Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Tác động của dịch virus corona đối với kinh tế Việt Nam

Đăng ngày:

Dịch bệnh do virus corona dĩ nhiên có tác động đối với nền kinh tế Việt Nam, vốn phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế Trung Quốc, mà lại là quốc gia có chung biên giới với Trung Quốc.

Du khách đeo khẩu trang khi tham quan Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam, ngày 31/01/2020.
Du khách đeo khẩu trang khi tham quan Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam, ngày 31/01/2020. Reuters
Quảng cáo

Trong phiên họp thường kỳ của chính phủ ngày 05/02/2020, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết là do tác động của dịch viêm phổi do virus corona, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý 1 năm 2020 có thể giảm 1%. Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng dự báo là nếu kinh tế Trung Quốc giảm mạnh do dịch bệnh kéo dài, điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam.

Trong cuộc họp báo cùng ngày hôm đó, ông Trần Quốc Phương, thứ trưởng bộ Kế Hoạch & Đầu Tư, cho biết : "Các kịch bản tính toán cho thấy tác động của dịch bệnh này tới tăng trưởng kinh tế năm nay là rất nghiêm trọng". Hiện giờ chính phủ Hà Nội không điều chỉnh hoặc hạ chỉ tiêu tăng trưởng, tuy nhiên, bộ Kế Hoạch & Đầu Tư đã dự trù hai kịch bản tăng trưởng. Kịch bản 1 là, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý 1, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt khoảng 6,27%. Trong kịch bản 2, nếu đến quý 2, dịch bệnh mới được kiểm soát, tỷ lệ này dự báo chỉ đạt 6,09% .

Vấn đề là hiện nay chưa ai có thể đoán trước là dịch viêm phổi do corona virus sẽ diễn tiến ra sao, khi nào lên đến đỉnh điểm và khi nào mới chấm dứt.

Trước mắt, những ngành sẽ bị sụt giảm mạnh nhất vì dịch bệnh là nông nghiệp, xuất khẩu, đặc biệt là hàng không, du lịch.

Du lịch sẽ bị thất thu nặng

Để ngăn chận sự lây lan của virus corona từ Vũ Hán, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 01/02/2020 đã ký quyết định công bố dịch ở Việt Nam. Chính phủ đồng thời đã cho ngưng toàn bộ các chuyến bay đến và từ Trung Quốc, ngưng cấp visa cho du khách Trung Quốc, cũng như những du khách ngoại quốc nào đã ở Trung Quốc trong hai tuần trước đó. Toàn bộ xe lửa chở khách đến và từ Trung Quốc cũng tạm ngưng hoạt động. Bản thân chính phủ Bắc Kinh kể từ ngày 27/01 cũng đã cấm dân Trung Quốc đi du lịch nước ngoài theo đoàn. Cho dù không bị cấm thì chắc là ít có người nào ở Trung Quốc nghĩ đến chuyện đi du lịch ở nước ngoài trong lúc này.

Tất cả các biện pháp kể trên gây ảnh hưởng nặng nề đối với trước hết là du lịch, vì số du khách Trung Quốc chiếm tới khoảng 30% tổng số du khách ngoại quốc đến Việt Nam. Theo các số liệu chính thức, du khách Trung Quốc thậm chí chiếm đến một phần ba tổng số 18 triệu du khách đến Việt Nam năm 2019.

Theo báo chí trong nước, trước khi các biện pháp hạn chế du lịch được ban hành, trong tháng 1/2020, mà năm nay trùng với Tết Nguyên Đán, đã có đến hơn 640 ngàn du khách Trung Quốc đến Việt Nam, tăng hơn 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng trong tháng 2 này, chắc chắc là số du khách Trung Quốc đến Việt Nam sẽ giảm mạnh và số du khách ngoại quốc nói chung cũng sẽ giảm theo, bởi vì nhiều người sẽ ngại đến Việt Nam, quốc gia nằm sát cạnh ổ dịch Trung Quốc.

Báo chí trong nước ngày 07/02 dự báo là dịch virus corona có thể khiến ngành du lịch Việt Nam thất thu từ 5,9 tỷ đến 7,7 tỷ đôla trong ba tháng tới.

Xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm

Một lĩnh vực khác bị tác động mạnh, đó là xuất khẩu. Theo số liệu của Tổng Cục Hải Quan, trong tháng 1/2020, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt khoảng 2,75 tỷ đôla, giảm đến hơn 35% so với tháng 12/2019. Nhập khẩu từ Trung Quốc cũng giảm hơn 20%. Ngoài lý do tháng Giêng năm nay rơi vào dịp Tết, một nguyên nhân khác khiến xuất khẩu sụt giảm mạnh như vậy đó là ảnh hưởng của dịch viêm phổi do virus corona tại Trung Quốc.

Trong cuộc họp thường kỳ của chính phủ, bộ Công Thương Việt Nam dự báo là xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có thể sẽ giảm từ 5 đến 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng dự báo này dựa trên kịch bản là dịch viêm phổi do virus corona được kiểm soát trong vòng chưa tới 3 tháng, tức là kịch bản lạc quan nhất.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, bị nặng nhất là nông sản. Theo báo cáo của bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn ngày 03/02, ngành hàng đầu tiên chịu tác động là sản phẩm hoa quả, cụ thể hiện nay quả thanh long và dưa hấu đang gặp nhiều khó khăn. Đây là hai mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn trong số các nông sản xuất Trung Quốc trong dịp Tết và đang bị ứ đọng tại biên giới Việt - Trung do hai bên đều hạn chế giao dịch. Hai mặt hàng khác cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu sang Trung Quốc, đó là sữa và thủy sản, theo Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn.

Riêng về thủy sản, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam là họ tạm dừng việc giao hàng cho đến hết ngày 9/2/2020, hoặc cho đến khi chính phủ Trung Quốc thông báo các hoạt động giao thương bình thường trở lại.

Theo trang SeafoodSource ngày 05/02, Navico, một trong những nhà sản xuất cá tra hàng đầu ở Việt Nam, cũng dự báo xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong quý 1 năm nay. Trong thông cáo đưa ra ngày 03/02, Navico nhận định là xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc, khách hàng lớn nhất của công ty này, chắc là sẽ giảm trong đầu năm 2020 do tác động của dịch virus corona.

Trước tình hình xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc có nguy cơ sụt giảm mạnh, bộ Nông Nghiệp Việt Nam cho biết sẽ làm việc với bộ Công Thương và các sứ quán Việt Nam ở các nước để giới thiệu nông sản Việt Nam và thăm dò các thị trường mới để đa dạng hóa các kênh xuất khẩu.

Vậy, chính phủ Việt Nam nên có những biện pháp nào để hạn chế tác động của dịch virus corona, sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn từ Sài Gòn.

03:56

Chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn

Huỳnh Bửu Sơn : Trong thời điểm hiện nay thì ưu tiên vẫn là làm sao ngăn chận được sự lây lan của dịch virus corona này. Chúng ta cũng thấy ảnh hưởng của dịch bệnh, trước mắt là đối với du lịch và ngay cả trong nước, những ngành về dịch vụ về ăn uống, về giải trí cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Rõ ràng là việc đi lại từ nông thôn đến thành thị, rồi việc tránh tập trung nơi đông người, nói chung việc phải bảo hộ, tránh lây lan cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất.

Điều quan trọng là nếu chúng ta thành công trong việc ngăn chận dịch bệnh, thì điều này sẽ tạo ra một ảnh hưởng tâm lý đối với người dân cũng như đối với sản xuất. Đó phải là ưu tiên, bởi vì trong cái tâm lý lo sợ như vậy, việc sản xuất hay kinh doanh đều bị ảnh hưởng hết.

RFI : Trong bối cảnh hàng xuất khẩu sang Trung Quốc có nguy bị ứ đọng, Việt Nam có thể thi hành những biện pháp gì để đa dạng hóa các kênh xuất khẩu, để không quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc ?

Huỳnh Bửu Sơn : Việc chuyển hướng sang những nước khác, như là riêng đối với các mặt hàng nông sản hay các ngành công nghiệp thực phẩm, thì trong thời gian một, hai quý trước mắt, không dễ gì mà chúng ta có thể tìm những đối tác ở các nước khác để tiêu thụ lượng hàng mà Trung Quốc tạm thời ngưng nhập khẩu từ Việt Nam.

Chiến lược xuất khẩu của Việt Nam từ lâu đã theo hướng đa dạng hóa, như là phát triển thị trường EU hay thị trường Bắc Mỹ, thậm chí đi tìm thị trường Nam Mỹ hay Phi Châu. Ngoài việc tham gia hiệp định thương mại với EU, Việt Nam còn đang triển khai hiệp định CPTPP, cho nên việc đa dạng hóa các nguồn xuất khẩu của Việt Nam đã được thực hiện trong nhiều năm nay và cũng đã thấy một số kết quả, chẳng hạn như đối với thị trường Mỹ, có thể nói là xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tăng và xuất siêu từ Mỹ cũng khá là lớn.

Cho nên tôi nghĩ là sắp tới, ảnh hưởng của nền kinh tế Trung Quốc đối với Việt Nam, nhất là về xuất khẩu sang Trung Quốc hay nhập khẩu từ Trung Quốc, sẽ ngày càng giảm đi, để nó không chiếm một tỷ trọng quá lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều của Việt Nam. Nhưng để thay thế cho sự sụt giảm của (lượng hàng xuất khẩu sang) Trung Quốc thì có lẻ là chúng ta cần nhiều thời gian.

Ảnh hưởng đến các công ty ngoại quốc

Dịch viêm phổi do virus corona cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty ngoại quốc tại Việt Nam.

Theo tờ Nikkei Asian Review ngày 06/02/2020, tập đoàn HOYA của Nhật Bản, công ty hàng đầu thế giới về đĩa thủy tinh dùng để sản xuất ổ cứng, đang xem xét khả năng "tạm thời tổ chức lại nhân sự" tại các cơ sở sản xuất của công ty này ở Việt Nam và Thái Lan. Một trong những phương án dự trù là tạm thời cho công nhân nghỉ việc. Tập đoàn Hoya dự báo là nhu cầu về ổ cứng ở Trung Quốc sẽ giảm mạnh do tác động của virus corona đối với sản xuất máy tính cá nhân và thiết bị trung tâm dữ liệu. Mà Hoya thì chuyên cung cấp đĩa thủy tinh cho các nhà sản xuất ổ cứng chuyên cung cấp cho các công ty Trung Quốc. Hiện nay, Hoya có hai nhà máy ở Việt Nam, một ở Hà Nội và một ở tỉnh Hưng Yên.

Nhưng dịch virus có thể lại có một tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, đó là một số công ty ngoại quốc, như của Nhật Bản, sẽ dời cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác ở châu Á như Việt Nam.

Theo hãng tin Kyodo ngày 07/02/2020, các nhà sản xuất Nhật Bản đã bắt đầu chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc vì sợ các nhà máy tại nước này sẽ phải đóng cửa lâu dài do hậu quả của dịch virus corona. Các nhà phân tích được Kyodo trích dẫn nói rằng dời cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc không phải là một quyết định dễ dàng và tạm thời sẽ khiến chi phí tăng thêm, nhưng một số công ty Nhật không thể chờ cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Toru Nishihama, kinh tế gia tại Viện Nghiên cứu Đời sống Dai-ichi dự báo là khác với dịch SARS những năm 2002-2003, rất có thể là Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian hơn để khống chế dịch virus corona.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.