Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Kertész Imre, người khắc họa nỗi đau diệt chủng Do Thái

Đăng ngày:

Nhà văn, dịch giả Kertész Imre, người Hungary duy nhất được giải Nobel Văn chương cho tới nay, từ trần tại nhà riêng ở Budapest ngày 31/3/2016, sau một thời gian dài lâm trọng bệnh, thọ 87 tuổi. Năm 2002, Ủy ban Giải thưởng Nobel của Thụy Điển tôn vinh “một sự nghiệp văn học nói lên trải nghiệm mỏng manh của cá nhân, đối lập với sự độc đoán tàn bạo của lịch sử”.

Imre Kertesz tại một buổi lễ ở Bảo tàng Do Thái Berlin ngày 15/11/2008.
Imre Kertesz tại một buổi lễ ở Bảo tàng Do Thái Berlin ngày 15/11/2008. REUTERS/Marcel Mettelsiefen/Pool/Files
Quảng cáo

Kertész được coi là người đã khắc họa xuất sắc bản chất của các thể chế độc tài toàn trị - đặc biệt là độc tài quốc xã - bằng cả sự nghiệp sáng tác của mình, với cách tiếp cận mới mẻ dòng văn học về đề tài diệt chủng sắc dân Do Thái trong Thế chiến thứ hai.

Năm 2002, khi trao giải Nobel Văn chương cho Kertész, Ủy ban Giải thưởng Nobel của Thụy Điển đã xiển dương và tôn vinh các tác phẩm của ông là “một sự nghiệp văn học nói lên trải nghiệm mỏng manh của cá nhân, đối lập với sự độc đoán tàn bạo của lịch sử”.

Là người luôn có những nghiền ngẫm về ý nghĩa và bản chất của cuộc sống và cái chết trong các tác phẩm của mình, Kertész từng thổ lộ trong một tác phẩm mang tính tự truyện cách đây mươi năm: “Tôi luôn muốn chết, và thay vào đó, tôi lại viết một cuốn sách”.

Hơn hai chục năm trước, trong một cuộc gặp mặt giới hâm mộ, có người đặt cho nhà văn một câu hỏi cắc cớ : sau khi đã viết hết những gì có thể viết về cuộc sống trong bộ ba tác phẩm lớn về Holocaust, độc giả khó hình dung Kertész còn gì nữa để viết.

Khi đó, nhà văn đã cười và hỏi lại : có phải các bạn muốn nói rằng tôi đã có thể chết rồi phải không? Nhưng thật may mắn, Kertész vẫn sống, vẫn viết, vẫn gây tranh luận gay gắt với không ít ý tưởng nhiều khi bị chính quyền và cả người dân Hung coi là nhạy cảm.

Cái chết chỉ đến với Kertész sau đó hai thập niên, khiến ông trở thành bất tử và “dân tộc Hung phải biết mừng vì họ có một con người mà hậu thế còn có thể tranh luận dài dài qua nhiều thế hệ về ông”, như lời của một ký giả cựu trào khi biết tin Kertész qua đời.

Nhà văn của Holocaust và độc tài toàn trị

Kertész Imre thường nói, ông không được chuẩn bị, không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một nhà văn, và khi đã viết, không bao giờ ông viết để trở nên nổi tiếng, hoặc trở thành nhà văn lớn. Ông viết như một định mệnh mà số phận đau khổ đã trao cho ông.

Có rất ít thông tin về những thập niên đầu đời của Kertész. Chỉ biết ông sinh tại Budapest năm 1929 trong một gia đình gốc Do Thái, vào mùa hè 1944, khi mới 15 tuổi, ông cùng mười mấy người bạn bị đưa đến các trại tập trung, từ Auschwitz, rồi đến Buchenwald.

Đó là thời điểm đen tối nhất của cộng đồng Do Thái tại Hungary : chỉ nội trong vòng vài tháng, đã có 6-700 ngàn người bị đưa đi các trại hủy diệt hoặc bị tàn sát tại quê hương, chiếm 1/10 con số nạn nhân Do Thái của đại nạn Holocaust trong Đệ nhị Thế chiến.

May mắn thoát chết và được giải cứu bởi quân đội Mỹ vào ngày 11-4-1945, Kertész hồi hương và sau chiến tranh, ông làm nhiều nghề (viết báo, công nhân trong phân xưởng, v.v...) để kiếm sống. Thạo tiếng Đức, từ năm 1953, ông trở thành một dịch giả văn học Đức.

Cũng trong những năm tháng đó, trải nghiệm Lò thiêu được Kertész nung nấu, và quyết định biến thành đề tài chủ đạo trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác sau này, cũng như đề tài về tự do của con người trong một thể chế toàn trị, và còn lại gì sau Auschwitz ?

Cả đời, Kertész đi tìm lời đáp cho câu hỏi, làm sao mà con người có thể trở thành kẻ sát nhân, hoặc nạn nhân vào bất cứ khoảnh khắc nào. Đó cũng là một phần nội dung của tiểu thuyết đầu tay “Không số phận”, tác phẩm chính trong văn nghiệp của ông.

Định bỏ ra một hai tháng để viết, nhưng rồi “Không số phận” đã được thai nghén trong vòng 13 năm (1960-1973) giữa những điều kiện sống khó khăn cơ cực về vật chất - nhưng đặc biệt là o ép về tinh thần - tại một căn hộ một buồng nhỏ xíu tại Budapest.

Ròng rã trong những năm ấy, như một người cầm bút, Kertész không được sự thừa nhận của chính quyền và văn giới. Ông sống trong cơn mộng du sau thảm cảnh Holocaust, một đề tài “không bao giờ trở thành quá khứ” đối với Kertész, theo một chia sẻ sau này.

Được ấn hành lần đầu năm 1975 sau hai năm bị từ chối với lý do “chưa đạt”, “Không số phận” không có ngay được sự thừa nhận : về căn bản, độc giả Hungary cũng chỉ biết đến tác phẩm này một cách rộng rãi sau khi Kertész được trao giải Nobel Văn chương năm 2002.

Cho dù, trước đó, sách đã được dịch ra tiếng Anh, Đức, Pháp được giới phê bình để tâm, và Kertész cũng được nhận nhiều giải thưởng văn học cao quý trong nước và quốc tế, trong đó có Giải thưởng lớn tại Hội chợ sách Leipzich (Đức, 1997), cho chính “Không số phận”.

Lý do của sự thừa nhận chậm trễ đó, một phần có thể là do “Không số phận” đã tiếp cận thảm cảnh Holocaust và Lò thiêu - “sự thật tận cùng về tha hóa của con người trong đời sống hiện đại” - theo một cách mới và khác so với nhiều tác gia lớn của văn học và điện ảnh.

Người khắc họa nỗi đau diệt chủng Do Thái

Có thể coi “Không số phận” là một tác phẩm mang nhiều nét tự sự của chính cuộc đời Kertész. Köves Gyuri, nhân vật chính trong sách, là một cậu bé Do Thái ở Hungary bị nhốt trong biệt khu, rồi đưa tới khu trại tử thần Auschwitz trên toa tàu hỏa bịt kín khi cậu mới 15 tuổi.

Cũng như tác giả Kertész Imre, Köves thoát chết một cách kỳ diệu khi cậu lâm trọng bệnh và chỉ nằm trong bệnh xá chờ Tử thần đến đưa đi, thì được quân Đồng minh tới cứu. Nhưng thử thách thực sự chỉ đến với Köves khi chàng trai hồi hương và thấy mọi thứ đổi khác.

Đổi khác lớn nhất chính là bản thân Köves đã thay đổi : những tháng ngày trong các trại tập trung và hủy diệt khiến cậu không còn khả năng tái hội nhập vào cuộc sống mới, trở thành kẻ lạ lẫm, bơ vơ và mang trong lòng tâm cảm lưu đày ngay tại quê hương mình.

“Không số phận” đề cập tới thảm cảnh Holocaust theo một hướng đi mớ i: bỏ qua việc mô tả sự kinh hoàng của Lò thiêu, sách tập trung khắc họa bản năng sinh tồn và thích ứng của con người với thế giới xung quanh để giành giật sự sống trước tử thần thường trực rình rập.

Ám ảnh nhất, có lẽ là thái độ của cậu bé Köves : có cái gì đó dửng dưng, chấp nhận số phận, bình thản trước mọi sự, không tỏ ra ngạc nhiên, bất bình hay phản kháng, và cũng không tìm lối thoát. Thậm chí, cậu còn có những khoảnh khắc hạnh phúc bên cái chết cận kề.

Như thế, thông điệp của Kertész qua tác phẩm, chính là khả năng thích ứng để tồn tại của con người. Triết lý sinh tồn đó được thể hiện với giọng kể bình thản đến độ lạnh lẽo của nhân vật tôi - người kể chuyện - trong suốt tiểu thuyết, và đọng lại ở những dòng cuối sách : “Ngay cả ở bên đó, bên cạnh những ống khói lò thiêu, giữa những đau đớn vẫn có một thứ gì đó giống như hạnh phúc. Ai cũng chỉ hỏi về những khổ ải, về “những nỗi kinh hoàng”: trong khi ấn tượng này có lẽ lưu lại đáng nhớ nhất."

Đúng, phải nói về điều này, gần nhất tôi sẽ nói cho họ nghe về hạnh phúc của các trại tập trung, nếu sau này họ hỏi. Nếu như họ hỏi. Và chỉ nếu chính tôi cũng không quên điều đó”. Quả là một thứ tình cảm nghịch dị và phi lý, nhưng nó nói lên nỗi đau tột cùng của Holocaust.

Và như thế, Kertész đã vượt lên được bi kịch cá nhân, biến trải nghiệm khổ đau của mình thành bài học lịch sử cho nhân loại qua những trang viết. Ngoài “Không số phận”, ông còn tác phẩm tiếp nối rất quan trọng “Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời” ra đời năm 1990.

Cùng truyện vừa “Thất bại” ra đời năm 1988, hai cuốn sách trên tạo thành bộ “tam bình”, là cơ sở để giải Nobel Văn chương được trao cho Kertész. Với sự tưởng thưởng ấy, ông là nhà văn duy nhất trong số 15 chủ nhân giải Nobel của nước Hungary nhỏ bé, với vỏn vẹn 10 triệu dân.

Cùng với nhiều tiểu luận, những trang nhật lý, hồi tưởng, cả sự nghiệp sáng tác của Kértész được giới nghiên cứu đánh giá là lời phê phán nghiêm khắc “tất cả các thể chế độc tài, đã bần cùng hóa những cơ chế xã hội được đặt cơ sở trên sự tôn trọng cá nhân”.

“Người chuyển giao tinh thần Auschwitz”

Đó là khái niệm mà Kertész tự đặt trong mình, nhấn mạnh trách nhiệm của một người sở dĩ cầm bút viết về Holocaust vì đã “phải sống và đã sống qua trải nghiệm độc nhất vô nhị này của thế kỷ 20”, “tấn thảm kịch lớn nhất của người Âu kể từ những cuộc Thánh chiến”.

Điều khiến Kertész vượt qua được nhiều đồng nghiệp viết cùng một thể loại, là ông quan niệm rằng diệt chủng sắc dân Do Thái “không phải là một hiện tượng riêng lẻ, mà cần phải xem xét nó trong mối tương quan với một trải nghiệm lớn khác của thời đại : chủ nghĩa toàn trị”.

Quan điểm đó khiến Kertész không thực sự được lòng cả cánh tả lẫn cánh hữu, và kể cả sau khi được giải Nobel Văn chương, tác phẩm chính của ông được dựng phim, sách của ông được in ấn đầy đủ thì ngay tại quê hương ông, Kertész vẫn là một gương mặt gây nhiều tranh cãi.

Mười năm cuối đời, gần như Kertész chuyển hẳn sang Berlin sinh sống. Cách đây hơn 3 năm, một kho lưu trữ gồm 35 ngàn trang thư từ, bản thảo, nhật ký và các tư liệu khác của ông cũng đã được mở tại Viện Hàn lâm Nghệ thuật Berlin, mà nhà văn là thành viên lâu năm.

Đối với Kertész, các thế lực cực hữu đang hoành hành tại Hungary, đất nước này không trực diện với quá khứ và Budapest không còn là một đô thị tầm thế giới như trong phát biểu với báo giới nhân sinh nhật lần thứ 80, đúng vào dịp kỷ niệm bức tường Berlin sụp đổ (9-11-2009).

Ngược lại, thủ đô của nước Đức với đời sống văn hóa nở rộ, với những tiệm cà phê và hàng cây bồ đề, lại gợi nhớ tới Budapest thuở thiếu thời của nhà văn. Đã có lúc, Kertész phải trả lời câu hỏi, là kẻ sống sót khỏi Lò thiêu, giờ ông có cảm giác ra sao khi sống với người Đức ?

“Khởi đầu là một tù nhân ở Auschwitz, rốt cục tôi đã được nhận phần thưởng lớn nhất của Nhà nước Đức. Điều này thật nực cười và không thể giải thích được...”, Kertész nói, và thổ lộ thêm rằng bao nhiêu thập niên sống cùng người Hung mới là điều kỳ diệu từ phía ông.

Bởi lẽ, chính Kertész bị người Hung bắt đeo ngôi sao vàng (dấu hiệu của dân Do Thái), bị người Hung giam vào biệt khu, và hiến binh Hung bắt đưa đi Auschwitz. Nhưng rồi rốt cục, những tháng cuối đời, nhà văn vẫn rời Berlin, về chết trên quê hương mà ông không hề chối từ.

“Đủ rồi, tôi đã đạt được mọi điều mong muốn”, Kertész nói vào sinh nhật lần thứ 84 cách đây 2 năm. Ông qua đời sau khi Tượng vàng Oscar năm nay được trao cho một bộ phim Hungary đề tài Holocaust, mà cả đạo diễn lẫn biên kịch đều từng nghiền ngẫm các tác phẩm của ông.

Một gương mặt lớn của nền văn học đương đại Hungary đã ra đi, để lại một di sản lớn lao và đa dạng mà có lẽ còn nhiều năm nữa, hậu thế mới đánh giá được đầy đủ và toàn diện...

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.