Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Mohamed Malas, Vương Tiểu Soái : Dòng phim tác giả Syria và Trung Quốc

Đăng ngày:

Liên hoan điện ảnh châu Á Vesoul 2018 (30/01-06/02/2018) đã đặc biệt vinh danh hai gương mặt tiêu biểu thuộc dòng phim tác giả của điện ảnh Syria và Trung Quốc Mohamed Malas và Vương Tiểu Soái. Ngay tại buổi khai mạc, festival Vesoul đã trao giải thưởng danh dự cho toàn bộ sự nghiệp của hai đạo diễn này.

Đạo diễn Trung Quốc Vương Tiểu Soái tại Liên hoan Vesoul 2018.
Đạo diễn Trung Quốc Vương Tiểu Soái tại Liên hoan Vesoul 2018. RFI
Quảng cáo

Mohamad Malas : Thoát vòng kềm tỏa của kiểm duyệt

Tại Liên hoan Điện ảnh châu Á Vesoul 2018, toàn bộ 11 bộ phim của Mohamed Malas, trải dài từ năm 1974 đến 2013 đã được trình chiếu, trong đó có nhiều phim lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng Pháp.

Mohamed Malas là một trong những đạo diễn hàng đầu thuộc dòng phim tác giả của nền điện ảnh Syria vào đầu thập niên 1980. Đó là những đạo diễn được đào tạo ở nước ngoài, không nằm trong hệ thống điện ảnh chính thức (vốn vẫn bị kiểm duyệt), chuyên làm phim nói về số phận của các cá nhân bị cuốn vào vòng xoáy của lịch sử đất nước họ.

Chẳng hạn như trong phim ngắn « Quneitra », Malas làm tái hiện ký ức của những người thân và những người hàng xóm tại thành phố quê hương của ông, đã bị phá hủy hoàn toàn trong thời gian chiến tranh Kippour (giữa các nước Ả Rập và Israel). Những cảnh đổ nát của thành phố đã được dựng lại để phục vụ cho việc quay bộ phim này.

Nhưng trong những bộ phim khác như « Đam mê » ( 2005 ) hay « Một cái thang cho Damas », Malas biết nắm bắt được những cái đẹp từ những thành phố có từ ngàn đời như Aleppo hay Damas trước khi những thành phố này trở nên điêu tàn do cuộc nội chiến. Tuy những thành phố này bị phá hủy gần như hoàn toàn, nhưng nhờ các bộ phim của Malas mà chúng vẫn tiếp tục tồn tại trong ký ức của mọi người.

Để làm được những bộ phim như vậy, Mohamed Malas đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, vì ông không muốn tự đặt mình trong khuôn khổ của hệ thống điện ảnh chính thức của Syria trong thời gian trước khi người dân Syria nổi dậy vào năm 2011 và nước này dần dần lún sâu vào nội chiến triền miên. Trả lời RFI Việt ngữ tại Liên hoan Vesoul, đạo diễn Salas cho biết :

« Tại Syria, ngay cả trước sự kiện 2011, đã có một cơ quan điện ảnh nhà nước. Cơ quan này kiểm soát và tài trợ cho việc sản xuất toàn bộ các phim ở Syria. Không có một chọn lựa nào khác. Nhưng tôi và những đạo diễn Syria khác đã có thể tìm ra một ngôn ngữ điện ảnh riêng và làm ra những phim lách được mạng lưới kiểm duyệt. Trong suốt 20 năm, chúng tôi vẫn làm việc như thế và đã làm được một số phim có tiếng vang quốc tế.

Nhưng cho đến khi không còn có thể lọt qua được mạng lưới kiểm duyệt, tôi và một số đạo diễn Syria khác đã quyết định tạo dựng nên cái mà nay người ta gọi là nền điện ảnh độc lập, không cần đến cơ quan nhà nước nữa.

Chúng tôi cố làm những phim mà không tốn nhiều ngân sách. Riêng bản thân tôi đã cắt đứt liên hệ với cơ quan nhà nước từ lâu trước cuộc nổi dậy năm 2011, tức là từ những năm 1994-1995. Chính trong hoàn cảnh đó mà tôi đã thực hiện bộ phim « Một cái thang cho Damas », với nguồn tài trợ của nhiều quỹ nước ngoài, của các nước Ả Rập. Sau năm 2011, cơ quan điện ảnh nhà nước chuyển sang làm các phim hoàn toàn với nội dung bảo vệ chế độ. Trong điều kiện đó, các đạo diễn như tôi lại càng khó mà làm việc với cơ quan này. »

Đạo diễn Syria Mohamed Malas trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ tại Liên hoan Vesoul 2018.
Đạo diễn Syria Mohamed Malas trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ tại Liên hoan Vesoul 2018. RFI

Tuy không chấp nhận chế độ kiểm duyệt của cơ quan điện ảnh nhà nước và bản thân ông cũng đã nhiều lần gặp rắc rối với chính quyền Syria, nhưng Mohamad Malas không phải là một nhà hoạt động chính trị, mà đặt tin tưởng nhiều hơn vào vai trò của văn hóa :

« Ai cũng biết rằng, từ khi bắt đầu làm phim tôi vẫn tin vào vai trò của văn hóa trong việc thúc đẩy những thay đổi cho xã hội, chứ tôi không thật sự quan tâm đến chính trị. Điều đó được thể hiện rõ trong các phim của tôi. Theo tôi, chính văn hóa và điện ảnh là những công cụ bảo vệ các nguyên tắc dân chủ, tiến bộ xã hội và tự do ».

Nói chung, sứ mệnh mà Malas tự đặt ra đó là duy trì ký ức của tập thể từ những trải nghiệm của cá nhân, và đối với ông, bất cứ thể loại phim nào cũng được, miễn là đạt được mục tiêu đó :

« Ngay từ khi bắt đầu làm phim, tôi vẫn xem các phim truyện dù là dài hay ngắn, cũng như các phim tài liệu, hay bất cứ thể loại phim nào khác, đều là điện ảnh cả. Tôi không có sự phân biệt nào cả. Khi có khả năng làm được phim nào là tôi làm, miễn là theo dòng phim tác giả ».

Vương Tiểu Soái : Kỹ thuật số và giới trẻ thành thị

Vương Tiểu Soái là một trong nhưng gương mặt tiêu biểu của các đạo diễn thuộc « thế hệ thứ sáu » ở Trung Quốc. Đó là những đạo diễn đã biết tận dụng kỹ thuật số trong giai đoạn ngay sau sự kiện Thiên An Môn 1989, để bí mật quay những phim về các đề tài cấm kỵ. Thế hệ đạo diễn này còn được gọi là thế hệ « đô thị », vì họ không đề cập đến vùng nông thôn mà chỉ chú tâm làm phim về giới trẻ thành thị, đầy lý tưởng, chịu ảnh hưởng của phương Tây hơn là theo khuôn mẫu của đạo đức Cộng Sản.

Bản thân Vương Tiểu Soái cũng là xuất thân từ môi trường đô thị. Ông sinh tại Thượng Hải, hồi trẻ sống ở Vũ Hán (Wuhan) và Quý Dương (Guiyang), trước khi lên Bắc Kinh để tiếp tục học. Trong 25 năm làm đạo diễn, Vương Tiểu Soái đã thực hiện cả chục phim hoàn toàn khác nhau, nhưng tất cả đều nói về những cá nhân trước một xã hội thành thị đang biến chuyển sâu rộng, từ một nền kinh tế kế hoạch hóa chuyển sang kinh tế thị trường. Những bộ phim của ông được xem là có tầm nhìn sâu rộng.

Tại Liên hoan phim châu Á Vesoul vừa qua, 11 bộ phim của Vương Tiểu Soái đã được trình chiếu, trong đó có một số bộ phim lần đầu tiên được chiếu tại Pháp hoặc ở nước ngoài nói chung, như « Chongqing Blues » (2010) hay những phim nổi tiếng của ông như « Xe đạp Bắc Kinh » (2001).

Các phim của Vương Tiểu Soái thường đề cập đến những tác động của thay đổi xã hội lên cuộc sống của những cá nhân, nhưng ông không chạy theo dòng phim thương mại. Trả lời RFI Việt ngữ tại Liên hoan Vesoul, đạo diễn Vương Tiểu Soái nói:

« Đúng là tôi đã gặp một số khó khăn trong việc phổ biến những phim trước đây của tôi ở Trung Quốc. Nhưng nay thì đa số các phim của tôi được phát hành mà không gặp vấn đề gì. Tuy vậy, các phim của tôi không phải là những phim kiểu Hollywood, nên sẽ không thu hút giống như các phim Mỹ. Nhưng điều làm tôi rất cảm kích, đó mà tại một thành phố nhỏ như Vesoul mà vẫn có nhiều khán giả đến chỉ để xem các phim châu Á.

Những phim phản ánh tình hình của một quốc gia không phải là những phim lôi cuốn nhiều khán giả. Ở nước nào cũng vậy. Nhưng theo tôi, những phim đó rất quan trọng vì vài năm sau khi xem những phim này người ta sẽ biết được những gì đã xảy ra vào thời đó. »

Khó khăn của những đạo diễn như Vương Tiểu Soái hiện nay không phải là do kiểm duyệt mà là do những vấn đề như tài chính:

« Đúng là hiện giờ vẫn còn kiểm duyệt ở Trung Quốc. Nhưng như ông thấy đó, thị trường điện ảnh Trung Quốc là một thị trường ngày càng lớn ở châu Á cũng như trên thế giới. Nhất là các phim thương mại thu hút rất nhiều khán giả. Còn những phim giống như của tôi thì thường bị hạn chế về ngân sách và một số hạn chế khác. Nhưng nay thì tình hình đã được ngày càng cải thiện ».

Tuy vậy, đạo diễn Vương Tiểu Soái vẫn nuôi hy vọng là những bộ phim về các đề tài xã hội của ông sẽ thu hút ngày càng nhiều công chúng và được chính phủ quan tâm đúng mức:

« Ở Trung Quốc, không có mấy ai quan tâm đến văn hóa nghệ thuật, vì Trung Quốc là một xã hội ít tập trung vào khía cạnh cá nhân, mà là một xã hội thiên về lợi nhuận tập thể. Người ta thường nói đến xã hội một cách tổng thể.

Với tư cách một đạo diễn thuộc dòng phim tác giả, tôi chú trọng nhiều hơn đến những cư dân, những số phận cá nhân, vì tôi muốn mô tả cuộc sống thường ngày của người dân Trung Quốc. Đó là điều mà từ lâu tôi vẫn cố gắng làm ngày càng tốt.

Nếu xem 11 bộ phim của tôi được trình chiếu ở Liên hoan Điện ảnh châu Á Vesoul kỳ này, ông sẽ thấy là tôi quan tâm rất nhiều đến thực tế của Trung Quốc hiện nay, để những người xem hiểu được cuộc sống của người dân Trung Quốc bây giờ.

Rất tiếc là khán giả và kể cả chính phủ không chú ý nhiều đến các phim của tôi hoặc của những đạo diễn khác thuộc dòng phim tác giả. Ai cũng chạy những phim kiểu Hollywood, kiểu Hồng Kông, ăn khách hơn.

Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng những bộ phim như của tôi là một bộ phận của nền điện ảnh Trung Quốc, điện ảnh châu Á. Tôi hy vọng là bộ phận này ngày càng mạnh và ngày càng có nhiều người xem các phim như của chúng tôi ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.