Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Amaury Vassili : Dòng nhạc vàng Pháp thập niên 1970

Đăng ngày:

‘‘Chansons Populaires’’ là tựa đề album thứ năm của Amaury Vassili. Thành danh trong làng nhạc Pháp từ năm 2009 nhờ khai thác dòng nhạc bán cổ điển, ca sĩ trẻ với giọng ca tenor nay lại chuyển hướng sang làng nhạc nhẹ, nghiêng hẳn về nhạc pop nhiều hơn là thính phòng hay là opera. Trên tập nhạc thứ năm của mình, Amaury Vassili khai thác triệt để những ca khúc vàng những năm 1970.

Tạp Chí Âm Nhạc
Tạp Chí Âm Nhạc RFI/Tiếng Việt
Quảng cáo

Trong năm nay, Amaury Vassili đã khá bận rộn với vòng lưu diễn nước Pháp. Cách đây đúng một năm (tháng Mười năm 2014), anh đã trình làng tuyển tập gồm các tình khúc Mike Brant, nhân 40 năm ngày giỗ của nam sa sĩ người Israel (mất vào ngày 25 tháng Tư năm 1975). Bên cạnh đó, anh còn tham gia vào dự án ghi âm ca khúc ‘’Écris Moi’’ dành cho tuyển tập tưởng nhớ ca sĩ kiêm tác giả Pierre Bachelet (cùng với các nghệ sĩ như Dave, Gérard Lenorman, Gilbert Montagné, Philippe Lavil, Chico & The Gipsies, Enrico Macias …..)

Tư tưởng hoài niệm dường như vẫn còn rất thịnh trong thời gian khủng hoảng kinh tế : Dalida, Joe Dassin, Jean Ferrat, Michel Berger, Luis Mariano ….. làng nhạc Pháp trong thời gian qua đã cho ra đời rất nhiều album tưởng niệm các giọng ca quá cố, trong đó có tuyển tập các bản tình ca của Mike Brant qua phần trình bày của Amaury Vassili thuộc vào hàng ăn khách nhất (đĩa bạch kim). Điều đó có thể giải thích vì sao nam ca sĩ người Pháp này tuy còn rất trẻ (26 tuổi) nhưng vẫn tiếp tục khai thác dòng nhạc xưa.

Giới nghệ sĩ trẻ ở Pháp từng hát lại nhạc của Jean Jacques Goldman, Renaud, Jacques Dutronc, chưa kể tới những album dành riêng cho những ca khúc thịnh hành vào thập niên 1980 (Les Enfants du Top 50), Amaury Vassili lần này chọn cho mình những bài hát phổ biến nhất vào những năm 1970, trong đó có nhạc phẩm J'ai encore rêvé d'elle (Ta lại mơ đến nàng) song ca với Barbara Opsomer. Đây là ca khúc nổi tiếng nhất của nhóm Il était une fois, lần đầu tiên được phát hành vào năm 1975, tức cách đây vừa đúng 40 năm.

Vay mượn lại tựa đề của một bài hát ăn khách trước đây của Claude François (nhạc phẩm Chanson Populaire còn có tiểu tựa là Ça s'en va et ça revient), album thứ năm của Amaury Vassili bao gồm 14 ca khúc từng giành ngôi vị quán quân trên thị trường đĩa hát tại Pháp cuối những năm 1960 đầu thập niên 1970. Rất nhiều ca sĩ nổi tiếng thời ấy dù còn sống hay đã qua đời, dường như bây giờ đã chìm vào quên lãng hay ít còn được ai nhắc tới.

Đó là trường hợp của Patrick Juvet, Marie Laforêt, hay là Gérard Berliner, Mort Shuman ….. một số gương mặt khác như Nicoletta, Daniel Guichard hay Michel Fugain nhờ gầy dựng được một lượng khán giả hâm mộ trung thành, cho nên họ vẫn tiếp tục đi biểu diễn cho tới tận ngày nay, cho dù họ không còn thường xuyên xuất hiện trên đài truyền hình. Nhưng ít ra, khi tập hợp lại các ca khúc vàng trên cùng một tuyển tập, ta có cảm tưởng là làng nhạc nhẹ những năm 1970 đa dạng đa sắc hơn nhiều so với làng nhạc pop của Pháp thời bây giờ.

Mở đầu với tình khúc Il est mort le Soleil (Mặt trời khuất bóng) của Nicoletta, để rồi kết thúc với Le Lac Majeur (Đại Hồ) của Mort Shuman và Je n’aurai pas le temps (Ta không đủ thời gian) của Michel Fugain, album thứ năm của Amaury Vassili sắp đặt các bài hát tựa như một câu chuyện kể với nhiều nhân vật và nhiều tuyến truyện khác nhau. Dựa vào cái tài hoà âm của Benjamin Constant (từng làm việc với Patrick Bruel, Julien Clerc, Christophe Maé …..), tập nhạc này có lối phối khí đa âm, sử dụng nhiều nhạc cụ gần giống với nhạc phim, hầu tạo ra một sợi chỉ đỏ xuyên suốt, nối liền các bài hát mà thoạt nghe vẫn có những nét khác nhau.

Toàn bộ album chuộng một lối hoà âm nhẹ nhàng tinh tế, khi thì rất mộc, lúc thì dày lớp giao hưởng, bài Il est mort le Soleil (Mặt trời đã khuất) của Nicoletta được phối như nhạc phim điệp viên 007. Nhìn chung một lối hoà âm như vậy khá đạt, cho dù vẫn phản tác dụng trong trường hợp của hai ca khúc là Solitaire (nguyên tác tiếng Anh của Neil Sedaka) và nhất là bài At Seventeen (của ca sĩ kiêm tác giả Janis Ian). Phiên bản phóng tác tiếng Pháp là "À Dix Sept Ans", do Claude François trình bày.

Khi chuyển sang hát nhạc nhẹ, Amaury Vassili cũng buộc phải thay đổi cung cách diễn đạt, trên album này, anh thường hay hát với giọng kim với nhiều khúc chẻ giọng óc, khác hẳn với lối lấy hơi từ bụng khi anh trình bày các giai điệu bán cổ điển trên các album trước đây. Điều đó làm mất đi phần nào cái duyên của giọng ca tenor này nhất là trong những nốt trầm. Amaury Vassili thành công trong việc khoác áo mới cho các tình khúc vang bóng một thời, nhưng đôi khi lối diễn đạt vẫn còn mờ nhạt so với các nguyên tác (chẳng hạn như hai bài Louise & Il a neigé sur Yesterday).

Giới trẻ ở Pháp thời nay khi nghe các sáng tác mới chủ yếu thích nghe các nghệ sĩ như Stromae, Indila, Soprano hay Christine & the Queens. Hướng đi mà Amaury Vassili đã chọn cho mình chủ yếu nhắm vào đối tượng trung niên, người nghe chờ đợi nơi nam ca sĩ trẻ tuổi này một abum gồm những sáng tác mới, nhưng dường như luật thị trường vẫn gò bó giọng ca của Amaury Vassili vào những bản ghi âm lại (cover).

Chỉ riêng tại Pháp, các nghệ sĩ như Vincent Niclo và nhóm Les Stentors đều khai thác cùng một hướng đi, phía làng nhạc quốc tế thì có giọng ca tenor Andrea Boccelli, nhóm Il Divo hay ban tam ca Il Volo. Vì thế cho nên Amaury Vassili khó thể nào mà đạt đến một tầm cao, do vẫn chưa đem lại một dự án ghi âm táo bạo, độc đáo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.