Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Nhà văn Mỹ Philip Roth và tinh thần nổi loạn

Đăng ngày:

Với hơn 30 tác phẩm, đoạt rất nhiều giải thưởng cao quý nhất của làng văn học Mỹ, hai lần được tạp chí TIME bình chọn là nhà văn lớn nhất của Hoa Kỳ, tiểu thuyết gia Philip Roth vừa tạ thế hôm 22/5/2018. Đây là cái tang chung của văn học thế giới. Ngay với tác phẩm đầu tay, Goodbye, Columbus - Giã từ, Columbus, xuất bản năm 1959, nhà văn Philip Roth đã thành công rực rỡ, được trao tặng giải văn học cao quý nhất của Mỹ, National Book. Dịch giả Trịnh Y Thư nhìn lại di sản đồ sộ nhà văn người Mỹ Philip Roth để lại.

Philip Roth à New York le 15 septembre 2010.
Philip Roth à New York le 15 septembre 2010. REUTERS/Eric Thayer/File Photo
Quảng cáo

Nói đến giải thưởng của Roth, người ta không khỏi chóng mặt khi đếm lại những giải thưởng ông được trao tặng trong suốt quá trình sáng tạo. Không kể những giải nhỏ, những giải thưởng sau đây đã lọt vào tay ông : năm lần PEN, một lần Ambassador Book, một lần Pulitzer, hai lần NationalBook, hai giải National Book Critic Circle. Nhưng giải Nobel Văn Chương thì không.

Năm 1998, Nhà Trắng vinh danh ông với Huân Chương Nghệ Thuật Quốc gia. Năm 2001, ông được Hàn Lâm Viện Văn học & Nghệ Thuật trao tặng huy chương vàng bộ môn tiểu thuyết. Năm sau Sáng Hội Văn chương Quốc gia trân trọng vinh danh ông như là người có những đóng góp cao quý nhất vào văn học Mỹ. Năm 2005, dự án Philip Roth Toàn Tập khởi in và hoàn tất năm 2012. Mời quý thính giả theo dõi buổi nói chuyện mà dịch giả Trịnh Y Thư đã dành cho RFI Việt ngữ, để cùng nhìn lại sự nghiệp đồ sộ của một trong những nhà văn có sức sáng tác mãnh liệt nhất của thế kỷ 20 và của cả những thập niên đầu thế kỷ 21.

05:21

Dịch giả Trịnh Y Thư-Philip Roth

RFI : Philip Roth là ai ?

Trịnh Y Thư : Có thể xem Philip Roth là đại thụ của văn học Mỹ đương đại. Cùng với Saul Bellow và John Updike, ông làm thành bộ-ba cột trụ nâng đỡ nền văn học Mỹ suốt nửa sau thế kỉ XX và sang cả thế kỉ XXI. Ông mất đi để lại một gia sản văn học đồ sộ trên 30 tác phẩm mà hầu như cuốn nào cũng có giá trị văn học rất cao. Ở tuổi xế chiều, sức sáng tác của ông vẫn còn bền bỉ và giá trị tác phẩm vẫn không hề suy giảm, đến độ ngay cả những kẻ nghi hoặc nhất cũng phải kinh ngạc. Hai lần tạp chí TIME bình chọn ông là nhà văn lớn nhất của Hoa Kỳ.

RFI : Tầm cỡ của Philip Roth trên văn đàn quốc tế ?

Trịnh Y Thư : Về mặt văn phong thì Roth luôn luôn dành tình cảm đậm đà cho các nhân vật của mình. Đây là đặc tính của ngòi bút ông. Cảm xúc tuôn chảy không ngừng, người đọc có cảm tưởng như chính ông chịu cái đau của nhân vật. Để hoàn tất một tác phẩm, nhà văn thường phải đắm chìm trong bối cảnh và tâm lí nhân vật, đặt mình vào tình huống của nhân vật cho dù đấy chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Roth đi xa hơn thế, ông viết về các nhân vật hư cấu như viết tự truyện. Có lẽ vì thế mà có nhiều nhà phê bình chê ông viết về “cái tôi” nhiều quá. Riêng tôi thì tôi nghĩ chẳng qua ông yêu các nhân vật của ông quá thôi. Những gì ông viết đều xoay quanh suy nghiệm về ý nghĩa đời sống của một người Mỹ, một người Do Thái, một nhà văn, một con người. Những điều ấy có thể mang tính cách cá biệt, riêng tư, nhưng trong quá trình sáng tạo, nó được khái quát hóa và trở nên phổ quát.

RFI : Roth người viết về thân phận của những người Do Thái, nhưng tiểu thuyết của ông đến gần với độc giả bất luận màu da, chủng tộc hay tôn giáo

Trịnh Y Thư : Điểm nổi bật trong văn chương của Roth là hình thái truy tìm bản ngã con người, mà trung thực nhất có lẽ là những vấn đề liên quan đến tính dục. Trong mắt nhìn của ông, tính dục chi phối rất mạnh đời sống con người, và nó cũng là nguyên ủy của tính nổi loạn và sự bất ổn. Hai cuốn mang chủ đề này rõ nét nhất là cuốn Portnoy’s Complaint và Sabbath’s Theater. Ông loay hoay với nó gần như suốt văn nghiệp của mình. Nếu tôi nhớ không lầm thì có lần ông phát biểu như sau: “Updike và Bellow cầm chiếc đèn pin rọi ra thế giới bên ngoài, để thế giới ấy hiện ra như nó là, còn tôi, tôi đào cái hố rồi rọi đèn vào miệng hố.”

RFI : American Pastoral tình nghĩa Cha Con

Trịnh Y Thư : Tôi đọc Goodbye, Columbus và Portnoy’s Complaint từ khi còn là sinh viên. Đó là thời gian xã hội Hoa Kỳ chưa tan cơn sốc chiến tranh Việt Nam và men say của cuộc cách mạng tình dục còn đậm đặc chứ chưa tan loãng. Cảm giác của tôi lúc đó là rất thích, sách gây ấn tượng mạnh, nhưng hãi sợ, như lần đầu được uống rượu. Sau này tìm đọc thêm vài cuốn nữa của ông, nhưng thú thật với chị là cho đến bây giờ tôi mới chỉ đọc không quá 5 cuốn của ông. Tôi thích cuốn American Pastoral nhất và có dịch sang Việt ngữ, nhưng sách vẫn nằm ở dạng bản thảo, chưa xuất bản. Một kỷ niệm là có lần đâu quãng cuối thập niên 90, Roth có buổi nói chuyện ở đại học UC Irvine ngay sát chỗ tôi ở và tôi có đi nghe ông. Ông có lối nói chuyện của một trí thức tả khuynh: tin tưởng mãnh liệt vào cái gì mình cho là đúng. Nhưng phải công nhận ông nói chuyện rất hay, mặc dù bây giờ tôi chẳng còn nhớ ông nói cái gì.

Lời giới thiệu của Trịnh Y Thư :

Trích đoạn Cha Con (tựa do người dịch đặt) nằm trong phần hai của cuốn tiểu thuyết American Pastoral (Miền thôn dã Mĩ quốc) xuất bản lần thứ nhất năm 1997 và được trao tặng giải Pulitzer. Bối cảnh lịch sử là thập kỉ 60 với những xáo trộn và phân hoá chưa từng thấy trong xã hội Mĩ do tác động trực tiếp của cuộc chiến tại Việt Nam và những biến đổi sâu sắc trong đời sống dân Mĩ – như cuộc cách mạng tình dục – đem lại. Swede Levov, nhân vật chính trong truyện, thời niên thiếu là một lực sĩ nhiều triển vọng, đẹp trai, được nhiều người mến mộ. Anh thuộc thế hệ Do Thái thứ ba sinh sống ở Newark, bang New Jersey. Cha anh có nghề làm găng tay da và khi trưởng thành Swede thừa hưởng gia tài cha mẹ để lại, trở thành chủ nhân một doanh nghiệp lớn và trở nên giàu có. Swede lấy vợ, hoa khôi New Jersey, và sinh được mụn con. Đó là Merry, cô gái xinh đẹp và hết sức thông minh. Anh mua đất nơi vùng thôn dã Old Rimrock cách xa thành phố, xây nhà cho vợ con ở. Cuộc sống gia đình anh tưởng như nơi thiên đường.

Nhưng thiên đường sụp vỡ khi Merry năm mười sáu tuổi đặt bom phá tan cửa hàng tạp hoá gần trường học và làm thiệt mạng một người đàn ông. Merry không phải là cô gái hư hỏng, ngược lại ngay từ khi còn bé thơ cô đã học hành giỏi giang, cha mẹ cô yêu thương cô hết mực và dốc lòng chăm sóc cô đến nơi đến chốn. Tuy vậy, Merry không trở thành cô gái tiểu thư con nhà khuê các. Mầm mống của tai hoạ bắt đầu từ khi cô có chút trí khôn, đầu óc của cô gái nhỏ không hiểu do đâu bỗng chứa đựng toàn những tư tưởng phẫn nộ, phản loạn. Mỗi ngày phải nhìn những hình ảnh chết chóc phi lí của cuộc chiến tranh bên Đông Dương, cô thù ghét khôn tả cuộc chiến đó và cô đổ tội lên các lãnh tụ quốc gia nơi cô sinh trưởng. Cô phản loạn đến độ cô nghe theo các nhóm phản chiến đi vào con đường bạo động nhằm đánh thức lương tâm nước Mĩ. Cô không biết hay cố tình không cần biết hành vi đó của cô đã gây đau khổ dường nào cho hai người sinh thành ra cô.

Swede đau khổ vô cùng. Con gái anh, sau vụ đánh bom, trốn biệt và bị công an liên bang lên án, truy tầm. Anh sống trong lo âu, sợ hãi, nhưng một hôm, năm năm sau khi Merry bỏ trốn, qua móc nối của người đàn bà trong phong trào phản chiến, anh tìm gặp lại Merry…

*****

Chiếm trọn góc toà nhà cao tầng tường gạch lở lói là cái bệnh viện chó mèo, bên cạnh khu đất trống nơi bánh xe phế thải vứt bừa bãi, cỏ dại cao tận đầu người mọc vô trật tự, hàng rào sắt lưới mắt cáo gãy đổ xiêu vẹo bên lối bộ hành nơi anh đứng đợi con gái mình . . . cô sống ở Newark. . . bao lâu rồi. . . nơi đâu, khu xóm nào trong thành phố này ? Không, đầu óc anh không thiếu khả năng tưởng tượng tưởng tượng những điều kinh khiếp giờ đây với anh trở nên quá dễ dàng, mặc dù anh vẫn không hình dung nổi làm thế nào từ Old Rimrock cô có thể xiêu lạc về tận nơi đây. Mất rồi những ảo tưởng cho anh bám víu hòng kềm hãm mọi kinh ngạc đang lăm le ào tới.

Nơi cô làm việc cho thấy cô chẳng còn tin tưởng gì vào lời kêu gọi đi thay đổi lịch sử nước Mĩ nữa. Lối thoát hoả hoạn, cái thang sắt rỉ sét của toà nhà, nếu có ai đặt chân lên, chắc nó sẽ gãy lìa khỏi neo móc và rơi ập xuống thôi cái thang, nhiệm vụ của nó không phải để cứu người trong trường hợp hoả hoạn, nó treo toòng teng nơi đó thật vô dụng như minh chứng cho nỗi cô độc mịt mùng bấu chặt vào cuộc sống.

Với anh, nó không hề hàm chứa ý nghĩa nào khác toà nhà đó không tượng trưng cho bất kì ý nghĩa nào. Vâng, chúng ta đang sống cô độc, sâu thăm thẳm nỗi cô độc, và luôn luôn chờ đón trước mặt chúng ta tầng cô độc sâu hơn. Chúng ta chẳng thể nào chối bỏ được điều đó. Không, cô độc không làm chúng ta lạ lùng kinh ngạc, kinh ngạc như khi chúng ta nếm mùi nó. Bạn có thể dốc lòng dạ mình ra, nhưng làm thế thì được gì, thay vì hướng nội và cô độc thì bạn hướng ngoại và cô độc. Hỡi Merry yêu dấu ngu xuẩn, ngu xuẩn của tôi, ngu xuẩn hơn cả người cha ngu xuẩn của con, phá sập nhà cửa dinh thự đem lại ích lợi gì đâu. Cô độc nếu có những toà nhà và cô độc nếu không có những toà nhà.

Chẳng ai phản đối được sự cô độc tất cả những cuộc tấn công bằng bom đạn trong lịch sử có bao giờ gây vết trầy nhỏ nào lên nó đâu. Chất nổ tàn hại độc phá nhất của con người cũng chẳng đụng tới nó. Hỡi đứa con dại khờ của tôi, đứng sừng sững đầy khiếp hãi trước mặt không phải là Chủ nghĩa Cộng sản mà là nỗi cô độc thường tình, bình nhật. Lễ Lao động con hãy đi diễn hành với bạn bè để vinh danh nó, siêu lực của những siêu lực, sức mạnh phủ trùm lên mọi vật. Hãy đặt hết niềm tin, hãy thờ phượng hãy quỳ xuống phủ phục không phải trước mặt Karl Marx, hỡi đứa con nói lắp, phẫn nộ, ngu muội của tôi, không phải Hồ Chí Minh, không phải Mao Trạch Đông- hãy quỳ xuống và phủ phục trước mặt Chúa Cô Độc vĩ đại!

Con cô đơn quá, cô thường bảo anh vậy lúc cô còn là cô gái bé thơ, và anh không hiểu cô học chữ đó từ đâu. Cô đơn. Từ ngữ thốt ra từ miệng đứa trẻ lên hai nghe sao thê thiết.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.