Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

20 năm vở nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris

Đăng ngày:

Trong giới yêu nhạc Pháp, hầu như ai cũng biết Richard Cocciante là người đã soạn nhạc (tác giả Luc Plamondon đặt lời) cho toàn bộ vở kịch Nhà thờ Đức Bà Paris. Thế nhưng ít ai biết rằng một trong những nguyện vọng của tác giả này là đem vở nhạc kịch Notre Dame de Paris đến biểu diễn tại Sài Gòn, nơi ông từng sinh ra.

Hai tác giả Luc Plamondon và Richard Cocciante cùng với đoàn diễn viên Nhà thờ Đức Bà Paris nhân đợt biểu diễn năm 2001
Hai tác giả Luc Plamondon và Richard Cocciante cùng với đoàn diễn viên Nhà thờ Đức Bà Paris nhân đợt biểu diễn năm 2001 Vanina Lucchesi / AFP
Quảng cáo

Tác giả Richard Cocciante từng có tuyên bố như trên khi trả lời phỏng vấn báo Le Parisien (số ra ngày 26/12/2018) nhân đợt biểu diễn kỷ niệm 20 năm vở nhạc kịch Notre Dame de Paris. Trong hai thập niên qua, tác phẩm này đã được trình diễn tại 21 quốc gia trên thế giới kể cả Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và tại nhiều nước châu Âu.

Richard Cocciante sinh tại Sài Gòn năm 1946 trong một gia đình có hai dòng máu, bố người Ý mẹ người Pháp. Ông sống ở Việt Nam cho tới năm 10 tuổi, sau đó ông theo bố mẹ trở về châu Âu. Có lẽ cũng vì thế mà tác giả Richard Cocciante hy vọng một ngày nào đó sẽ nhìn thấy bản gốc vở nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris được biểu diễn tại Việt Nam (cho dù đã từng có kế hoạch tại Việt Nam dựng bản phóng tác của nhạc sĩ Vũ Huy Tiến từ vở nguyên tác tiếng Pháp vào năm 2014).

Năm nay tròn 20 tuổi, Nhà thờ Đức Bà Paris phiên bản mới đã thay đổi toàn bộ thành phần diễn viên. Ca sĩ người Canada Daniel Lavoie là gương mặt duy nhất đã từng tham gia vào nguyên tác (trong vai cha xứ Frollo), từ đợt biểu diễn đầu tiên cho tới phần ghi âm bản chính gốc. Ngoại trừ tên tuổi này ra, hầu hết các nghệ sĩ còn lại đều là gương mặt mới : Hiba Tawaji ca sĩ người Liban vào vai Esmeralda (thay thế cho Hélène Ségara), ca sĩ người Ý Angelo del Vecchio xuất hiện trong vai thằng gù Quasimodo (sau nam danh ca Garou đến từ vùng Québec), còn Martin Giroux thay thế nam danh ca người Pháp Patrick Fiori trong vai diễn Phoebus …..

Khi chọn biểu diễn tại nhà hát Palais des Congrès (ở Paris) cho tới ngày 06/01/2019, một cách tượng trưng, đoàn diễn viên trở về với cội nguồn, nơi mọi chuyện đã bắt đầu hai thập niên trước, bởi vì cách đây đúng 20 năm, tác phẩm Nhà thờ Đức Bà Paris đã ra mắt công chúng trên cùng một sân khấu. Lần này, ngoài sinh nhật 20 tuổi, đoàn diễn viên còn ăn mừng một sự kiện khác đầy ý nghĩa : từ khi ra đời cho tới tận ngày 06 tháng Giêng 2019, vở kịch này đã được biểu diễn đúng năm ngàn lần trên sân khấu.

Được phóng tác từ quyển tiểu thuyết cùng tên của văn hào Victor Hugo, vở nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris thành công trước hết nhờ cốt truyện sống động hấp dẫn cộng thêm với những giai điệu cực kỳ dễ nhớ. Thế nhưng, theo lời kể của tác giả Richard Cocciante, vào thời ấy chẳng có nhà sản xuất nào chịu bỏ tiền ra để tài trợ cho việc dàn dựng tác phẩm này trên sân khấu. Vào giữa những năm 1990, thể loại nhạc kịch bị cho là lỗi thời, ít có khả năng thu hút khán thính giả.

Nhà sản xuất Charles Talar là người duy nhất đã đồng ý đầu tư vào dự án này sau khi được nghe một số ca khúc chủ đạo đánh bằng đàn piano. Điều đó có thể giải thích vì sao hai tác giả Luc Plamondon và Richard Cocciante đã mất hơn 5 năm trời để hoàn thành tác phẩm. Những ca khúc đầu tiên viết cho vở kịch (hai nhạc phẩm Belle và Vivre) từng được sáng tác kể từ năm 1993 nhưng mãi đến năm 1998 mới được ghi âm và phổ biến.

Giai điệu đã làm cho nhà sản xuất Charles Talar phải xiêu lòng chính là nhạc phẩm Belle (có nghĩa là Người Đẹp hay Giai Nhân). Chính ông đã đề nghị phát hành trước bài hát này dưới dạng đĩa đơn để thăm dò phản ứng của người nghe, tầm vóc và quy mô của kế hoạch dàn dựng vở nhạc kịch trên sân khấu còn tùy theo sự đón nhận của công chúng. Kết quả là nhạc phẩm Belle lập kỷ lục số bán với tổng cộng hơn 2,5 triệu bản, bài hát cũng được xếp hạng cao trong vòng 60 tuần lễ liên tục, trong đó có 18 tuần ngự trị ở hạng đầu thị trường Pháp và sau đó đoạt giải thưởng âm nhạc Victoires de la Musique dành cho ca khúc hay nhất trong năm (1999). Một số bài khác cũng giành được vị trí quán quân chẳng hạn như nhạc phẩm Le Temps des Cathédrales (Kỷ nguyên Thánh đường) hay là Vivre (Sống) tính cả hai phiên bản của hai nữ ca sĩ Noa và của Hélène Ségara.

Về phần mình, tác giả Luc Plamondon cho biết ông đã lấy cảm hứng để đặt lời cho ca khúc Belle, sau khi được xem lại bộ phim ‘‘Thằng Gù Nhà thờ Đức Bà’’ Paris của đạo diễn Jean Delannoy với Gina Lollobrigida và Anthony Quinn trong vai chính. Trong đoạn phim Quasimodo bị phạt tội, phải quỳ gối và bị trói bằng dây xích, cho nên Thằng Gù mới thốt lời than van và xin Giai Nhân làm ơn cứu kẻ tật nguyền (Thằng Gù Quasimodo gọi tên Belle trong cách xưng hô chứ không hề dùng tên Esmeralda). Động lòng thương xót kẻ xấu số, người đẹp Esmeralda mới đem bình rót nước uống cho tội phạm khỏi chết khát, bất kể hình dung ghê tởm dị hợm của Thằng Gù.

Bản nhạc Belle trở thành bài hát cực kỳ phổ biến của vở nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris, từng được dịch trong nhiều thứ tiếng khác nhau kể cả tiếng Anh, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Nga, Tiệp, Belarus, Ba Lan, Hàn Quốc ….. Còn trong tiếng Việt bài này có đến hai lời ca khác nhau. Phiên bản tiếng Việt đầu tiên từng được Bằng Kiều, Nguyên Khang, Tiến Dũng cùng thể hiện. Tác giả Hà Quang Minh đặt lời thành nhạc phẩm ‘‘Ta Vẫn Yêu Người’’ với những câu như sau :

Tìm làn mây trôi, trôi về cuối nơi chân trời xa vời. Lòng thầm nghe bao sầu lắng trong tim người cười nói. Ôi nỗi nhớ như êm mãi mưa hoài từng phút hiu quạnh. Ta bỗng mơ về giấc mơ chẳng thể tìm đến. Tình như bóng dáng trăng cao bao ngày nào đâu tới được. Tình như những ánh sao xa cho lòng chất thêm u hoài. Ðể mình ta mãi mãi mang theo khát vọng, mình ta thở dài. Mình ta mãi mãi trông mong giấc mơ xa vời. Nào có ai người sẽ đến bên đời ru giấc rã rời. Chỉ có nỗi buồn cùng những đêm ngà nhìn bóng trăng tàn ……

Phiên bản tiếng Việt thứ nhì của bài Belle (Nàng) cũng từng được Trần Thái Hoà, Thế Sơn, Trịnh Lam ghi âm thành một bài tam ca khác. Trong cách chuyển ngữ, tác giả Thái Thịnh đã đặt lời gần sát hơn với nguyên tác qua những câu mở đầu :

Nàng là một nhan sắc tuyệt thế giữa nhân gian. Nàng là bông hoa mỹ miều hóa công đã ban tặng. Ôi như cánh chim tuyệt vời giữa xuân ngời rực rỡ khung trời. Tôi thấy đang mở rộng dưới chân mình địa ngục tăm tối. Hồn tôi đắm đuối với nét khoe tươi gợn trên áo nàng. Ngàn muôn giáo huấn tín ngưỡng đức tin bỗng dưng phai tàn. Ai, nào ai nói đứng trước dung nhan nàng không rung động. Là đang nói dối giấu diếm con tim khát khao vô vọng. Tôi ước ao một lần bước chân thật gần đến bên nàng. Đan ngón tay vào dòng tóc êm đềm tựa suối thiên đàng ......

Đợt biểu diễn đầu tháng Giêng 2019 đánh dấu 20 năm ngày vở nhạc kịch Notre Dame de Paris ra đời. Không ai có thể ngờ rằng hai thập niên sau, tác phẩm này lại trở thành vở nhạc kịch Pháp nổi tiếng nhất ở nước ngoài với hơn mười ba triệu lượt khán giả trên thế giới. Hai tác giả người Ý Richard Cocciante (soạn nhạc) và người Canada Luc Plamondon (đặt lời) tiếp tục mang tiếng chuông Nhà thờ Đức Bà Paris đi đánh xứ người từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á. Tiếng chuông ngân vang ấy vẫn còn vọng mãi trong lòng người mến mộ cho tới tận ngày nay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.