Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Trump giễu cợt cô gái được Time chọn là ''Nhân vật năm 2019''

Đăng ngày:

Tổng thống Mỹ giễu cợt thiếu nữ Thụy Điển, người vừa được tạp chí Time trao danh hiệu Nhân vật của năm 2019. Giới trẻ Nhật Bản hưởng ứng cuộc tranh đấu vì Khí hậu của cô gái Thụy Điển. Tại Việt Nam, một tù nhân lương tâm - phản đối công ty Formosa gây ô nhiễm biển - chết trong tù, gia đình không được nhận thi hài. Sự việc gây phẫn nộ. Truyền hình Đài Loan gia tăng tiếng bản địa, đẩy lùi tiếng Trung, trước thềm bầu cử.

Greta Thunberg tại Thượng đỉnh Khí hậu COP 25, Madrid.
Greta Thunberg tại Thượng đỉnh Khí hậu COP 25, Madrid. REUTERS/Susana Vera
Quảng cáo

Ngày 11/12/2019, tạp chí Mỹ Time trao danh hiệu ''Nhân vật của năm'' cho thiếu nữ Thụy Điển 16 tuổi, Greta Thunberg, người đã làm dấy lên phong trào bãi khóa biểu tình với hàng triệu người tham gia, đòi giới lãnh đạo thế giới hành động khẩn cấp để ngăn chặn đà hâm nóng khí hậu. Ngay hôm sau, tổng thống Mỹ giễu cợt một danh hiệu ''ngớ ngẩn'', lên giọng khuyên răn: ''Greta cần học cách kiềm chế nỗi giận, hãy đi coi một bộ phim hay với bạn bè !'' ‘'Thư giãn đi Greta ! ''.

Nỗi giận Greta ám ảnh tổng thống Mỹ

Cơn giận của Greta ám ảnh tổng thống Mỹ. Truyền thông quốc tế đặc biệt chú ý đến cái nhìn dữ dội của cô gái Thụy Điển khi giáp mặt với ông Trump bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi cuối tháng 9.

Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump REUTERS/Yuri Gripas/File Photo

Trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn Liên Hiệp Quốc về Khí hậu, Greta lên án giới lãnh đạo thế giới cướp mất ''những ước mơ và tuổi thơ'' của cô, bằng những lời lẽ ''sáo rỗng'', ca ngợi ''những phép lạ tăng trưởng kinh tế'' vào lúc nhân loại đang đối mặt với các thảm họa sinh thái. Cô tự nhận mình là một người may mắn, trong khi biết bao người khác đang đau khổ, biết bao người khác đang phải chết.

Đáp trả tổng thống Mỹ, Greta nhại lại câu nói của ông Trump trên tài khoản Twitter của cô. Cô tự kể về mình như ''Một thiếu nữ đang học cách quản lý nỗi giận dữ, đang thư giãn, và đang xem một bộ phim hay với một người bạn'', trên cái nền hình ảnh một khu rừng xanh thẳm. Tuy nhiên, những người tranh đấu cho môi trường đều biết cái mầu xanh kỳ diệu của Thiên nhiên ấy đang bị xâm hại và đe dọa như thế nào!

Ông Trump thấy bị xúc phạm

Nhân vật của năm được Time bình chọn là một vấn đề nhạy cảm với Donald Trump, người từng được Time trao danh hiệu này năm 2016, sau khi bất ngờ đắc cử tổng thống. Theo nhiều nhà quan sát, Trump cảm thấy bị xúc phạm khi danh hiệu được trao cho một cô gái nhỏ, đã lên án lập trường chống lại nỗ lực quốc tế vì khí hậu. Trong thời gian ở Mỹ, Greta  thẳng thừng bác bỏ khả năng gặp tổng thống Trump, điều mà cô cho là ''phí thời giờ vô ích''.

Hành động giễu cợt của tổng thống Trump với cô gái nhỏ khiến nhiều người buộc phải lên tiếng. Cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói đây là một điều ''đáng hổ thẹn''. Ông cho rằng Greta Thunberg còn ''chín chắn và bản lĩnh hơn nhiều'' so với ông Trump, và trong tương lai, Donald Trump cũng sẽ không bao giờ sánh được với cô.

Phu nhân cựu tổng thống Mỹ, bà Michelle Obama, vừa từ Việt Nam trở về, gửi đến Greta lời nhắn:

''Đừng để bất cứ ai làm lu mờ ánh sáng của em ! Giống như những thiếu nữ tôi gặp tại Việt Nam và khắp mọi nơi trên thế giới, em có rất nhiều điều để cống hiến cho mọi người. Đừng để tâm đến những kẻ hoài nghi, hãy biết rằng hàng triệu người đang hưởng ứng em ! ''.

Giới trẻ Nhật theo bước Greta

Ngôi sao dẫn đường của phong trào Khí hậu người Thụy Điển gây phấn khích cả giới trẻ Nhật Bản, vốn vẫn thụ động với cuộc chiến Khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, ngày càng nhiều thanh niên Nhật không chấp nhận chính sách phát triển than đá của chính phủ. Nhật Bản vừa là quốc gia nhập khẩu than thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ, và nhà tài trợ cho nhiệt điện than thứ hai thế giới.

Phóng sự của thông tín viên Bruno Duval từ Tokyo:

''Giới sinh viên trung học Nhật Bản không đến mức bỏ học như Greta Thunberg, bởi họ sẽ ngay lập tức bị nhà trường kỷ luật. Thế nhưng, các cuộc biểu tình nổ ra khắp nơi. Tham gia vào các cuộc tập hợp này là những thanh thiếu niên lo lắng về tương lai, bất bình về chính sách năng lượng của chính phủ.

Một thanh niên cho biết: ''Nếu chúng ta không làm gì, Trái đất sẽ bị hâm nóng nhanh hơn. Như vậy, trước khi tình hình trở nên quá trễ, tất cả giới trẻ chúng ta phải huy động vì đất nước, và chính quyền cũng phải hành động''. Một người nói thêm: ''Nước Nhật không thể nào tiếp tục án binh bất động như hiện nay. Đây là một vấn đề toàn cầu: Đà hâm nóng Trái đất hiển nhiên sẽ không thể dừng lại bên ngoài biên giới chúng ta''.

Một người khác nhấn mạnh: ''Giới trẻ toàn thế giới phải làm theo gương Greta Thunberg. Hiện tại ở Nhật, còn chưa đủ đông, nhưng tôi hy vọng phong trào sẽ nhanh chóng thu hút nhiều người''… ''Càng có nhiều thanh thiếu niên trên đường phố, phong trào sẽ càng mạnh, và có thể gây áp lực buộc chính phủ xét lại chính sách năng lượng''.

Đối với các thanh niên tham gia biểu tình, chỉ có một giải pháp duy nhất: Năng lượng tái tạo. Và không được khởi động lại điện hạt nhân. Công luận Nhật Bản cũng đi theo hướng này. Theo các thăm dò dư luận, đa số phản đối với việc khởi động lại các lò phản ứng bị đình chỉ năm 2011''.

Tổng thống Pháp lo ngại ''câu lạc bộ Greta''

Cuộc đối đầu giữa tổng thống Mỹ và thiếu nữ Thụy Điển, mà uy tín quốc tế đang gia tăng, dường như đang gây khó cho chính phủ Pháp, trong nỗ lực huy động các đóng góp cho Khí hậu. Nguyên thủ Pháp nhấn mạnh đến sự tồn tại của hai khối xã hội lớn, mà ông gọi là hai ''câu lạc bộ'': ''câu lạc bộ'' của thiếu nữ Thụy Điển và ''câu lạc bộ'' của tổng thống Mỹ.

Tổng thống Pháp chỉ trích cả thiếu nữ Thụy Điển lẫn tổng thống Mỹ: ''Có nhiều người muốn thay đổi, nhưng điều này rất khó, bởi vì các nỗ lực vì Khí hậu sẽ không bao giờ được coi là đủ với Greta, và luôn luôn là quá nhiều với Donald''.

Phát biểu được tổng thống Emmanuel Macron đưa ra tại Paris, hôm thứ Năm 12/12, trong một buổi gặp các nhà nghiên cứu trẻ, tham gia chương trình Khí hậu được Pháp tài trợ. Chương trình được tung ra cách nay hai năm rưỡi, để phản ứng với việc tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris.

Tổng thống Pháp muốn kêu gọi những người có năng lực và thiện chí hãy đi theo hướng thứ ba, mà ông coi là thiết thực và hiệu quả. Đó là nỗ lực để ''giúp mọi người thay đổi cách ứng xử, hiểu rằng thay đổi là có thể và hiểu rằng họ sẽ được hỗ trợ''.

Pháp cùng các thành viên Liên Hiệp Châu Âu khác đang nỗ lực để thông qua Thỏa ước chuyển sang kinh tế Xanh (Green Deal) của khối, với mục tiêu hướng đến xã hội không khí thải vào năm 2050, giảm hơn một nửa khí thải trong 10 năm tới.

Để trở thành đầu tầu của nhân loại trên con đường chuyển sang nền kinh tế Xanh, Liên Hiệp Châu Âu trước hết phải đạt đồng thuận trong nội bộ vào mùa hè tới. Khối 27 nước vừa đạt được thỏa thuận bước đầu, nhưng chưa có sự tham gia của Ba Lan. Liên Âu cũng hy vọng cùng Trung Quốc đạt thỏa thuận nâng cao nỗ lực cắt giảm khí thải vào mùa thu năm nay, trước thềm thượng đỉnh Khí hậu COP 26. Đây là dịp mà cộng đồng quốc tế phải đưa ra các cam kết mới mạnh mẽ hơn, nhằm thực thi mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2°C.

Nỗ lực của Liên Âu và cuộc chiến của Greta

Nỗ lực của Liên Âu tương phản với không khí bế tắc tại thượng đỉnh Khí hậu COP 25, về nguyên tắc phải kết thúc tối qua 13/12. Gần như không có thêm nỗ lực đáng kể nào được ghi nhận. Đối diện với áp lực của giới bảo vệ môi trường trên đường phố Madrid, nơi diễn ra thượng đỉnh, là bầu không khí trì đọng trên bàn đàm phán.

Ngày hôm qua, Greta Thunberg đến Turin, đông bắc nước Ý, một trong các quốc gia châu Âu có nguy cơ chịu nhiều hậu quả nhất của biến đổi khí hậu. Trước các học sinh trung học tham gia ngày ''Thứ Sáu vì Khí hậu'' (Friday for Futur), Greta kêu gọi sẵn sàng cho một năm hành động, mở đầu cho thập niên chiến đấu vì Khí hậu.

Liệu cuộc chiến của Greta và những người đồng hành với cô có góp phần cùng Liên Hiệp Châu Âu tiến đến một xã hội không khí thải?

Việt Nam: Người tù lương tâm phản đối Formosa không được trả xác

Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12/2019 này để lại một dấu ấn đặc biệt với Việt Nam. Ông Đào Quang Thực, 59 tuổi, giáo viên tiểu học về hưu, một tù nhân lương tâm bị án tù 13 năm, qua đời trong tù đúng vào ngày này sau hai năm bị giam giữ, nhưng trại giam không cho phép thân nhân nhận thi hài. Cái chết của ông Thực dấy lên nhiều nghi vấn và phẫn nộ.

Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang nhận định :

''Cái chết của thầy giáo Đào Quang Thực gây chấn động khá lớn trong và ngoài nước. Một số tổ chức quốc tế đã lập tức lên tiếng. Ai cũng biết thầy giáo Thực là người hiền lành, về hưu, dậy tiểu học thôi. Và khi bắt đầu có sự kiện Formosa đầu độc biển miền Trung Việt Nam, thải chất độc gây tác hại rất lớn cho đời sống người dân ven biển (1).

Thầy giáo Đào Quang Thực (cầm khẩu hiệu mang hình cá) trong một cuộc biểu tình phản đối Formosa, tại Nhà hát lớn, Hà Nội năm 2016.
Thầy giáo Đào Quang Thực (cầm khẩu hiệu mang hình cá) trong một cuộc biểu tình phản đối Formosa, tại Nhà hát lớn, Hà Nội năm 2016. copy d'ecran baoquocdan.org

Cùng dư luận cả nước, chỉ có thể thôi mà bị quy vào tội hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân, thì ai cũng thấy bất bình rồi. Bây giờ, thầy Thực tự nhiên ở trong trại giam từ năm 2017 đến giờ, xảy ra chuyện thầy đột tử, người ta thấy bất bình, khó hiểu, nghi ngờ rồi. Nhưng mà lại thêm chuyện nữa là Trại giam tuyên bố dứt khoát trong cho gia đình mang xác về, phải chôn cất tại trại giam, rồi ba năm sau gia đình mới được nhận di cốt, hoặc là tro để mang về thôi. Điều đó gây rất bức xúc.

Tôi cho rằng cách hành xử quá khắt khe, quá tàn khốc như thế, thiếu chính trị như vậy, phía công an, phía Nhà nước chắc cũng muốn chủ trương để dùng những hình phạt quá đáng như thế để hăm dọa, để đè bẹp ý chí tranh đấu trong nhân dân. Nhưng tôi cho rằng ý đồ đó lại phản tác dụng. Bởi vì các biệp pháp Nhà nước đưa ra quá đáng sẽ khiến nhiều người dân ở Việt Nam này nhìn Nhà nước như một thứ gì ghê tởm. Họ sẽ có thái độ khác. Tôi nghĩ rằng sẽ có những người vượt qua nỗi sợ hãi do giận dữ. Họ sẽ bổ sung vào đội ngũ những người đấu tranh cho quyền tự do dân chủ, các quyền con người của người dân Việt Nam.

Theo dõi công luận, tôi vẫn nghĩ rằng còn cơ hội để cho Trại giam sửa sai. Tôi nghĩ là, nếu khôn ngoan họ sẽ sửa sai theo hướng, tìm cách đưa thi hài của thầy, trả về cho gia đình, để người ta làm lễ an táng, theo đúng theo truyền thống của dân tộc, nghĩa tử cũng là nghĩa tận''.

Giới văn nghệ thúc đẩy tiếng Đài Loan để độc lập với Trung Quốc

Đài Loan sắp bước vào cuộc bầu cử tổng thống và Nghị Viện, tháng Giêng 2019. Một trong những điểm đặc biệt đáng chú ý là truyền thông hòn đảo đẩy mạnh sử dụng tiếng địa phương, để ngăn chặn ảnh hưởng của tiếng Hoa, bị coi là có lợi cho chính sách đồng hóa của chính quyền Bắc Kinh.

Phóng sự của Adrien Simorre từ Đài Bắc:

''Tại tất cả các phòng thu của đài truyền hình công Đài Loan, Jin đều nở nụ cười tươi. Chương trình trò chơi trên truyền hình hoàn toàn bằng tiếng Đài Loan của anh, kể từ khi khởi sự vào mùa hè năm nay, được hưởng ứng rất mạnh.

Tại Đài Loan, ngôn ngữ thống trị vốn là tiếng Hoa. Mục tiêu của Jin hoàn toàn không dễ thành công. Jin cho biết : Đây là một chương trình hoàn toàn mới bằng tiếng Đài Loan. Mỗi ê kíp sẽ phải trả lời cho các câu hỏi về ngôn ngữ và về văn hóa Đài Loan. Giờ đây, chương trình nói trên trở thành tiết mục được theo dõi nhiều nhất trên kênh truyền hình công này. Chúng tôi hy vọng là làm như vậy sẽ cho phép bảo vệ được ngôn ngữ Đài Loan.

Bảo vệ các tiếng nói bản địa là một trong các ưu tiên của chính phủ Thái Anh Văn, được bầu lên từ năm 2016. Đảng cầm quyền có một lập trường cứng rắn trước các tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.

Nâng cao giá trị của các ngôn ngữ bản địa tại Đài Loan chính là để chống lại chính sách ngôn ngữ duy nhất, mà Bắc Kinh muốn áp đặt.

Để chống lại ưu thế áp đảo của tiếng Hoa, nói tiếng địa phương đang trở thành mốt trong giới trẻ đòi độc lập.

Roger, một tay trống của nhóm nhạc rap Community Service, nhấn mạnh : ‘’Hát bằng tiếng Đài Loan, điều đó cũng có nghĩa là ủng hộ Đài Loan độc lập với Trung Quốc. Đối với tôi, điều có nghĩa là Đài Loan có bản sắc riêng, và Đài Loan cần phải đi theo con đường riêng của mình.’’

Các bài hát nói về lịch sử của Đài Loan, về bản sắc, nhưng cũng về hệ thống dân chủ của hòn đảo. Hiện nay, tên chính thức của Đài Loan là Cộng Hòa Trung Hoa, tuy nhiên các nghệ sĩ ban nhạc bác bỏ tên gọi này.

Một nghệ sĩ nói : ‘’Cần phải rút tên gọi này để thế giới công nhận Đài Loan như một quốc gia thực sự. Tiếng Hoa trên thực tế mới chỉ được nói tại Đài Loan từ năm 1949’’.

Ghi chú

1 - GM Nguyễn Thái Hợp: "Nạn nhân thảm họa Formosa có quyền đòi lại bãi biển trong lành", RFI 25/05/2017.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.