Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Ngòi bút sáng tác của Alain Souchon

Đăng ngày:

Khai thác dòng ‘‘nhạc xưa’’, ghi âm lại những bài hát ăn khách từ nhiều thập niên trước, nay đã trở thành một phong trào trong làng nhạc Pháp. Triệu tập một thành phần nghệ sĩ quen thuộc xung quanh những dự án âm nhạc có khả năng thu hút đông đảo khán thính giả : một là để tưởng nhớ một ngôi sao đã khuất, hai là để vinh danh một tài năng còn sống.

Tạp Chí Âm Nhạc
Tạp Chí Âm Nhạc RFI/Tiếng Việt
Quảng cáo

Về điểm này, mùa hè năm 2017 sẽ có cả hai : album đầu tiên (Barbara & Elles) tưởng niệm nữ danh ca Barbara nhân 20 năm ngày mất của ‘‘phu nhân dáng huyền’’ (La Dame Brune là biệt danh của Barbara lúc còn sống). Album thứ nhì (Souchon dans l’air) dành cho tài năng của Alain Souchon, nổi tiếng nhờ phong cách diễn đạt tự nhiên và nhất là nhờ vào ngòi bút sáng tác dồi dào, phong phú.

Trong làng nhạc Pháp, Alain Souchon có hơn 40 năm tay nghề. Ông là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng vào những năm 1970, cùng với các tên tuổi như Véronique Sanson, Maxime Le Forestier, Michel Berger, Julien Clerc, Louis Chedid, William Sheller, Bernard Lavilliers, Jacques Higelin... Họ mở đường cho cả một thế hệ ca sĩ thành danh nhờ trình bày sáng tác của chính mình. Đây là một điểm cốt lõi nếu ta muốn nắm bắt và thấu hiểu sự phát triển của làng nhạc Pháp.

Thế hệ ca sĩ kiêm tác giả tạo thế đối trọng với các nghệ sĩ nổi tiếng trong làng nhạc nhẹ, chuyên hát nhạc của người khác, đó là trường hợp của Dalida, Sheila, Sylvie Vartan, Michèle Torr, Jean Manson phái nữ. Johnny Hallyday, Claude François, Joe Dassin, Michel Sardou, Mike Brant, Hervé Vilard, Gérard Lenorman phái nam …

Alain Souchon hội tụ tất cả các yếu tố đặc trưng của một ca sĩ kiêm tác giả những năm 1970. Nếu như các ca sĩ nhạc nhẹ những năm 1970 thường thích trình bày những bản nhạc mà qua đó họ có thể thể hiện chất giọng, lối hoà âm phối khí thường mang tính cường điệu, phô trương (Laisse Moi T’aimer hay là Que Je T’aime là hai trường hợp điển hình), ngược lại Alain Souchon có một lối hát rất tự nhiên, ít kiểu cách làm dáng.

Alain Souchon trở thành ca sĩ hạng A dù không có ngoại hình hấp dẫn, từ gương mặt tới vóc dáng, ông không thuộc hạng người đào hoa hay điển trai : ‘‘hình dong ít chải chuốt mà áo khăn cũng chẳng dịu dàng’’. Từ cách ăn mặc cho tới lối diễn đạt : tất cả nơi Alain Souchon đều rất giản dị.

Có hơn thua hay chăng là về mặt tài năng sáng tác. Trên những album đầu tay, Alain Souchon sáng tác cả nhạc lẫn lời nhưng chưa được vừa ý cho lắm. Mãi từ năm 1977 trở đi, sau khi anh gặp nhạc sĩ Laurent Voulzy, cặp bài trùng này trở thành một trong những nhóm phân công sáng tác ăn khách nhất : Laurent Voulzy soạn nhạc, Alain Souchon viết lời.

Trong vòng 4 thập niên liền, Alain Souchon có khoảng 50 ca khúc ăn khách trích từ 16 album studio. Chính cũng nhờ vậy mà ông đoạt được 9 giải thưởng Victoires de la Musique của Pháp, kể cả giải dành cho giọng ca nam, album và video clip hay nhất.

Quan trọng hơn nữa là giải thưởng dành cho nhạc phẩm Foule Sentimentale, từng được công chúng bình chọn chẳng những là ca khúc xuất sắc nhất trong năm (1994), mà còn là bản nhạc hay nhất của thập kỷ (2000).

Để vinh danh tài năng sáng tác của Alain Souchon, nguyên cả một êkíp làm việc với nam danh ca từ năm 1993 đã nghe lại toàn bộ các album ghi âm từ năm 1974 cho tới nay, để rồi từ đó tuyển chọn ra khoảng 30 bài ưng ý nhất.

Trong nhóm sản xuất này, có hai con trai ruột của nam ca sĩ là Pierre và Charles Souchon, họ cũng là nhạc sĩ và cùng với giám đốc nghệ thuật Renaud Letang, tuyển chọn một thành phần ca sĩ mà điều quan trọng nhất là có chất giọng ‘‘phù hợp’’ với dòng nhạc của Souchon.

Album này tập hợp các nghệ sĩ nổi tiếng như Vanessa Paradis (Le baiser), Izia Higelin (La Ballade de Jim), Arthur H. (J’ai dix ans), Benjamin Biolay (La vie ne vaut rien), Mathieu Chedid (Sous les jupes des filles), ban song ca Brigitte (Allo maman bobo), Jean-Louis Aubert (Et si en plus y’a personne).

Ngoại trừ ca sĩ Oxmo Puccino, chuyên thể hiện nhạc rap, hầu hết các ca sĩ ở đây đều đã từng hợp tác qua việc đứng chung sân khấu với Alain Souchon, hay từng biểu diễn live các sáng tác trước của bậc đàn anh.

Kết quả là những bài hát vừa ghi âm tuy gọi là phiên bản mới nhưng lại rất gần giống với bản gốc. Điều đó ít tạo cảm giác thích thú mới lạ nơi người nghe, và có nhiều khi nên nghe lại bản gốc vẫn còn thấy hay hơn.

Alain Souchon phát hành album đầu tay vào năm 1974, nhưng mãi tới album thứ ba phát hành cuối năm 1977, tức cách đây đúng 40 năm, Alain Souchon mới gặt hái thành công như mong đợi. Tập nhạc này mang tựa đề Jamais Content (Không bao giờ vừa ý) có nhiều bản nhạc ăn khách, Alain Souchon bơi ngược luồng, sáng tác một bản nhạc rumba vào thời kỳ cực thịnh của nhạc kích động disco.

Không phải ngẫu nhiên mà nhóm sản xuất vay mượn lại tựa đề của bài hát ăn khách nhất album này ‘‘Y'a d'la rumba dans l'air’’ để đặt tựa cho album mới là ‘‘Souchon dans l’air’’.

Một điều khác nữa là do Alain Souchon trình bày những lời ca do chính ông soạn ra, cho nên ông nắm vững tất cả nhưng ẩn dụ, ngụ ý. Lối diễn đạt vì thế mà có nhiều chỗ tinh tế hơn.

Trong nhóm sáng tác Voulzy Souchon, Alain chủ yếu đặt lời : ông rất giỏi trong cách dùng danh từ riêng làm giàu ngữ điệu và vần điệu. Xã hội Pháp vào mỗi giai đoạn phát triển đều gắn liền với những thương hiệu, sự kiện hay nhân vật tiêu biểu.

Cách dùng danh từ riêng nơi Souchon vừa để tạo bối cảnh (không gian lẫn thời gian) cho câu chuyện kể, vừa là cách để tác giả dựng lên những hình ảnh biểu tượng, phản ánh các vấn đề xã hội với góc nhìn sắc cạnh, lối mô tả bén nhạy.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.