Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Vincent Niclo thử sức với dòng nhạc Tango

Đăng ngày:

Trong số những giọng ca nam mới thành danh trong những năm gần đây, Vincent Niclo có lẽ là người biết chịu đựng nhất, làm việc chăm chỉ cần mẫn. Chỉ trong vòng 6 năm, anh cho ra mắt 5 tập nhạc, mỗi album với một sắc màu âm nhạc khác nhau. Mùa thu năm 2018, Vincent Niclo thử sức với dòng nhạc Tango, với album cùng tên.

Ca sĩ Vincent Niclo và tác giả Michel Legrand, nhân đợt biểu diễn vở nhạc kịch "Parapluies de Cherbourg" tại nhà hát Châtelet, 2014
Ca sĩ Vincent Niclo và tác giả Michel Legrand, nhân đợt biểu diễn vở nhạc kịch "Parapluies de Cherbourg" tại nhà hát Châtelet, 2014 AFP /Eric Feferberg
Quảng cáo

Đây là album phòng thu thứ sáu của giọng ca tenor người Pháp. Đúng với tên gọi của nó, tập nhạc này chủ yếu bao gồm các bản tango kinh điển, từng ăn khách qua nhiều giọng ca nổi tiếng (trong đó có ông hoàng tango Carlos Gardel và bộ Tứ Quý của dòng nhạc tango argentino là Roberto Goyeneche, Edmundo Rivero, Hugo del Carril, Julio Sosa).

Bên cạnh đó còn có hai sáng tác mới mà nhóm sản xuất Skydancers đã sáng tác riêng cho Vincent Niclo, toàn bộ album đều dùng lối hoà âm phối khí khác lạ. Chẳng hạn như bài Besame Mucho theo lời giải thích của Vincent, đã từng được anh ghi âm lần đầu tiên cách đây 4 năm (trên album tưởng niệm nam danh ca Luis Mariano). Lần này trên tập nhạc Tango, bài hát này đã được phối lại như một vũ điệu tình tứ, diễn trong quán nhạc phòng trà.

Ngay từ những album đầu tiên, Vincent Niclo đã từng hát nhạc La Tinh với những bản phối theo phong cách pop cổ điển. Tuy nhiên, ý tưởng dành trọn một tập nhạc cho thể loại này, và nhất là dành riêng cho dòng nhạc tango thật ra chỉ mới nảy sinh trong thời gian gần đây. Vào mùa xuân năm 2018, khi đến thủ đô Buenos Aires để thực hiện phần ghi âm cho album này, Vincent Niclo từng giải thích là dự án ghi âm một album tango đã manh nha từ cuối năm 2015.

Vào thời ấy, Vincent Niclo tham gia vào show truyền hình Khiêu vũ cùng Thần tượng (phiên bản tiếng Pháp của Dance with the Stars) và anh đã gây ấn tượng mạnh với công chúng lẫn ban giám khảo nhờ màn biểu diễn vũ điệu tango (trên nhạc nền của bài hát Here comes the rain again). Cho dù giải nhất năm ấy (mùa thứ 6) về tay một ca sĩ khác, nhưng điệu tango mà anh đã biểu diễn đã tạo ra một nguồn cảm hứng mới cho nam ca sĩ người Pháp. Trong số các bản tango mà Vincent Niclo đã chọn cho album mới, có nhạc phẩm Libertango nguyên tác của nhạc sư phong cầm Astor Piazzola.

Bản nhạc Libertango ban đầu là một giai điệu không lời, tính đến nay đã có đến cả ngàn bản hoà âm khác nhau, phiên bản tiếng Anh từng ăn khách qua giọng ca của Grace Jones (I have seen that face before), phiên bản tiếng Tây Ban Nha nổi tiếng qua lối diễn đạt của Horacio Ferrer, trong tiếng Pháp bài này cũng từng được phóng tác ít nhất là hai lần (phiên bản của ca sĩ kiêm diễn viên Guy Marchand "Moi je suis tango" 1975, và phiên bản của Julie Zenatti "(Tango) Princesse" 2007.

Vincent Niclo khi hát lại bài Libertango không còn dùng tango thuần chất mà là một điệu tango tự do trong lối hoà âm, phóng khoáng trong cách diễn đạt, hiệu quả tràn đầy kịch tính, nhịp điệu lôi cuốn dồn dập, còn giai điệu kết hợp bộ đàn dây với nhạc khí điện tử, một cách phối khí thử nối bước dù chưa bằng con đường trước kia của ban nhạc Pháp Gotan Project.

Năm nay 43 tuổi, Vincent Niclo tuy vào nghề khá sớm nhưng lại thành danh khá trễ, từ năm anh 35 tuổi trở đi. Thời thanh niên anh theo học các lớp thanh nhạc và đào tạo diễn xuất. Tuy có năng khiếu, nhưng anh lại không có duyên với sân khấu, hầu hết các vở nhạc kịch mà anh từng tham gia đều gặp thất bại.

Mãi đến năm 30 tuổi, theo lời khuyên của một người thầy (Vincent Niclo học thanh nhạc với giọng ca tenor Thierry Dran, từng làm giảng viên ở trường Opéra de Paris), anh mới chọn đi đúng hướng, khi chuyển sang hát nhạc nhẹ và pop cổ điển với chất giọng tenor. Nhờ vậy mà sự nghiệp của anh cất cánh từ năm 2013 trở đi.

Vincent Niclo thành công trước hết là nhờ nỗ lực làm việc không ngơi nghỉ. Ngoài đức tính cần mẫn chăm chỉ ấy, anh còn thành công nhờ gầy dựng cho mình một lượng fan trung thành đông đảo, giải thích vì sao hầu hết các buổi biểu diễn của anh đều chật kín chỗ ngồi. 90% khách hâm mộ Vincent Niclo đều là phụ nữ (trong đó đa số đều ở lứa tuổi trung niên), nhưng sau khi anh tham gia show truyền hình Khiêu vũ cùng Thần tượng, giọng ca tenor này giờ đây lại thu hút thêm nhiều fan trẻ tuổi, chủ yếu là thanh nữ.

Có lẽ cũng vì Vincent Niclo đeo đuổi nghề sân khấu từ rất lâu nhưng lại thành danh khá trễ, cho nên giờ đây, anh làm việc liên tục, số lượng dự án ghi âm và biểu diễn cao hơn nhiều so với các nghệ sĩ cùng thời. Chỉ trong vòng 5 năm, anh tham gia nhiều đợt biểu diễn lớn, cùng với nhóm crooner ‘‘Forever Gentlemen’’ hay là theo lời mời tác giả Michel Legrand trong vở nhạc kịch ‘‘Les Parapluies de Cherbourg’’. Mùa hè năm 2016, anh được đài phát thanh BBC2 mời làm người dẫn dắt một chương trình nhiều kỳ nhằm giới thiệu dòng nhạc Pháp trữ tình lãng mạn cũng như các bản tình ca bất tử.

Về mặt ghi âm, tính đến nay, Vincent Niclo đã cho ra mắt 5 album, album thứ nhất dành cho nhạc pop cổ điển (Opéra Rouge), album thứ hai để tưởng niệm Luis Mariano, album thứ ba chủ yếu là nhạc nhẹ (Ce que je suis), album thứ tư là các bản cover nhạc Pháp kinh điển nhưng hát bằng tiếng Anh (Romantique) và album thứ năm gồm toàn các sáng tác mới của Pascal Obispo (5.0). Album thứ sáu dành cho dòng nhạc tango hứa hẹn thành công lớn vì từ cả tháng trước khi được phát hành, album này chưa gì đã trở thành đĩa vàng, dựa theo số lượng đĩa nhạc mà giới hâm mộ trung thành đặt mua trước qua các mạng trực tuyến.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.