Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Nhạc Pháp hay nhất qua các giọng ca mới

Đăng ngày:

Sau hai tuyển tập nhạc Pháp với chủ đề ‘‘Kỷ niệm mùa hạ’’, các dự án ghi âm đậm chất hoài niệm vẫn được phát hành trong mùa hè 2019. Các bản nhạc quen thuộc như "Những con múa rối" (Les Marionnettes) của Christophe, "Khi xưa ta bé" (Bang Bang) qua giọng ca Sheila, "Sao đành vĩnh biệt" (Comment te dire adieu) của Françoise Hardy đều có thêm những phiên bản mới.

Nhóm "Les Petites Canailles" hát lại ca khúc nhạc trẻ thập niên 1960
Nhóm "Les Petites Canailles" hát lại ca khúc nhạc trẻ thập niên 1960 http://kidsvocal.over-blog
Quảng cáo

Hầu hết các nhóm nhạc trẻ ở đây đều vừa mới xuất hiện trong làng nhạc Pháp. Điểm chung giữa các thành viên ban nhạc là họ thường xuất thân từ các cuộc thi hát truyền hình. Đó là trường hợp của nhóm mang tên là Les Petites Canailles gồm 5 thành viên chưa đầy 18 tuổi. Các ca sĩ trẻ tuổi này (Carla, Ermonia, Hindy, Lilian và Madison) đã từng gây nhiều ấn tượng qua các vòng thi giấu mặt của chương trình The Voice Kids.

Cho dù họ đã không giành lấy giải quán quân cuộc thi, nhưng tất cả đã ký được hợp đồng ghi âm với một hãng đĩa lớn (MCA/Universal). Dự án ghi âm đầu tiên của nhóm này là những ca khúc ăn khách nhất thời Salut les Copains (Thân chào các bạn) đánh dấu sự bùng phát của phong trào nhạc trẻ từ đầu những năm 1960 tại Pháp. Album gồm toàn các bản ghi âm lại vừa được phát hành vào trung tuần tháng 8, tập hợp các bản cover nhạc pop của Pháp thịnh hành cách đây nửa thế kỷ.

Hầu hết các tình khúc nhạc xưa này đều có thêm những bản phối mới, lối biểu hiện diễn đạt thường hay phá cách, lối hòa âm mang nhiều tầng lớp điện tử hợp với gu nghe nhạc của giới trẻ thời nay. Hiện giờ, có hai ca khúc trích đoạn từ album này đang được phổ biến trên mạng internet. Đầu tiên hết là bài ‘‘J'attendrai’’ ăn khách vào năm 1966 qua giọng ca của Claude François, được tác giả Vline Buggy phóng tác từ ca khúc Mỹ ‘‘Reach Out I'll Be There’’ của nhóm The Four Tops. Ca khúc thứ nhì là nhạc phẩm ‘‘Les Marionnettes’’ của nam danh ca Christophe. Bản nhạc này cũng đang được chính tác giả Christophe ghi âm lại cho tuyển tập song ca thứ nhì, mà theo dự kiến sẽ được phát hành vào năm tới.

Song song với album khai thác Salut les Copains, dòng nhạc trẻ của Pháp những năm 1960, có tuyển tập của nhóm Les Enfants de la Terre (Những đứa con của địa cầu). Album này được chi nhánh Smart của hãng đĩa Sony phát hành nhằm gây quỹ trợ giúp tổ chức thiện nguyện cùng tên do gia đình của cựu vô địch quần vợt người Pháp Yannick Noah sáng lập. Sau khi giải nghệ làng tennis, Yannick Noah đã chuyển sang nghề ca hát và đã gặt hái khá nhiều thành công tại Pháp qua các album kết hợp nhịp điệu reggae, pop rock với âm nhạc thế giới. Có lẽ cũng vì thế mà 5 thành viên của nhóm Les Enfants de la Terre (Estéban, Leeloo, Nathan, Norah và Sahna) đã ghi âm lại hầu hết các ca khúc ăn khách của Yannick Noah.

Kể từ khi thân mẫu của anh qua đời vào năm 2012, Yannick Noah cùng với cô em gái (Nathalie Noah) đã tiếp tục điều hành tổ chức từ thiện này chuyên giúp đỡ các gia đình nghèo và trẻ em cơ nhở. Trích đoạn đầu tiên của album này là ca khúc "Métis(se)", nhắc tới những đứa bé sinh ra và lớn lên trong hai nền văn hóa, hai dòng máu hoà quyện thành một màu da ngâm ngâm, rám ánh nắng mặt trời. Các bài hát của ban nhạc ‘‘Những đứa con của địa cầu’’ đều ca ngợi những màu sắc cuộc sống hài hòa pha trộn, mà họ hy vọng là ở mọi nơi, một số ca khúc của nhóm này có sự tham gia của chính nghệ sĩ Yannick Noah.

Album thứ ba là tuyển tập nhạc Pháp chọn lọc qua phần thể hiện của nhóm song ca Philippine & Théo. Thành danh nhờ chương trình The Voice, phiên bản tiếng Pháp, cả hai nghệ sĩ này đã hợp sức với nhau để cùng ghi âm một album chủ yếu khai thác dòng nhạc folk của Pháp cũng như các bản nhạc tình những năm 1970. Hai giọng ca nam và nữ chủ yếu chọn lối hát xen kẽ nhiều hơn là hòa quyện hai tiếng hát với nhau thành một giọng duy nhất (như trường hợp của ban song ca Brigitte).

Trên sân khấu, cả hai nghệ sĩ có lối biểu diễn rất mộc, họ ăn ý với nhau như thể họ là hai anh em lớn lên trong cùng một môi trường nghệ thuật. Tiêu biểu nhất là liên khúc kết hợp các tình khúc nổi tiếng những năm 1970, chẳng hạn như bài ‘‘So Far Away from L.A’’ của Nicolass Peyrac và ‘‘Le Premier Pas’’ của Claude Michel Schonberg. Thế mạnh của nhóm song ca này là cả hai đều là nhạc sĩ biết chơi cùng lúc nhiều nhạc khí. Lối hát liên khúc vì thế càng rất đạt, khéo léo tài tình trong những phần chuyển tiếp.

Dù muốn hay không, các cuộc thi hát truyền hình như The Voice, France Got Talent và gần đây hơn nữa là Eurovision Junior đã cho ra đời mỗi năm hàng loạt ca sĩ mầm non và các hãng đĩa lớn thường hay tuyển các giọng ca này để thực hiện các dự án ghi âm solo hay tập thể. Sau trường hợp của nhóm Kids United, ăn khách với hơn 2 triệu đĩa hát bán chạy trong vòng 4 năm, đã có rất nhiều dự án tương tự lần lượt ra đời, trong số này đã có các nhóm New Poppys hay là Max & Mango đều đã gặp thất bại. Về phía ban nhạc New Gypsies, nhóm này được quảng cáo như thế hệ tiếp nối của nhóm Gipsy Kings cũng đã không thành công như mong đợi, cho dù họ cùng khai thác các bí quyết của Kendji Girac. Có khá nhiều ‘‘tài năng mới’’ ra đời cùng lúc, nhưng chưa chắc gì các ca sĩ mầm non này có thể trụ lại được lâu, nhất là khi làn sóng trước dễ bị đè bẹp bởi làn sóng sau.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.