Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Ai là người yêu Édith Piaf trong bài La Vie En Rose?

Đăng ngày:

Mỗi lần nhắc đến nước Pháp, du khách người Mỹ, Nhật hay Việt thường nghĩ tới các biểu tượng văn hóa như tháp Eiffel, nhà thờ Đức Bà Paris, nước hoa Chanel số 5, Những người khốn khổ của văn hào Victor Hugo hay Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust. Nhưng khi nhắc đến nhạc Pháp, người ta không nghĩ tới bài quốc ca La Marseillaise, mà chỉ nhớ bài La Vie En Rose của Édith Piaf.

Tạp Chí Âm Nhạc
Tạp Chí Âm Nhạc RFI/Tiếng Việt
Quảng cáo

Cuộc đời màu hồng (La Vie En Rose) chính thức được phát hành trên đĩa nhựa vào năm 1947, tức cách đây vừa đúng 70 năm, nhưng thật ra bài hát đã được hoàn chỉnh từ năm 1945. Bản nhạc ban đầu có tựa đề là Les Choses en Rose và Édith Piaf sáng tác bài này (cả nhạc lẫn lời) không phải cho mình mà là cho cô bạn đồng nghiệp Marianne Michel.

Chính cô Marianne đã gợi ý với Édith Piaf nên chỉnh sửa Les Choses en Rose thành La Vie En Rose cho hợp với ngữ điệu. Bài hát đã giúp cho tên tuổi của Marianne Michel càng thêm lẫy lừng trên sân khấu Paris thời bấy giờ. Sự thành công đó mới thuyết phục Édith Piaf ghi âm bài hát này trên đĩa nhựa vào tháng 10 năm 1946, vì bản thân bà cũng như giới sản xuất đánh giá thấp bài hát Cuộc đời màu hồng /La Vie En Rose, một bản nhạc mà họ cho là còn chưa xứng đáng với tầm vóc của Édith Piaf.

Theo nhà phê bình Nicolas d’Estienne d’Orves, khi đăng ký tác quyền ca khúc La Vie En Rose (Cuộc đời màu hồng) với hiệp hội các tác giả Sacem, Édith Piaf được công nhận là tác giả đặt lời cho ca khúc, thế nhưng vì bà không thạo nhạc lý, không biết đọc cũng như không biết viết các nốt nhạc, cho nên bà mới mượn tên của một người khác có đủ tiêu chuẩn hơn bà, chính cũng vì thế mà bà đã ghi tên nhạc sĩ dương cầm Louiguy (biệt danh của Louis Guglielmi) là người đã soạn giai điệu cho bài hát La Vie En Rose. Lúc sinh thời, Édith Piaf đã sáng tác 87 ca khúc như vậy và mỗi lần bà phải mượn tên một nhạc sĩ để đăng ký tác quyền. Đó là trường hợp của bài L’Hymne à l’Amour (Bản tình ca ) sáng tác với nhạc sĩ Marguerite Monnot.

Tại Pháp, hầu như mọi người đều biết là tình khúc L’Hymne à l’Amour ( Bản tình ca) từng được Édith Piaf viết cho tình nhân quan trọng nhất trong đời bà là vô địch quyền anh Marcel Cerdan. Vậy thì La Vie En Rose (Cuộc đời màu hồng) đã được viết cho ai ? Bài hát có câu mở đầu rất ướt át nóng bỏng : "Quand il me prend dans ses bras, et qu’il me parle tout bas, je vois La Vie en Rose …..."

Khi người ôm ta vào lòng
Bên tai thì thầm ru mộng
Lên hương, đời thấy màu hồng

Người thốt bao lời yêu thương
Những câu nói tựa ngày thường
Sao hồn xao xuyến vấn vương

Hình bóng người đã đi vào
Trong tim, hạnh phúc dâng cao
Một phần, ta biết vì sao

Hẹn thề mãi mãi lứa đôi
Từ nay không gì thay đổi
Bên nhau muôn thuở trọn đời

Chỉ cần bắt gặp hình bóng
Lại nghe tiếng đập rung động
Nhịp tim mạnh đến nao lòng

Bản phóng tác La Vie En Rose (Tuấn Thảo / RFI)

Ai là người đàn ông đã ôm Édith Piaf vào lòng, khiến cho bà nhìn mọi thứ qua lăng kính màu hồng (Les choses en rose) ? Theo nhà phê bình kiêm phóng viên Robert Belleret, tác giả của quyển tiểu sử ‘‘Piaf, un mythe francais’’ (nhà xuất bản Fayard), thì có rất nhiều khả năng nhân vật chính trong bài hát là nam ca sĩ Yves Montand.

Tác giả Robert Belleret đã thực hiện điều mà đáng lẽ ra tất cả các nhà báo phải làm đó là tham khảo tra cứu toàn bộ các thư từ văn bản liên quan tới Édith Piaf (công bố từ năm 2003), lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Pháp. Trong số hàng trăm bức thư gửi riêng cho nhà văn Jacques Bourgeat (1888-1966), được xem như là một người cha đỡ đầu, Édith Piaf thường hay thổ lộ tâm tình về những mối tình khiến cho bà phải ray rức trăn trở.

Theo tác giả Robert Belleret, Édith Piaf trong đời đã có quan hệ tình cảm với 24 người đàn ông. Vào cái thời sáng tác nhạc phẩm La Vie En Rose (Cuộc đời màu hồng), bà đang yêu một ca sĩ mới vào nghề là Yves Montand. Hai người gặp nhau nhân một buổi biểu diễn tại nhà hát Moulin Rouge vào năm 1944, và trong suốt thời gian sau đó (từ đầu năm 1945 tới giữa năm 1946), cả hai thường xuyên đi hát chung nhân các vòng lưu diễn khắp nước Pháp. Yves Montand đảm trách phần hát mở đầu, Édith Piaf mới là ca sĩ chính. Thời gian lưu diễn càng làm cho hai người dễ quấn quýt gần gũi …..

Khi mới quen nhau, Yves Montand chỉ mới 23 tuổi, nhỏ hơn Édith Piaf tới 7 tuổi. Hai người yêu nhau mãnh liệt say đắm. Nỗi đam mê cuồng nhiệt ấy được Édith Piaf diễn tả trong Cuộc đời màu hồng (La Vie En Rose) một cách bình dị mà da diết, chân phương mà tha thiết.

Thế nhưng đến khi Yves Montand thật sự thành danh và bắt đầu đi hát với tư cách là ca sĩ chính, Édith Piaf lại đột ngột thay đổi thái độ. Sau này, nhân một cuộc phỏng vấn truyền hình, Yves Montand cho biết là ông vẫn không hiểu ông đã phạm sai lầm gì khiến cho Édith Piaf lại có thái độ như vậy : đoạn tuyệt mà không nói một câu, chia tay không một lời giải thích, Édith Piaf khi đang yêu càng si mê, khi hết yêu lại càng cay độc tàn nhẫn ……

Dù gì đi nữa, bài hát Cuộc đời màu hồng được phát hành chính thức vào năm 1947, tức là sau khi hai người đã chia tay nhau, nhưng lại giúp cho Édith Piaf nổi tiếng trên toàn thế giới, ‘‘La Vie en rose’’ chiếm hạng đầu tại nhiều quốc gia và riêng tại Hoa Kỳ, bài này được bán hơn một triệu bản trong năm 1947, một điều chưa từng thấy đối với một bài hát Pháp. Cuộc đời màu hồng (La Vie En Rose) từ đó trở đi trở thành bài hát tủ (signature song) của Édith Piaf, để rồi sau đó cho ra đời trên dưới hai ngàn phiên bản trong nhiều thứ tiếng khác nhau.

Theo nhà báo Jean-Dominique Brierre, tác giả quyển sách ‘‘Sans amour, on n’est rien du tout’’ hàm ý rằng : Không có tình yêu, đời người chẳng còn nghĩa lý gì, thì cho dù mối tình của Édith Piaf và Yves Montand không bền vững được lâu, nhưng ca khúc Cuộc đời màu hồng (La Vie En Rose) lại trở nên bất tử do nó nắm bắt được cái khoảnh khắc rất gần và rất thật của những con người đang yêu không những bằng cả trái tim mà còn bằng cả linh hồn và thể xác.

Qua việc lột tả tâm trạng của người đàn bà đang ngụp lặn trong tình yêu say đắm, La Vie En Rose lại nói lên cái cảm giác của bao tình nhân : sống cho trọn hôm nay, tận hưởng từng phút giây, vì có ai nào hay sống hoặc chết ngày mai ….. Do ra đời ngay sau Thế Chiến thứ hai mà Cuộc đời màu hồng (La Vie En Rose) tự nó đã đi vào huyền thoại, khi bản nhạc nói lên được niềm khao khát mãnh liệt của bao con người vừa trải qua những năm tháng khốc liệt : giao tranh càng kinh hoàng dữ dội, con người càng ‘’yêu cuồng sống vội’’.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.