Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Quầy sách cổ, sách cũ: nét chấm phá dọc bờ sông Seine

Đăng ngày:

Du khách đến với Kinh Đô Ánh Sáng, khi đi dạo dọc bờ sông Seine, ngoài chiêm ngưỡng vẻ đẹp tráng lệ của những cây cầu như Pont Neuf, Alexandre Đệ Tam, các công trình kiến trúc - lịch sử danh tiếng như Nhà Thờ Đức Bà Notre Dame de Paris, tháp Eiffel …, chắc hẳn không thể làm ngơ trước 250 quầy sách nhỏ, màu xanh lá cây thẫm bày bán vô vàn cuốn sách cổ, tạp chí, bản đồ, bưu thiếp, áp phích quảng cáo phim ảnh, tem thư cổ, quý hiếm hay đơn giản chỉ là những cuốn sách cũ …

Các hiệu sách cũ dọc bờ sông Seine, gần nhà thờ Đức Bà Paris.
Các hiệu sách cũ dọc bờ sông Seine, gần nhà thờ Đức Bà Paris. RFI
Quảng cáo

Những quầy sách cũ dọc bờ sông Seine còn được người dân Paris gọi bằng một cái tên khác là « các tiệm sách sông Seine ». Nhìn thì có vẻ đơn giản, khiêm nhường, nhưng các « tiệm sách sông Seine » nhỏ nhắn đó, cùng với quần thể dọc bờ sông Seine, đã được UNESCO công nhận là Di Sản Thế Giới vào năm 1991.

250 quầy sách cũ nằm dọc 3km kè sông Seine, với khoảng 1.000 thùng sách và số sách được bày bán lên tới khoảng 500.000 cuốn. Đây được coi là khu hiệu sách ngoài trời lớn nhất trên toàn thế giới. Ở tả ngạn, các quầy sách cũ tập trung từ kè Tournel tới kè Voltaire. Ở hữu ngạn sông Seine, các quầy sách lại nằm rải rác từ cầu Marie tới kè Louvre. Về lịch sử, các quầy sách cũ xuất hiện cách đây khoảng 400 năm, vào đầu thế kỷ 17, dưới thời trị vì của vua Henri IV.

Ông Françis Robert là chủ một quầy sách cũ ở tả ngạn sông Seine, đối diện quảng trường Saint-Michel, gần nhà thờ Đức Bà Notre-Dame de Paris, đồng thời là thành viên ban đại diện các « hiệu sách sông Seine ». Ông có thâm niên bán sách cũ ở đây được 38 năm, từ năm 1979. Ông bắt đầu biết đến các quầy sách cũ dọc bờ sông Seine khi 15 tuổi. Giờ ông Françis Robert đã 63 tuổi. Có nhiều chủ quầy sách mà ông biết từ khi ông mới 15 tuổi. Gần 50 năm đã trôi qua, họ vẫn còn bán sách ở đây. Khi chuyện trò với RFI Việt ngữ, ông Françis Robert đã giới thiệu với chúng tôi như sau :

« Các quầy sách cũ đầu tiên xuất hiện trên cầu Pont Neuf (Cầu Mới), phía đằng kia kìa. Pont Neuf là cây cầu đầu tiên ở Paris không có nhà ở hai bên thành cầu. Khi đó, có những người đeo hộp đựng sách sau lưng đi bán dạo trên cầu Pont Neuf. Có khoảng 10 người. Họ được cấp giấy phép bán sách dạo trên cầu. Về sau, số người bán sách dạo tăng lên. Không có đủ chỗ trên cầu nên họ bày bán sách ở đầu cầu, phía tả ngạn sông Seine vì tả ngạn sông Seine là khu vực có nhiều trí thức, trường học, hiệu in, nhà xuất bản và nhiều hiệu sách. Và như thế, các quầy sách cũ bắt đầu có từ đoạn đầu cầu Pont Neuf, xuôi về tả ngạn sông Seine. Ở phía hữu ngạn sông Seine khi đó không có ai bán sách cả. Tôi không nói là người dân ở hữu ngạn sông Seine không có học thức, nhưng khi đó, người ta không bán sách ở hữu ngạn sông Seine. » 

Trong suốt thế kỷ XVII và nửa đầu thế kỷ XVIII, những người bán sách cũ đã nhiều lần bị cấm rồi lại được cho phép bán hàng trở lại. Phải tới thời Cách Mạng Tư Sản Pháp thì các quầy sách cũ mới phát triển. Năm 1789, từ bouquiniste - « người bán sách cũ » được đưa vào từ điển của Viện Hàn Lâm Pháp. Tới thời Napoléon Đệ Tam, những người kinh doanh sách cũ mới chính thức được cấp giấy phép hành nghề. Và vào năm 1859, thành phố Paris quy hoạch hai bên kè sông Seine. Những người sách cũ có chỗ ngồi cố định dọc kè. Trong những năm nổ ra Chiến Tranh Thế Giới lần thứ 2, một số quầy sách cũ đã trở thành hòm thư liên lạc bí mật phục vụ quân Đồng Minh.

Đam mê và tri thức

Đối với đa phần chủ quầy sách cũ, đây là nghề « cha truyền, con nối ». Họ coi đó là truyền thống của gia đình. Nhiều người học nghề từ ông bà, cha mẹ. Có những gia đình cả ba thế hệ - ông bà, cha mẹ và con cái đều cùng bán sách cũ ở bờ sông Seine. Họ sinh ra và lớn lên cùng những quyển sách cổ, cũ rồi theo nghề bán sách cũ. Một số khác có vợ, chồng hoặc bạn bè bán sách cũ, rồi dần dần họ đam mê công việc này. Hiếm có người tình cờ, hay vì chẳng có việc gì làm mà đi bán sách cũ ! Đặc biệt nhất là gia đình cụ bà Hélène Gérard với 6 thành viên thuộc 4 thế hệ sở hữu mỗi người một quầy sách riêng dọc sông Seine. Bà Hélène Gérard bán sách tới năm 2011. Ở tuổi 93, bà là người cao tuổi nhất trong số các chủ quầy sách cũ. Khi đó, cô cháu gái Charlotte Greppo gọi bà Hélène Gérard là cụ mới 21 tuổi và là thành viên trẻ tuổi nhất trong số 250 người bán sách cũ dọc bờ sông Seine.

Làm thế nào để sở hữu một « tiệm sách sông Seine » ? Ông Francis Robert giải thích : « Để có quầy sách ở đây, cần đăng ký với tòa thị chính Paris. Có 1 cơ quan chuyên phụ trách việc này. Có 1 ủy ban xét duyệt, không phải năm nào cũng có, có khi phải 2 -3 năm mới có một lần. Ủy ban này sẽ xét hồ sơ ủa các ứng viên. Ủy ban có 3 thành viên là chủ quầy sách, 3 đại diện của thành phố Paris và 3 đại diện cho giới kinh doanh sách. Các ứng viên không cần điều kiện đặc biệt gì, nhưng đương nhiên họ phải am hiểu và đam mê sách. Thường thì họ có nhiều hiểu biết về sách và có bộ sưu tập sách rất đồ sộ. Đôi khi đó là những người đã từng là chủ hiệu sách trên phố nhưng bị phá sản và họ muốn có một quầy sách thế này. … Nói chung, đây là lĩnh vực đòi hỏi phải có tri thức ».

Am hiểu văn chương, đam mê sách, một số chủ quầy sách cũ còn là nhà văn, chẳng hạn chị em bà Laurence và Liliane Korb đã xuất bản 4 tiểu thuyết trinh thám dưới bút danh Claude Izner. Người ta có thể tìm thấy đủ loại sách dọc bờ sông Seine. Một số quầy sách chuyên về truyện tranh, một số khác lại bán chủ yếu sách lịch sử hay tiểu thuyết văn học …

Một hiệu sách cũ dọc bờ sông Seine, Paris.
Một hiệu sách cũ dọc bờ sông Seine, Paris. RFI

Sách hay quà lưu niệm ?

Những người bán sách cũ ven sông Seine không phải nộp thuế kinh doanh, cũng không phải trả tiền thuê mặt bằng cho thành phố Paris, nhưng họ phải tuân thủ những quy định chặt chẽ mà chính quyền thành phố đề ra, từ kích thước thùng sách cho tới số ngày bán sách trong tuần. Theo quy định có từ năm 1993, mỗi quầy sách trải dài tối đa 8,6m, gồm tối đa 4 thùng sách. Mỗi thùng sách dài 2m, rộng 75cm, mặt sau hộp sách, phía sát sông Seine cao 60cm, mặt trước thùng sách cao 35cm. Tất cả các thùng sách đều bằng kim loại, sơn màu xanh lá cây thẫm. Mỗi tuần, các quầy sách phải mở cửa ít nhất 4 ngày/tuần, trừ những ngày mưa, tuyết hay gió bão.

Tới năm 2009, trước tình trạng các quầy sách bán quá nhiều đồ lưu niệm, đặc biệt ở hữu ngạn sông Seine hay khu trung tâm du lịch gần nhà thờ Đức Bà Notre Dame de Paris, tòa thị chính Paris lo ngại các quầy sách không còn đúng nghĩa là quầy sách như trước đây nên đã ra quy định theo đó mỗi quầy sách chỉ được bày bán tối đa 1 hộp đồ lưu niệm. Một quan chức phụ trách các quầy sách cũ ven sông Seine giải thích nếu muốn bán đồ lưu niệm thì họ phải đăng ký mở cửa hàng chuyên bán đồ lưu niệm, điều đó có nghĩa là họ phải nộp thuế kinh doanh chứ không được miễn thuế kinh doanh như những người bán sách cũ. Và chính quyền Paris tỏ ra rất cứng rắn, nhất là từ sau năm 2010 vì vào năm đó, chỉ có 22 quầy sách mới mà có tận hơn 100 ứng viên nộp hồ sơ. Chính quyền tin tưởng rằng họ sẽ tìm được những người thực sự chỉ muốn kinh doanh sách cũ.

Ông Francis Robert cho biết trước đây ông chuyên bán truyện tranh, nhưng từ vài năm nay, do ảnh hưởng của Internet, công việc kinh doanh sách của ông gặp nhiều khó khăn vì khách hàng có nhiều cách mua sách, truyện khác nhau. Vì thế, ông phải bán thêm cả quà lưu niệm. Ông Francis Robert cho biết có hai loại khách hàng. Những khách mua sách lâu năm, họ là người dân Paris, hay là người dân ở tỉnh, nói tóm lại là người Pháp. Còn khách du lịch thì thường mua đồ lưu niệm. Rất ít khách du lịch nước ngoài tới Pháp để mua sách bằng tiếng Pháp. Một số chủ quầy sách cũng cùng ý kiến với ông Francis Robert. Họ cho rằng chỉ bán sách thì không đủ sống.

Nhưng việc một số quầy sách cũ bán nhiều đồ lưu niệm không chỉ vấp phải sự phản đối của chính quyền Paris, mà còn bị chính một số chủ quầy sách, nhất là những người bán sách ở tả ngạn sông Seine phản đối. Ông Alain, người có thâm niên bán sách cũ từ 30 năm và chỉ trung thành với các cuốn sách, giải thích : « Chất lượng của một quầy sách cũ nằm ở sự lựa chọn sách của chủ quầy và sự am hiểu các tác phẩm mà họ bày bán. Một số quầy sách bán những cuốn sách có giá 20 xu, chỉ để cho có bán mà thôi. Họ bán đủ thứ khác nữa. Có nghĩa là họ đã chuyển sang làm nghề khác mất rồi ». Ông Alain cũng khẳng định : « Nếu bán sách mà không có lãi thì chúng tôi đã không còn ngồi bán ở đây nữa ! ». Ông Alain say mê với công việc tới mức không mấy khi đi nghỉ. Ông thích vừa ngồi đọc sách, vừa trông quầy hàng hơn là đi nghỉ, kể cả vào mùa hè.

Từ một, hai năm nay, du lịch mất mùa cũng khiến các quầy sách cũ thất thu. Sau khi xảy ra khủng bố ở Paris, theo ông Francis Robert, số sách cũng như đồ lưu niệm bán được đều đã giảm 50%. Nhưng nhiều người tin rằng với những con người hiểu biết, đam mê, gắn bó với những cuốn sách cổ, sách cũ như gia đình cụ bà Hélène Gérard, ông Alain và ông Francis Robert, những quầy sách cũ dọc kè sông Seine sẽ mãi còn đó, để « Paris vẫn mãi là Paris » ! Và hy vọng những người bán sách cũ dọc bờ sông Seine vẫn mãi là « những người bán tri thức, tâm hồn và niềm hạnh phúc » như thi sĩ danh tiếng Anatole France từng viết.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.