Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Điện ảnh Mông Cổ : Dồi dào, nhưng còn mong manh

Đăng ngày:

Liên hoan Điện ảnh châu Á Vesoul lần thứ 24 (30/01 đến 06/02/2018), đã chọn Mông Cổ là khách mời danh dự để công chúng ở liên hoan này có dịp khám phá một nền điện ảnh rất dồi dào, nhưng lại ít được biết đến ở nước ngoài.

Công chúng Liên hoan Vesoul 2018 đã có dịp khám phá nền điện ảnh Mông Cổ
Công chúng Liên hoan Vesoul 2018 đã có dịp khám phá nền điện ảnh Mông Cổ J.F. Maillot
Quảng cáo

Để hiểu được sự hình thành và phát triển của nền điện ảnh Mông Cổ, ta phải trở ngược lại lịch sử của quốc gia thảo nguyên mênh mông này. Từ cuối thế kỷ 17, Mông Cổ đã chấp nhận sống dưới sự đô hộ nhà Thanh và nhờ giao thương giữa người Hán với nước ngoài ngày càng được mở rộng, mà phim ảnh đã được du nhập vào Mông Cổ ngay từ đầu thế kỷ 20.

Sau khi nhà Thanh sụp đổ, các lãnh đạo vùng Ngoại Mông tuyên bố độc lập và xích gần lại đế chế Nga, đồng thời họ khuyến khích chiếu rộng rãi các phim của Nga trên toàn cõi Mông Cổ. Đến năm 1921, Đảng Nhân dân Mông Cổ, tiền thân của Đảng Cách mạng Nhân dân Mông Cổ, đánh đuổi toàn bộ lực lượng Trung Quốc, lập một chính phủ liên minh và Mông Cổ trở thành quốc gia chư hầu đầu tiên của Liên Xô ở châu Á chọn đi theo mô hình Xô Viết.

Vào thời đó, có đến 86% dân số Mông Cổ là dân du mục. Do ảnh hưởng của nước Liên Xô láng giềng, chính phủ Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ đã quyết định dùng điện ảnh như là một công cụ để giáo dục quần chúng, cho nên họ đã đầu tư rất nhiều vào nền nghệ thuật thứ bảy và dĩ nhiên kèm theo đó là những biện pháp kiểm duyệt gắt gao về nội dung.

Vì Mông Cổ từng là một nước chư hầu của Liên Xô, cho nên không có gì đáng ngạc nhiên khi bộ phim dài đầu tiên trong lịch sử nước này là do một đạo diễn người Nga, Iliya Trauberg, dàn dựng. Đó là bộ phim « Đứa con trai của Mông Cổ ». Nội dung phim dựa theo một truyện cổ của Mông Cổ và lần đầu tiên đời sống của dân du mục chăn cừu được đưa lên màn ảnh lớn. Khi được chiếu vào năm 1936, « Đứa con trai của Mông Cổ » đã được công chúng Mông Cổ tán thưởng nồng nhiệt, ai cũng vui mừng được xem một phim với toàn bộ diễn viên và êkíp kỹ thuật là người Mông Cổ.

Thế nhưng, do bị xem là có ý đồ chính trị và phô bày quá nhiều nghi lễ Phật Giáo, cho nên phim này sau đó đã bị cấm chiếu cho đến khi chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Mông Cổ vào năm 1992, trong khi tờ New York Times vào thời đó đã xếp « Đứa con trai của Mông Cổ » là một trong 100 bộ phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới.

Đạo diễn Mông Cổ Byambasuren Davaa và giám đốc nghệ thuật Liên hoan Vesoul Bastian Meiresonne
Đạo diễn Mông Cổ Byambasuren Davaa và giám đốc nghệ thuật Liên hoan Vesoul Bastian Meiresonne J.F. Maillot

« Đứa con trai của Mông Cổ » đã là một trong 15 bộ phim được giới thiệu tại Liên hoan Vesoul, tiêu biểu cho nền điện ảnh Mông Cổ từ thập niên 1930 đến thập niên 1990. Để chọn ra 15 tác phẩm tiêu biểu đó, giám đốc nghệ thuật của Liên hoan Vesoul, ông Bastian Meiresonne đã phải xem đến 236 trong tổng cộng khoảng 400 bộ phim hiện có của Mông Cổ và đó cũng là lần đầu tiên ông khám phá nền điện ảnh nước này :

« Tôi vô cùng ngạc nhiên vì tôi đã tìm thấy một nền điện ảnh Mông Cổ liên tục tồn tại từ năm 1935, với trung bình 6 phim ra mắt khán giả mỗi năm, có chất lượng rất tốt. Tôi cũng khám phá Mông Cổ từng là một quốc gia « xã hội chủ nghĩa », không bị Nga chiếm đóng, mà là một nước chư hầu của Liên Xô. Họ đã tận dụng mối quan hệ gần gũi với nước Matxcơva, gởi các đạo diễn tương lai sang Nga để họ được đào tạo theo trường phái Nga, mà theo tôi là một trong những trường phái điện ảnh xuất sắc nhất thế giới, đặc biệt là vào thời thập niên 1930, 1940. Do họ cũng được tiếp cận những phương tiện kỹ thuật rất dồi dào của Nga, cho nên Mông Cổ đã xây dựng được một nền điện ảnh trình độ cao từ những thập niên 1950, 1960.

Chính vì vậy mà tôi đã không biết phải chọn lựa như thế nào, vì có quá nhiều tuyệt tác được sản xuất từ thập niên 1950. Vẫn như mọi khi, đầu tiên chúng tôi để trái tim của mình tự chọn lựa. Bất kể đạo diễn là ai, phim được sản xuất năm nào, do ai thủ vai, trong ê kíp chúng tôi, ai thấy thích phim nào thì cứ chọn.

Trong số 263 phim đã xem, tôi chọn ra khoảng 40 phim. Suy cho cùng, tôi thấy điện ảnh Mông Cổ vào thời trước 1992, tức là thời Nhà nước bao cấp, lại thú vị hơn nhiều so với những phim được quay từ đó cho đến nay. Trong số 40 bộ phim được sàng lọc ban đầu, có khoảng 30 phim được quay vào thập niên 1930, nhưng cuối cùng tôi đã quyết định tuyển lựa những phim từ năm 1935 đến 1992. Tôi dự kiến là vài năm nữa, liên hoan Vesoul sẽ dành một phần riêng cho các phim Mông Cổ từ 1992 đến ngày nay, vì tôi thấy thời kỳ này cũng có rất nhiều tác phẩm có giá trị.

Sau đó, đến giai đoạn thứ hai, chúng tôi phải chọn lọc dựa theo chất lượng của bản phim, để xem những phim nào có thể được chiếu trên màn ảnh lớn hay không. Tôi đã phải đến tận nơi để làm việc đó. »

Theo lời ông Bastian Meiresonne, khác với nhiều nước châu Á, có một điều thuận lợi là Mông Cổ vẫn còn lưu giữ các phim của họ :

« Rất may có những kho lưu trữ phim ở Mông Cổ, đó là một điều hiếm thấy ở một nước châu Á, vì nhiều nước ở khu vực này như Lào, Thái Lan hay Indonesia, không có những kho lưu trữ phim như vậy, hoặc các bản phim không được bảo quản tốt như vậy trong nhiều năm. Ở đó, người Nga, và nhất là người Mông Cổ, đã lưu giữ toàn bộ các phim. Vấn đề là các bản phim 35 mm nay đã quá cũ, đang trong tình trạng rất tồi tệ. Lần đầu tiên đối với liên hoan Vesoul, chúng tôi đã có sự hỗ trợ tài chính của đại sứ quán Pháp tại Oulan Bator để scan lại các phim 35mm. Cụ thể là chúng tôi dùng máy vi tính để quay lại phim 35mm để chuyển thành một file tin học có thể được sử dụng để chiếu trong rạp. »

Laura Nikolov, giám đốc Alliance française ở Oulan Bator, Mông Cổ.
Laura Nikolov, giám đốc Alliance française ở Oulan Bator, Mông Cổ. J.F. Maillot

Nguyên là một sử gia chuyên về Mông Cổ, cô Laura Nikolov, giám đốc Alliance française ở Oulan Bator, là người đích thân giúp ông Bastian Meiresonne một tay:

« Nói chung, đại sứ quán Pháp vẫn đóng góp cho nền điện ảnh Mông Cổ và trong khuôn khổ Liên hoan Vesoul chúng tôi hỗ trợ tài chính cho việc phục chế các phim cũ của Mông Cổ, giúp một tay cho giám đốc nghệ thuật của Vesoul, khi ông đến tận nơi để tuyển lựa phim và làm việc với các nhà chuyên môn của Mông Cổ. Chúng tôi cũng đã hỗ trợ việc đưa một đạo diễn Mông Cổ đến dự Liên hoan Vesoul.

Phía Mông Cổ rất vui mừng khi thấy 15 bộ phim của họ được chiếu lần đầu tiên tại Pháp và châu Âu, những bộ phim phản ánh nền điện ảnh Mông Cổ thế kỹ 20. Đó là những phim dành cho nhiều đối tượng : cho những người say mê điện ảnh, vì có những phim với chất lượng nghệ thuật rất cao, cho những người muốn tìm hiểu đất nước và lịch sử Mông Cổ, vì có những phim phản ánh những biến chuyển của quốc gia này trong thế kỹ 20. Chẳng hạn như việc thi hành chính sách hiện đại hóa vào thập niên 1950, khi Mông Cổ còn là chư hầu của Liên Xô, qua những phim nói về đề tài y tế, tôn giáo. Qua đó chúng ta cũng thấy rõ ảnh hưởng của Liên Xô vào thời đó. »

Nhưng thời hoàng kim của điện ảnh Mông Cổ đã chấm dứt cùng với sự tan rã của Liên Xô, kéo theo sự sụp đổ của chế độ Cộng sản ở Mông Cổ. Tuy không còn bị kiểm duyệt nữa, nhưng các nhà làm phim thời hậu Cộng sản nay không thể trông chờ vào chính phủ để có nguồn tài chính. Hiện nay, Mông Cổ là một trong 10 quốc gia sản xuất phim hàng đầu châu Á, với khoảng 50 phim mới ra mắt khán giả mỗi năm. Thế nhưng, nền công nghiệp điện ảnh của nước này vẫn còn rất mỏng manh và nhà nước cũng vẫn không giúp đỡ gì nhiều.

Từng là giám khảo của Liên hoan Vesoul 2017 và năm nay cũng được mời đến đây, nữ đạo diễn Mông Cổ Byambasuren Davaa, tác giả của các bộ phim như « Hai con ngựa của Thành Cát Tư Hãn », thì gặp may mắn hơn, vì bà hiện sống tại Đức, có nhiều điều kiện hơn các đồng nghiệp trong nước :

« Khi bắt đầu sự nghiệp điện ảnh, khi còn ở Mông Cổ, dĩ nhiên là tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng vào cuối thập niên 1990, khi sang định cư tại Đức, tôi đã có thể quay các phim với nguồn hỗ trợ tài chính từ nhiều quỹ điện ảnh. Tôi quả là gặp may hơn nhiều so với các đồng nghiệp trong nước.

Có thể nói là tôi thuộc về một thế hệ đạo diễn Mông Cổ hoạt động rất tích cực. Có một hiện tượng rất đặc biệt là Mông Cổ chỉ có 3 triệu dân, thế mà mỗi năm lại sản xuất khoảng 50 phim. Nhưng vẫn phải nghĩ đến tương lai, các đạo diễn Mông Cổ phải có những trao đổi với bên ngoài, họ phải có dịp ra nước ngoài, phải tham gia vào một liên hoan phim quốc tế. Tôi nghĩ rằng việc giới thiệu các phim Mông Cổ tại Pháp lần này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình đó. »

Bà Enkhzaya Jamsran, đại diện của Tổ chức Phát triển Điện ảnh Mông Cổ.
Bà Enkhzaya Jamsran, đại diện của Tổ chức Phát triển Điện ảnh Mông Cổ. RFI

Bà Enkhzaya Jamsran, đại diện của Tổ chức Phát triển Điện ảnh Mông Cổ (MongolFilm Developement Foundation), có mặt tại Liên hoan Vesoul, tỏ ý mong muốn là nhà nước Mông Cổ dành một ngân sách cho điện ảnh:

« Trước thời điểm đó, ngành điện ảnh vẫn được nhà nước hỗ trợ tài chính rất nhiều. Nhưng nay, đúng là các đạo diễn Mông Cổ gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm phim. Chính vì vậy mà nhiều tổ chức đã được thành lập để hỗ trợ cho việc phát triển bền vững nền điện ảnh Mông Cổ. Riêng tổ chức MongolFilm Developement Foundation của chúng tôi đang nỗ lực quảng bá phim ảnh ra toàn thế giới và tạo điều kiện cho những trao đổi quốc tế.

Hiện có rất nhiều dự án phim, nhưng một số phim không thể được thực hiện do thiếu ngân sách. Một số đạo diễn vì quá say mê nên đã phải cầm cố nhà cửa để có tiền làm phim. Chúng tôi thật sự hy vọng là chính phủ Mông Cổ hiểu ra vấn đề, dành ra một ngân sách hàng năm, ít ra là tài trợ cho việc thực hiện các phim lịch sử của Mông Cổ. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.