Vào nội dung chính
HÀ LAN - HỘI HỌA

350 năm ngày giỗ của Rembrandt

Hà Lan, quê hương của họa sĩ Rembrandt, tổ chức trọng thể trong năm 2019 chương trình kỷ niệm 350 năm ngày giỗ của thiên tài hội họa. Nhiều cuộc triển lãm được tổ chức tại nhiều thành phố, nhưng quan trọng nhất vẫn là Bảo tàng Rijksmuseum ở Amsterdam, nhân dịp này trưng bày toàn bộ tác phẩm của Rembrandt.

Rijksmuseum, nơi tập hợp bộ sưu tập Rembrandt lớn nhất thế giới
Rijksmuseum, nơi tập hợp bộ sưu tập Rembrandt lớn nhất thế giới AFP / ANP / KOEN VAN WEEL
Quảng cáo

Mang tựa đề "Tout Rembrandt", cuộc triển lãm kéo dài cho tới 10/06/2019 giới thiệu cùng lúc 400 tác phẩm bao gồm các bức tranh sơn dầu, các bức vẽ, phác họa hay là các tấm khắc bản in của Rembrandt. Bảo tàng Metropolitan ở New York, Bảo tàng Louvre ở Paris hay Viện nghệ thuật Gulbenkian ở Lisbon đều có trưng bày tác phẩm của danh họa Hà Lan, nhưng Rijksmuseum vẫn là nơi tập hợp bộ sưu tập Rembrandt lớn nhất trên thế giới. Theo ông Taco Dibbits, giám đốc Rijksmuseum, vì vấn đề bảo tồn, cho nên đa số các tác phẩm này ít khi nào được trưng bày một cách đầy đủ cho công chúng thưởng thức. Đây là dịp để giới thiệu với khách đến xem triển lãm một cách nhìn toàn diện hơn về tài nghệ sáng tác của Rembrandt.

Tác phẩm "De Staalmeesters" vẽ vào năm 1662 tại Rijksmuseum
Tác phẩm "De Staalmeesters" vẽ vào năm 1662 tại Rijksmuseum AFP / ANP/ Remko de Waal

Được xem là một trong những tài năng vĩ đại nhất trong lịch sử hội họa châu Âu, Rembrandt (1606-1669) đã trở thành bậc thầy trong cách dùng ánh sáng. Trong suốt sự nghiệp sáng tác, ông đã vẽ tranh chân dung, tranh phong cảnh và tranh tôn giáo, góp phần quan trọng trong việc đưa trường phái Hà Lan thế kỷ XVII vào ‘‘Thời đại Hoàng kim’’. Trong thời kỳ này, Hà Lan đạt tới ở đỉnh cao không những về mặt hội họa, mà còn trên các lãnh vực văn hóa, khoa học, kinh tế, hàng hải, thương mại cũng như tầm ảnh hưởng chính trị. Tuy trong cuộc sống riêng tư, Rembrandt từng trải qua nhiều bước thăng trầm và sóng gió, nhưng ông không bao giờ từ bỏ giá vẽ và cây cọ.

Theo ông Erik Hinterding, trưởng ban tổ chức triển lãm ‘‘Tout Rembrandt’’, nhiều họa sĩ có tài vẽ tranh nhưng nơi Rembrandt, ngoài năng khiếu hội họa, ông còn có tài ‘‘kể chuyện’’, trong tranh tôn giáo hay tranh minh họa, các nhân vật trong tranh lúc nào cũng ở trong tư thế chuyển động (sắp hay đang làm một chuyện gì đó). Còn trong tranh chân dung, Rembrand nhấn mạnh tới việc biểu hiện cảm xúc qua ánh mắt, vì thế cho nên nhân vật trở nên có hồn, y như thật. Trong thể loại chân dung tự vẽ, Rembrandt đã vẽ trên dưới 80 bức. Ông sử dụng khuôn mặt của mình như một chủ đề nghiên cứu về cảm xúc, để biểu hiện tâm trạng của con người qua mắt nhìn cũng như qua diện mạo. Vì thế, người xem dễ bị cuốn hút khi nhìn vào bức tranh. Những yếu tố ấy cũng khiến cho tác phẩm của Rembrandt trở nên cực kỳ sống động, vẫn không ‘‘lỗi thời’’ dù trải qua nhiều thế kỷ, để rồi tồn tại cho tới tận ngày nay.

Phiên gác đêm "De Nachtwacht", tác phẩm nổi tiếng nhất của Rembrandt
Phiên gác đêm "De Nachtwacht", tác phẩm nổi tiếng nhất của Rembrandt (Rijksmuseum)

Trong số các kiệt tác được trưng bày tại của Rijksmuseum, có bức tranh khổ lớn "The Night Watch" (Phiên gác đêm), vẽ vào năm 1642 về một đoàn dân quân thuộc đội lính ngự lâm ở Amsterdam. Tác phẩm này sẽ được các chuyên gia bảo tàng Rijksmuseum trùng tu kể từ tháng 7 tới. Theo ông Jonathan Bikker, thuộc ban tổ chức triển lãm và cũng là tác giả của quyển tiểu sử mới về Rembrandt, bức tranh ‘‘Phiên gác đêm’’ cho thấy trong cách dùng ánh sáng, Rembrandt lấy cảm hứng từ danh họa người Ý Caravaggio, thêm vào đó ông thể hiện tài tình cách vẽ dày màu, sở trường này càng làm nổi bật thêm các chi tiết trong tranh. Những yếu tố ấy khiến cho tác phẩm trở nên ngoạn mục, phi thường.

Tác giả quyển tiểu sử về Rembrandt cho biết thêm, thời còn trẻ Rembrandt học vẽ với hai họa sĩ Jacob van Swanenburgh (1571-1638) và Pieter Lastman (1583-1633). Thầy của ông chuyên vẽ về chủ đề tôn giáo và nhất là bức vẽ về lửa địa ngục cũng như thế giới chôn vùi giữa lòng đất ngầm sâu. Từ các bậc thầy, Rembrandt nắm bắt được cách thể hiện ánh sáng bập bùng, lấp lánh phản chiếu vạn vật xung quanh, điều đó ảnh hưởng nhiều đến các tác phẩm của ông sau này.

Những tác phẩm của Rembrandt thường giàu chi tiết biểu cảm. Ông thực hiện bước đột phá sáng tạo trong cách làm chủ nét tương phản giữa các mảng ‘‘tối sáng’’. Phong cách Rembrandt trở nên đặc trưng trong cách lồng những cụm ánh sáng vào trong những mảng tối dày đặc. Theo ông, vẽ màu sáng trên toàn bức tranh chỉ làm cho ánh sáng mờ nhạt đi, ngược lại việc sử dụng tiết kiệm màu sáng lại tạo ra các điểm nhấn rực rỡ ‘‘sáng chói’’ trong những vùng tranh tối đen đặc, sâu thẳm. Lối vẽ ấy tạo thêm sức cuốn hút cho các tác phẩm của Rembrandt. Càng nhìn xa, họa tiết càng trở nên rõ nét bắt mắt, gam màu dày đặc mà vẫn nhuyễn sắc mịn màng.

Bức tranh chân dung do Rembrandt tự vẽ
Bức tranh chân dung do Rembrandt tự vẽ Divulgação/Tle National Trust

Qua đời cách đây vừa đúng 350 năm, danh họa Rembrandt đã để lại một di sản đồ sộ, hơn 600 bức tranh sơn dầu, 1.300 bức tranh khắc, 2.000 bức phác họa. Trong số các bức kiệt tác, ngoài ‘‘Phiên gác đêm’’ cò phải kể tới những tác phẩm sơn dầu xuất chúng như “Chân dung của Alexandre Đại đế ”, ‘‘Đức Chúa giữa cơn bão hồ Galilée’’ 1633, ‘‘Samson bị đâm mù mắt’’ 1636, ‘‘Cuộc tranh luận giữa hai tông đồ’’ (Pierre và Paul) 1628, ‘‘Bữa tiệc của Belshassar’’ 1636 ….. Hầu hết các tác phẩm này tìm lại một vầng hào quang mới nhân cuộc triển lãm hoành tráng về người được vương quốc Hà Lan mệnh danh là ‘‘Thiên tài ánh sáng’’.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.