Vào nội dung chính
CHÂU Á - BÁO CHÍ

Bỏ tù nhà báo : Trung Quốc nhất thế giới, Việt Nam hạng nhì châu Á

Ít nhất 250 nhà báo đang bị cầm tù trên thế giới. Trung Quốc đứng đầu các chế độ độc đoán không chấp nhận truyền thông độc lập, tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út, Erythrea, Iran. Tại châu Á, Việt Nam chiếm huy chương bạc trong danh sách không vẻ vang này, theo bản báo cáo thường niên của Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo (CPJ), công bố ngày 11/12/2019 từ NewYork.

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ). Ảnh minh họa.
Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ). Ảnh minh họa. Reuters
Quảng cáo

Trong năm 2019, số nhà báo bị giam trên thế giới vì nhiệm vụ thông tin độc lập tiếp tục chiếm mức độ gần như kỷ lục : ít nhất 250 người, giảm được 5 người so với năm trước, theo phối kiểm của Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo (CPJ).

Tại châu Á, Việt Nam tiếp tục đứng hạng nhì sau Trung Quốc trong danh sách chế độ nhà tù khắc nghiệt chống báo chí với 12 nhà báo bị giam hay đang chờ lãnh án. Nạn nhân mới nhất là ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam.

Các nhà tù Trung Quốc giam giữ ít nhất 48 phóng viên, nhiều hơn năm 2018 một người. Trong bối cảnh đàn áp tại Tân Cương và phong trào dân chủ tại Hồng Kông, hàng chục phóng viên Trung Quốc bị bắt vì các bài phóng sự. CPJ đặt biệt chú ý trường hợp nữ phóng viên độc lập Sophia Hoàng Tuyết Cần (Huang Xue Qin), bị bắt vào tháng 10
/2019 sau khi kể lại câu chuyện cô tham gia tuần hành dân chủ tại Hồng Kông trên blog cá nhân.

Thổ Nhĩ Kỳ đứng sau Trung Quốc với 47 người tù vốn là phóng viên, ít hơn năm trước 11 người nhưng không có nghĩa là có tiến bộ. Sau khi triệt hạ gần 100 cơ quan truyền thông độc lập, chính quyền Erdogan tạm thả hàng chục nhà báo trong khi chờ xử phúc thẩm.

Trong khu vực vùng Vịnh, Ả Rập Xê Út và Ai Cập chiếm quán quân với 26 tù nhân báo giới ở mỗi nước. Tại Iran, trong bối cảnh biểu tình chống vật giá leo thang, số nhà báo bị bắt lên đến 11 người.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.