Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Nữ hoàng salsa Celia Cruz

Đăng ngày:

Tuy không hẹn, nhưng nhiều đĩa hát phát hành gần đây đều tưởng nhớ sự nghiệp của danh ca Celia Cruz, từng được mệnh danh là nữ hoàng dòng nhạc salsa. Điều đáng ngạc nhiên ở đây là năm 2019 không phải là dịp kỷ niệm ngày sinh hay là ngày giỗ năm chẵn của nghệ sĩ quá cố.

Sinh thời, Celia Cruz từng được mệnh danh là nữ hoàng salsa
Sinh thời, Celia Cruz từng được mệnh danh là nữ hoàng salsa © celiacruz.com
Quảng cáo

Trong số các album vừa được xuất bản, có tập nhạc mang tựa đề "Celia" của nữ ca sĩ Angélique Kidjo, cô đối chiếu dòng nhạc salsa của bậc tiền bối với dòng nhạc afro-beat từ châu Phi và cho thấy là dòng nhạc salsa có nhịp điệu bắt nguồn từ châu Phi. Tuy salsa đã ra đời cách đây hàng thập niên, nhưng dòng nhạc này vẫn có thể được tái tạo, khoác thêm lớp áo tân thời. Về phần mình, ca sĩ Puerto Rico Linda Viera Caballero còn có nghệ danh là La India được xem như là người thừa kế di sản âm nhạc của bà Celia Cruz, cũng đã ghi âm nhiều ca khúc để tưởng nhớ giọng ca bậc thầy. Lúc sinh tiền, hai nghệ sĩ này đã từng hát chung trong phòng thu hay trên sân khấu nhiều lần với nhau.

Sinh trưởng ở Cuba (1925-2003), Celia Cruz xuất thân từ một gia đình đông con ở Santos Suárez, sống tại một khu phố nghèo ở thủ đô La Havana. Thời còn nhỏ, Celia không được ăn học tới nơi tới chốn, gia đình bà nghèo đến nỗi không có tiền để mua giày cho con, suốt ngày bà phải đi chân trần. Đổi lại, Celia được trời ban cho một giọng ca chắc nhịp khỏe khoắn, làn hơi đẩy dài đầy đặn. Cô bé kiếm tiền nhờ hát rong trên vỉa hè, nhờ khách du lịch ngoài đường phố mà mua được đôi giày da đầu tiên trong đời.

Thân phụ của Celia không muốn cô vào nghề ca hát, ông khuyên con gái tiếp tục đi học để sau này trở thành giáo viên. Celia chịu nghe lời ông cho đến ngày một cô giáo nói với Celia rằng, với một giọng ca thiên phú như vậy, cô sẽ kiếm được nhiều tiền, lương giáo viên trong cả năm chưa chắc gì đã bằng tiền thù lao cô kiếm được trong một ngày. Celia Cruz có lẽ không bao giờ quên lời nói này, bà bỏ học chữ để thi vào Nhạc viện thành phố.

Sau khi tốt nghiệp khoa thanh nhạc, Celia Cruz bắt đầu đi hát cho đài phát thanh thủ đô. Vào năm 25 tuổi, bà trở nên nổi tiếng khi gia nhập nhóm La Sonora Mantacera, vốn là ban nhạc nổi tiếng nhất Cuba thời bấy giờ. Celia Cruz được tuyển vào nhóm để thay thế cho giọng ca chính là Myrta Silva người Puerto Rico.

Nhờ vào giọng ca của Celia Cruz, ban nhạc này thành công rực rỡ trong hơn một thập niên liền (1950-1961), cũng trong giai đoạn này bà ghi âm hầu hết các ca khúc La Tinh kinh điển của hai loại nhạc thịnh hành nhất thời bấy giờ là mambo và cha cha. Giới hâm mộ thời bấy giờ mến tặng cô ca sĩ có nước da ngăm đen cái biệt danh Café con Leche (cà phê sữa), còn trên sân khấu Celia Cruz thường hay hát đùa, hô to chữ Azúcar! (có nghĩa là Đường).

Vào những năm 1959-1960, thời điểm cuộc cách mạng Cuba, Celia lúc ấy đang trên đường lưu diễn với nhóm La Sonora Mantacera, bị kẹt tại Mexico. Vào cùng một thời điểm, thân phụ của bà Celia qua đời vì bạo bệnh, nhóm này nếu trở về có nguy cơ không được xuất ngoại. Celia và cả nhóm chọn cuộc sống lưu vong, sang định cư tại Hoa Kỳ. Năm 1962, bà nhận được thông báo chính thức từ phía chính quyền Cuba cấm bà trở về quê hương. Cho dù sau đó bà đã nhiều lần xin phép về thăm mẹ khi hay tin bà cụ đang lâm bệnh nặng. Rốt cuộc, hai mẹ con cũng không được dịp gặp lại nhau một lần cuối. Mẹ của Celia qua đời tháng Tư năm 1962. Ba năm sau, Celia Cruz chính thức trở thành công dân Mỹ, sau khi hoàn tất thủ tục nhập tịch, năm 1965.

Đây cũng là thời điểm quan trọng trong sự nghiệp của Celia, khi bà quyết định tách ra riêng, đoạn tuyệt với quá khứ và chọn nghiệp hát solo. Gia cảnh của Celia càng có nhiều chuyện buồn bao nhiêu, thì sự nghiệp của bà càng thăng hoa bấy nhiêu.

Celia ký hợp đồng ghi âm với các hãng đĩa lớn, hợp tác với những tên tuổi trứ danh nhất thời bấy giờ, trong đó có bộ đĩa gồm 8 album thực hiện (kể từ năm 1966 với những ca khúc bất hủ như Guantanamera, Bemba Colorá, Aquarius & Let the Sunshine in, Sway Quien será) ….. với Tito Puente, còn được mệnh danh là ‘‘ông hoàng kiểng đồng’’, nhạc khí sở trường này kết hợp với bộ gõ La Tinh tạo ra một âm thanh có một không hai. Cho dù về mặt số bán, các album này không phải là những tập nhạc ăn khách nhất, nhưng Celia và Tito đã đặt ra ‘‘khuôn vàng, thước ngọc’’ cho tất cả các thế hệ nghệ sĩ đi sau, kể cả Gloria Estefan, Jennifer Lopez, Shakira hay Thalia …

Trong suốt 4 thập niên, sự nghiệp của Celia Cruz liên tục thành công trên đất Mỹ. Năm 1974, Celia Cruz gia nhập dàn nhạc Fania All Stars, bao gồm những nhạc sĩ giỏi nhất của hãng đĩa Fania, cùng với nhóm bà thực hiện nhiều vòng lưu diễn tại châu Âu, Tây Phi và Nam Mỹ. Trong suốt những năm sau đó, ngoài việc tham gia các dự án ghi âm của nhiều ca sĩ khác, Celia Cruz còn xuất hiện trong các bộ phim Hollywood như bộ phim ca nhạc ‘‘Salsa’’ với Robi Draco Rosa vào năm 1988, và trong bộ phim '' Mambo Kings '' với Antonio Banderas vào năm 1992.

Nhân một chuyến biểu diễn tại Mexico năm 2002, sức khoẻ của bà đột ngột suy giảm một cách trầm trọng. Bác sĩ phát hiện một khối u trong não của bà, Celia Cruz buộc phải trải qua một cuộc giải phẫu. Biết rằng bệnh tình nguy kịch nan giải, khó thể nào qua khỏi, Celia Cruz vẫn tiếp tục ghi âm với tất cả niềm đam mê của người nghệ sĩ. Vào tháng 7 năm 2003, bà thanh thản qua đời ở tuổi 77, được chôn cất theo di chúc tại nghĩa trang Woodlawn, The Bronx, New York (Hoa Kỳ).

Album cuối cùng của Celia Cruz với tựa đề "Món quà tâm hồn" (Regalo del Alma) ghi âm vài tháng trước khi bà mất, trở thành một bản di chúc đầy ý nghĩa. Bà xuất hiện trước công chúng lần cuối cùng trong chương trình truyền hình được thực hiện với Gloria Estefan, Marc Anthony, La India, Gloria Gaynor, Patti LaBelle và nhiều nghệ sĩ khác. Được phát hành sau ngày bà qua đời, album này giúp cho Celia đoạt thêm nhiều giải thưởng âm nhạc quan trọng vào năm 2004.

Ra đi ở tuổi 77, Celia Cruzz đã để lại khoảng 40 album studio và cho thấy là bà đã hát hầu như tất cả các thể loại âm nhạc đến từ Cuba như salsa, guaracha, latino pop, guaguanco, rumba, bolero hay là son cubano. Thời còn trẻ bà được mệnh danh là ‘‘nữ hoàng salsa’’, nhưng Celia Cruz thật ra đã đăng quang rồi ngự trị trên ngai vàng của toàn dòng nhạc La Tinh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.