Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - VĂN HÓA

Eurovision 2017: Khi chính trị lại xen vào ca nhạc

Ngày 13/05/2017, cuộc thi ca nhạc Eurovision - Tiếng Hát Truyền Hình Châu Âu lần thứ 62 lại mở ra, tại Kiev, thủ đô Ukraina. Và một lần nữa, một sự kiện trên nguyên tắc là phải phi chính trị, lại biến thành một đấu trường giữa hai quốc gia « thù địch » : nước chủ nhà Ukraina, và một trong những thành viên Eurovision là Nga.

Bên ngoài sân khấu lớn của cuộc thi tiếng hát trên truyền hình châu Âu Eurovision tại Kiev. Ảnh chụp ngày 27/04/2017.
Bên ngoài sân khấu lớn của cuộc thi tiếng hát trên truyền hình châu Âu Eurovision tại Kiev. Ảnh chụp ngày 27/04/2017. REUTERS/Gleb Garanich
Quảng cáo

Tuần báo Anh The Economist, trong số ra ngày 04/05 đã đánh giá diễn biến đáng buồn này trong bài « Một cuộc thi Eurovision khác, một khủng hoảng ngoại giao khác - Another Eurovision song contest, another diplomatic crisis » dưới một tiểu tựa không gì rõ ràng hơn : « Chiến tranh âm nhạc – War music ».

Mở đầu với câu hỏi « Chuyện gì xẩy ra khi nhạc pop phù phiếm gặp phải chính trị ? », The Economist ghi nhận một thông lệ « lạ lùng » theo đó một cuộc trình diễn nhạc pop như cuộc thi ca nhạc Eurovision, lý ra phải là phi chính trị, nhưng gần như năm nào cũng làm dấy lên những tranh cãi dữ dội.

Trong một vài năm gần đây, Nga là nước đã tỏ ra đặc biệt nhậy cảm và đã nhiều lần tỏ thái độ. Tuần báo Anh nhắc lại là vào năm 2014, khi ca sĩ Áo Conchita Wurst, một drag queen râu rậm nhưng trong trang phục nữ giới, thắng giải, nhiều tiếng nói từ Nga và Belarus đã vang lên yêu cầu không phát bài hát đoạt giải, đồng thời tố cáo cuộc thi là « hang ổ của trụy lạc ».

Qua năm ngoái 2016, Ukraina thắng giải Eurovision với bài hát « 1944 » nói về thảm cảnh người Tatar ở Crimée bị lưu đày dưới thời Stalin, do chính nữ ca sĩ Jamala, một người Tatar trình bày. Kết quả này lập tức làm Matxcơva nổi giận, vì chính Nga đã xâm chiếm và sát nhập vùng Crimée của Ukraina vào năm 2014.

Ukraina cấm cửa thí sinh Nga, châu Âu bất lực

Và Eurovision năm nay cũng không ra ngoài « truyền thống » cãi cọ đó, vẫn giữa Kiev và Matxcơva. Nhờ chiến thắng vào năm ngoái, Ukraina được quyền đăng cai tổ chức cuộc thi mà vòng chung kết sẽ diễn ra ngày 13/05.
Đài truyền hình chính của Nga, Channel One, đã cử thí sinh của Nga tham gia thi tài : nữ ca sĩ Yulia Samoilova, 28 tuổi, một ca sĩ bị tật phải ngồi xe lăn.

Vấn đề là Yulia Samoilova đã từng qua biểu diễn tại Crimée vào năm 2015, và như thế rơi vào diện bị cấm nhập cảnh Ukraina, một quyết định mà Kiev đã ban hành nhắm vào mọi người Nga, từng đến Crimée sau ngày vùng này bị Nga sát nhập năm 2014, hay những ai công khai ủng hộ chính sách Nga tại Crimée.

Chỉ ít lâu sau khi nữ ca sĩ Yulia Samoilova được Nga đề cử, cơ quan an ninh Ukraina thông báo ngay là cô không được phép đến Ukraina. Ban tổ chức cuộc thi Eurovision, Liên Hiệp Truyền Thông Châu Âu EBU (European Broadcasting Union) đã chỉ trích quyết định của Ukraina là đã phá hủy « sự toàn vẹn và tính chất phi chính trị » của cuộc thi, và yêu cầu Kiev thay đổi ý kiến nhưng vô ích.

EBU đã quay sang đề nghị Nga, hoặc là để cho Yulia Samoilova tham gia cuộc thi « từ xa », nghĩa là biểu diễn ở Nga và màn trình diễn sẽ được chiếu trực tiếp qua màn ảnh truyền hình cuộc thi tại Kiev, hoặc là đề nghị hẳn một thí sinh khác.

Dĩ nhiên là đề nghị trên đã bị đài Channel One từ chối, và phía Nga sẽ không tham gia cuộc thi Eurovision năm nay. Vào đúng hôm mà lẽ ra cô tranh tài ở vòng bán kết, Yulia Samoilova trình diễn ở Sébastopol; thủ phủ vùng Crimée.

Cả Nga lẫn Ukraina đều lợi dụng sự cố ca nhạc Eurovision

Theo nhận định của The Economist, sự cố Eurovision có lợi cho chính quyền Nga, cho phép phương tiện truyền thông trong tay ông Putin mô tả Ukraina như là một đất nước do những thành phần dân tộc chủ nghĩa xấu xa cai quản, nhỏ nhen cả đối với những người đi xe lăn (thay vì, chẳng hạn như là nói đến một nước không muốn bị láng giềng mạnh hơn chia năm xẻ bảy).

Nhưng chính quyền Ukraina cũng được lợi, vì sự cố đó cho phép Kiev đánh lạc hướng dư luận, để dân chúng bớt chú ý đến việc chính quyền đã không hoàn thành các lời hứa nhân cuộc Cách Mạng Maidan năm 2014. Theo chuyên gia Balázs Jarábik, thuộc trung tâm tham vấn Carnegie Endowment for International Peace, việc than phiền về Nga cho phép xóa nhòa thực tế là chính quyền Ukraina thôi không tiếp tục những cải tổ khó khăn như bài trừ tham nhũng chẳng hạn.

Ngay cả đối với ban tổ chức cuộc thi Eurovision tại Ukraina cũng có vấn đề. Kiev muốn giới hạn chi phí tổ chức ở mức 16 triệu đô la, không tốn kém như ở Đan Mạch vào năm 2014 với 61 triệu đô la. Thế nhưng phần chi tiêu đã tăng vọt. Tháng 11 vừa qua, lãnh đạo đài truyền thông Nhà nước – mới được hưởng quy chế độc lập - đã từ chức và tố cáo chính quyền cắt giảm ngân sách của ông dành cho sự kiện.

The Economist kết luận : Với những sự cố như kể trên, có thể nói rằng ở cả Ukraina lẫn ở Nga, tấn kịch truyền hình bao giờ cũng che đậy thực tế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.