Nhật Bản và Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng.

Cố vấn tổng thống Ukraina : Chiến thuật tấn công khủng bố của Nga

Chuyên mục Quốc Tế của Le Figaro giới thiệu bài phỏng vấn Mykhailo Podolyak, một cố vấn thân cận của tổng thống Ukraina Zelensky. Theo ông, đây không phải là cuộc chiến giữa Ukraina và Nga, mà là chiến tranh giữa nền dân chủ với chế độ toàn trị. Nga dùng chiến thuật tấn công khủng bố, đánh vào các địa điểm dân sự để làm người dân Ukraina mất tinh thần, lo sợ, rồi gây sức ép với chính phủ, buộc Kiev bằng mọi giá ký hiêp ước hòa bình. Nhưng đối với cố vấn của tổng thống Ukraina, các cuộc thương lượng với Nga là không thể, nên Kiev kêu gọi châu Âu tăng cường hỗ trợ về quân sự và tài chính.

Paris : Pháp hỗ trợ Ukraina nhiều hơn những gì được nói tới

Trong khi đó, báo Libération dành cả bài xã luận và bài phỏng vấn Ngoại trưởng Pháp Catherine Colona về đề tài chiến tranh Ukraina, nhất là về các quan điểm và sự hỗ trợ của Pháp. Trong bài xã luận « Sự dịu nhẹ », báo thiên tả Libération nhận định tổng thống Pháp Macron hồi đầu chiến tranh Ukraina đã phạm phải sai lầm khi cố gắng « kết bạn » với Putin. Nay cả thế giới bị đế quốc Nga đe dọa. Tổng thống Nga giương cao vũ khí lương thực và vũ khí năng lượng, vừa thể hiện đầy quyết tâm, vừa tỏ vẻ dịu nhẹ, để đe dọa toàn cầu.

Chính điều này đã khiến nhiều nước ủng hộ Ukraina cả về chính trị và quân sự, và đây sẽ là « một cuộc đấu lâu dài » mà thế giới cần chuẩn bị. Đối với Paris, Putin đã sai lầm về chiến lược. Ngoại trưởng Pháp Catherine Colona cũng khẳng định sự hỗ trợ của Paris đối với Kiev trên thực tế lớn hơn rất nhiều so với những gì thể hiện bên ngoài, bởi vì trợ giúp Ukraina cũng là bảo vệ chính an ninh của nước Pháp. Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với Libération, tân ngoại trưởng Pháp khẳng định Nga đang tiến hành một cuộc chiến toàn diện, tổng hợp, không chỉ nhắm đến Ukraina, mà còn nhằm gây mất ổn định thế giới và xét lại trật tự thế giới.

Kiev : Pháp có thể làm tốt hơn nữa

Nhìn từ Kiev, thông tín viên Libération cho biết Ukraina đánh giá cao sự hỗ trợ của Paris, nhưng Kiev muốn điện Elysée tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ Ukraina cả về chính trị, kinh tế, quân sự và trong việc trừng phạt Nga.

Mặc dù chính phủ Ukraina hoan nghênh « các quyết định có trách nhiệm » của Pháp, nhưng trong công luận Ukraina, thông tín viên báo Libération cho biết người Ukraina vẫn không coi Pháp là đồng minh đáng tin cậy nhất, cho dù Pháp và tổng thống Macron có những phát biểu rất hay. Stéphane Siohan trích dẫn một nhà báo chính trị ở Ukraina lưu ý giờ là lúc phải hành động, chứ không chỉ dùng lời nói như Paris nghĩ là đủ.  

Xuất khẩu ngũ cốc : Lựa chọn khó khăn của nông dân Ukraina

Việc Ukraina lần đầu tiên xuất khẩu ngũ cốc trở lại, với con tàu Rezoni chở 26.000 tấn ngô, là một trong những đề tài được báo chí Pháp những ngày gần đây quan tâm. Tuy nhiên, đặc phái viên báo Le Monde tại Ukraina nói tới sự lựa chọn khó khăn đối với nông dân Ukraina.

Những khó khăn trong vận chuyển và chi phí hậu cần tăng gấp 10 lần so với trước chiến tranh do phải thay đổi lộ trình và phương tiện chuyên chở đã khiến nhiều nhà sản xuất ngũ cốc, hợp tác xã hay doanh nghiệp nông nghiệp chọn lưu trữ nông sản, chờ giá ngũ cốc tăng giá mới bán, bởi nếu bán ngay bây giờ họ bị lỗ vốn. Các chi phí hậu cần hiện giờ chiếm tới 70% giá ngũ cốc. Le Monde trích dẫn chủ tịch hiệp hội ngũ cốc Ukraina, Nikolay Gorbachov, theo đó có khoảng 10-15% nông dân sẽ tích trữ ngũ cốc. Một số khác vì cần tiền để tiếp tục lo mùa vụ sẽ buộc bán ngay sản phẩm, điều này kéo theo nguy cơ vài tháng nữa sẽ có rất nhiều người phá sản.

Cuộc gặp của hai « chủ nhân » biển Đen

Hôm nay 05/08/2022, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tới Sotchi để bàn với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin đặc biệt về Ukraina và Syria. Đối với thông tín viên Le Monde tại Istanbul, thành công ngoại giao của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ về thỏa thuận ngũ cốc giữa Nga và Ukraina là « lá bài » mang lại lợi thế cho Ankara trong các hồ sơ.

Sự thành công của thỏa thuận Istanbul đã nâng cao hình ảnh của tổng thống Recep Tayyip Erdogan trên trường quốc tế, khôi phục vị trí trung tâm địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ, củng cố vị trí trung gian công bằng giữa Kiev, mà Ankara cung cấp máy bay chiến đấu không người lái, với Matxcơva mà Thổ phụ thuộc vào về an ninh năng lượng và lương thực.

Le Monde nhắc lại 45% năng lượng tiêu thụ ở Thổ Nhĩ Kỳ và 70% lúa mì Ankara nhập khẩu là từ Nga. Với lúa mì mua từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất bột mì và các loại thực phẩm để xuất khẩu sang toàn bộ khu vực Trung Đông.

Về phía Nga, nhờ có sự trung gian của Ankara, Nga cũng có thể xuất khẩu ngũ cốc và phân bón, cho dù đang bị quốc tế trừng phạt. Nhờ thế, một số ngân hàng, từng bị Liên Âu phong tỏa, cũng có thể lấy lại một phần tài sản nếu tham gia hoạt động giao thương lượng thực, thực phẩm. Các nhà sản xuất nông nghiệp cũng không còn sợ bị phong tỏa tài sản. Các biện pháp nới lỏng trừng phạt nói trên chỉ liên quan đến trao đổi nông phẩm, nhưng cũng giúp giải tỏa phần nào tài sản của các ngân hàng có quan hệ thân thiết với Putin và các tập đoàn công nghiệp quân sự.

Tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaida : Cuộc chiến mới của Mỹ

Khác với các báo khác, Le Monde hôm nay vẫn quan tâm đến vụ quân đội Mỹ Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaida, Ayman Al Zawahiri tại Kabul, một năm sau cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan. Vụ việc cho thấy Washington vẫn kiên định diệt trừ Hồi Giáo cực đoan và gây áp lực với chính quyền Taliban ở Afghanistan. Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ công khai cuộc chiến bí mật ở Afghanistan sau khi rút quân về nước.

Le Monde nhấn mạnh chiến dịch diệt trừ thủ lĩnh Al Qaida chứng tỏ Mỹ vẫn có thể tấn công vào bất cứ đâu và vào bất cứ khi nào họ muốn, cho dù quân Mỹ không còn trú đóng tại Afghanistan. Và tấn công bằng drone chỉ nhắm trúng mục tiêu cụ thể, chứ không gây thiệt hại nhiều cho dân thường như các chiến dịch trước đây của quân đội Mỹ hoặc NATO.

Le Monde trích dẫn một quan chức ngoại giao cấp cao của Pháp theo đó, với vụ tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaida, Washington đã kề lưỡi gươm Damocles vào cổ các thủ lĩnh phe Taliban cầm quyền và có cách buộc Taliban phải tuân thủ một số lằn ranh đỏ. Quả thực, theo bộ Tài Chính Mỹ hồi năm 2020, sự hồi phục của Al Qaida tại Afghanistan là nhờ có sự bảo vệ của toàn bộ mạng lưới Taliban.

Cái chết của Zawahiri, cơ hội phát triển của Al Qaida 

Nhưng cái chết của Ayman Al Zawahiri có tác động thế nào đến Al Qaida ? Trả lời phỏng vấn báo Le Monde, nhà nghiên cứu người Đan Mạch, Tore Refslund Hamming, Trung tâm nghiên cứu quốc tế về xu hướng cực đoan hóa, thuộc King’s College of London, khẳng định, khác với những gì mọi người nghĩ, Zawahiri là một thủ lĩnh giỏi của Al Qaida, biết cách vượt qua thử thách và đã duy trì được sự gắn kết của tổ chức. Trong 10 năm qua, Al Qaida đã lớn mạnh hơn và mở rộng, đặc biệt sang Sahel và Somalia.

Chuyên gia Tore Refslund Hamming nhận định Al Qaida sẽ vẫn tồn tại sau cái chết của thủ lĩnh Ayman Al Zawahiri, cũng như tổ chức này đã từng được duy trì sau khi trùm khủng bố Ben Laden bị tiêu diệt, bởi Al Qaida không phải chỉ có vài người, mà được tổ chức chặt chẽ hơn mọi người vẫn tưởng và có hệ tư tưởng rất mạnh. Nhà nghiên cứu này dự báo cái chết của thủ lĩnh Ayman Al Zawahiri thậm chí sẽ là cơ hội để tổ chức Al Qaida tìm ra một thủ lĩnh trẻ hơn, năng động hơn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.