Vào nội dung chính
NGHỆ THUẬT - HỘI HOẠ - MỸ

30 năm ngày giỗ danh họa Basquiat

Lúc sinh tiền, Basquiat là họa sĩ da đen đầu tiên chiếm trang bìa New York Times Magazine. Đến khi qua đời ở tuổi 27, Basquiat lại trở thành một trong những họa sĩ đương đại có tác phẩm với giá bán kỷ lục. Năm 2018 đánh dấu 30 năm ngày giỗ của người từng được mệnh danh là ‘‘Thiên tài đường phố’’.

Bức tranh "Untitled"  - Vô đề của Basquiat được Sotheby's bán với giá kỷ lục 110,5 triệu đô la
Bức tranh "Untitled" - Vô đề của Basquiat được Sotheby's bán với giá kỷ lục 110,5 triệu đô la Don Emmert / AFP
Quảng cáo

Sinh trưởng tại Brooklyn, Jean-Michel Basquiat (1960-1988) xuất thân từ một gia đình nhập cư, mẹ là người gốc Puerto Rico, còn bố là người Haiti. Năng khiếu nghệ thuật nơi cậu bé là thiên phú bẫm sinh. Năm lên 4 tuổi, cậu bé đã biết đọc biết viết, năm lên 8, Basquiat nói thạo 3 thứ tiếng, trình độ đủ cao để có thể đọc sách sử, thi ca bằng ngoại ngữ.

Vào năm 7 tuổi, trong lúc chơi bóng ngoài đường phố, Basquiat lại bị tai nạn xe cộ. Trong suốt thời gian nằm viện điều trị, cậu bé được bà mẹ tặng cho quyển sách ‘‘Anatomy, Descriptive & Surgical’’ của bác sĩ người Anh Henry Gray (1827 - 1861), do vậy còn thường được gọi là quyển sách ‘‘Gray’s Anatomy’’ chuyên về giải phẫu học. Quyển sách chuyên môn này được minh họa bằng nhiều bức tranh khắc của Henry Vandyke Carter (1831 - 1897). Có thể nói là tác phẩm này đã ảnh hưởng sâu đậm đến thuật vẽ của cậu bé Basquiat, giải thích vì sao sọ người, quả tim cũng như các bộ phận cơ thể khác trở thành mô típ nổi bật trong tác phẩm của Basquiat sau đó.

Triển lãm các tác phẩm Basquiat năm 2010 tại Palais de Tokyo, Bảo tàng nghệ thuật đương đại Paris
Triển lãm các tác phẩm Basquiat năm 2010 tại Palais de Tokyo, Bảo tàng nghệ thuật đương đại Paris REUTERS/Benoit Tessier

Trước khi khởi nghiệp họa sĩ, Basquiat kiếm sống nhờ nghề bán bưu thiếp rong ngoài đường phố. Anh cũng tham gia vào một nhóm nghệ sĩ trẻ (Al Diaz và Shannon Dawson), họ vẽ bích họa và graffiti trên tường với bút hiệu SAMO. Jean-Michel Basquiat thật sự nổi danh từ cuối năm 1980 đầu năm 1981, sau khi tham gia cuộc triển lãm New York / New Wave.

Anh trở thành một trong những gương mặt nổi bật của làn sóng mới thời bấy giờ, bên cạnh Keith Haring và nhà nhiếp ảnh Robert Mapplethorpe. Chính tại cuộc triển lãm này Basquiat làm quen với Andy Warhol, ông hoàng nghệ thuật ‘‘pop art’’. Sau cuộc triển lãm này, nhà phê bình René Ricard trong một bài viết thật dài đã dùng hình tượng ‘‘The Radiant Child’’ để khen ngợi Basquiat, tuy còn rất non tuổi đời nhưng tài nghệ đã cực kỳ rực rỡ sáng chói.

Trong vòng 5 năm, từ năm 1981 cho tới 1986, Basquiat lao vào sáng tác, liên tục đều đặn, cho dù chất lượng của các tác phẩm đôi khi không được đồng đều. Giai đoạn 1983-1985 cũng là thời kỳ hai họa sĩ Basquiat và Warhol làm việc chung. Quan hệ hợp tác này đã cho ra đời nhiều tác phẩm, tuy nhiên không có bức tranh nào của giai đoạn này được xếp vào hàng xuất sắc, vượt trội.

Tác phẩm "Busted Atlas 2" của Jean-Michel Basquiat nhân Hội chợ FIAC Paris 2009
Tác phẩm "Busted Atlas 2" của Jean-Michel Basquiat nhân Hội chợ FIAC Paris 2009 Reuters / Jacky Naegelen

Sự nghiệp của Basquiat cất cánh rất nhanh, nhưng rồi cũng xuống dốc không phanh. Chỉ vài năm sau khi nổi tiếng (1984), Basquiat trở thành ‘‘kẻ khó ưa’’ do chứng nghiện ma túy, khiến cho giới trong nghề xa lánh, họ không muốn đến gần vì không thích bị tai tiếng hay sợ bị vạ lây. Sau khi Andy Warhol qua đời vào đầu năm 1987 ở tuổi 58, Basquiat lại càng lún sâu vào ma túy, phong cách bề ngoài càng thêm nhếch nhác, tinh thần lại càng suy nhược do chứng nghiện ngập.

Trong vòng hơn một năm, Basquiat tự nhốt mình ở trong nhà, cắt đứt mọi quan hệ với bên ngoài. Tựa như sao băng vụt bay rồi chợt tắt, Basquiat không còn tin tưởng nơi tài nghệ sáng tạo. Ma túy lại càng làm cho họa sĩ này có cảm giác anh đã hết thời, nguồn cảm hứng giờ đã cạn kiệt.

Đến mùa xuân năm 1988, hai cuộc triển lãm với các tác phẩm Basquiat được tổ chức song song tại Paris và New York. Thành công của các buổi triển lãm này đem lại cho họa sĩ trẻ tuổi một niềm vui mới, khuyến khích anh rời bỏ những cám dỗ của chốn phồn hoa. Basquiat sang Hawai xa lánh thành phố New York trong vòng một tháng. Đến khi trở về, người ta tin rằng anh đã cai nghiện, nhưng Basquiat lại đột ngột qua đời hôm 12/08 vì đã dùng ma túy quá liều.

Qua đấu giá, tranh Basquiat giờ đây đạt tới mức hàng chục triệu đô la
Qua đấu giá, tranh Basquiat giờ đây đạt tới mức hàng chục triệu đô la REUTERS / Darren Ornitz

Jean-Michel Basquiat ra đi rất sớm, để lại khoảng 800 bức tranh và 1.500 bức phác họa. Lúc sinh tiền, họa sĩ này đã có nhiều tác phẩm ăn khách, nhưng nếu còn sống, bản thân Basquiat có lẽ cũng không thể ngờ rằng tranh của mình lại phá kỷ lục số bán. Đầu năm 2018, nhân 30 năm ngày giỗ của Basquiat, Viện bảo tàng Brooklyn đã trưng bày tác phẩm "Untitled" (Vô đề) vẽ vào năm 1982, bán với giá 19.000 đô la Mỹ vào năm 1984. 30 năm sau, nhân cuộc bán đấu giá tại Sotheby’s, nhà sưu tầm người Nhật Yusaku Maezawa đã mua lại bức tranh này với giá kỷ lục 110,5 triệu đô la (tương đương với 99,5 triệu euro), tức cao gấp sáu ngàn lần so với giá bán ban đầu của bức tranh này vào năm 1984.

Bức tranh ‘‘Untitled’’ được xem như là tác phẩm điển hình cho nhãn quan nghệ thuật của Basquiat vào đầu những năm 1980. Thời mà họa sĩ phát huy tài năng qua lối vẽ độc đáo, kết hợp sơn dầu với nghệ thuật cắt dán hình ảnh dày đặc chằn chịt và cách dùng chữ viết ngoằn nghèo li ti chi chít, như thể mặt tranh được phủ kín, chồng chất thêm nhiều lớp.

Hào quang danh vọng đã sáng toả quá nhanh khiến Basquiat rơi vào cạm bẫy của tiền tài, của ma túy và tình dục. Sự lạm dụng chất kích thích khiến Basquiat cho dù có đem tâm can ra phơi bày mổ xẻ, vẫn không còn lung linh những xúc cảm nhiệm mầu. Về đâu những sắc tranh của cái thuở ban đầu ? để nhớ lại cái thời cậu bé Basquiat nằm liệt trên giường bệnh bắt đầu tập vẽ, đường nét mạnh bạo đầu lâu, trái tim sắc độ tô màu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.