Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Méditerranéennes : Những tâm hồn Địa Trung Hải

Đăng ngày:

Méditerranéennes (tạm dịch là Những tâm hồn Địa Trung Hải) là tựa đề album gần đây của Julie Zenatti. Tập nhạc này đánh dấu 20 năm sự nghiệp của cô ca sĩ Pháp, thành danh vào năm 16 tuổi (năm 1997) nhờ vai diễn trong vở ca nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris) của hai tác giả Richard Cocciante và Luc Plamondon.

Tạp Chí Âm Nhạc
Tạp Chí Âm Nhạc RFI/Tiếng Việt
Quảng cáo

Trong vòng 20 năm ca hát, Julie Zenatti đã cho ra mắt tổng cộng tám album, các tập nhạc trước đây là những dự án ghi âm solo, còn album được phát hành (cuối tháng Ba năm 2017) lại là một dự án ghi âm tập thể, quy tụ cùng lúc nhiều giọng ca, đến từ nhiều quốc gia, xuất thân các chân trời âm nhạc khác nhau. Tiếng Ý, tiếng Pháp, thổ ngữ đảo Corse, tiếng Tây Ban Nha, Do Thái, Ả Rập hay Hy Lạp, các ngôn ngữ thể hiện trên album đều nằm trong tầm ảnh hưởng của các nền văn hóa ven bờ Địa Trung Hải, có lẽ cũng vì thế mà tập nhạc này có nhan đề là Méditerranéennes.

Bản thân cô ca sĩ Julie Zenatti cũng có nhiều dòng máu. Gia đình cô người Ý gốc Do Thái và lập nghiệp tại vùng Kabylie. Theo bố mẹ cô, chữ Zenatti xuất phát từ xứ Zenètes và trở thành một cái tên gọi khá thông dụng ở Bắc Phi, cũng như tại vùng Sardaigne của Ý, hay trên đảo Corse của Pháp. Do vậy, đối với cô Julie Zenatti, chủ đề Địa Trung Hải là một cách để tìm lại những kỷ niệm gia đình nói riêng, để trở về cội nguồn gốc rễ nói chung. Về mặt địa lý, Địa Trung Hải không chỉ là cái nôi mà còn là nhịp cầu bắc nối giữa hai bờ văn hóa.

Để ghi âm tập nhạc Méditerranéennes, Julie Zenatti đã triệu mời khá nhiều nghệ sĩ mà như cô nói gốc gác của họ từ đời này sang đời nọ nhiều đến nỗi, không thể nào tóm tắt, ghi chép gọn gàng trên một tờ sơ yếu lý lịch. Trong số các giọng ca nữ, có Nawel Ben Kraiem, Sofia Essaïdi, Elisa Tovati. Ca khúc đầu tiên trích từ album này là nhạc phẩm Zina (nguyên tác của nhóm Babylone) do Julie Zenatti song ca với cô bạn đồng nghiệp Chimène Badi. Còn về phía các giọng ca nam, có các gương mặt trẻ như Claudio Capéo hay Slimane bên cạnh nam danh ca Enrico Macias.

Đây không phải là lần đầu tiên một dự án ghi âm tập thể hình thành theo đề xướng của một cá nhân. Cách đây hơn một năm, vào cuối năm 2015, nam ca sĩ Patrick Fiori đã triệu tập hơn 30 nghệ sĩ xung quanh dự án Corsica (Corsu Mezu Mezu). Các bản nhạc ở đây chủ yếu là dân ca đảo Corse, và được ghi âm dưới dạng song ca giữa một ca sĩ Pháp (Maurane, Bénabar, Michel Fugain, Francis Cabrel, Maxime Le Forestier, Grand Corps Malade, Patrick Bruel ……) và một ca sĩ xuất thân từ hòn đảo này.

Trong số các nghệ sĩ Corse có Antoine Ciosi, Francine Massiani, Jean Menconi và nhất là Petru Santu Guelfucci, do bản nhạc của anh là ca khúc mở đầu và được chọn làm chủ đề cho album … Cả hai dự án vừa kể đều có sự góp mặt của Enrico Macias, do nhạc phẩm Solenzara (tiếng Việt từng chuyển dịch thành Nắng Xuân) từng giúp cho Enrico Macias ăn khách vào những năm 1964-1965 chính là một ca khúc rất nổi tiếng của đảo Corse.

Còn tập nhạc Méditerranéennes cũng bao gồm khá nhiều bản chuyển ngữ phóng tác, một là đặt thêm lời Pháp (Julie Zénatti cộng tác với tác giả Cécile Gabrié) cho các bản nhạc tiếng nước ngoài, hai là đi theo hướng hoàn toàn ngược lại, viết thêm một số trích đoạn ngoại ngữ cho các bài hát rất nổi tiếng của Pháp.

Đó là trường hợp của bản nhạc Mon Amie La Rose (Kiếp hồng mong manh), nhạc và lời của tác giả Cécile Caulier, từng ăn khách qua giọng ca của thần tượng Françoise Hardy vào năm 1964. Mãi tới hơn ba thập niên sau, khi ca sĩ người Ai Cập Natcha Atlas ghi âm lại bài này với nhiều nhạc cụ truyền thống Ả rập, bài hát một lần nữa phá kỷ lục số bán và đoạt luôn giải Victoires de la Musique trong hạng mục (world music) âm nhạc thế giới.

Lần này, nam ca sĩ Slimane đã giữ nguyên các âm hưởng phương Đông nhưng kết hợp với một lối hoà âm phối khí tân kỳ, hiện đại hơn. Sau khi thành danh nhờ đoạt giải quán quân chương trình thi hát truyền hình The Voice phiên bản tiếng Pháp, Slimane là gương mặt xuất hiện nhiều nhất trong các dự án ghi âm tập thể, có thể giúp cho bài Mon Amie La Rose chinh phục thêm nhiều trái tim trong lớp fan trẻ tuổi.

Trên album Méditerranéennes, cho dù quốc tịch, màu da hay tuổi tác của các nghệ sĩ có khác nhau đi chăng nữa thì họ vẫn là những nhân vật, những tính cách trong cùng một câu chuyện kể, không gian bối cảnh (hai bờ nam bắc) hay là cột mốc thời gian (xưa cũng như nay) đều gắn liền với Địa Trung Hải. Điều đáng ghi nhận là các bản nhạc ở đây đều được ghi âm dưới dạng song ca và nhất là song ngữ, tạo ra sự tung hứng đối đáp giữa các giọng hát với nhau.

Những mẫu đối thoại ấy tựa như lời gọi mời, mong sao cho người nghe viết tiếp câu chuyện, tưởng tượng ra phần cuối của cuộc hành trình, những bài song ca ấy lại giống như những dấu gạch nối. Cho dù trên hộ chiếu có ghi quốc tịch gì đi chăng nữa, cho dù phải đi xa mà không biết có ngày trở lại thì những con người ấy vẫn luôn mang theo một tâm hồn Địa Trung Hải.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.