Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Tưởng niệm Nữ hoàng nhạc soul Aretha Franklin

Đăng ngày:

Lúc sinh tiền, Aretha Franklin từng được mệnh danh là "Nữ hoàng nhạc Soul". Bà cũng từng được tạp chí Rolling Stone xếp vào đầu bảng trong số 100 giọng ca hay nhất mọi thời đại. Giọng ca lẫy lừng ấy nay không còn nữa. Aretha Franklin đã qua đời tại thành phố Detroit bang Michigan ngày 16/08/2018, hưởng thọ 76 tuổi.

Aretha Franklin đến điện Capitole biểu diễn nhân lễ tuyên thệ nhậm chức của tổng thống Obama, 01/2009
Aretha Franklin đến điện Capitole biểu diễn nhân lễ tuyên thệ nhậm chức của tổng thống Obama, 01/2009 PAUL J. RICHARDS / AFP
Quảng cáo

Aretha Franklin lâm bệnh ung thư tuyến tụy từ năm 2010. Trong khoảng hai năm qua, sức khỏe của bà đã giảm sút rất nhiều, cho tới thời gian gần đây, tình hình đã trở nên vô vọng, theo nguồn tin từ phía gia đình của Aretha Franklin. Tình hình sức khỏe đã buộc Aretha Franklin hũy nhiều buổi trình diễn. Lần cuối bà xuất hiện trên sân khấu là nhân buổi trình diễn gây quỹ từ thiện do Elton John tổ chức đầu tháng 11/2017 tại New York.

Sinh trưởng trong một gia đình sùng đạo, Aretha Franklin (1942-2018) từ thời còn nhỏ không được sống gần mẹ, sau khi bố mẹ bà ly thân, cho nên Aretha chủ yếu học hát các bản phúc âm với người dì ruột (Clara Ward, ca sĩ dòng nhạc gospel). Bà đi hát từ năm 10 tuổi trong nhà thờ của ông bố Clarence L. Franklin, nguyên là một nhà giảng đạo Tin Lành và cũng nổi tiếng là một nhà đấu tranh dân quyền.

Đến tuổi trưởng thành, giọng ca của Aretha Franklin lọt vào tai của nhà sản xuất John Hammond, nhờ vậy mà bà ký hợp đồng ghi âm cho hãng đĩa Columbia Records, tuy ăn khách nhưng lại không thành công rực rỡ như mong đợi. Mãi tới 6 năm sau (1966), khi Aretha chuyển sang ghi âm cho hãng đĩa Atlantic Records, lúc ấy bà mới lập kỷ lục số bán đồng thời chinh phục giới phê bình nhờ giọng hát ‘‘sấm truyền vang dội’’.

Trong số các nhạc phẩm làm nên tên tuổi của bà có các nhạc phẩm kinh điển như Respect (1967), Think (1968), I say a little prayer for you (1969), Spanish Harlem (1971), Bridge Over Troubled Water (1972). Còn trong các album ghi âm vào thời này, tập nhạc Amazing Grace trở thành album nhạc Phúc âm bán chạy nhất thế giới.

Đầu những năm 1980, Aretha rời hãng đĩa Atlantic và ký hợp đồng ghi âm với công ty Arista Records. Bà chuyển sang các thể loại khác như pop rock (1980-1989) và funky dance (1991-2007), trong giai đoạn này bà cũng gặt hái được khá nhiều thành công đặc biệt là qua các bản song ca với George Michael, Annie Lennox của nhóm Eurythmics, với Elton John hay với Whitney Houston, cho dù vầng hào quang danh vọng không còn sáng chói rực rỡ bằng thời kỳ bà chuyên hát gospel và nhạc soul thuần chất.

Vầng hào quang của Aretha Franklin có dấu hiệu lu mờ từ những năm 1998 trở đi, vào thời trỗi dậy của những diva mới, tiêu biểu nhất là giọng ca của Mary J. Blige bắt được nhịp cầu giữa dòng nhạc soul với các dòng nhạc tân thời của giới trẻ thành thị : urban, hip hop, r&b, techno... Trong những năm gần đây, Aretha tiếp tục vào phòng thu nhưng chủ yếu là để ghi âm lại (cover) các bản nhạc nổi tiếng của các diva khác (Adele, Etta James, Galdys Knight, Dinah Washington, Alicia Keys) chẳng hạn như tập nhạc Aretha Sings The Great Diva Classics phát hành vào năm 2014, hay là tập nhạc A Brand New Me phát hành cuối năm 2017 chủ yếu là các bản nhạc kinh điển của Aretha Franklin phối lại với một dàn nhạc giao hưởng.

Trong hơn 50 năm ca hát, Aretha Franklin đã ghi âm khoảng 80 album, (kể cả album phòng thu và tập nhạc live) và cho ra mắt hơn 130 đĩa đơn, trong đó có 21 bài hát từng giành lấy ngôi vị quán quân thị trường (nhạc r&b). Thành công nhất là từ giữa những năm 1960 cho đến cuối thập niên 1980. Tính tổng cộng, bà đã bán hơn 75 triệu đĩa hát và đoạt đến 21 giải Grammy, trong đó có ba giải đặc biệt nhằm vinh danh thành tựu sự nghiệp.

Lúc sinh tiền, Aretha Franklin đã là một huyền thoại trong làng nhạc Mỹ, nhạc phẩm Respect tuy là nguyên tác của Otis Redding nhưng lại trở thành ca khúc gắn liền với tên tuổi của Aretha Franklin, qua tiếng hát lời ca trở thành biểu tượng của phong trào bình quyền nam nữ. Bài hát này được xếp hạng 5 trong số 100 ca khúc xuất sắc nhất từ trước tới nay.

Cũng theo bình chọn của tạp chí Rolling Stone (vào năm 2008) Aretha Franklin đứng đầu trên danh sách 100 ca sĩ hay nhất mọi thời đại (đứng trước Ray Charles và Elvis Presley). Trong những năm 1960-1970, Aretha đã cùng với thân phụ tham gia phong trào đòi quyền công dân cho người Mỹ da đen, nhiều ca khúc do bà ghi âm trong giai đoạn thể hiện cho sự đấu tranh này.

Aretha Franklin có tầm ảnh hưởng lớn đối với thế hệ đi sau. Rất nhiều giọng ca diva như Mariah Carey, Whitney Houston, Céline Dion, Annie Lennox, Lara Fabian đều học hỏi từ cách hát của bà. Giới phê bình chuyên nghiệp thường nói rằng : ngoài tài năng bẫm sinh, trời đã ban tất cả cho giọng ca Aretha Franklin, một tiếng hát (tương đương với chất giọng mezzo soprano) tràn đầy nội lực, cực kỳ linh hoạt cho nên rất tròn vành rõ chữ dù phải hát liền hơi, liền nốt, nhờ kỹ thuật luyện thanh mà quảng âm vực rộng lại có thêm chiều sâu.

Những năm tháng hát với các dàn đồng ca giúp cho Aretha Franklin rèn luyện thẩm âm, cái khả năng hát đúng giai điệu dù chỉ mới nghe qua có một lần. Hát lại mà vẫn không lệch âm trật nhịp, hát mà không hề sai một nốt nhạc, bất kể độ cao hay độ dài, Aretha Franklin hát tự nhiên chứ không kiểu cách : sóng ngầm biểu cảm khi ở độ cực trầm, rung động lan truyền trong những khoảnh khắc tiếng hát bay bổng.

Nhưng có một điều rất đặc biệt nơi Aretha Franklin mà không phải ai cũng có đó là ‘‘niềm tin tuyệt đối’’ nơi những gì mình hát. Dòng nhạc Phúc âm dạy cho bà cái khả năng truyền đạt chân thành, không ngụy tạo không giả dối, ca với nhiều ngẫu hứng, hát với trọn tâm hồn. Ngoài giọng ca trời ban, Aretha còn có lối diễn xuất hiếm thấy, những cảm xúc nảy sinh như thế nào, bà truyền đạt lại y hệt như vậy, bà lột tả trọn vẹn cảm xúc của từng câu từng chữ, cho dù đó là một bản phúc âm hay là một bài ca thế tục. Có lẽ cũng vì vậy mà bà được mệnh danh là Nữ hoàng nhạc soul, dòng nhạc xuất phát từ tận cùng đáy tim, giai điệu thăm thẳm vực sâu tâm hồn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.