Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

40 năm huyền thoại Maria Callas

Đăng ngày:

Làm sao để tóm tắt trong vài trang cuộc đời và sự nghiệp của người từng được mệnh danh là giọng ca soprano hay nhất mọi thời đại. Maria Callas có chiều sâu và bề dày hơn nhân vật tiểu thuyết, bà sống trên tột đỉnh vinh quang, rồi chết trong âm thầm tức tưởi. Chỉ cần những yếu tố này, cũng đủ để giải thích vì sao 40 năm sau ngày Maria qua đời, huyền thoại Callas vẫn rực rỡ sáng ngời.

Maria Callas, tháng 4 năm 1971 tại nhà hát Olympia, Paris
Maria Callas, tháng 4 năm 1971 tại nhà hát Olympia, Paris (Photo : AFP)
Quảng cáo

Tên thật là Maria Kalogeropoulos, bà sinh trưởng tại New York (1923-1977) trong một gia đình gốc Hy Lạp. Mọi chuyện trong gia đình đều do người mẹ quyết định, kể cả việc bắt con gái học nhạc cổ điển để trở thành nghệ sĩ opera, hay là rời Mỹ về Hy Lạp sinh sống, cho dù Maria thích sống với ông bố hơn là với bà mẹ khắc nghiệt, sau khi bố mẹ cô ly hôn.

Tại thủ đô Hy Lạp, Maria trở thành học sinh trẻ tuổi nhất tại Nhạc viện Quốc gia. Cô theo học lớp luyện thanh ban đầu của bà Maria Trivella, rồi sau đó là của nhạc sư Elvira de Hidalgo, một trong những giọng ca soprano người Tây Ban Nha nổi tiếng nhất thời bấy giờ. Cũng nhờ vào sự hướng dẫn của bà Elvira de Hidalgo, mà Maria nắm vững hầu hết các kỹ thuật điêu luyện trong cách hát bel canto. Theo cả hai nhạc sư này, chất giọng trữ tình của Maria ấm mà mãnh liệt, linh hoạt trong sáng khi hát liền hơi, những nốt cao nhất vẫn đầy đặn lộng lẫy nhờ cột hơi đầy nội lực. Giọng ca hừng hực bốc cháy như ngọn lửa bùng sáng, để rồi cuồn cuộn lợp đầy âm vang, mạnh mẽ mà vẫn mềm mại du dương.

Cho dù giọng hát bẩm sinh của Maria là dramatic soprano, nhưng cô vẫn có thể hát như một giọng ca soprano coloratura, với lối diễn xuất trầm mặc xuất thần, từ ánh mắt đến điệu bộ hợp với các vai diễn đầy kịch tính. Một khi tốt nghiệp ra trường, cô lấy nghệ danh Maria Callas từ năm 1944, cô sang Mỹ một là để thăm ông bố, hai là thử vận may tại nhà hát Metropolitan của New York nhưng lại không thành. Thất bại này không làm cô chùn bước nản lòng.

Vận may đến với Maria Callas khi cô sang Ý, tham dự cuộc tuyển lựa diễn viên cho đợt biểu diễn vào năm 1947 nhân kỳ liên hoan kịch opera tổ chức ở thành phố Verona. Tại đây, tài nghệ của Maria lọt vào mắt của nhạc trưởng lừng danh Tullio Serafin. Chính ông đã mời Maria Callas hát những vai quan trọng hàng đầu (chẳng hạn như Turandot của Puccini, vai Isolde trong vở kịch Tristan và Isolde, hay là vai Brunnhilde trong vở Die Walkure, cả hai của Richard Wagner).

Maria Callas thành danh một phần lớn là nhờ vào nhạc cảm thiên phú, chất giọng bẩm sinh. Nhưng bên cạnh đó bà còn có cái duyên gặp gỡ những ‘‘ân nhân’’ đúng lúc đúng thời, giúp cho tài năng của bà có cô hội tỏa sáng, trong đó có nhạc trưởng Tullio Serafin, nhà đạo diễn tài ba Luchino Visconti, người đã dựng những vở kịch hay nhất với Callas trong vai chính tại nhà hát lớn Scala ở Milano, và nhà tài phiệt Giovanni Battista Meneghini.

Tuy Maria nhỏ hơn ông gần ba chục tuổi, nhưng bà vẫn quyết định thành hôn vào năm 1949. Một hôn nhân do lý trí nhiều hơn là tình cảm. Ông Meneghini trở thành nhà quản lý chính thức của Maria Callas, những mối quan hệ rộng rãi của ông cũng như nguồn tài chính dồi dào giúp cho tên tuổi của Maria Callas tỏa sáng khắp châu Âu, làm lu mờ hẳn vầng hào quang của giọng ca thiên thần Renata Tebaldi.

Trong vòng hơn một thập niên, từ năm 1947 đến 1959, Maria Callas liên tục đi biểu diễn ở khắp nơi, bà thuộc lòng 42 vai diễn, và ghi âm vai chính trong 26 vở kịch opera trọn bộ. Giọng ca Maria Callas gắn liền với những aria kinh điển trích từ các vở kịch hay nhất của Verdi, Bizet, Donizetti hay của Bellini.

Cũng trong khoảng thời gian này, Maria Callas đã giảm 35 kí lô. Từ một phụ nữ thừa cân, tướng mạo cục kịch, với lối ăn mặc hơi quê mùa, bà đã hoàn toàn lột xác biến thành một diva cực kỳ quý phái tột cùng sang trọng. Maria Callas kiêu sa trong các kiểu áo dạ hội đắt tiền, lộng lẫy nhờ các món nữ trang vô giá.

Tuy nhiên, dù muốn hay không, tiền tài và danh vọng đã phần nào thay đổi phong cách và tánh tình của Maria Callas, trước kia rụt rè nhút nhát do đầy mặc cảm, nay lại tự kiêu, ngạo mạn. Có ý kiến cho là Callas không chỉ đóng kịch trên sân khấu mà còn phải đóng vai diva ở ngoài đời, bà muốn được nuông chiều, luôn có đòi hỏi cao về thù lao, luôn thu hút sự quan tâm của mọi người ……

Trên tột đỉnh thành công, có lẽ chính Maria Callas cũng không ngờ rằng bà sẽ phải đột qụy vấp ngã. Sau 9 năm kết hôn và chung sống, bà ly dị ông Giovanni Meneghini, sau khi gặp nhà tỷ phú gốc Hy Lạp Aristote Onassis. Trong những năm đầu quen nhau, Maria Callas bị lôi kéo vào nếp sống khoe khoang hào nhoáng của Onassis, tiêu biểu cho tầng lớp jet set cực kỳ giàu có.

Các cuộc trác táng thâu đêm, ăn chơi xa hoa phù phiếm buộc Maria Callas gác qua một bên sự nghiệp ca hát, nhất là khi bộ môn opera đòi hỏi kỷ luật nhà binh cộng thêm sự luyện tập không ngừng. Đến khi bà xuất hiện trở lại trên sân khấu vào năm 1965, sau 7 năm vắng bóng, giọng ca của bà không còn phong độ như xưa. Một khi đã mất giọng hát thiên phú, sự nghiệp của Maria Callas bắt đầu tuột dốc không phanh.

Trong đời, Maria Callas đã gặp nhiều ân nhân, lần này bà lại gặp phải hung thần. Thời còn nhỏ, Maria Callas ước mơ một cuộc sống gia đình, trọn đời chung thủy bên người mình yêu, Onassis lại là típ người đàn ông thay tình nhân như thay áo. Trong hai năm đầu, thời gian ông cần chinh phục trái tim của giọng ca hay nhất thế kỷ, ông hầu như lúc nào cũng có mặt trong mỗi đêm diễn, ông gửi hàng ngàn đóa hoa hồng lợp đầy balcon rạp hát. Nhưng vài năm sau, giữa Callas và Onassis, chỉ còn sự lạnh nhạt thờ ơ.

Onassis ban đầu cặp bồ với cô Lee Bouvier Radziwill, em gái ruột của bà Jackie Bouvier Kennedy, để rồi sau đó ông Onassis chính thức cưới bà Jackie (vợ của cố Tổng thống Kennedy) vào năm 1968. Vô cùng tủi thân đau đớn, Maria Callas bắt đầu cuộc hành trình đơn độc trên sa mạc. Từ năm 1968 cho tới năm bà qua đời (1977), Maria Callas sống khép kín, tránh tiếp xúc và ít còn xuất hiện trước công chúng hay trên sân khấu, ngoại trừ các buổi biểu diễn nhằm mục đích từ thiện.

Đối với một người đàn bà suốt đời đi tìm tình yêu chân thật tuyệt đối, rốt cuộc Maria Callas chỉ gặp phản bội trong cuộc sống lứa đôi. Ngày bà chọn đi theo tiếng gọi của con tim, ngã lòng yêu ông Aristote Onassis, đâu đó bà đã tự chuốc họa vào thân.

Nếu Maria Callas có chiều sâu và bề dày hơn nhân vật tiểu thuyết, thì những trang tình sử đen tối nhất lại do chính bà tạo ra. Trong một lần phỏng vấn báo chí, Maria Callas từng thú thật bà đã mất rất nhiều thứ trong đời : mất cân, mất giọng, mất tình yêu (mất Onassis).

Nghề ca hát đòi hỏi nơi nghệ sĩ cả thanh lẫn sắc, thế nhưng việc dùng thuốc để giảm cân, để cho vóc dáng lọt mắt hợp với giọng ca lọt tai, đã ảnh hưởng rất nhiều về giọng ca cũng như sức khỏe của bà. Trái tim vốn đã suy nhược, nay lại mất thêm tình yêu tuyệt đối.

Sau khi ông Onassis từ trần vì bạo bệnh vào năm 1975, Maria Callas chẳng còn tha thiết sống, như thể cuộc đời hoàn toàn trở nên vô nghĩa. Bà âm thầm vĩnh viễn ra đi ở tuổi 53 : ngày Maria trút hơi thở cuối cùng (16/09/1977) cũng là ngày Callas đi vào huyền thoại.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.